Viện nghiên cứu Capgemini vừa xuất bản báo cáo về tiềm năng của AI đối với an ninh mạng thông qua kết quả khảo sát từ 850 chuyên gia trong 7 ngành trọng điểm như bán lẻ, ngân hàng, tiêu dùng, bảo hiểm, ô tô, tiện ích và viễn thông. 20% trong số những người tham gia là các CIO (Giám đốc CNTT), và 10% là CISO (Giám đốc an toàn thông tin). Họ đến từ các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Australia, Phần Lan, Ấn Độ, Tây Ban Nha và Thuỵ Điển.
Mỹ là quốc gia lựa chọn AI làm giải pháp số 1 để giữ vững an ninh mạng |
Theo Capgemini, chỉ riêng năm 2018, 21% đơn vị tham gia khảo sát cho biết họ đã từng bị lấy thông tin bất hợp pháp, đa phần là những vụ tấn công để tìm cách truy cập vào các tài khoản đặc quyền (PAM), sau đó lấy cắp dữ liệu từ hệ thống doanh nghiệp và bán thông tin cho các website phi pháp. Cụ thể, viễn thông là ngành chịu tổn thất lớn nhất với 80% doanh nghiệp mất hơn 50 triệu USD từ các vụ tấn công mạng, tiếp đến là ngành tiêu dùng (78%) và ngân hàng (75%).
Tuy nhiên, 56% nhà quản lý tiết lộ rằng đội ngũ phụ trách an ninh mạng của họ đang gặp khó khăn khi không thể xử lý toàn bộ những sự cố đã được phát hiện. Có thể hiểu, các nhóm hacker ngày nay sử dụng thuật toán để giả danh một cá nhân, tổ chức nhằm đánh cắp dữ liệu từ người thân, bạn bè bằng cách gửi đi các đoạn ‘tweet’ giả mạo với tốc độ nhanh gấp 6 lần người bình thường. Những ai nhấp chọn vào đường link sẽ bị trộm thông tin cá nhân ngay lập tức.
Do đó, 69% công ty toàn cầu nhận định AI thực sự cần thiết để phát hiện, dự đoán và đáp trả các đợt xâm nhập trái phép. Trong đó, 3 lựa chọn an ninh mạng hàng đầu dựa trên nền tảng AI được các doanh nghiệp ưu tiên lần lượt là an ninh hệ thống mạng (network security), an ninh dữ liệu (data security) và an ninh thiết bị đầu cuối (endpoint security).
Capgemini cũng ghi nhận, 64% doanh nghiệp đồng ý rằng sự xuất hiện của AI trong hệ thống phòng thủ mạng không chỉ giúp đơn vị tiết kiệm ngân sách mà còn giảm thời gian phát hiện xâm nhập lên đến 12%. Điều đó đồng nghĩa với việc tốc độ phát hiện những thay đổi bất thường sẽ nhanh chóng hơn rất nhiều so với thời điểm chưa có tích hợp AI vào “thành trì” an ninh mạng.
zPower - nhà sản xuất pin sạc hàng đầu của Mỹ - cho biết họ đã bắt tay với một “start-up” chuyên về ứng dụng AI để rà soát và phản hồi tự động những biến đổi khác thường. Chỉ cần nhân viên tải nhầm phần mềm chứa virus độc hại, hệ thống mạng sẽ lập tức thanh trừng mối đe dọa theo thời gian thực. Hay chuỗi bán lẻ PetSmart đã tiết kiệm hơn 12 triệu đô từ sau khi sử dụng AI để chống gian lận trong các giao dịch trên toàn quốc.
Theo đó, Capgemini đã phân loại 5 hạng mục tiềm năng nhất mà AI giữ vai trò cốt lõi trong cấu trúc an ninh mạng của doanh nghiệp, gồm: phát hiện gian lận (fraud detection), phát hiện phần mềm gây hại (malware detection), phát hiện xâm nhập (intrusion detection), đánh giá rủi ro trên hệ thống và phân tích hành vi người dùng.
Ông Nicko van Someren - CTO Absolute Software cho hay, "Những công cụ AI ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong vai trò thống kê nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, chẳng hạn như khả năng tổng hợp dữ liệu cấu hình tĩnh, nhật ký lịch sử cục bộ và luồng thông tin về các mối đe dọa toàn cầu. Từ đó dự đoán rủi ro mà doanh nghiệp sẽ gặp phải”.
Dựa vào báo cáo từ Capgemini, thị trường an ninh mạng toàn cầu sẽ đạt giá trị 173 tỷ USD trong năm 2020 và dự kiến cán mốc 270 tỷ USD vào năm 2026 với tỷ lệ tăng trưởng 8.4% mỗi năm. Viện nghiên cứu Capgemini là đơn vị trực thuộc tập đoàn cung ứng dịch vụ đa ngành Capgemini, chuyên nghiên cứu và xuất bản báo cáo về sự thay đổi của các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Qua đó cho thấy sự tác động của quá trình chuyển đổi số lên mô hình hoạt động của doanh nghiệp. |
>> Chuyên gia FPT: 'Việt Nam còn nhiều khoảng trống cho AI'
Đình An
Ý kiến
()