Chúng ta

AI tăng ‘phi mã’ trong ngành dịch vụ khách hàng

Thứ hai, 2/11/2020 | 14:16 GMT+7

Chi tiêu dành cho trí tuệ nhân tạo (AI) trong năm 2020 ở mảng dịch vụ khách hàng đạt 11,3%, cao nhất so với các lĩnh vực còn lại, theo IDC.

Trái với tình hình lao dốc ở các thị trường lấy dịch vụ làm cốt lõi như lữ hành, nhà hàng, khách sạn khi bị Covid-19 cô lập về doanh thu, hãng nghiên cứu IDC vẫn ghi nhận mức đầu tư vào mảng dịch vụ khách hàng là cao nhất tính đến cuối quý III năm nay.

Hãng cho biết, số liệu trong lĩnh vực AI thể hiện sự lạc quan về mức độ xâm nhập vào tình hình phát triển của doanh nghiệp trong năm 2020. Cụ thể, IDC dự đoán chi tiêu toàn cầu rót vào loại hình công nghệ này sẽ tăng gấp đôi, từ 50 tỷ USD trong năm 2020 thành 110 tỷ USD đến năm 2024. Con số trên căn cứ vào tỷ lệ tăng trưởng lũy kế thường niên (CAGR) của giai đoạn 2019-2024 ở mức 20,1%.

“Không còn là câu chuyện về tiềm năng”, Ritu Jyoti - Phó Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu AI tại IDC, nhận định, “mà AI là khoản đầu tư cần thiết cho doanh nghiệp”. Với các công ty dịch vụ, “khối óc người máy” tiếp thu những trải nghiệm mỗi ngày với khách hàng, chỉnh sửa, hoàn thiện và phản ứng nhanh trong mọi tình huống. Trong đó, đại diện thường thấy nhất chính là công nghệ chatbot - công cụ giao tiếp tự động với khách hàng.

IDC đánh giá sự tham gia của AI vào những phần việc lặp đi lặp lại của nhân viên ngành dịch vụ giúp họ có thêm thời gian nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và từ đó thúc đẩy doanh số vượt bậc so với giai đoạn chưa áp dụng AI.

Nhìn tổng thể, vai trò tự động hóa của “người máy” cải thiện được hiệu suất trong 4 mảng chính, gồm: Dịch vụ khách hàng (11,3%), Đề xuất quy trình kinh doanh (7,1%), Ngăn chặn tấn công mạng (6,6%) và Công nghệ tự hành (6,3%). Tỷ lệ còn lại chiếm 60%, với ngành quản lý nhân sự và nghiên cứu dược phẩm được cho là sự có mặt của AI mang lại hiệu quả đáng kể.

42-AI-Summary-2020-1-1589-1604293026.jpg

Minh họa thị phần của AI trong các ngành trọng điểm.

Chống tấn công mạng

Tuy không thể hiện trên biểu đồ, IDC cho biết các giải pháp AI chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực Bán lẻ và Ngân hàng. Ngoài chatbot, AI bổ trợ việc phát hiện, phân tích và đề xuất hướng giải quyết các vụ xâm nhập hệ thống trái phép, giúp giảm thiệt hại về tài sản đối với các đơn vị lưu trữ và quản lý tài chính.

Hãng AT&T - công ty viễn thông hàng đầu thế giới, nhận định rằng doanh nghiệp sẽ rất khó để phòng chống những vụ tấn công mạng nếu chỉ dựa vào yếu tố pháp lý, đặc biệt khi công nghệ 5G và Internet vạn vật (IoT) đang có bước nhảy vọt ở nhiều thị trường cấp tiến như Mỹ, Anh, Nhật,... “Mỗi ngày, chúng tôi phát hiện được hơn 100 tỷ tác nhân gây hại cho hệ thống mạng trên toàn cầu”, ông Bill O’Hern - Phó Chủ tịch kiêm GĐ An toàn thông tin AT&T, cho biết.

Kount - Công ty chuyên về giải pháp an ninh mạng cho thương mại điện tử, cho rằng các hacker còn sử dụng bot - sản phẩm từ AI, để tạo hàng trăm nghìn đợt tấn công tự động, đánh sập website, trộm thông tin thẻ tín dụng, đóng băng tài khoản người dùng,... dẫn đến thiệt hại lên đến hơn 500.000 USD đối với ngành bán lẻ.

