Chung khảo iKhiến số 5 đã được tổ chức vào chiều 27/7 với hình thức 100% online. 7 sáng kiến đến từ 5 công ty thành viên đã có màn tranh tài sôi nổi và được Hội đồng Giám khảo đánh giá là “tốt ngang ngửa nhau”.
Trình bày đầu tiên, đại diện nhóm tác giả từ FPT Education - chị Nguyễn Thị Thu Hằng - đã đưa ra cái nhìn chi tiết về Mô hình dịch vụ sinh viên 1 cửa. Theo đó, hoạt động của Phòng Dịch vụ sinh viên gồm 3 phần: Hoạt động 1 cửa; Thu thập thông tin; Hệ thống xếp hàng tự động.
Với mô hình này, 4 nhân viên có thể phục vụ quy mô hơn 10.000 sinh viên. Ngoài tối ưu nhân sự, giải pháp còn giúp tiết kiệm chi phí về xử lý khủng hoảng truyền thông hoặc các vấn đề nảy sinh do dịch vụ khách hàng không tốt và các chi phí khác. Một khi dịch vụ khách hàng được cải thiện, khả năng cạnh tranh cho đơn vị cũng sẽ nâng cao.
Trước nhận định từ các giám khảo rằng "mô hình đáng lẽ đã phải được áp dụng từ lâu", chị Hằng cho biết nhiều đại học lớn chưa thể triển khai mô hình này bởi hệ thống giáo dục có đặc thù riêng về cơ chế vận hành, minh bạch tài chính, khả năng số hoá. Đại học FPT chính là đơn vị giáo dục đi đầu trong mô hình này.
Lần thứ 3 liên tiếp, chương trình được thực hiện 100% online do ảnh hưởng của dịch bệnh. |
Sáng kiến tiếp theo đã khiến các giám khảo bất ngờ bởi tính độc đáo: game GST Heroes (FPT Software). Chọn chính người FPT làm nhân vật và background game cũng là tòa nhà FPT tại 3 thành phố lớn, game ra đời với mục đích tạo sân chơi cho CBNV thuộc đơn GST giải trí sau giờ làm việc căng thẳng, gắn kết các thành viên trong mùa work from home.
Sau 3 tuần ra mắt, game đã có hơn 700 lượt tải và nhận nhiều phản hồi tích cực từ người chơi. Trình bày về sáng kiến, chị Dương Linh Linh khẳng định game đã, đang và sẽ mang lại giá trị “hơn cả tiền”, đáp ứng “3 chung”: mục tiêu chung, chơi chung, làm chung.
“Sáng tạo, rất hay. Tôi chưa thấy ở FPT có sản phẩm nào tương tự”, Chánh chủ khảo Vũ Anh Tú nhận xét.
Dự thi tiếp theo là nhóm tác giả Tối ưu stock-out tại Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu (FPT Retail). Sáng kiến nhằm cải tiến công thức trung bình bán của cửa hàng, loại trừ thời gian hàng hóa bị trống trong kho. Từ đó tối ưu cơ hội bán hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và giảm thời gian xử lý bổ sung hàng cho shop.
Theo chị Trần Hoài Anh, sau thời gian áp dụng, tỷ lệ thanh lý đủ hàng tại shop tiệm cận mức 90%, hơn 1.000 đơn vị lưu kho khắc phục triệt để tình trạng stock-out và hơn 28.250 trường hợp stock-out đã được cải thiện.
CTO FPT Vũ Anh Tú cho rằng đây là bài toán của mọi công ty bán lẻ, từ Walmart đến FPT Retail. Hội đồng Thẩm định khá băn khoăn về tính mới của sáng kiến khi chưa phân biệt được giải pháp này với module stock-out hàng ICT đã được triển khai tại FPT Shop.
Giao diện game GST Heroes của FPT Software. Ảnh: ĐVCC |
Sáng kiến thứ hai FPT Software mang đến chung khảo là In chứng từ thuế từ phần mềm quản lý nhân sự People Soft. Giải pháp tool hóa chứng từ thuế viết tay sang chứng từ tự in qua hệ thống nhân sự People Soft. Nhờ vậy, tiết kiệm thời gian công sức, tránh sai sót về số liệu trong quá trình viết tay, nâng cao năng suất hiệu quả làm việc lên gấp 10 lần.
