Chúng ta

VnExpress, bước ngoặt cuộc đời

Thứ sáu, 25/5/2018 | 14:32 GMT+7

Trong cơ quan, cho đến tận bây giờ, chẳng ai biết về tôi trước khi gia nhập VnExpress.

- Chị chưa từng làm ở đâu à? - Nguyễn Hải, Trưởng ban Xã hội VnExpess phía Nam, cô gái trẻ với gương mặt thanh tú và làn da trắng hồng mỉm cười như trấn an người đối diện khi đặt câu hỏi. Có lẽ cô ấy đã nhận ra sự lúng túng đến sợ hãi ở tôi, người lần đầu tiên đi xin việc khi đã ở tuổi 30.

- Em không chắc chị có làm được việc không. Nhưng chị cứ cố gắng nhé, có gì em sẽ hướng dẫn. - Lần này, đến lượt tôi nhận ra vẻ nghi ngại trong mắt cô ấy…

Ừ thì phải cố gắng hết sức chứ, nếu dồn hết cả tâm can mà vẫn không làm được thì sau này mình sẽ không hối tiếc. Tôi đã nhủ lòng như thế sau khi nói lời cảm ơn Hải. Còn một động cơ thúc đẩy tôi bắt tay ngay vào công việc là bởi ánh nhìn nghi ngờ của cô ấy khiến tôi tự ái. Liền sau đó tôi đã sốt sắng theo chân Hải đến TAND TP HCM và Công an TP HCM để lấy thông tin. Hôm đó, từng cử chỉ, động tác hay mỗi câu nói của Hải với những người ở cơ quan công quyền tôi đều ghi nhớ. Bởi tôi biết, đó là bài học đầu tiên cô ấy dạy tôi cách tác nghiệp của phóng viên. Và thật may mắn, ngay trong ngày đầu tiên đi làm, tên tôi đã được ghép với bút danh một phóng viên ưu tú trong một bản tin Pháp luật.

Đó là ngày 17/9 của 6 năm về trước, cái ngày đã khiến cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác.

Đứng dậy sau vấp ngã

Trong cơ quan, cho đến tận bây giờ, chẳng ai biết về tôi trước khi gia nhập VnExpress. Tốt nghiệp cử nhân Quản trị Du lịch và Khách sạn nhưng tôi lại chọn nghề truyền thống của gia đình, ở nhà quản lý một cơ sở may quần áo xuất khẩu sang các nước Đông Âu, châu Phi, Lào và Campuchia. Đơn giản chỉ vì cái nghề ấy đã giúp gia đình tôi vượt qua đói nghèo khi rồng rắn dắt

nhau từ Bắc và Nam rồi trở thành một trong những cơ sở xuất khẩu có tiếng ở khu Tân Bình, TP HCM.

Rồi tôi lấy chồng, tách ra làm riêng với một cơ sở nhỏ hơn. Tuy nhiên, thu nhập của tôi lúc đó cũng xấp xỉ cả tỷ đồng mỗi năm. Hơn rất nhiều so với bạn bè trang lứa. Chỉ 25 tuổi, sớm hài lòng với hiện tại của mình nên tôi đã không tiếc tay vung tiền vào những cuộc ăn chơi của hai vợ chồng. Lúc đó chồng tôi là một cán bộ trong ngành Công an.

Đến bây giờ khi nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao ngày đó mình lại có thể hành động ngu xuẩn đến vậy. Khi phát hiện ra mất một số tiền lớn, tôi mới biết chồng mình rất đam mê cờ bạc, cá độ đá banh, đánh đề… “Ừ thì anh chơi, tôi cũng chơi” - Tôi đã nói với anh như thế và theo chân chồng đến những chỗ tụ tập bài bạc. Thế là tôi nghiền theo anh lúc nào không biết.

