Chúng ta

'Không phải dữ liệu, con người là yếu tố quan trọng nhất của AI’

Thứ ba, 2/7/2019 | 11:14 GMT+7

Giám đốc Khoa học FPT - anh Đặng Hoàng Vũ khẳng định độ chính xác của trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên dữ liệu nhưng yếu tố con người mới quyết định thành bại trong việc ứng dụng AI vào thực tế.

Mở đầu chia sẻ trong chương trình Solution Forum số 59 của FPT Software diễn ra chiều 28/6 về chủ đề “AI - từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn”, anh Đặng Hoàng Vũ nhận định AI không phải là khái niệm quá xa xôi hay to lớn mà trong tương lai sẽ trở thành một dạng hàng hóa và là một phần trong cuộc sống.

Tại talkshow, anh Hoàng Vũ đã giới thiệu ứng dụng chatbot và tổng đài tự động – một trong những lĩnh vực gần gũi áp dụng AI. Anh cho biết, FPT.AI hiện đã cung cấp giọng nói robot với nhiều vùng miền và cả nam lẫn nữ. Mặc dù chưa hay nhưng giọng nói dễ nghe và không hề phản cảm. So với một số ứng dụng của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook hay Google thì trong phạm vi hẹp trên thị trường Việt Nam, FPT AI có khả năng nhận diện khuôn mặt chính xác tốt hơn và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng. Chúng ta còn có lợi thế hơn khi có thể tùy chỉnh tùy vào yêu cầu của khách hàng.

VAN-8092-JPG-3407-1561790201-7222-156203

Anh Đặng Hoàng Vũ chia sẻ về AI tại chương trình Solution Forum số 59. Chủ đề hot khiến lượng dự người đông gấp đôi so đăng ký khiến ban tổ chức phải gấp rút kê thêm ghế.

Theo anh Vũ, độ chính xác của AI phụ thuộc vào lượng thông tin, càng có nhiều thông tin sẽ càng chính xác. Hạn chế của các thuật toán AI ở hiện tại vẫn chưa đủ thông minh và còn học tập thiếu chọn lọc. Tuy nhiên, anh nhận định trong vòng 10 năm, những điểm yếu trên sẽ dần dần được cải thiện.

Trong AI, dữ liệu là quan trọng nhất và Trung Quốc đã phải dùng hàng triệu người để ngồi lọc dữ liệu. Nhưng theo Giám đốc Khoa học FPT, thực chất dữ liệu có ở rất nhiều nơi. Nếu chúng ta không thu thập ra nó thì có thể mua từ các đơn vị khác. Nếu không đủ nhân lực, có thể thuê người làm và rất nhiều công ty sẵn sàng làm việc đó. Thường những nơi có dữ liệu họ cũng đều có nhu cầu sử dụng. Nếu bạn thực sự có nhu cầu phát triển AI, có thể đề xuất hợp tác với họ. Vì vậy, dữ liệu không phải là “nút cổ chai”. Điều khó khăn nhất hiện nay là thiếu người làm AI.

Việt Nam dù là nước có nhiều người giỏi Toán, được đào tạo cơ bản nhưng mọi người lại thích đi làm và tìm kiếm những cơ hội tốt nhất cho mình. Thế nên có tiền cũng chưa chắc đã tìm được người. Giám đốc Khoa học FPT cũng tỏ ra trăn trở khi hiện tại, nhiều trường đại học dù không liên quan gì đến IT cũng mở khoa Công nghệ - Thông tin để đào tạo theo xu thế nhưng chất lượng chuyên môn không cao.

VAN-8103-JPG-1119-1562040769.jpg

Giám đốc Công nghệ FPT khằng định AI không thể áp dụng máy móc.

