Giữa bộn bề khó khăn mùa dịch, eo hẹp cả về thời gian và tài chính, FPT Software “dồn tinh hoa” dự thi chỉ với một sản phẩm duy nhất ở hạng mục giải Chính thống: phim ngắn “Ai là F1”. Lựa chọn hình thức này, video của nhà Phần mềm bao quát một cách hài hước chủ trương 5 Cắt, Chuyển 10, cũng như nói lên nỗi lòng của cán bộ nhân viên thời dịch bệnh khi FPT chuyển từ thời bình sang thời chiến, thay đổi cơ chế làm việc sang work from home.
“Đề bài năm nay ra khá muộn, bên cạnh đó cán bộ nhân viên đều làm việc tại nhà nên kế hoạch xây dựng và thiết kế sản phẩm dự thi cũng bị ảnh hưởng nhiều”, anh Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Phát triển Văn hóa FPT Software, giãi bày. Để tránh dịch, FPT Software hạn chế việc di chuyển, tương tác và tiếp xúc ở nhiều địa điểm khác nhau. Nhóm thực hiện cũng theo đúng tinh thần đó, lựa chọn bối cảnh gói gọn trong một phòng họp, cả cho việc quay và dựng sản phẩm.
Quyết tâm làm việc thật nhanh, gọn, nhẹ nhưng phải hiệu quả, vậy mà cả quá trình cũng tốn kha khá thời gian của những người sản xuất: gần 17 giờ quay dựng, 9 giờ lồng tiếng, 48 giờ hậu kỳ liên tục. “Đọng lại sâu đậm nhất là sự khâm phục ekip dựng phim vì họ quá khỏe, quá “trâu”, khâm phục diễn viên vì họ duy trì sắc thái quá tốt dù quay cả ngày rất mệt, khâm phục đội hậu kỳ vì độ bền của họ ngang cái máy tính luôn”, anh Quân chia sẻ.
Đội thi nhà Phần mềm dùng biện pháp ẩn dụ để đề cập "căn bệnh" đang hoành hành tại FPT, không phải Covid-19, mà là bệnh Cắt: cắt để an toàn, cắt để tồn tại, cắt để phát triển. Ảnh chụp màn hình. |
Cuối tháng 8, khi cả đội đang hừng hực khí thế quay và dựng phim ngắn của mình thì nhận được thông báo có ca dương tính Covid-19 là cựu nhân viên FPT Software ngay tầng 7. “Anh em cũng hoang mang đấy nhưng đều cố gắng hết sức để sản phẩm kịp thời gian lên sóng”, Top 100 FPT kể.
Lần đầu toàn bộ hội diễn được chuyển thành một cuộc thi video online, không ít khó khăn mới phát sinh, thách thức trí và tài của các đội dự thi. Những khó khăn đó đến ngay từ hình thức thi đấu, thể hiện. Theo Hồng Quân, biểu diễn trên sân khấu đơn giản hơn rất nhiều so với online, bởi sản phẩm online yêu cầu khắt khe hơn về kỹ xảo, về chất lượng hình ảnh, mà hai yếu tố này đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc tìm và thuê ekip quay dựng cũng như hậu kỳ.
Không chỉ dừng lại ở đó, người dẫn dắt hoạt động văn hóa nhà Phần mềm còn nhấn mạnh rằng chi phí thực hiện một sản phẩm video không hề rẻ, thậm chí đắt hơn nhiều so với diễn offline. “Hơn nữa, cộng đồng có quá nhiều clip hay, nên nếu clip đơn vị làm không tới, sẽ rất mất điểm trong việc tạo ảnh hưởng với khán giả”, anh nói. “Vậy nên, làm để vui thì dễ thôi, nhưng làm để đại diện cho một đơn vị đi thi thì không hề dễ chút nào”, Hồng Quân nhận định.
Thế nhưng FPT Software vẫn hoàn toàn có quyền và có cơ sở tự tin vào sản phẩm dự thi của mình, bởi video của họ quy tụ những “diễn viên” kỳ cựu, có kinh nghiệm từng tham gia nhiều hội diễn 13/9. “FPT Software mạnh về diễn viên kịch, và đây cũng là niềm tự hào của nhà Phần mềm”, chàng trai sinh năm 1993 khẳng định. “Giải nhất thì mình không dám nói trước, nhưng chắc chắn kiểu gì cũng có giải”, Quân cười.
Hoa Hạ
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội diễn 13/9 năm 2020 được thay thế bằng cuộc thi video STCo. Khác với mọi năm, chỉ có các "nhà hát" đại diện mỗi đơn vị dự thi, BTC năm nay mong muốn nhận được sự hưởng ứng của mọi đơn vị và cá nhân. Hai hệ thống giải thưởng gồm: giải Chính thống dành cho video do các đơn vị thành viên sản xuất và giải Phong trào dành cho tác phẩm của nhóm hoặc cá nhân, với tổng giá trị giải thưởng gần 30 triệu đồng. Người nhà F có thể thưởng thức 35 tác phẩm STCo với chủ đề “Dịch - sự dịch chuyển trong mùa dịch” do chính các đồng nghiệp sáng tạo và bình chọn cho tác phẩm yêu thích trên website: http://fpt1309.fpt.com.vn. Các đề cử sẽ được công bố trong đêm Gala online được livestream vào lúc 20h ngày 13/9 trên FPT Workplace. |
Ý kiến
()