Yadeen Rashid, sinh viên năm 3 ngành Kinh tế và Khoa học chính trị trường ĐH Bách khoa Virginia, đang vô cùng khấp khởi khi vừa cầm trên tay kết quả trúng tuyển thực tập tại NTT Data - một công ty về tích hợp hệ thống có trụ sở ở Nhật Bản. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì ít tuần sau anh nhận email về việc huỷ chương trình thực tập do đại dịch.
“Tôi thấy rất tiếc”, chàng trai 21 tuổi chia sẻ, “không phải do cơ hội thực tập khó kiếm mà vì tôi kỳ vọng sẽ được làm việc trực tiếp cùng họ”. Rashid cho rằng điều kiện để trở thành thực tập sinh sẽ vô cùng hạn chế trong thời gian tới khi doanh nghiệp đang cố gắng xoay sở với tình hình này. Trong đó, sinh viên sắp tốt nghiệp là đối tượng chịu nhiều cản trở khi thực tập là bước đệm cần thiết trước khi ra đời.
Theo ghi nhận từ Glassdoor - một website tuyển dụng tại Mỹ, không chỉ Rashid mất cơ hội đi làm, hơn nửa số chương trình thực tập cũng bị cắt giảm từ khi đại dịch bùng phát. Có đến 64% doanh nghiệp ở UK từ chối tiếp nhận sinh viên gần ra trường. Ngay cả AirBnb, Fedex, Gap và Walt Disney cũng tạm ngưng tuyển dụng thực tập sinh.
Google cho phép thực tập qua mạng. Ảnh: iStock |
Thông thường, các công ty dùng chương trình thực tập làm cầu nối vừa để bồi dưỡng nguồn nhân sự từ các trường, vừa tìm cá nhân phù hợp. Còn sinh viên sẽ hoàn thành chỉ tiêu thực tập để tốt nghiệp và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, 2020 là năm mà con người không thể gặp gỡ, tiếp xúc nên các công ty đã tính đến phương án cho phép thực tập trực tuyến với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu của khối giáo dục, đồng thời duy trì cơ hội cho sinh viên làm việc với doanh nghiệp.
Theo Economic Times, Tập đoàn thương mại điện tử Amazon tiết lộ rằng họ vừa cho 8.000 người trong đợt thực tập mùa hè làm việc qua mạng với nhân viên của hãng và tiếp tục áp dụng cách làm tương tự với hơn 15.000 người đăng ký thực tập trong năm nay.
Google cũng lần đầu tiên cho hàng nghìn thực tập sinh từ 43 quốc gia làm việc trên không gian mạng. “Chúng tôi tổ chức hơn 200 buổi định hướng trên toàn cầu, hơn 300 sự kiện xuyên quốc gia trong đợt thực tập vào dịp hè vừa qua để giữ kết nối giữa thực tập sinh với giới lãnh đạo của công ty”, người đại diện Google chia sẻ.
Đồng thời, hãng này cho biết sẽ duy trì phương án thực tập từ xa sang năm 2021 với mục tiêu đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động. “Tôi hy vọng những bạn có nguyện vọng muốn thực tập cho Google sẽ chuẩn bị kỹ năng làm việc trực tuyến từ bây giờ”, Google tiết lộ.
Với môi trường ảo, hãng tìm kiếm cho rằng mô hình “networking” (họp mặt trao đổi) vẫn được duy trì - điều làm nên sự thành công cho các chương trình thực tập. Công ty sẽ cho các bạn thực tập sinh chọn một trong 2 phương án: đồng hành với mentor (người cố vấn) hoặc tham gia buổi cafe online với 2.600 lập trình viên của Google.
“Điều này đồng nghĩa với giá trị của việc thực tập tại Google từ trước đến nay sẽ không thay đổi. Cách làm như cũ, chỉ là chúng tôi triển khai trên nền tảng trực tuyến”, người đại diện hãng đánh giá.
Khác với Google, Lennox - hãng sản xuất máy lạnh của Mỹ, cho biết họ thường tạo phòng trò chuyện với thực tập sinh vào khoảng 11-12 giờ sáng. Buổi ăn trưa diễn ra ngay trước màn hình, các nhà quản lý sẽ hỏi thăm, giải đáp công việc cho sinh viên như một buổi “networking” thực sự. “Chúng tôi còn gửi phiếu quà tặng ăn uống cho thực tập sinh như một lời động viên”, Lexie Williams - người phụ trách tuyển dụng của hãng cho hay.
Về phía thực tập sinh, nhiều người nhận định cơ hội làm việc qua mạng mang tính thức thời, phù hợp với cách mà phần lớn doanh nghiệp đang làm.
Sahar Shabani, 22 tuổi, vừa hoàn thành đợt thực tập từ xa 3 tháng cho một quỹ phát triển tại Thái Lan ngay tại quê nhà ở phía Nam thủ đô London (Anh). Cô cho biết mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và không có rắc rối nào trong suốt kỳ thực tập. Mỗi ngày, Shabani dùng chiếc di động thông minh để điểm danh với người giám sát, sau đó nghiên cứu, viết báo cáo về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và thuyết trình cho công ty qua phần mềm Zoom.
“Tương tác trực tiếp vào lúc này không quan trọng bằng việc bạn vẫn được trang bị kỹ năng cần thiết và những kinh nghiệm quý báu”, Catarina Silva, sinh viên trường ĐH Aston (Anh), hiện đang thực tập từ xa cho một doanh nghiệp xã hội ở châu Á, chia sẻ. Cô nói thêm rằng việc lĩnh hội khả năng giải quyết công việc qua kênh trực tuyến rất cần thiết. Dù đối mặt với một số trở ngại khi tương tác cùng đồng nghiệp bằng mạng Internet nhưng vẫn học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ cấp trên.
>> Con người e ngại công nghệ nhận diện khuôn mặt
Đình An
Ý kiến
()