Ông Trịnh Tuấn Dương, 73 tuổi không khỏi xúc động khi cầm trên tay tấm ảnh của em trai mình là liệt sĩ Trịnh Thúc Doanh, đã anh dũng hi sinh tại chiến trường Quảng Trị khi mới 19 tuổi. Từ bức ảnh mờ nhòe mà gia đình lưu lại được, với sự trợ giúp của công nghệ AI, bức ảnh về liệt sĩ Doanh trở lại chân thực, rõ nét hơn, mở ra hy vọng cho hàng triệu gia đình thân nhân liệt sĩ. “Công việc này rất tốt, hình ảnh sinh động, vừa mang tính khoa học kỹ thuật vừa nhân văn. Hiện nay rất nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ đều rất cần đến công cụ này”, ông Dương chia sẻ.
Một gia đình nhận di ảnh người thân với sự trợ giúp của công nghệ AI trong buổi lễ do Trường Cao đẳng FPT Polytechnic tổ chức. |
Nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cùng “Antory và cộng đồng” xây dựng dự án 10.000 bức ảnh liệt sĩ với tên gọi “Áo mới đón Tết 2024”. Đây là dự án thuộc giai đoạn 2 của lietsi.com đã từng tạo ra tiếng vang hơn 10 năm qua, được các cấp lãnh đạo nhà nước đánh giá cao và ghi nhận chính thức website tìm kiếm thông tin liệt sĩ.
Với việc phát triển của công nghệ AI giúp việc hoàn thiện ảnh tốt và nhanh hơn, dự án đã được khởi động giai đoạn 2 thực hiện phục dựng chân dung, hình ảnh chiến sĩ, liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc.
Theo anh Trần Duy Phong, Trưởng ban Đào tạo - Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP HCM kiêm người quản trị dự án, với mục tiêu 5 tốt gồm: Đào tạo tốt, Thực hành tốt, Quốc tế hóa tốt, Việc làm tốt, Phục vụ cộng đồng tốt, Phục dựng ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI là một dự án rất ý nghĩa và có tính lan tỏa trong cộng đồng. Khi được Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Vũ Chí Thành giao dự án, anh đã chủ động kết nối với người trực tiếp quản trị website lietsi.com. "Anh Nguyễn Văn Khánh cũng là người nhà FPT khi đã có hơn 10 năm làm việc tại FPT Software. Được nghe anh chia sẻ ý nghĩa của dự án, tôi rất xúc động, và ngay lập tức kết nối với các thầy/cô chuyên ngành Đồ họa của trường", anh Phong kể về cơ duyên.
"Hiện chúng tôi hoàn thành giai đoạn 1 khi đã biên soạn được tài liệu và quy trình phục dựng ảnh bằng AI. Song song đó, nhà trường cũng kết hợp với Antory để cho ra mắt buổi công bố với mục tiêu ban đầu là phục dựng 1.000 ảnh liệt sĩ trong năm 2023 với chủ đề: Áo mới đón Tết 2024", anh Phong chia sẻ.
Dự án nhằm phục dựng chân dung, hình ảnh chiến sĩ, liệt sĩ đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc. |
Nằm trong giai đoạn hai của website số hóa mộ liệt sĩ lietsi.com, các tình nguyện viên đang tiến hành phục dựng hình ảnh những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Bắt đầu bằng việc phục dựng hình ảnh 10 cô gái ngã Ba Đồng Lộc dự án nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Dự án tiếp tục phối hợp với hàng ngàn sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa - Cao đẳng FPT Polytechnic để phục chế 10.000 ảnh liệt sĩ bằng công nghệ AI. Mục tiêu trước mắt dự kiến hoàn thành 1.000 bức ảnh trước Tết Nguyên Đán.
Quy trình thực hiện gồm 2 công đoạn. Thứ nhất, Phục chế hình ảnh sẽ sử dụng kết hợp 2 công cụ Photoshop và Stable Diffusion để phục hồi, cải thiện hình ảnh chiến sĩ đã hỏng cũ, giúp mang lại hình ảnh phục chế với chất lượng cao nhất. Thứ hai, Sáng tạo hình ảnh sẽ sử dụng kết hợp 2 công cụ Photoshop và Stable Diffusion/Midjourney để sáng tạo ra hình ảnh người chiến sĩ vào hoạt cảnh thời chiến tranh, tạo hình ảnh có giá trị nghệ thuật cao, tuân thủ đúng bối cảnh lịch sử.
Quy trình thực hiện gồm 2 công đoạn phục chế và sáng tạo hình ảnh. |
Lợi thế sử dụng AI là chân dung nhân vật được dựng lại trên cơ sở các chi tiết sẵn có. Trải qua nhiều bước, trí tuệ nhân tạo sẽ khiến bức hình tốt lên, đặc biệt vẫn giữ được thần thái và biểu cảm của nhân vật. Tiềm năng ứng dụng AI trong phục chế là rất lớn. Trong thời gian tới, dự án Antori.AI hy vọng sẽ sáng tạo thêm hoạt cảnh, minh họa, chuyển động để đưa những hình ảnh liệt sỹ đến gần hơn và sống mãi trong lòng dân tộc, đất nước.
Trưởng ban Đào tạo - Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở TP HCM cho rằng, công nghệ AI đang có tầm ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nghề, đặc biệt là các ngành nghề có sử dụng đến môi trường máy tính.
"Với triết lý "Thực học - Thực nghiệp", nhà trường cũng nhanh chóng triển khai chương trình đào tạo AI trong xử lý hình ảnh, qua đó giúp sinh viên nắm bắt được công nghệ cũng như tham gia được vào các dự án cộng đồng. Trong giai đoạn tiếp theo thì chúng tôi sẽ cố gắng triển khai và lan tỏa dự án đến các em sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa. 10.000 bức ảnh các anh hùng liệt sĩ được phục dựng lại bằng công nghệ AI sẽ là một hành trình dài, nhưng tôi tin rằng, với sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể giảng viên, sinh viên nhà trường. Chúng tôi sẽ hoàn thành được sớm dự án, đem lại những điều tốt đẹp nhất cho các gia đình của các anh hùng liệt sĩ, cho cộng đồng và xã hội", anh Trần Duy Phong cho hay.
S.T
Ý kiến
()