Chúng ta

Chủ tịch FPT: ‘Covid-19 tạo thế và lực mới cho Việt Nam’

Thứ ba, 25/8/2020 | 07:08 GMT+7

Tại hội thảo khoa học kỷ niệm 75 năm ngành Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao đánh giá FPT là cái tên hàng đầu trong ngoại giao kinh tế và ngoại giao nhân dân. Trong khi đó, Chủ tịch Trương Gia Bình cảm ơn Bộ và các Đại sứ quán đã giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả để FPT ra thế giới.

Theo anh Trương Gia Bình, Covid-19 là đại dịch thế giới, đã tạo ra khủng hoảng kinh tế - xã hội mang tầm thiên niên kỷ và diễn ra đồng thời với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu như bốn cuộc cách mạng công nghiệp trước đây liên quan đến việc hỗ trợ con người về cơ bắp, tính toán thì cuộc cách mạng lần này giúp nhân loại phát triển về phương diện trí óc. Đó là điểm khác biệt vô cùng lớn.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch FPT đã chia sẻ một câu chuyện mà theo anh “làm thay đổi tiến trình nhân loại”. Đó là sự kiện “cái chết đen” diễn ra vào giai đoạn 1346-1351. Giống như Covid-19, nhiều ý kiến cũng cho rằng “cái chết đen” có khởi nguồn từ “người hàng xóm” của chúng ta và theo “con đường tơ lụa” đến châu Âu.

Đại dịch trên đã gây ra thiệt hại vô cùng nặng nề với khoảng gần 50% người châu Âu, 40% người Arab và 25% người châu Á tử vong. Hệ quả của nó không chỉ làm dân số thế giới sụt giảm mạnh, mà còn góp phần khiến đất đai hoang hóa do thiếu nông nô để canh tác.

118215739-720671668496175-6620-2791-6607

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình phát biểu tại hội thảo khoa học kỷ niệm 75 năm ngoại giao Việt Nam.

Theo anh Bình, với tình trạng trên, thế giới đã có hai cách tiếp cận. Ở phương Đông, toàn bộ quỹ đất rơi vào tay các chủ nô, làm kìm hãm cuộc sống của nông nô và xã hội phát triển không đáng kể.

Còn tại phương Tây, đại diện tiêu biểu là nước Anh, đã có phương pháp tiếp cận khác. Do thiếu người canh tác, các lãnh chúa phong kiến tiến hành mua chuộc các nông nô để chuyển khu vực canh tác nông nghiệp này sang đất đai của những chủ mới. Họ tạo ra nguồn lao động tự do và đất đai trở thành tài lực được pháp luật bảo hộ. Đây là giai đoạn hình thành mầm mống chủ nghĩa tư bản nông nghiệp. Và tiếp theo là tư bản thương mại và công nghiệp, theo tiến trình các cuộc cách mạng.

Về khoa học - giáo dục - nghệ thuật, “cái chết đen” làm cho mọi người thất vọng về Thiên chúa giáo, khi chính những buổi cầu nguyện cực kỳ lớn đã khiến bệnh dịch lây lan mạnh mẽ hơn. Từ đó, giáo dục, nghệ thuật và khoa học lần lượt tách ra khỏi nhà thờ, để tạo nên thời kỳ Phục hưng rực rỡ. “Cái chết đen” đã tác động toàn diện, vô cùng mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của nhân loại.

Để bao quát về sức ảnh hưởng của đại dịch đến lịch sử loài người, Chủ tịch FPT đã giới thiệu cuốn sách “Sự cài đặt mới vĩ đại” - tác phẩm so sánh các dịch bệnh tạo nên khủng hoảng trong lịch sử. Tác giả cuốn sách cho rằng: Hệ thống xã hội đang tồn tại những điểm yếu “chí mạng” như: sự phân biệt giàu nghèo, chạy đua tài sản, vô trách nhiệm với biến đổi khí hậu và an ninh lương thực, mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc, chiến tranh thương mại hay y tế cộng đồng yếu kém… Tất cả đã phơi bày, bộc lộ toàn diện khi Covid-19 đến. Và tác giả mong muốn thế giới sẽ có một sự “cài đặt” mới.

