Hạnh phúc là khi lo được cho các em
Gắn bó với công việc tại FPT Telecom chi nhánh Nghệ An gần 2 năm, anh Hoàng Vĩnh Thái vẫn nhớ như in khoảnh khắc được nhận công việc "trong mơ". Là anh trai cả trong gia đình có 3 anh em, niềm hạnh phúc của anh và cả gia đình đều vỡ tan cho đến khi phát hiện người em trai mắc bệnh thiểu năng ở tuổi trưởng thành.
"Năm 2007, khi chỉ mới 2 tuổi rưỡi thì em trai Vĩnh Long được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Em rất thích chơi ô tô, đạp xe và ghi nhớ rất nhanh các hình học. Đến năm 13 tuổi, em lại được chẩn đoán đã mắc chứng bệnh bại não, thiên hướng thiểu năng trí tuệ. Cũng từ ngày đó em không thể tự ý thức được vệ sinh cá nhân và những hành động của mình. Bố mẹ tôi gần như suy sụp hoàn toàn vì không còn hy vọng cho em. Em mãi chỉ là một cậu nhóc, lớn về thể xác chứ không thể học hỏi thêm về nhận thức và ý thức", anh Thái trải lòng.
Anh Thái hạnh phúc vì có thể lo được cho gia đình với công việc hiện tại của mình. Ảnh: FPT Telecom |
Mỗi ngày, anh vẫn đều đặn đi làm với quãng đường hơn 60km xuyên tỉnh, từ Hà Tĩnh đến Nghệ An để làm việc, bất kể nắng mưa. Tất cả những cố gắng, nỗ lực hàng ngày của anh Thái đều mong có thể chăm sóc cho em trai 18 tuổi bị chậm phát triển và em gái 6 tuổi. Có lẽ, vì thế mà với anh định nghĩa "hạnh phúc" chỉ đơn giản là sự an tâm của bố mẹ, hay nụ cười vô tư của các em mỗi khi nhận được đồ chơi mới, và ăn những món ngon.
"Nếu không phải ở FPT Telecom thì khó nơi nào khác có thể giúp tôi đỡ vất vả về kinh tế, chăm sóc gia đình và được yêu thương, giúp đỡ hết mình khi khó khăn. Tôi mong muốn có thể lan tỏa niềm hạnh phúc bé nhỏ của mình để mọi người có thêm năng lượng tích cực trong cuộc sống và tập trung cố gắng cho những điều đáng trân quý nhất", anh Thái xúc động.
Khi có gì đó để hy vọng
Công tác tại phòng Điều hành mạng truyền dẫn của FPT Telecom là công việc gắn bó với anh Nguyễn Nguyên Giáp hơn 3 năm nay. Anh xem đây như một gia đình thứ hai với niềm vui công việc hàng ngày cùng những người đồng đội thân thiết.
Hạnh phúc đó vẫn kéo dài đến năm 2019, khi cả gia đình anh chào đón thành viên mới là bé Minh Hải. Nhưng niềm vui trọn vẹn chưa bao lâu, gia đình anh Giáp nhận hung tin khi bé không may sinh ra với căn bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh thể kết hợp Wiskott-Aldrich. Suốt 3 năm đầu đời, con trai anh đã phải nằm viện cũng gần hết khoảng thời gian đó. Mong mỏi về tương lai tươi sáng của gia đình anh được bắt đầu bằng hành trình ghép tủy của con.
Thời điểm đó, nỗi lo chi phí cho quá trình ghép tủy mới chưa xong thì thử thách lại tiếp tục khi con bị biến chứng tĩnh mạch gan, phải truyền hồng cầu, tiểu cầu liên tục. Khi tia hy vọng cuối cùng được ghép tủy dần tắt, chính sự động viên của đồng nghiệp, sự quan tâm hỗ trợ của công ty đã tạo điều kiện để gia đình anh vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Câu chuyện bắt đầu trong một lần anh Giáp bộc bạch nỗi lo lắng, tuyệt vọng của mình và nhận được sự quan tâm, đồng hành của hàng nghìn nhân viên, đồng nghiệp trong FPT Telecom.
Với anh Giáp, hạnh phúc là có điều gì đó để hy vọng. |
"Khi biết được hoàn cảnh của mình, công ty và rất nhiều các anh chị em đồng nghiệp trong FPT Telecom và FPT dù không quen biết nhau nhưng đã chung tay hỗ trợ từ vật chất đến tạo điều kiện công việc. Thời điểm đó thực sự là nguồn động viên rất lớn để gia đình mình vượt qua giai đoạn khó khăn", anh Giáp nhớ lại.
