Cụm công trình vừa được khởi công gồm 2 phòng học có vệ sinh khép kín dành cho học sinh mầm non và 3 phòng học khác dành cho học sinh tiểu học. Khu phòng học cũ được tài trợ sơn, sửa để chuyển đổi công năng thành nhà công vụ. Quỹ cũng hỗ trợ xây mới nhà bếp và cụm nhà vệ sinh nam nữ, tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy, học tập. Tổng giá trị tài trợ ước tính 1,5 tỷ đồng.
Điểm trường Tá Miếu trong giai đoạn đổ móng xây dựng, bên cạnh là lớp học cũ đã xuống cấp. Ảnh: N.A. |
Cách Hà Nội gần 700 km, Tá Miếu là bản biên giới nằm ở cực Tây Tổ quốc, đường núi xa xôi, cách trở. Tại đây có 55 hộ gia đình với hơn 200 nhân khẩu, trong đó người dân chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Điểm trường Tá Miếu (thuộc trường Mầm non và Tiểu học Sín Thầu) hiện có 40 học sinh, dự kiến năm học tới sẽ đón tổng cộng 71 em. Thầy Bùi Thuỷ - Hiệu trường trường Tiểu học Sín Thầu cho biết lớp học cũ được xây từ năm 2015 nhưng không có móng và giằng cột, mái lợp tôn, không đổ trần, đã xuống cấp. Do ảnh hưởng của động đất, mưa nắng khắc nghiệt, nhiều khu vực bị hư hỏng, tường bong tróc, hành lang nứt gãy.
"Lớp không đủ đáp ứng nên nhà trường phải tổ chức dạy học ghép trình độ lớp 1 và 2. Các em lớp 3 - 5 phải về trung tâm xã học cách 10 km. Ngoài thiếu phòng học, trường hiện chưa có cổng, tường bao quanh nên trâu bò hay vào phá, nhà vệ sinh thì tạm bợ", thầy Thuỷ chia sẻ thêm.
Từ năm học 2022 - 2023, thầy cô và học sinh ở điểm trường Tá Miếu sẽ được học tập, giảng dạy trong ngôi trường mới, sau khi công trình hoàn thành, dự kiến trong tháng 7.
Phối cảnh điểm trường tiểu học tại Tá Miếu sau khi hoàn thiện. |
Ông Nguyễn Quang Hưng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch HĐND huyện Mường Nhé cho biết điểm trường Tá Miếu nằm ở xã Sín Thầu - điểm Cực Tây của Tổ quốc nơi có đường biên giới tiếp giáp với 2 nước Lào và Trung Quốc, là địa bàn có vị trí chiến lược, trọng điểm về an ninh, quốc phòng.
"Việc đầu tư cơ sở vật chất cho điểm trường đã thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng cho con em đồng bào các dân tộc trong khu vực, góp phần giảm bớt khó khăn cho thầy cô, các em học sinh, giáo dục truyền thống yêu nước gìn giữ chủ quyền biên giới quốc gia. Ngoài ra, đó còn là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các nhà hảo tâm cũng như quỹ Hy vọng đối với các em học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, tri ân đồng bào các dân tộc nơi mảnh đất biên cương này", ông Hưng chia sẻ.
Dự án tại Tá Miếu nằm trong chương trình Ánh sáng học đường, được quỹ Hy vọng (do FPT và VnExpress vận hành) thực hiện từ năm 2018. Chương trình nhận được sự ủng hộ của các độc giả báo VnExpress, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm (Vingroup), tài trợ sơn từ hãng Nippon và tư vấn thiết kế, giám sát dự án bởi Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC). Riêng dự án tại Tá Miếu, quỹ tiếp nhận 350 triệu đóng góp từ người dùng ví MoMo.
Trước đó, quỹ đã hoàn thành 15 trường học, nhà bán trú, nhà ăn cho thầy cô và học sinh tại Quảng Nam, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang... trong đó có 2 điểm trường ở huyện Mường Nhé, Điện Biên. Năm nay, chương trình Ánh sáng học đường đặt mục tiêu xây thêm 10 ngôi trường mới.
Độc giả có thể đồng hành cùng chương trình qua số tài khoản: TPBank: 73007300602 - Chi nhánh Hoàn Kiếm - Chủ tài khoản: Quỹ Hy vọng
Quỹ Hy vọng
Ý kiến
()