Từ năm 2019, Chuyển đổi số (DX) được xác định là một trong 3 hướng phát triển trọng điểm lợi - suất - đổi (Lợi nhuận - Năng suất - Chuyển đổi số). FPT đã dành nhiều thời gian, công sức, nhân lực, tài chính để triển khai các dự án DX. Trong bối cảnh đại dịch Covid với nhiều ảnh hưởng nặng nề trên các lĩnh vực xã hội, vai trò của DX với FPT càng trở nên quan trọng hơn. Một thế giới mới với những thói quen, hành xử mới đã được hình thành trong và sau đại dịch.
Nắm bắt cơ hội đến từ dịch Covid cùng tinh thần làm việc ‘thời chiến’, CEO các công ty trong vai trò chỉ huy trưởng trên nhiều mặt trận đều chuẩn bị và đưa ra những mục tiêu thách thức với những hành động cụ thể.
TGĐ FPT Telecom Hoàng Việt Anh nhận định, với bối cảnh này, Chuyển đổi số sẽ trở thành lời giải hiệu quả giúp mỗi CTTV và toàn Tập đoàn vững vàng vượt khó khăn, đảm bảo các hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hiện, FPT Telecom có 8 dự án DX triển khai trên phạm vi toàn công ty. Trong đó, một số dự án được đưa vào vận hành đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Cụ thể, dự án Hợp đồng lao động điện tử triển khai cuối tháng 3 với gần 1.000 nhân viên mới ký hợp đồng qua hệ thống. Dự án RPA-akaBot triển khai tự động hoá cho 5 quy trình nội bộ với mục tiêu hết tháng 6 quy trình hoá 20 tác vụ/đầu việc.
TGĐ FPT Telecom Hoàng Việt Anh bày tỏ hy vọng lãnh đạo CTTV cam kết thúc đẩy các hoạt động DX nội bộ. Ảnh: FPT Techday. |
Với tinh thần tiếp tục ‘thời chiến’, trong vai trò PTGĐ FPT phụ trách Chuyển đổi số, anh Việt Anh mong muốn lãnh đạo tại CTTV tiếp tục có những cam kết mạnh mẽ trong thời gian tới trong việc thúc đẩy các hoạt động DX nội bộ. Bên cạnh đó, nhóm DX tại CTTV tiếp tục nỗ lực theo tinh thần “một người làm việc bằng hai” để tăng tốc độ phát triển, triển khai các dự án, đem lại các hiệu quả cụ thể, thiết thực cho mỗi CTTV.
Khẳng định Chuyển đổi số trong và sau Covid vô cùng quan trọng, TGĐ Synnex FPT Bùi Ngọc Khánh cho biết, anh đang tiêu 50% quỹ thời gian vào các dự án DX. Mục tiêu chuyển đối số năm 2020 của Synnex FPT là hợp nhất các hệ thống thông tin và đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động. Trong thời gian tới, dự án DX tập trung đẩy mạnh với hiệu quả mong đợi: Đảm bảo hoạt động kinh doanh 24/7; Hợp nhất công nghệ và nhân lực vận hành; Giảm thiểu chi phí vận hành hạ tầng; Xây dựng platform cho doanh nghiệp thương mại; nhân viên chỉ cần tác nghiệp trên 1 màn hình.
Người đứng đầu nhà Giáo dục Lê Trường Tùng cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu tại FPT Education dù có hay không có Covid. Các dự án được triển khai không chỉ cho hiện tại mà là tương lai 5 năm nữa. Khi xã hội thay đổi, người học ra trường bắt buộc phải có kỹ năng, tố chất chuyển đổi số. Muốn làm được điều đó, sinh viên hay học sinh phải được học và sinh hoạt trong môi trường Chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Khắc Thành bày tỏ, chuyển đổi số đã trở thành hơi thở của cuộc sống, hiện diện trong từng phút từng giây của mỗi cán bộ giảng viên. Năm 2019, FPT Education đã triển khai 5 dự án số, bao gồm: Hệ thông quản lý chương trình và học liệu FLM; Quản lý đào tạo cho khối tiểu học và THCS; Quản lý đào tạo (FAP) cho FGR; Dự án thử nghiệm hệ thống học từ xa lên AWS; Triển khai hệ thống thi EOS cho ĐH FPT ở TP HCM, Đà Nẵng.
Hoạt động DX được đẩy mạnh trong và sau đại dịch Covid tại FPT. Ảnh: ITCVietnam. |
Tại FPT IS, đơn vị đang tiến hành chiến lược Made by FPT IS, đưa ra các sáng kiến số để chuyển đổi hoạt động thông thường sang hoạt động số. TGĐ FPT IS Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ, nhà Hệ thống đang có nhiều ý tưởng để đưa ra các sản phẩm số cho thị trường. Hiện FPT IS mới ra 3 sản phẩm mới và sẽ có thêm 2 sản phẩm mới đăng ký, hy vọng sẽ phục vụ cộng đồng doanh nghiệp nói chung.