Chị Tạ Ngọc Chi cho hay với chỉ vài click là những người làm nhân sự có bộ hồ sơ chứng từ hoàn chỉnh. Nhóm tác giả ước tính giải pháp có thể tiết kiệm hơn 500 triệu đồng/năm và giúp xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, tiêu biểu cho tinh thần chuyển đổi số.
“Hay thế này mà giờ mới làm”, là nhận xét của anh Vũ Anh Tú về sáng kiến. Các giám khảo khác cũng đồng tình và cho rằng sản phẩm này có thể được nhân rộng cho toàn ngành dọc Nhân sự của FPT.
Sáng kiến tiếp theo là của FPT Telecom: Quầy công nghệ. Đây là ứng dụng nhằm số hóa 8 triệu biên bản giao dịch tại quầy/năm, mang lại lợi ích lớn cho công ty và trải nghiệm số tiện ích cho khách hàng. Sản phẩm ước tính giúp FPT Telecom tiết kiệm tới 11,3 tỷ đồng/năm chi phí cơ sở vật chất và nhân sự, đồng thời tăng năng suất lao động từ 10-15%.
Quầy công nghệ - ứng dụng số hóa 8 triệu biên bản giao dịch tại quầy/năm. Ảnh: ĐVCC |
Các giám khảo dành nhiều lời khen cho phần trình bày ấn tượng của chị Phạm Thị Nhung - đại diện đội thi. CDTO FPT Software Đào Duy Cường nhận xét, thuyết trình cho thấy Quầy công nghệ là sản phẩm “hoành tráng”, có chức năng như một siêu ứng dụng (mega app).
Sáng kiến duy nhất FPT IS gửi đến buổi thi này là Tool chuẩn hoá phát triển sản phẩm Made By. Dựa vào công cụ này, giai đoạn đầu của dự án sẽ được tự động hoá đến 80%, giảm 100% thời gian phát triển các chức năng cơ bản của một dự án Made By xung quanh hệ thống ERP. Theo anh Nguyễn Trọng Tú, lập trình viên chỉ cần xử lý duy nhất quy trình nghiệp vụ ghép nối giữa các chức năng, từ đó, tiết kiệm 50% nguồn lực.
Sáng kiến có hàm lượng công nghệ rất cao và được các giám khảo quan tâm. Anh Vũ Anh Tú cho rằng đây là một tool tốt nhưng chưa thấy mở rộng. Anh Đào Duy Cường thì nhận xét đây là ý tưởng hay, tuy nhiên các công ty khác đã có sản phẩm tương tự, điển hình là XOne framework của FPT Software. Vì vậy, anh Cường gợi ý hai bên ngồi lại với nhau, bàn bạc để xem xét phương án kết hợp.
Các giám khảo cho rằng phần trình bày thuyết phục là điểm nổi bật của nhóm tác giả Quầy công nghệ FPT Telecom. |
Sáng kiến dự thi cuối cùng đến từ nhà “Cáo”: Direct Routing for MNP on Core VoIP. Đội thi đã có cách thức trình bày khác biệt khi sử dụng video để giới thiệu toàn bộ sáng kiến, đại diện là anh Phạm Thao Thức thay mặt nhóm tác giả để trả lời câu hỏi từ giám khảo.
Sáng kiến này là hệ thống kênh kết nối riêng với Cục Viễn thông, cập nhật tự động danh sách số chuyển mạng và định tuyến cuộc gọi đúng mạng đích đã chuyển. Giải pháp đã tiết kiệm cho FPT hơn 700 triệu đồng và ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng/tháng cho lưu lượng cuộc gọi chuyển mạng giữ số.
Kết thúc chung khảo số 5, các giám khảo đều thể hiện sự hài lòng về chất lượng sáng kiến cũng như cách trình bày của các đội thi. Đặc biệt, Hội đồng Thẩm định đánh giá cao tính iKhiến trong các sản phẩm lần này. “Tính iKhiến nhiều so với những số trước, các đội không cố gắng gò ép những cái vĩ đại đi thi”, CTO FPT Telecom Trần Thanh Hải nhận định.
Kết quả của chung khảo sẽ được công bố vào đầu tháng 8.
Hoa Hạ
Ý kiến
()