Chúng ta

Chủ tịch FPT: ‘Muốn có chính phủ điện tử, phải xây dựng niềm tin’

Thứ sáu, 18/9/2020 | 06:10 GMT+7

Sáng ngày 17/9, tại TP HCM, anh Trương Gia Bình tham gia hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử và dịch vụ công, trong vai trò điều phối tọa đàm về giải pháp công nghệ góp phần đẩy nhanh dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phát triển chính phủ số và chuyển đổi số.

Mở đầu phiên tọa đàm cấp cao, anh Trương Gia Bình đề nghị các khách mời tập trung vấn đề làm sao để người dân thuận lợi trong giao tiếp với chính phủ, trong các dịch vụ công và phương thức tiết kiệm cho người dân về thời gian, tiền bạc.

“Thời gian qua, chúng ta đã làm rất nhiều và có nhiều biến đổi. Thừa Thiên - Huế được đánh giá cao về việc khuyến khích người dân tham gia chính phủ điện tử, nhưng tỷ lệ là 4 người dùng/10.000 dân. Có đến 5 bộ và 22 địa phương có dịch vụ công ở mức độ 4 (dưới 10%). Vậy làm sao để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên cao hơn, trong bối cảnh Bộ TT&TT mong muốn đến năm 2021, 100% dịch vụ công trực tuyến lên cấp 4?”, Chủ tịch FPT dẫn dắt.

IMG-8110-JPG-1522-1600353311.jpg

Anh Trương Gia Bình đóng vai trò điều phối tọa đàm về chính phủ điện tử.

Đối với vấn đề liệu có đạt được tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp 4 ở mức cao không, theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD và ĐT), trong điều kiện hiện nay, cấp độ 3 đã là tốt vì thanh toán trực tuyến là khó khăn lớn về hạ tầng và thuyết phục người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn. “Phải lựa chọn thủ tục hành chính, đối tượng người dân, phù hợp với cấp độ 4 để làm trước. Chúng ta cần lấy người dân làm trung tâm, đánh giá khả năng tham gia, đáp ứng được yêu cầu để lên kế hoạch phù hợp”.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương, hiện 99%, hồ sơ đến Bộ Công thương là online, 1,5 triệu hồ sơ giải quyết trên cổng dịch vụ công trực tuyến của bộ. Quan trọng là doanh nghiệp có trải nghiệm đầu tiên về dịch vụ công trực tuyến, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ giảm từ 8 giờ xuống còn 4 giờ khi làm online. Ngoài ra, làm trực tuyến phải tận dụng công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Còn bác sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, lại đưa ra dẫn chứng khi Bộ Y tế đã làm được 100% dịch vụ công trực tuyến trong thời kỳ Covid-19. Nguyên nhân thành công là nhờ Trung tâm Điều hành hỗ trợ tư vấn điều trị Covid-19 từ xa. Khi số lượng bệnh nhân tăng, qua Trung tâm, trí tuệ bác sĩ tập hợp lại để hằng ngày hội chẩn, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, đặc biệt là BN91 với quyết tâm của 3 nhà: nhà lãnh đạo, chuyên môn (doanh nghiệp) và người dùng (bác sĩ/người dân).

toa-dam-JPG-6827-1600353311.jpg

Các diễn giả tranh luận về việc thúc đẩy phát triển chuyển đổi số và chính phủ điện tử ở nước ta.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT - nhấn mạnh việc kết hợp công nghệ và cải cách thủ tục hành chính. Nền tảng công nghệ đã có nhưng thủ tục hành chính cần đơn giản hơn. Và phải đào tạo, giới thiệu và khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ công trực tuyến.

Trên cơ sở đó, anh Trương Gia Bình đặt ra câu hỏi làm sao để người dân biết đến. Một dự án cần chi đến 20% ngân sách để truyền thông, hướng dẫn, đào tạo, muốn có dân trí thì phải phân bổ ngân sách hợp lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định cho rằng cần tạo ra thói quen. “Ở TP Huế, chúng tôi xây dựng một ứng dụng, bao gồm dịch vụ công. Người dân có rất nhiều vấn đề cần tương tác với chính quyền, như phản ánh hiện trường. Hiện, 135.000 người (10% dân số thành phố) đã cài ứng dụng, hướng đến 100% người dân, nhằm tạo thói quen, kênh tương tác giữa người dân với chính quyền".