Qua đây, anh Minh kỳ vọng, DX sẽ trở thành câu chuyện thường ngày ở xã hội và trong doanh nghiệp, tổ chức. CBNV có ý thức sâu sắc hơn phải chuyển đổi số, số hóa hoạt động. Lợi ích của DX đã được nhìn rõ trong nhiều nền kinh tế. Trước đây họ tập trung nhiều chuyên môn, nay nhận ra không có hạ tầng số hóa tốt sẽ gặp nhiều khó khăn nên đã ý thức về số hóa tốt hơn. “Tôi mong muốn làn sóng này sẽ thực chất chứ không phải phong trào”.
Đồng quan điểm với TGĐ FPT IS, anh Hoàng Trung Kiên - TGĐ FPT Retail nhận định, DX cần đi vào từng CBNV, tác động trực tiếp vào công việc hàng ngày. Ví dụ, nhân viên shop livestream bán hàng online; ngành hàng sử dụng phần mềm MRP tự động hóa việc phân chia hàng tối ưu; CBQL sử dụng Webex, Facebook Workplace để họp online, sinh hoạt sư phụ đệ tử trực tuyến… Các quá trình này hướng đến mục tiêu tăng 20% năng suất lao động và giảm bớt khối lượng công việc thủ công. Hiện nay, đơn vị tiếp tục đầu tư phát triển nền tảng platform mới cho hệ thống quản lý bán lẻ, nâng cấp hệ thống Backend cho trang thương mại điện tử FPT Shop, hệ thống báo cáo ngày tự động. Sắp tới sẽ triển khai hệ thống ứng dụng U-service, AkaBot và nâng cấp hệ thống MRP mới.
FPT Software đang nỗ lực để doanh số từ chuyển đổi số tăng trưởng gấp đôi năm 2019. TGĐ nhà Phần mềm Phạm Minh Tuấn xác định, DX ở FPT Software về cơ bản tập trung chính vào quá trình "Order to cash" (OTC, đi từ việc có cơ hội khi ký được hợp đồng đến thu tiền) - một tập hợp các quy trình kinh doanh liên quan đến việc nhận và thực hiện các yêu cầu của khách hàng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ. Đây là một quá trình rất phức tạp, trước đây thường dựa vào sự sáng suốt của người lãnh đạo, bây giờ tất cả quá trình này đã được chuẩn hóa và được tin học hóa. Lãnh đạo sẽ dùng những kỹ thuật của máy tính để đưa ra những phương án bố trí nguồn lực hoặc thông báo việc thiếu hụt nguồn lực sớm nhất để công ty có thể xoay sở, chuẩn bị nguồn lực kịp phục vụ cho đơn hàng của khách.
Cạnh đó, công ty cũng nhận thấy có một cơ hội rất lớn trên thị trường bằng việc cung cấp các dịch vụ ITX hay DX theo phương pháp luận của FPT digital kaizen. FPT Software đã và đang chuẩn bị nguồn lực nắm vững phương pháp luận chuyển đổi số của FPT và cung cấp các dịch vụ tư vấn, triển khai cho khách hàng để tăng trưởng doanh số. Từ đó đào tạo cho đội ngũ bán hàng cũng như kỹ sư đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tại FPT Online, DX được chú trọng và tập trung thực hiện, thông qua việc thành lập đội DX nội bộ. Tính hiệu quả của dự án được ban lãnh đạo theo sát, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc nếu có, nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu đã được xác định và thống nhất lúc đầu, GĐ Công nghệ FPT Online Nguyễn Lộc Vũ chia sẻ. Kết quả hiện tại là hầu hết các hoạt động trong công ty đều được thực hiện trên nền tảng số. Song song, việc tự động hóa (Automation) vào hoạt động sản xuất sau khi đã số hóa đã và đang được ứng dụng không ngừng, với mục tiêu tăng hiệu suất công việc, giảm chi phí vận hành. Bên cạnh đấy, việc phát triển các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu người dùng trong bối cảnh mới cũng là nhiệm vụ trọng tâm của bộ phận phát triển sản phẩm.
Trước đó, năm 2019, FPT đã có 33 dự án chuyển đổi số nội bộ được triển khai và 13 sản phẩm được đánh giá toàn tập đoàn. Ngày 30/3, 4 dự án chuyển đổi số FPT xuất sắc gồm: Phân công tối ưu (FPT Telecom, giải Nhất), Automate Comment Review (FPT Online, giải Nhì), và đồng hạng Ba là Visitor Counting (FPT Retail), MyFSOFT (FPT Software) đã được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình vinh danh. Năm 2020, câu chuyện chuyển đổi số của FPT sẽ có thay đổi theo hướng phong phú, đa dạng hơn, tập trung nâng cao trải nghiệm, mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. FPT đặt mục tiêu năm nay chuyển đổi số toàn bộ Tập đoàn.
Hà Trần - Hà An
Ý kiến
()