Chẳng có “môn” nào anh chơi mà tôi không nhập cuộc. Anh đánh đề số này, tôi “bao” luôn vài số khác. Lúc đầu tôi đã thắng rất nhiều tiền, nhưng càng về sau càng thua. Thua đau đớn…

Không dừng lại ở đó, vợ chồng tôi còn theo chân nhóm bạn quen ở các song bạc đến quán bar, vũ trường… trong khắp thành phố. Có những hôm đến vũ trường, tôi chẳng thèm bận tâm trong cốp xe SH biển số 1268 của tôi gửi ngoài khu vực VIP có hàng trăm triệu đồng mà tôi vừa lấy được của mối hàng. Đã đi đến những nơi ấy, một “dân chơi” như tôi đâu có ngại ngùng nốc rượu mạnh hay “cắn” thuốc lắc cho “bằng chị, bằng em”.

Xong chầu ấy, vợ chồng tôi và cả bọn lại kéo nhau đi chơi “tăng hai” ở những quán bar vùng ven, hay lên khách sạn lập “ổ” tiếp tục chơi, mặc kệ cho con trai ở nhà với ít nhất ba người giúp việc. Tôi sẵn sẵng thuê hẳn DJ của quán bar đến những chỗ ấy để chơi nhạc cho mình và “đồng bọn” đến sáng. Ngày ấy, đa số vệ sĩ và nhân viên phục vụ các quán bar, vũ trường ở Sài Gòn, Bình Dương và cả Vũng Tàu không ai là không biết đến “chị Mai”. Bởi tôi thích cảm giác được tung hô, nịnh nọt mỗi khi rút tiền bo cho hàng loạt người. Và đó cũng là cái “sướng” của một con người khi đang phê thuốc.

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Trong một lần vào quán bar Ben Ben ở quận 1, vợ chồng tôi và hơn chục người khác bị công an bất ngờ ập vào kiểm tra. Sáng hôm sau, tôi có mặt trên trang nhất báo CA TP HCM. Kết quả kiểm tra chồng tôi dương tính với ma tuý. Anh bị đuổi khỏi ngành chỉ trong vài ngày sau.

Buồn vì chuyện đó, anh càng sa vào cờ bạc. Tôi cũng không màng đến công việc làm ăn và một lô hàng đóng sang Singapore bị trả về vì không đạt chất lượng khiến tôi thua lỗ hơn nửa tỷ đồng. Tiếp tục lao vào các cuộc chơi, chỉ trong vài tháng tiền của, đất đai… dần dần đội nón ra đi. Thậm chí tôi còn phải vay tiền bạn hàng để trả nợ cho chồng khi anh quá lậm vào cá độ bóng đá. Chẳng còn tâm trí đâu để làm ăn, tôi đóng cửa cơ sở. Cuối cùng, hai vợ chồng chia tay khi tôi đã hoàn toàn trắng tay. Tôi và con trai trở về tìm sự che chở của bố mẹ.

Thấy tôi không còn hứng thú với việc kinh doanh, bố mẹ tôi tìm cách đưa tôi đi du học tại Anh, đó là đầu năm 2007. Nhưng đến ngày đi phỏng vấn, tôi đột ngột từ bỏ bởi nếu được đi đồng nghĩa với việc sẽ không về Việt Nam nữa (kế hoạch của tôi là sẽ tìm đường ở lại đấy bằng bất cứ giá nào), hay ít nhất cũng phải nhiều năm ròng. Và như thế thì con trai tôi, thằng bé mới vừa 6 tuổi, phải sống ra sao?

Trong những ngày nằm dài ở nhà, có lần tôi đọc một bài Ký sự pháp đình trên báo Tuổi Trẻ do chị gái mình viết, mà theo lời chị nói đó là bài được toà soạn đánh giá rất cao.

- Viết dễ thế này em cũng viết được. Có khi còn hay hơn ấy chứ! - Tôi nói tỉnh bơ.