Do đó, vai trò của AI và Máy học (machine learning) sẽ giúp các đơn vị kiên cố thành trì mạng, thường xuyên tự động dò tìm, dự đoán và phản hồi với từng loại xâm nhập bị phát hiện.

Theo Capgemini, 69% công ty toàn cầu nhận định AI thực sự cần thiết để phát hiện, dự đoán và đáp trả các đợt xâm nhập trái phép. Ba lựa chọn an ninh mạng hàng đầu dựa trên nền tảng AI được các doanh nghiệp ưu tiên lần lượt là an ninh hệ thống mạng (network security), an ninh dữ liệu (data security) và an ninh thiết bị đầu cuối (endpoint security).

Linh hoạt với biến động

Sau làn sóng đại dịch đầu tiên, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu hứng chịu tiếp đợt dịch thứ hai vì chưa có vaccin để kiểm soát tình hình. “COVID-19 đã làm chững lại các khoản đầu tư của AI vào ngành vận tải, cũng như ngành giải trí, nhà hàng - khách sạn”, Andrea Minonne - Chuyên gia phân tích cấp cao IDC Customer Insights & Analysis, cho hay.

Do đó, dòng vốn dành cho AI lại dồi dào ở các khu vực dịch vụ công. Ví dụ như chính phủ các quốc gia châu Âu bắt tay với “startup” về AI để triển khai phương án quản lý việc thực hiện cách ly xã hội của công dân. Các bệnh viện sử dụng trí tuệ của người máy nhằm tăng tốc quy trình chẩn đoán và xét nghiệm.

Cùng đó, lĩnh vực dịch vụ phần mềm cũng ghi nhận tăng trưởng chi tiêu vào các ứng dụng AI đạt 14,1 tỷ USD, trong khi dịch vụ phần cứng cũng chạm ngưỡng xấp xỉ 11,2 tỷ USD. IDC ước tính, thị trường phần mềm sẽ bứt tốc về tốc độ phát triển trong 5 năm tiếp theo với CAGR ở mức 22,5%.

Hiện tại, Mỹ là đất nước dẫn đầu mức chi tiêu dành cho AI, chủ yếu vẫn xuất phát từ ngành bán lẻ và ngân hàng. Xếp sau là Tây Âu, không chỉ hai ngành vừa nêu mà còn ở lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, Nhật Bản và các quốc gia Mỹ Latinh được nhận định sẽ có mức chi tiêu mạnh mẽ nhất cho AI trong vòng 5 năm tới, với tỷ lệ CAGR lần lượt là 32,1% và 25,1%.

Tại Việt Nam, FPT.AI - được phát triển bởi đội ngũ các kĩ sư, chuyên gia hàng đầu về AI tại FPT - cung cấp các sản phẩm giúp tự động hóa các tác vụ lặp, nâng cao hiệu quả vận hành và chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp. Điểm vượt trội của FPT.AI là giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tích hợp giải pháp công nghệ AI vào quy trình vận hành và thấy được hiệu quả rõ rệt: không mất chi phí đầu tư ban đầu (được cung cấp theo hướng dịch vụ - SaaS); thời gian triển khai nhanh chóng (chỉ từ 1-3 tuần); đảm bảo hoạt động vận hành diễn ra liên tục, mọi lúc, mọi nơi.

Hệ sinh thái FPT.AI bao gồm đa dạng các sản phẩm và dịch vụ như Nền tảng Hội thoại tự động - Chatbot (FPT.AI Conversation), Trợ lý Ảo tổng đài (FPT.AI Virtual Agent for Call Center), Giải pháp Trích xuất thông tin hình ảnh và Định danh khách hàng trực tuyến (FPT.AI Vision và FPT.AI eKYC), Giải pháp Tổng hợp và Nhận dạng Giọng nói tự động (FPT.AI Speech).


>> FPT trình diễn 5 giải pháp chuyển đổi số tại ITU Digital World 2020

Đình An

Ý kiến

()