Chúng ta

'Toán cấp 3 là đủ để nghiên cứu và ứng dụng AI'

Thứ bảy, 29/6/2019 | 14:22 GMT+7

AI không quá xa xôi. Toán cấp 3 có thể đủ để tìm hiểu, ứng dụng. Tuy nhiên, theo các diễn giả Solution Forum 59, cần dùng dữ liệu một cách tỉnh táo phản ánh đúng thực tế.

Chương trình Solution Forum số 59 của FPT Software vừa diễn ra chiều 28/6, tại tòa nhà F-Town 2, TP HCM. Hơn 60 người tham dự đã lắng nghe các chia sẻ của anh Đặng Hoàng Vũ - Giám đốc Khoa học FPT và anh Hồ Xuân Tuyển - Founder Steenify - về chủ đề “AI - từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn”. Chủ đề hot khiến lượng dự người đông gấp đôi so đăng ký khiến ban tổ chức phải gấp rút kê thêm ghế.

Anh Hồ Xuân Tuyển - cựu sinh viên ĐH FPT, Founder và CEO Steenify (một start-up khá trẻ cung cấp những dịch vụ về kỹ thuật số) đã chia sẻ góc nhìn về AI của mình với tư cách là một người tự học. Theo anh, bản chất AI là một cách lập trình để máy cố gắng bắt chước sự tự học của con người. Trong khi nhiều người quá đề cao vai trò của toán hay lo ngại phải ‘đỉnh’ toán mới có thể làm AI, anh Tuyển cho rằng học để ứng dụng thì không nhất thiết phải biết quá nhiều và sâu về toán. Chỉ cần đủ hiểu lý do thuật toán chạy, và sử dụng thư viện hoặc model (mẫu) có sẵn là đủ. Toán thời cấp 3 và các khóa online hiện tại là đủ để tìm hiểu, ứng dụng AI, CEO Steenify khẳng định.

Ho-Xuan-Tuyen-tai-FPT-JPG-4027-156179020

Anh Hồ Xuân Tuyển - Founder Steenify chia sẻ kinh nghiệm tự học và ứng dụng AI tại chương trình Solution Forum của FPT Software.

“AI không giống cách con người tư duy mà giống ứng dụng toán hơn, và cần có gì đó sáng tạo hơn để thay đổi”, anh Hồ Xuân Tuyển nhận định. Từ việc tự học và ứng dụng của mình trong một số dự án đã và đang thực hiện, có cả thất bại và thành công, anh đã chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các bài học bổ ích.

Tại chương trình, CEO 9x chia sẻ 3 dự án có sử dụng AI mà anh từng làm: Idol detector (nhận diện khuôn mặt), Chụp hình thẻ (tự động sửa phông, in và giao cho khách hàng), SteenNet (giới thiệu sản phẩm của các start-up ra thị trường Âu - Mỹ), trong đó có những sai lầm và sửa sai khi ứng dụng AI, từ mức độ đơn giản đến phức tạp.

Từ đó, những bài học anh rút ra gồm: dành thời gian để suy nghĩ về giải pháp trước khi bắt tay vào làm, “ý tưởng đôi khi là vô nghĩa, quan trọng là hiện thực hóa”; có thể sử dụng network (mạng lưới), data (dữ liệu) có sẵn trên mạng để phục vụ mục tiêu mà không nhất thiết xây dựng mới mọi thứ hoàn toàn từ đầu để tiết kiệm nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ; kết hợp nhiều model để có output tốt; gia nhập các group thuộc chuyên môn để đặt các câu hỏi khi cần; nhờ sự trợ giúp chuyên gia và cộng đồng công nghệ…

VAN-8126-JPG-9151-1561790201.jpg

Anh Cao Hoàng Vũ, đơn vị FGA.AIS, đặt câu hỏi cho các diễn giả.