Tiếp nối, anh Trương Gia Bình đề nghị các khách mời đưa ra sáng kiến để bộ máy nhà nước tích cực giải quyết các vấn đề online. Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Chuyên gia phụ trách phát triển thanh toán trực tuyến Văn phòng chính phủ, cổng quốc gia có công cụ chung để người dân phản ánh việc chậm trễ xử lý dịch vụ công, sau bao nhiêu ngày phải có phản hồi. Văn phòng Chính phủ có hệ thống theo dõi tình hình thực hiện công việc, xử lý văn bản... Đây là tiêu chí để đánh giá, có thể chế, chế tài giám sát việc thực thi công vụ của công chức. Các phiếu lấy ý kiến bộ ngành, cơ quan chính phủ đều điện tử hóa khiến cán bộ công chức có động lực để tăng cường ứng dụng.

“Các cổng dịch vụ công của bộ ngành địa phương phải công khai minh bạch tiến trình xử lý thủ tục hành chính và có phần phản ánh vấn đề của người dân. Hiện, quy định chính phủ và giải pháp kỹ thuật đều đã có. Việc tổ chức thực hiện do người đứng đầu, chỉ cần thực hiện nghiêm thì người dân sẽ tin”, ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - nhận định.

Chủ tịch FPT cho biết, Việt Nam đã tụt 22 hạng về dịch vụ trực tuyến nhưng chúng ta luôn nhấn mạnh về thay đổi nhận thức: "Hầu hết các bộ và địa phương đang tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số. Chính phủ thành lập UBQG, yêu cầu các Bộ ban ngành, đẩy dịch vụ công mức 4 lên tối đa có thể. Nhưng nếu nhận thức là quan trọng thì phải chi tiền. Vậy làm sao để đi đến hành động cho việc này?"

IMG-0516-JPG-1689-1600353311.jpg

Anh Trương Gia Bình liên hệ giữa câu chuyện về "cái chết đen" với yêu cầu phát triển chuyển đổi số hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa - nhận định, hiện chưa có cụm từ nào về chi cho CNTT trong luật ngân sách nhà nước, quốc phòng, an ninh giáo dục. Tất cả vẫn còn nằm rải rác ở các mục Khoa học công nghệ, Văn hóa thông tin, Phát thanh truyền hình, nhưng không có mục CNTT. Câu chuyện này đã nói 20 năm nay, nhưng cần có tiếng nói để tác động đến lãnh đạo ngành tài chính.

Bộ TT&TT các nước càng phát triển, chính phủ số càng phát triển thì mức chi càng cao. Nếu như ASEAN là 1,3-1,5%, các nước phát triển rơi vào khoảng 2-2,5% GDP. Trong khi, Việt Nam đang dừng ở 0,3-0,4%. Nhưng muốn tăng mức chi tiêu thì cần phải thay đổi luật Ngân sách Nhà nước.

Từ đó, anh Trương Gia Bình tin rằng đã tìm ra một “tử huyệt” trong phát triển CNTT ở nước ta. Chủ tịch FPT nâng tầm vấn đề trên qua câu chuyện về “cái chết đen” ở thời Trung Cổ - thảm họa đã giết ½ dân số châu Âu, 40% Trung Đông và 25% châu Á. Hệ quả là đất không có người canh tác, thiếu nguồn nông nô. Và thế giới đã đối phó bằng nhiều cách khác nhau.

Ở Đông Âu, các lãnh chúa chiếm nốt phần đất hoang và giữ người nông nô cho đến Cách mạng tháng 10 Nga mới giải phóng hoàn toàn. Trong khi, ở Tây Âu, các điền chủ đã thuê, cướp giật, trả công ngày càng cao, khiến người nông nô có giá và sinh ra hai loại tài sản: Đất đai và nông nô tự do. Từ đó hình thành tư bản nông nghiệp giai đoạn đầu, tạo nền móng cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong tương lai. Hai khu vực phát triển khác nhau, một bên rực rỡ từ khoa học giáo dục y tế nghệ thuật và xếp lại một trật tự thế giới mới.

