Chúng ta

Học trò thiếu thốn ở phố biển Vũng Tàu

Thứ ba, 5/10/2021 | 17:12 GMT+7

Mẹ mất, cha bỏ đi biệt tích, Phạm Văn Long và em gái sống cùng bà nội ở phòng trọ chật chội, thiếu từ miếng ăn, áo quần đến thiết bị học.

Sáng ngày cuối tháng 9, hai giáo viên dắt bộ xe máy lách qua cầu thang căn nhà hai tầng mặt tiền đường Trần Phú, TP Vũng Tàu đến dãy trọ cuối con hẻm nhỏ thăm Phạm Văn Long, lớp 3 và Phạm Thị Thanh Phương, lớp 1 trường tiểu học Thắng Nhì. Hai đứa trẻ sống cùng bà nội trong căn phòng lụp xụp, rộng chưa đầy 10 m2, không giường, không bàn học. Thứ đáng giá nhất của ba bà cháu là cái máy giặt cũ được tặng cách đây đã lâu.

Bà Trần Thị Hồng Mai nuôi dạy hai cháu nội từ nhỏ sau khi con dâu mắc bạo bệnh qua đời, con trai bỏ đi biệt tích. "Bốn bề không người thân thích, lại không nỡ giao cháu cho người dưng, đành phải gồng để nuôi, cho ăn học được ngày nào hay ngày đó", bà Mai nói.

Ở tuổi 65, mắc nhiều bệnh, bà Mai hàng ngày bán vé số dạo, xin ve chai kiếm sống. Hơn ba tháng nay Covid-19 bùng phát, không có thu nhập, ba bà cháu sống bằng gạo, rau, thi thoảng có chút cá từ các nhà hảo tâm và chương trình an sinh của chính quyền.

"Tiền thuê trọ một triệu đồng mỗi tháng, chủ thương miễn cho hai tháng. Còn tiền điện, nước gần 1 triệu đồng xin nợ đến khi nào thành phố cho đi làm lại có tiền mới trả", bà Mai cho hay.

DSC03303-6208-1632967836-jpeg-3811-16334

Hai anh em Long xem tập sách vừa được một mạnh thường quân tặng. Ảnh: Trường Hà

Bà tìm đến những người quen thân tiền mua một chiếc điện thoại cho cháu thay nhau học trực tuyến. "Người có thể giúp tui là vé số, thợ đụng không hà. Mượn trăm vài trăm nghìn thì có, chứ tiền triệu lấy đâu ra", bà Mai nói.

Long học lực trung bình, song em ngoan ngoãn, vâng lời người lớn. Từ lúc trường tổ chức học trực tuyến, em nhờ bà dắt sang xin mẹ bạn cho học nhờ. Nhờ vậy mà chưa bị đứt buổi học nào. "Cháu mong Covid nhanh biến mất để hai anh em đến trường và để bà đi làm có tiền", Long nói.

Cách nhà Long hơn một km là cô bạn học cùng trường Lê Thị Hiền, lớp 4. Em sống cùng cha và anh trai trong ngôi nhà tuềnh toàng ở trên triền núi Lớn. Thấy bạn học trực tuyến, Hiền hỏi nhưng cha em khất lần này đến lần khác.

Nhà diện hộ nghèo, cha em làm tự do, một bữa làm hai ba bữa nghỉ. "Dịch bệnh tui phải bó chân ở nhà mấy tháng nay, được nhà nước hỗ trợ được 1,5 triệu đồng và gạo ba cha con sống tằn tiện qua ngày", cha Hiền nói và cho biết vì hoàn cảnh, ông đã cho cậu con trai lớp 7 nghỉ học.

Hàng ngày cứ đến giờ các bạn học online, Hiền ngồi vào bàn làm bài tập. Tuy học lực ở mức trung bình, song cô học trò rất ý thức, tự sắp xếp việc học chứ không để cha và anh trai lo lắng. "Tới giờ chỉ sắm được sách tập, còn áo quần mới và cái máy thông minh cho con học tui cũng tính đủ đường rồi mà không biết xoay đâu ra", cha em nói.

Cô Đỗ Thị Yên, Hiệu trưởng trường tiểu học Thắng Nhì cho biết, trường nằm trên địa bàn khó khăn nhất thành phố Vũng Tàu, với số đông dân cư là lao động tự do. "Vừa rồi dịch không đi làm được, nhiều gia đình đến cái ăn cũng rất khó khăn", cô Yên nói và cho biết, nhà trường đã kêu gọi, song đến nay còn 26 em chưa có thiết bị học trực tuyến. Những học sinh này được giáo viên chuyển bài đến tận nhà hoặc gọi điện giảng bài, dặn các em làm bài tập.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, năm học này có hơn 200.000 học sinh. Đến cuối tháng 8, toàn tỉnh có 44.000 học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến. Sở và các huyện sau hơn một tháng đã vận động được gần 40.000 máy. Tuy nhiên vẫn còn hàng nghìn học sinh trong TP Vũng Tàu, huyện Châu Đức, Xuyên Mộc... chưa có máy.

Cô Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cấp tiểu học thiếu thiết bị học trực tuyến nhiều nhất, với hơn 4.000 em. Sở đang nỗ lực vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ thiết bị cho các em.

Cùng Quỹ Hy vọng, do FPT và báo VnExpress vận hành, trao tặng máy tính đến các em nhỏ khó khăn tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi chiếc máy tính có thể giúp hàn gắn một vết đứt gãy giáo dục trong đại dịch Covid-19, đồng thời tạo cơ hội cho thế hệ tương lai tiếp cận kho tri thức mở. Bạn có thể tìm hiểu và ủng hộ tại đây.

Trường Hà

Ý kiến

()