Mới đây, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh vừa quyết định đổi tên cơ quan quản lý dự án tiền mã hóa, đồng thời đổi tên đồng tiền mã hoá theo dự kiến sẽ phát hành vào tháng 1 sắp tới. Trong đó, Libra Association sẽ chính thức đổi thành Diem Association cùng hàng loạt quyết định bổ nhiệm mới trong đội ngũ lãnh đạo, theo CNBC.
Các cá nhân vận hành Diem Association sẽ gồm cựu chính trị gia và các chuyên gia đa lĩnh vực nhằm củng cố sức mạnh cho tổ chức tiền ảo của Facebook sau khi đón nhận hàng loạt nghi vấn kể từ đầu năm 2019. Trong đó nổi bật với bà Christy Clark - cựu nữ thủ hiến bang British Columbia (Canada) giữ vị trí GĐ Pháp lý theo lời mời từ nguyên Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Steve Bunnel.
Người đại diện Diem Association cho biết họ đang chờ đợi cái gật đầu từ FINMA - Cơ quan tư vấn thị trường tài chính Thuỵ Sĩ, trước khi mang đồng tiền Diem đến với công chúng. Qua đó, tiền mã hoá do Facebook làm chủ kỳ vọng sẽ ổn định nền tài chính toàn cầu, có giá trị tiền tệ ngang với USD hay Euro.
Booth của Facebook tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm ở Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: CNBC |
Khác với đồng Bitcoin - loại tiền kỹ thuật số giữ top 1 trên CoinDesk với vốn hóa hiện là 357 tỷ USD, đồng Diem mang bản chất của “stablecoin”, loại tiền giúp giảm biến động giá và ổn định thị trường. Thay vì 1 đồng Bitcoin có giá ở mức hơn 19.000 USD, tiền mã hoá Diem cố định giá theo loại tiền tệ trong thực tế.
Mỗi đồng Diem sẽ tương ứng với 1 USD hoặc 1 euro, tuỳ vào thoả thuận của Facebook với các quốc gia. Nếu lấy USD làm đơn vị, 200.000 stablecoin thì cũng có 200.000 USD dự trữ trong ngân hàng để đảm bảo. Nhờ đặc điểm này, stablecoin giúp bình ổn giá trong giai đoạn giá trị các đồng tiền mã hoá đang lên đỉnh.
Dù cách làm của Facebook được xem là đang nỗ lực cân bằng nền tài chính thế giới, họ vẫn đối mặt nhiều rào cản pháp lý. Vào thời điểm ra mắt dự án Libra (tên cũ của Diem) năm 2019, Hạ viện Mỹ đã yêu cầu CEO Facebook Mark Zuckerberg tạm dừng dự án với lập luận không ủng hộ cho sự ra đời của đồng tiền mã hoá mà hãng phát hành.
“Nếu các sản phẩm, dịch vụ như Libra không được quản lý đúng đắn và không bị giám sát hiệu quả, chúng có thể gây rủi ro cho hệ thống, gây nguy hiểm cho ổn định tài chính Mỹ và toàn cầu”, Bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính Hạ viện, đã gửi thư cho người đứng đầu Facebook. “Các lỗ hổng này có thể bị thế lực xấu khai thác giống như các tiền ảo và ví khác trước đây”.
Thư của bà Waters nhấn mạnh do Facebook đang được hơn 1/4 dân số thế giới sử dụng, công ty và đối tác buộc phải dừng ngay kế hoạch cho đến khi nhà chức trách và quốc hội có cơ hội điều tra rủi ro và đưa ra hành động thích hợp.
Ngay sau đó, Paypal, Visa và Mastercard - ba hãng thanh toán trực tuyến quốc tế, đã xin rút khỏi dự án tiền mã hoá của Facebook với lý do cần thời gian để xem xét thêm khả năng pháp lý của Diem. Lúc này, dự án Diem chỉ còn 27 thành viên với Lyft và Vodafone được xem là 2 đại gia có tiếng trong ngành công nghệ, nhưng không có nhiều kinh nghiệm về thanh toán điện tử.
Do đó, đội ngũ lãnh đạo của Diem Association sẽ phải cân nhắc từng bước đi cụ thể, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm từ nhà cầm quyền các nước để được lưu hành đồng tiền trong nội bộ quốc gia. Tháng 9 năm ngoái, Pháp và Đức đã từ chối thẳng thừng khi đề cập đến sự có mặt của đồng tiền của Facebook trên đất nước của họ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FDI) Jerome Powell cũng đề nghị Facebook làm rõ các quy định về cách chống rửa tiền, bảo vệ quyền riêng tư, phương thức ổn định thị trường mà hãng hướng tới.
“Nếu đồng Diem đi vào hoạt động, bạn phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ các nhà quản lý, không chỉ đối với hoạt động thanh toán liên quan đến Diem, mà trên tất cả các nội dung khác”, Thượng nghị sĩ Sherrod Brown và Brian Schatz viết trong thư gửi Zuckerberg.
Từ ngày thành lập Facebook, Mark Zuckerberg gần như không đối mặt với nhiều phiên điều trần như thời điểm 5 năm trở lại đây. Những ảnh hưởng về an ninh mạng, rò rỉ tài khoản người dùng, quyền riêng tư đã khiến không ít lần người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới phải đau đầu.
Cuộc chiến pháp lý sẽ vẫn diễn ra khi Facebook quyết bám theo dự án tiền mã hoá Diem trong thời gian tới. Theo nhiều nhà phân tích, việc Facebook phát hành tiền ảo là bước tiến lớn đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, cho thấy một trong những hãng công nghệ lớn nhất thế giới cũng đang ủng hộ tiền ảo dựa trên nền tảng chuỗi khối (blockchain). Động thái này mở cánh cửa của thế giới tiền ảo cho hàng tỷ người dùng trên toàn cầu. Facebook hiện có tổng cộng 2,7 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
>> Citibank: Bitcoin có thể chạm mốc 300.000 USD trước cuối năm 2021
Đình An
Ý kiến
()