Chị tôi không tức giận mà còn khuyến khích:

- Ừ, chị nhớ hồi học ở trường Nguyễn Thượng Hiền (trường điểm của TP HCM), chị và mày cùng là học sinh giỏi văn mà. Nhưng viết báo không như làm văn đâu em. Hay mày thử đi làm giống chị xem sao. Mấy đứa tưng tửng giống mày có khi lại được việc đấy… - Chị phá lên cười rồi tiếp lời - Ở VnExpress đang cần người viết mảng pháp đình mà Trưởng ban bên đó lại là bạn chị, có thể cho mày một cơ hội đấy. Tuy nhiên, đừng làm mất mặt chị nhé…

Và đó là cơ duyên, định mệnh để tôi có cuộc gặp với Nguyễn Hải rồi trở thành phóng viên của VnExpress. Tôi còn nhớ như in buổi tối chị gái gọi điện bảo: “Cái Hải bảo mày có tư duy tốt, nhưng còn yếu về IT lắm. Cố lên em”. Và thế là từ đó tôi bắt đầu lao vào học, từ những thứ cơ bản nhất mà một phóng viên báo điện tử cần phải nắm. Và người thầy của tôi không ai khác là Nguyễn Hải. Những điều cô ấy chỉ bảo, hay những câu từ trong bài viết chưa được chính xác, không đúng với nguyên tắc của VnExpress… tôi đều cẩn thận viết vào sổ không thiếu một lời. Thời gian này, có những hôm 22-22 giờ tôi mới rời toà soạn chỉ vì muốn hoàn thành bài viết hoàn chỉnh để sếp không mất công chỉnh sửa nhiều. Và cũng bởi tôi thấy hạnh phúc khi thấy những tin bài mình viết ngày càng tiến bộ hơn (như lời nhận xét của Hải).

Bước ngoặt cuộc đời

Với những lầm lỡ trong quá khứ, tôi từng muốn đào sâu, chôn chặt để bước vào cuộc sống mới, trở thành con người khác. Ai cũng có sai lầm, quan trọng là người ta bước ra khỏi sai lầm ấy như thế nào mà thôi. Điều đó được người ta nói với nhau hằng ngày và tôi cũng không ngoại lệ khi tự nhủ với lòng sẽ không bao giờ quên mình đã thoát khỏi bi kịch cuộc đời thế nào.

Mặt khác, suy cho cùng, những cuộc ăn chơi trác táng ngày xưa không hẳn chỉ mang lại cho tôi những điều tệ hại. Mà đến khi trở thành phóng viên nội chính của VnExpress, nó cũng giúp tôi không ít trong quá trình tác nghiệp. Tôi còn nhớ chỉ sau vài tháng chính thức được nhận vào làm, tôi đề nghị với Hải: “Chị thấy tình trạng giới trẻ Sài Gòn ăn chơi, đi ‘bay’ rất nhiều trong khi báo mình chưa có bài nào phản ảnh về việc này. Chị viết nhé?”. Hôm đó, không cần mất nhiều thời gian, đề tài mà tôi đề xuất đã được duyệt với một đề cương rõ ràng do Hải vạch ra. Và thế là, chỉ sau 10 ngày quay trở lại những tụ điểm chơi cũ, chỉ khác là tôi chỉ đứng quan sát và theo chân nhóm bạn ăn chơi ngày xưa, tôi đã có loạt bài “hoành tráng” trên VnExpress.

“Đọc bài này như thể người viết nghe, nếm, ngửi, thậm chí là ‘phê’ luôn ở khu ăn chơi ấy nhỉ?”, đàn anh Thiên Chương (PV Ban Gia đình) nói vui với tôi thế.

Còn Nguyễn Hải, tôi biết cô ấy đã kỳ công rất nhiều khi phải biên tập loạt bài ấy, cũng nói: “VnExpress chưa ai viết được những bài như thế này. Em thấy chị có khiếu viết mấy đề tài xã hội như vậy, cố lên nhé”. Không cần phải nói lúc ấy tôi sướng đến như thế nào, dù chi phí cho những ngày quay lại “giang hồ” của tôi hơn gấp chục lần tiền nhuận bút nhận được.

Và có lẽ, quá khứ từng nắm trong tay một số tiền lớn nên với tôi, mọi cám dỗ vật chất trong công việc không thể tác động được trong suốt thời gian làm phóng viên của ban Xã hội.