Hiện nay, tuy Covid-19 chưa đáng sợ như “cái chết đen” nhưng lại đi kèm công nghệ số. Nên sự chênh lệch trong thời gian tới sẽ rất khủng khiếp. Ai chuyển đổi số sẽ đứng ở thứ hạng khác, ai không chuyển đổi số phải xem lại sự tồn tại. Đó là điều chúng ta cần nhận thức sâu! “Vậy tại sao ngân sách cho thể thao còn có, nhưng CNTT - chuyển đổi số lại không? Phải có ngân sách thì mới tính đến chuyện dùng tiền hiệu quả”, Chủ tịch FPT trăn trở.

Nguyên tắc chuyển đổi số là tập trung chi cho những thứ bức xúc, mang lại hiệu quả mới và tăng trưởng, cái gì có lợi mới làm. Đây là lúc cộng đồng, các công ty CNTT và cơ quan quản lý nhà nước cần suy nghĩ lại lần nữa. Cải cách hành chính phải đi trước, người dân phải thấy dễ dàng thuận tiện nhanh chóng.

IMG-0532-JPG-7631-1600353311.jpg

Ông Dương Trọng Đức - Phó Chủ tịch UBND TP HCM bày tỏ quyết tâm chuyển đổi số của chính quyền thành phố.

Đại diện lãnh đạo TP HCM, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP chia sẻ: “Quyết tâm của TP HCM rất lớn, là cả một quá trình. Việt Nam bắt đầu chuyển đổi số từ lâu rồi bởi chuyển đổi số là cố gắng ứng dụng CNTT để nền kinh tế, hành chính phát triển hơn. Chúng ta phải kế thừa những thành quả đã có; tận dụng tất cả nguồn lực vì nếu chỉ riêng Chính quyền thành phố sẽ không làm được, phải kết hợp công tư để đẩy nhanh hiệu quả và có cơ chế nhìn ra nhanh nhất những công cụ, sản phẩm chuyển đổi số tốt đưa vào ứng dụng. Chính quyền đóng vai trò kết nối để mọi người sẵn sàng tham gia chuyển đổi số. Đến năm 2030, sẽ điều chỉnh từng năm, để xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ người dân tốt, nền kinh tế số mang lại giá trị thặng dư cao”.

Không chỉ tán đồng, anh Trương Gia Bình nhận định TP HCM đang phát huy vai trò tiên phong và Việt Nam trông cậy vào TP HCM. “Chúng ta đã bàn rất nhiều về chính phủ điện tử cấp bộ và địa phương. Đừng chạy số lượng hãy nói về chất lượng, người dân thuận lợi thế nào, dùng app có mượt mà hay không, về cắt giảm thủ tục, truyền thông cho người dân... Tất cả sẽ thúc đẩy chính phủ điện tử, nhưng quan trọng nhất là xây dựng niềm tin, niềm tin về chính phủ điện tử”, Chủ tịch FPT kết luận.

Trước khi kết thúc tọa đàm, các vị diễn giả đã đưa ra những từ để nói về chính phủ điện tử. Anh Trương Gia Bình chọn “nhận thức” - điều tưởng chừng đã nói, đã làm 20 năm qua nhưng vẫn phải nhắc lại: Cần nhận thức đúng đắn hơn về chuyển đổi số. Trong khi đó, “sáng tạo”, “người đứng đầu”, “thể chế” (chính sách và tổ chức thực hiện), “lợi ích”, “quyết liệt” và “phục vụ” là những cụm từ được các diễn giả khác đề cập khi nói về tương lai của chính phủ điện tử ở Việt Nam.

>> Chủ tịch FPT: ‘Covid-19 tạo thế và lực mới cho Việt Nam’

Sơn Thạnh

Ý kiến

()