Theo anh Vũ, áp dụng AI vào thực tiễn không thể làm một cách máy móc bởi thực tế phức tạp hơn nhiều. Anh kể lại câu chuyện được nghe từ một thành viên của công ty bảo hiểm tại hội thảo AI tại Mỹ. Sau khi sử dụng AI vào nghiên cứu tỷ lệ tai nạn, đơn vị bảo hiểm phát hiện ra rằng: những người mua bảo hiểm ô tô thường đi lại rất an toàn và ít xảy ra tai nạn. Vì vậy, công ty bảo hiểm nói trên quyết định đẩy mạnh khuyến mãi, marketing để chính sách này đến với đông đảo người dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian, dù có thêm rất nhiều khách hàng nhưng công ty lại chịu lỗ nặng.

Vấn đề ở đây là chính sách bảo hiểm này thường có chi phí lớn và thông thường chỉ những người rất coi trọng tính mạng, sự an toàn của bản thân mới đi mua. Tuy nhiên, sau khi khuyến mãi thì những người có ý thức giao thông kém cũng đăng ký tham gia. Điều này khiến số lượng vụ việc bảo hiểm phải chi trả thiệt hại tăng lên đáng kể. 

Anh Vũ còn chia sẻ theo một nghiên cứu về viêm phổi thì những người bị hen thường có tỷ lệ khỏi bệnh rất cao. Tuy nhiên, thực tế, những người bị hen có pháp đồ điều trị khác và quyết liệt hơn nhiều nên khả năng chống lại mầm bệnh của họ tốt hơn. Vì thế nhóm bị hen có tỷ lệ khỏi viêm phổi cao hơn bình thường.

Những câu chuyện đó cho thấy dữ liệu chỉ là một phần, nếu không có sự tỉnh táo của con người, nó sẽ không phản ánh đúng thực tế. Những chuyên gia AI khi nghiên cứu thường cho ra những kết quả rất tốt nhưng nó lại khó khớp với thực tiễn kinh doanh của khách hàng. Điều đó khiến những dự án AI thường rất khó đoán. Vì vậy, dữ liệu dù quan trọng nhưng yếu tố con người mới có tầm then chốt trong thành bại của việc ứng dụng AI vào cuộc sống chứ không thể máy móc áp dụng. 

Trong phần cuối bài chia sẻ, Giám đốc Khoa học FPT bổ sung những lĩnh vực đang ứng dụng AI ở FPT. Hiện không chỉ có FPT làm về AI mà các đơn vị thành viên cũng nghiên cứu và triển khai như:  FPT Software trong công nghệ xe tự lái, FPT Telecom áp dụng vào dự đoán khách hàng rời mạng, báo điện tử VnEpress phân tích hành vi đọc báo của độc giả, FPT Shop và Sen Đỏ tìm hiểu nhu cầu khách hàng... Vì vậy, định nghĩa AI không nên bó hẹp trong một mảng nào đó vì nó sẽ liên tục thay đổi theo thời gian và ngày càng gần gũi với cuộc sống, “tiến sĩ Cambridge nhà F” nhận định.

Theo anh Cao Hoàng Vũ, đơn vị FGA.AIS, chương trình thú vị, bổ ích. Tuy nhiên, là người dành nhiều thời gian nghiên cứu và 'tập tành' với AI, anh Vũ mong muốn sự kiện có thêm phần chia sẻ chuyên sâu về công nghệ. Trong khi đó, anh Vũ Hồng Việt, Ban giám đốc đơn vị EBS, kỳ vọng có thể "Ứng dụng nhanh AI vào nền tảng ERP - thành lũy của quản trị doanh nghiệp - mà EBS đang triển khai cho hàng loạt khách hàng. Chúng tôi đang đứng trước bài toàn áp dụng công nghệ mới nhất", anh Việt nhấn mạnh.

Solution Forum do STU (Ban Công nghệ Giải pháp) phối hợp với CTC (Trung tâm Đào tạo) của FPT Software tổ chức mỗi 2 tháng, với các chủ đề về công nghệ. Trước đó, Solution Forum 58 mang chủ đề "Product Management Mindset" (Tư duy quản lý sản phẩm).

>>  AI giúp phát hiện những mối nguy hiểm tại nơi làm việc

Trần Vũ

Ý kiến

()