Còn nhớ năm 2008, TAND TP HCM đưa ra xét xử vụ tranh chấp ngôi biệt thự trị giá 5.000 cây vàng giữa các đại gia Sài Gòn. Vài ngày trước phiên xử, tôi nhận được điện thoại của nguyên đơn, chủ một doanh nghiệp vàng. Ông ấy bảo muốn gặp tôi để cung cấp toàn bộ hồ sơ vụ án. Lúc đó tôi rất mừng vì đó là vụ án vô cùng phức tạp, nhạy cảm, trong khi thông tin bên lề tôi nhận được là “những người trong cuộc không chỉ là đại gia mà còn là một thế lực xã hội đen rất lớn”. Thế là tôi đến gặp ông ấy ngay vì đang nóng lòng muốn nắm rõ được nội dung vụ án. Thú thật, lúc đó tôi mới chỉ là phóng viên non nớt tay nghề trong khi các báo khác toàn những nhà báo gạo cội đảm đương việc đưa tin vụ kiện này.

Buổi tối hôm đó, sau khi lần dở chồng hồ sơ dày đến cả gang tay, tôi bất ngờ phát hiện phong có 2.000 USD kẹp trong đống đĩa CD mà ông chủ tiệm vàng bảo rằng đó là băng ghi âm, chứng cứ vụ án. Tôi rất ngạc nhiên vì trong buổi gặp gỡ tôi không nhận được bất cứ lời đề nghị nào của bên nguyên đơn.

- Anh biết VnExpress có rất nhiều độc giả. Hầu hết Việt kiều trên thế giới đều đọc, trong đó có rất nhiều người quen của gia đình anh. Anh muốn em giúp anh viết khéo vào. Chẳng hạn như đăng phần lớn quan điểm trình bày của phía tụi anh. Gia đình anh sẽ mang ơn em nhiều lắm - Người đàn ông nhỏ nhẹ nói khi tôi gọi điện đến.

- Em hiểu rõ ý anh rồi, nhưng ngày mai anh em mình ăn cơm với nhau nhé

- Tôi đề nghị và đọc cho ông ta địa chỉ nhà hàng hải sản ở gần toà soạn.

Đêm đó tôi mất ngủ… Làm sao tôi có thể ngủ được khi số tiền ấy trị giá đến hơn 6 tháng lương của tôi? Trong khi bài viết về vụ kiện ấy tôi chỉ nhận được nhuận bút là 200.000 đồng. Nếu có viết theo lời đề nghị của ông ta thì cũng chẳng có gì sai. Tuy nhiên, tôi từng có đến cả tỷ đồng trong tay, cuối cùng có giữ được đâu? Để được đứng ở vị trí phóng viên, tôi đã phải cố gắng nhiều biết chừng nào? Thế là hôm sau, trong bữa ăn, tôi đã trả lại chủ tiệm vàng phong bì 2.000 USD đó. “Nguyên tắc hàng đầu của báo em là phải khách quan anh ạ. Bài viết của em nhất định là phải có phản biện của phía bên kia”, tôi giải thích. Sau một hồi thuyết phục không được, ông ấy vui vẻ trở lại, thậm chí còn để tôi thanh toán bữa ăn đó hết gần triệu bạc…

Tôi đã “lớn lên” từ những sự việc như thế. Khi đã viết “cứng” và có nhiều bài ký sự pháp đình mang đậm “dấu ấn VnExpress” được nhiều người quan tâm, tôi cũng nhận được vài lời đề nghị về làm ở các báo lớn với mức thu nhập hấp dẫn. Có lẽ họ không hiểu rằng, những thứ tôi có được nhờ VnExpress không thể mua được bằng tiền. Hầu hết những người quen biết ngày xưa đều rất bất ngờ khi gặp lại tôi. Bởi theo họ, Vũ Mai (bút danh của tôi) bây giờ không còn là Mai “giang hồ” ngày xưa nữa. Giờ đây, với cương vị mới là Phó ban Thời sự, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều sếp, điều đó có nghĩa là tôi sẽ học hỏi được nhiều điều hơn. Song, tôi mãi mãi sẽ không quên từng bước trưởng thành của bản thân đã luôn có sự hiện diện của Nguyễn Hải, người đã dìu dắt, tạo ra ngã rẽ cuộc đời tôi.

Vũ Thị Tuyết Mai - VnExpress

Ý kiến

()