Chúng ta

Chuyên gia FPT: 'Việt Nam còn nhiều khoảng trống cho AI'

Thứ ba, 18/8/2020 | 14:57 GMT+7

Sáng nay (18/8), toạ đàm “Ứng dụng AI phục hồi hoạt động doanh nghiệp” diễn ra theo hình thức trực tuyến với nhiều nội dung hấp dẫn từ chia sẻ của diễn giả, chuyên gia công nghệ về giải pháp AI nhằm nâng cao hoạt động nội bộ (trong quy trình hoạt động sản xuất, quản lý nhân sự, hoạt động kinh doanh liên tục).

Phát biểu khai mạc "Tọa đàm ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Phục hội hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19", ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết đây là chuỗi sự kiện thường niên, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành AI Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng kéo từ Covid-19, Bộ chuyển sự kiện sang tổ chức online ở cả Hà Nội và TP HCM nhằm đảm bảo đúng quy định giãn cách.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện theo hình thức online nhưng vẫn thu hút rất đông người quan tâm qua các nền tảng trực tuyến. Mong rằng những phát kiến quan trọng, sáng tạo sẽ giúp cho các doanh nghiệp tìm ra hướng đi trong Covid-19", ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Ở đầu cầu Canada, bà Joumana Ghosn - GĐ Nghiên cứu ứng dụng - Viện nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo Mila (Canada) chia sẻ, trí tuệ nhân tạo với những ứng dụng gần gũi, thực tiễn tại đất nước này.

3-4501-1597726871.png

Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, TP HCM. Ảnh: VnExpress.

Liên quan đến Covid-19, Viện Mila đang hợp tác với Chính phủ Canada để xây dựng hệ thống giải đáp các câu hỏi từ người dân và doanh nghiệp về dịch bệnh. Phiên bản đầu tiên thực hiện trong 2 tháng rưỡi với nguồn dữ liệu, thông tin thu thập từ các chuyên gia.

Theo đại diện Mila, khó khăn khi triển khai dự án này đến từ bộ dữ liệu đưa vào cho hệ thống rất ít, có những câu hỏi không liên quan, hay thách thức từ việc phải dịch các ngôn ngữ khác nhau. Các dữ liệu này cũng thay đổi theo thời gian. Bộ câu hỏi từ tháng 4 đến 5 đã khác nhau tới hàng trăm câu. Lời khuyên cho các doanh nghiệp ứng dụng AI cần nhấn mạnh vai trò của các lãnh đạo cấp cao, trang bị đủ nguồn lực con người, sẵn sàng cho các rủi ro.

Để ứng dụng AI một cách hiệu quả, đại diện Viện Mila liệt kê một loạt các điểm quan trọng mà hầu hết doanh nghiệp hiện nay lúng túng trong quá trình cập nhật công nghệ. Đầu tiên, hệ thống AI trong doanh nghiệp cần liên tục cải thiện. Với những lỗi sai, nên kiên nhân vì lỗi sai sẽ ngày càng giảm nhờ AI. Đây là quá trình tự học và hoàn thiện của công nghệ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần tiếp "nhiên liệu" là dữ liệu cho hệ thống trí tuệ nhân tạo. Phải có dữ liệu thì những hệ thống này mới tạo ra giá trị. Ngoài ra những máy chủ lớn cũng rất quan trọng cho việc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Một trong những lí do chính khiến doanh nghiệp dễ thất bại trong việc ứng dụng AI là thời gian thực hiện và chi phí dự án. "Chúng tôi thường đưa ra lời khuyên là doanh nghiệp phải tính toán hai thành tố này dựa trên nguồn lực hiện có. Thời gian và chi phí nếu vượt quá điều kiện thực tế sẽ làm dự án AI thất bại nhanh chóng", bà Joumana Ghosn chia sẻ.

1-6782-1597726871.png

Anh Trần Thế Trung là điều phối viên của chương trình toạ đàm. Ảnh: VnExpress.

Phần 2 là phiên thảo luận có sự tham gia của anh Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (điều phối); anh Nguyễn Xuân Phong, Chuyên gia Nghiên cứu AI (Canada); ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank; ông Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng giám đốc Công ty VNN; ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup).

Ngân hàng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Mở đầu phần thảo luận, anh Trần Thế Trung đặt câu hỏi tới đại diện ngân hàng VietinBank: "Là một doanh nghiệp lớn và có độ 'nhạy cảm' cao với nền kinh tế nói chung, VietinBank gặp những khó khăn gì trong quá trình hoạt động trong Covid19?"

