Chúng ta

Ấn Độ đắn đo khi muốn phủ sóng 5G vào năm sau

Thứ sáu, 11/12/2020 | 14:54 GMT+7

Tuy Reliance Jio đã sẵn sàng cho cuộc đua mạng di động thế hệ thứ 5 nhưng chính quyền nước này vẫn còn nhiều cân nhắc

Theo hãng tin Forbes, ông Mukesh Ambani - Tỷ phú giàu nhất châu Á kiêm chủ sở hữu hãng thiết bị di động Reliance Jio, nhấn mạnh rằng công ty muốn đưa dịch vụ 5G đến tay người dùng từ đầu quý II năm 2021 với mức giá hợp lý. Trong đó, Qualcomm sẽ là đối tác cùng họ triển khai giải pháp cho cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ mạng di động thế hệ thứ 5 tại thị trường trong nước.

Lời cam kết trên được nhà tài phiệt Ấn Độ đưa ra trong bài phát biểu trước Đại hội Di động Ấn Độ năm 2020 vừa diễn ra ít hôm trước, nơi có sự tham dự của Thủ tướng Narendra Modi và những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, Sunil Mittal - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Bharti Enterprises, lại nhận định rằng năm sau chưa phải là thời điểm thích hợp cho quốc gia Nam Á nhảy vào cuộc đua 5G toàn cầu.

Cụ thể, ông ủng hộ chiến lược thích nghi chậm rãi vào làn sóng công nghệ 4.0, khi Ấn Độ hoàn toàn có thể phủ rộng 5G sau 2-3 năm nữa. “Vài năm tới, thời điểm thế giới đã đón nhận mạng 5G như một dịch vụ phổ thông, chúng ta có thể hưởng lợi khi chi phí hạ tầng giảm xuống và ai cũng có khả năng sở hữu ít nhất 1 thiết bị có mạng 5G”, Mittal chia sẻ.

Về phía Ambani, ngài nhận xét sự xuất hiện sớm của 5G trên lãnh thổ của Ấn Độ sẽ thúc đẩy tiến bộ công nghệ, đồng thời làm đòn bẩy để chuyển dịch nhóm người dùng từ 2G sang 3G, 4G. “Hơn 300 triệu người dùng di động vẫn còn quen thuộc với mạng 2G”, ông nói, “tôi cho rằng cần có chính sách quyết liệt để nhóm này đổi sang dùng mạng cao cấp hơn và nhận nhiều ưu đãi từ nền kinh tế số”.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn lưỡng lự trước đề xuất đưa mạng 5G ra công chúng của Ambani, tờ Economic Times đánh giá. Trước hết, Bharat Kumar Jog - Cán bộ Cục Viễn thông Ấn Độ, cho biết chi phí hoà mạng 5G cần giữ ở mức phải chăng, điều rất khó thực hiện vào lúc này. Đồng thời, các vấn đề về băng tần cũng cần làm rõ trước khi đi đến quyết định có nên triển khai 5G trong năm 2021 hay không.

53-India-5G-1-7713-1607614990.jpg

Reliance Jio muốn tiên phong đưa 5G vào Ấn Độ. Ảnh: Getty

Tính đến hiện tại, 5G được xem như một dịch vụ mạng di động phân khúc cao cấp với khả năng truy cập Internet siêu tốc và độ trễ cực thấp. Cũng từ đó, hãng viễn thông Ấn Độ Bharti Airtel cho biết mức giá tham khảo gần 66 USD cho một thiết bị dùng mạng 5G ở băng tần 3.3-3.6 GHz là rất cao so với mặt bằng chung. Ở đây, người dân chỉ mất chưa tới 1 USD cho 1GB dữ liệu. Nhu cầu lướt mạng của người Ấn cũng không đòi hỏi nhiều ngoài việc dùng mạng xã hội, nhắn tin, xem tin tức,... nên để họ bỏ thêm chi phí để dùng loại mạng mới sẽ cần thêm thời gian.

Điều đó chưa tính đến khả năng chi trả cước phí cho mạng 5G của người ngoại thành sẽ thấp hơn dân cư sống tại các đô thị. SP Kochhar - TĐG Hiệp hội các nhà khai thác di động Ấn Độ (COAI), nhận định rằng các hãng viễn thông nên khởi đầu 5G ở thị trường ven khu vực thành thị, hoặc những nơi xa hơn để sớm hoàn vốn trong giai đoạn người dân làm quen với dịch vụ di động mới.

“Người dùng ở các quốc gia châu Á như Nhật Bản hay Hồng Kông được hưởng mức giá rất ưu đãi khi dùng mạng 5G trong giai đoạn đầu”, Rajinder Singh, Phó Chủ tịch phụ trách công nghệ Vodafone Idea, chia sẻ cách để kích cầu, thu hút người dân chuyển đổi sang dùng mạng di động thế hệ mới.

Bỏ qua yếu tố về giá, ba nhà mạng top đầu đất nước - Bharti Airtel, Reliance Jio và Vodafone Idea, cho biết chính phủ nên xem xét thêm tính khả thi của băng tần, song hành với những chính sách về xây dựng trạm gốc hoặc cơ sở hạ tầng cho mạng 5G.

Hiện tại, chính phủ Ấn Độ chỉ mới tạo điều kiện cho các nhà mạng khai thác 5G ở dải băng tần 175 MHz (3425-3600 MHz) và cho phép Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ sử dụng dải băng tần 3400-3425 MHz để nâng cấp hệ thống vệ tinh dẫn đường có tên NaVIC.

Tuy nhiên, phía COAI mong muốn cơ quan quản lý đảm bảo tối thiểu 400 MHz cho mỗi hãng viễn thông trong băng tần sóng milimet (mmWave - 26, 28, 37 GHz) khi đây là băng tần phù hợp nhất cho kế hoạch triển khai mạng 5G.

Ông Singh nhận định, khi 5G được đưa vào thực tế, ngành công nghiệp sản xuất sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất. Các nhà máy, xí nghiệp sẽ sớm tự động hóa bằng AI (trí tuệ nhân tạo), Machine learning (Học máy) và hướng tới mô hình Nhà máy thông minh 4.0. Ngoài ra, lĩnh vực y tế số - khám chữa bệnh từ xa, phòng khám trực tuyến, hay những loại hình giải trí bằng công nghệ thực tế ảo tăng cường (VR/AR) cũng được đón đầu.

Economic Times cho biết phiên đấu giá băng tần mạng 4G sẽ sớm diễn ra vào đầu năm sau nhưng với 5G sẽ bị tạm hoãn vì vài lý do khách quan. Trong đó, hãng tin đề cập việc Huawei có được chen chân vào thị trường mạng 5G của nước này vẫn còn là ẩn số.

>> Công ty công nghệ Mỹ hướng đến thực tập trực tuyến

Đình An

Ý kiến

()