“Điểm mấu chốt để ứng dụng AI hay bất kỳ công nghệ nào khác không phải là code mà là nhìn ra vấn đề, sau đó mới sử dụng công nghệ để ứng dụng vào cách giải quyết”, anh gửi gắm. Anh định nghĩa thành công khi ứng dụng AI dựa trên 2 tiêu chí: ứng dụng được kiến thức đã học và có doanh thu.

“Chuyên gia AI tự học” cũng đã cung cấp cho người tham dự sự kiện các nguồn tìm kiếm ý tưởng, các khóa học online, nguồn tìm các model có sẵn, khóa học online về AI, về start-up, cách tìm người hỏi để học, cũng như cách quảng bá ý tưởng và tìm nguồn đầu tư…

Tiến sĩ Đặng Hoàng Vũ - Giám đốc Khoa học FPT cũng cho rằng AI không phải là khái niệm quá xa xôi hay to lớn. Tại talkshow, anh Vũ đã giới thiệu ứng dụng chatbot và tổng đài tự động của FPT.AI với các ưu điểm giọng nói robot với nhiều vùng miền,  khả năng nhận diện khuôn mặt cao…

Tien-si-Dang-Hoang-Vu-FPT-JPG-1273-15617

Đặng Hoàng Vũ - Giám đốc Khoa học FPT chia sẻ về ứng dụng AI trong thực tế và những lưu ý.

Theo anh Vũ, hạn chế của các thuật toán AI ở hiện tại vẫn chưa đủ thông minh và còn học tập thiếu chọn lọc. Tuy nhiên, anh nhận định trong vòng 10 năm, những điểm yếu trên sẽ dần dần được cải thiện.

“Áp dụng AI vào thực tiễn không thể làm một cách máy móc bởi thực tế phức tạp hơn nhiều. Dữ liệu chỉ là một phần, nếu không có sự tỉnh táo của con người, nó sẽ không phản ánh đúng thực tế”, Giám đốc Khoa học FPT khẳng định, đồng thời đưa ra các ví dụ thực tế minh họa. Những chuyên gia AI khi nghiên cứu thường cho ra những kết quả rất tốt nhưng nó lại khó khớp với thực tiễn kinh doanh của khách hàng. Điều đó khiến những dự án AI thường rất khó đoán.

VAN-8092-JPG-3407-1561790201.jpg

Hơn 60 người có mặt lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu và ứng dụng AI.

Trong tập đoàn FPT không chỉ có FPT.AI làm về trí tuệ nhân tạo mà những đơn vị cũng triển khai như FPT Software ứng dụng công nghệ xe tự lái, FPT Telecom áp dụng vào dự đoán khách hàng rời mạng... Vì vậy, định nghĩa AI không nên bó hẹp trong một mảng nào đó vì nó sẽ liên tục thay đổi theo thời gian và ngày càng gần gũi với cuộc sống, “tiến sĩ Cambridge nhà F” nhận định.

Theo anh Cao Hoàng Vũ, đơn vị FGA.AIS, chương trình thú vị, bổ ích. Tuy nhiên, là người dành nhiều thời gian nghiên cứu và 'tập tành' với AI, anh Vũ mong muốn sự kiện có thêm phần chia sẻ chuyên sâu về công nghệ. Trong khi đó, anh Vũ Hồng Việt, Ban giám đốc đơn vị EBS, kỳ vọng có thể "Ứng dụng nhanh AI vào nền tảng ERP - thành lũy của quản trị doanh nghiệp - mà EBS đang triển khai cho hàng loạt khách hàng. Chúng tôi đang đứng trước bài toàn áp dụng công nghệ mới nhất", anh Việt nhấn mạnh.

Solution Forum do STU (Ban Công nghệ Giải pháp) phối hợp với CTC (Trung tâm Đào tạo) của FPT Software tổ chức mỗi 2 tháng, với các chủ đề về công nghệ. Trước đó, Solution Forum 58 mang chủ đề "Product Management Mindset" (Tư duy quản lý sản phẩm).

Vũ An

Ý kiến

()