Ông Trần Công Quỳnh Lân, PTGĐ Vietinbank cho biết, ngân hàng là một mắt xích quan trọng của nền kinh tế, do đó không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch, đơn cử như về nợ xấu. Ngoài tình hình kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp, hoạt động hàng ngày của ngân hàng cũng chịu hưởng, như việc gặp gỡ trực tiếp với khách hàng bị gián đoạn, khiến lượng giao dịch trầm lắng.

2-5981-1597726871.png

Hiện VietinBank đang hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot. Ảnh: VnExpress.

Theo ông Lân, trong "cái khó ló cái khôn". Ngân hàng đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ, làm việc từ xa, gặp mặt khách hàng trực tiếp từ xa. Nhiều khách hàng phản hồi rất thích vì họ giảm được chi phí đi lại, thời gian mà vẫn đạt hiệu quả. Chỉ 6 tháng đầu năm, số lượng khách hàng mới của Vietinbank sử dụng banking tăng hơn nửa triệu người.

Đại diện VietinBank chia sẻ ứng dụng AI tại ngân hàng này với chatbot hỗ trợ giải đáp các thắc mắc trong đào tạo nhân viên. Chatbot còn được ứng dụng trong hỗ trợ khách hàng. Ông Lân lấy ví dụ một tình huống điển hình là khi khách hàng mất thẻ phải gọi lên tổng đài, không phải lúc nào cũng gặp nhân viên tư vấn vì đường dây đang bận, trong khi đó nhiều người lại không biết đến hỗ trợ từ mobile banking.

Hiện VietinBank hợp tác với FPT triển khai ứng dụng chatbot, dùng AI để xác thực khách hàng khi mất thẻ. Nếu kiểm định đúng chủ sở hữu thẻ, chatbot sẽ tự động khoá thẻ lại. Điều này giúp nâng cao năng suất lao động và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

4-8085-1597726871.png

Anh Trần Xuân Phong cho biết, Việt Nam còn nhiều chỗ trống cho AI. Ảnh: VnExpress.

Theo anh Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia AI của Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada), ngoài những ứng dụng trong eKYC (định danh khách hàng điện tử) như trên, AI còn cho nhiều thành tựu trong lĩnh vực dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông. Hiện AI đã phát triển trên thế giới từ lâu, dẫn đầu là Bắc Mỹ với các công ty công nghệ lớn. Làn sóng tiếp theo từ Đức, Nhật Bản. Với Việt Nam, chúng ta còn nhiều khoảng trống cho AI. Trí tuệ nhân tạo có thể len lỏi mọi ngành. “Điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế, nông lâm thuỷ sản... để phát huy", chuyên gia khẳng định.

Là chuyên gia tham dự chương trình, ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc Khối Sản phẩm ứng dụng, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo. Theo ông, làm AI cần tốc độ, nhưng cũng phải quyết tâm. VinAI Research có những con người giỏi, tài năng và cả sức ép để hoàn thành nhiều sản phẩm. Tuy nhiên kinh phí vẫn là yếu tố rất quan trọng để cho ra đời những sản phẩm trí tuệ nhân tạo chất lượng.

Một đại biểu đến từ viện ứng dụng công nghệ AI đặt câu hỏi cho các diễn giả: "Trên thế giới có các công ty cung cấp dữ liệu cho hệ thống AI, hiện ở Việt Nam có đơn vị nào chuyên về dữ liệu hay không, độ tin cậy ra sao?".

Theo anh Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT, dữ liệu Việt Nam vẫn là bức tranh màu xám vì hệ thống luật pháp còn chưa rõ ràng, gây trở ngại cho các doanh nghiệp khi tiếp cận dữ liệu. Còn đại diện VinGroup cho rằng vấn đề nằm ở mặt cung cầu, dữ liệu ít người mua, người làm thì chưa có.

Bổ sung thêm thông tin, anh Nguyễn Xuân Phong đưa ra giải pháp, trong trường hợp doanh nghiệp không mua được trọn bộ, có thể dán nhán dữ liệu. Tại Việt Nam, một số công ty chuyên cung cấp dịch vụ dãn nhãn dữ liệu để dạy học cho hệ thống, ví dụ như FPT. Vì vậy, các chuyên gia cho sằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu là cần thiết để Việt Nam có thể phát triển và ứng dụng AI nhiều hơn trong các ngành.

Sự kiện nằm trong chuỗi AI4VN được tổ chức thường niên. Sau hai năm tổ chức, sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà chính sách, quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu... thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM, báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright thực hiện với sự đồng hành của chương trình Aus4Innovation, tập đoàn FPT.

Hà Trần

Ý kiến

()