Từ sự “cài đặt” mới này, anh Trương Gia Bình liên tưởng đến hai so sánh quan trọng. Nếu như trong “cái chết đen” là đất đai bỏ hoang thì giờ đây nhân loại nói về dữ liệu. Còn trước kia là “sự khan hiếm nông nô” thì bây giờ chính là lực lượng trí tuệ nhân tạo. “Nếu không làm chủ được dữ liệu và trí tuệ nhân tạo thì có thể nền độc lập tự do dân tộc mà cha ông ta đã bỏ bao công sức, xương máu để giành lấy thì chúng ta cũng không bảo vệ được”, Chủ tịch FPT khẳng định.

118245625-1234604673560969-481-5478-7016

Theo Chủ tịch FPT, Covid-19 tạo thế và lực mới cho Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đang đáp ứng 5 điều kiện thuận lợi để đối đầu với Covid-19, gồm: sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng ra quyết định nhanh chóng và quyết đoán, hệ thống khám chữa bệnh với chi phí hợp lý và không phân biệt đối xử bệnh nhân, nhân dân tin tưởng vào nhà lãnh đạo, sự minh bạch của truyền thông và đoàn kết hợp lực vì mục tiêu chung. Việt Nam được các tổ chức thế giới công nhận là nước đầu tiên vừa ứng phó Covid-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Đó là những thuận lợi về thế và lực.

Với dữ liệu, Chủ tịch nhà F kể về trải nghiệm bất ngờ khi không thể tìm được thông tin cửa hàng Adidas trên Google Map ở Berlin (Đức) vì dữ liệu đã không cập nhật từ 10 năm trước, do an toàn bảo mật thông tin. Theo anh, nếu như trong văn hóa phương Tây, vấn đề khai thác dữ liệu rất quan trọng, thì Việt Nam với văn hóa làng xã hướng đến sự chia sẻ từ việc hôm nay ăn gì, đi đâu… Tất cả tạo thành văn hóa mở cộng đồng và đó là sức mạnh chúng ta cần khai thác. Bởi dữ liệu phải được chia sẻ, khai thác mới tạo thành sức mạnh.

Cuối cùng, vấn đề đất đai ở Việt Nam rất cởi mở và đội ngũ nhân lực cũng đông đảo. Trong khi nước Nhật có khoảng 1,3 triệu người làm về công nghệ thông tin thì Việt Nam cũng có 1 triệu người. “Chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam trên toàn thế giới. Và sắp tới, khi các quốc gia bắt đầu triển khai chiến lược theo định hướng “cài đặt mới”, chúng ta nên học hỏi và nắm bắt nhanh hơn. Tôi đề nghị chúng ta nên tiếp cận thời đại theo phong cách phương Tây, cởi mở hơn về dữ liệu. Tôi mong Bộ Ngoại giao và các nhà lãnh đạo thiết lập vị thế cho nước ta để Việt Nam có thể thu hút, tiếp thu những công nghệ mới trong tương lai”, Chủ tịch FPT nhấn mạnh trước khi khép lại bài trình bày.

Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (1945-2020), sáng ngày 24/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo khoa học “75 năm Ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng trong thời kỳ chiến lược mới của đất nước”.

Hội thảo nhằm đánh giá một cách khách quan những đóng góp của Ngành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục tổng kết những kinh nghiệm, bài học của ngoại giao 75 năm qua và xây dựng định hướng cho sự phát triển của ngoại giao trong bối cảnh chiến lược mới của đất nước; nhất là chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nay cho đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

>> 'FPT cam kết là đồng minh công nghệ sáng tạo với doanh nghiệp Việt’

Sơn Thạnh

Ý kiến

()