Với tinh thần chia sẻ, FPT Telecom đã tổ chức kêu gọi ủng hộ cho gia đình anh Giáp với số tiền hơn 225 triệu đồng. Chưa hết, trong thời điểm gia đình anh cần người hiến tiểu cầu máu cho bé Minh Hải, sự chung tay giúp đỡ của người FPT đã tìm đủ 20 người sẵn sàng tình nguyện. Với anh Giáp và gia đình, chưa bao giờ niềm hy vọng lại được tiếp sức mạnh mẽ như thế.
Đến nay, sau 2 lần ghép tủy, bé Minh Hải dù vẫn phải điều trị nhưng đã dần có những chuyển biến tốt hơn. Và chính sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của những người mà anh Giáp tiếp xúc hàng ngày, đã tiếp cho anh cùng gia đình sức mạnh để tiếp tục hành trình tìm hạnh phúc cho bé Minh Hải.
"Tôi thật sự rất ấn tượng với quan điểm "Give and Take" của người FPT, và mình thấy mình đã nhận được rất nhiều. Vì thế, tôi cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khi có thể. Với tôi thì hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu và có điều gì đó để hy vọng…", anh Giáp nói.
Rút ngắn "đường đến hạnh phúc"
Bước chân vào làm việc ở vị trí nhân viên bán hàng qua điện thoại tại FPT Telecom Hà Nội từ năm 2010, chị Xuân lại tìm thấy hạnh phúc của đời mình với chuyện tình chốn công sở mà nhiều người ngày nay vẫn thường e ngại.
Câu chuyện tình yêu của chị bắt đầu cũng tình cờ và pha chút liều lĩnh của tuổi trẻ. Cùng là nhân viên kinh doanh FPT Telecom nhưng chị Xuân ở Hà Nội còn anh Khá thì ở Nam Định. Chị tiếp xúc với khách hàng qua điện thoại, còn anh lại tiếp xúc trực tiếp khách hàng. Cả hai quen biết và "phải lòng" nhau qua những lần chuyển thông tin khách hàng qua lại, qua những lần giúp đỡ nhau giải đáp các chính sách của công ty.
Định mệnh bắt đầu vào một hôm gặp khách hàng khó tính, cả hai cùng giúp đỡ nhau chinh phục khách hàng. Ngày nào hai người cũng đều trò chuyện để tìm cách thuyết phục khách hàng ký thành công hợp đồng. Từ đó, cứ thế niềm vui với chị Xuân lại nhân lên người mình thích lại cùng chung công ty.
Chuyện tình công sở của chị Xuân - anh Khá được rất nhiều người "đẩy thuyền". Ảnh: FPT Telecom |
Yêu xa được 3 tháng, chị Xuân quyết định "bỏ phố về quê" khi theo anh Khá về sinh sống tại Nam Định. Từ một người sợ lấy chồng cùng cơ quan, giờ đây chị lại hạnh phúc với điều đó và nhận được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, công ty khi lấy chồng xa quê.
"Đi từ nhà ra đường rồi lên công ty lúc nào cũng ríu rít với nhau, quan tâm được chồng mình ra sao, vợ mình thế nào. Tôi cũng không bao giờ phải cô đơn một mình, đi ăn luôn cùng nhau, lương của chồng bao nhiêu tôi cũng đều biết và ngược lại. Chắc đây là điều hạnh phúc khi yêu và cưới chồng cùng cơ quan", chị Xuân chia sẻ.
Những câu chuyện hạnh phúc bình dị đó vẫn đang lan tỏa mạnh mẽ thông qua chương trình "Tôi hạnh phúc" do FPT Telecom tổ chức dành riêng cho cán bộ nhân viên trên toàn quốc. "Tôi hạnh phúc" mang đến thông điệp hạnh phúc không phải là điều gì đó quá xa vời, hạnh phúc đôi khi hiện hữu trong từng khoảnh khắc nhỏ mỗi ngày.
Hơn một tháng diễn ra, chương trình đã nhận được hơn 700 câu chuyện chia sẻ từ các cán bộ nhân viên FPT Telecom trên khắp các tỉnh thành. Rất nhiều khoảnh khắc, câu chuyện với những định nghĩa khác nhau về "hạnh phúc" đều được trải lòng qua nhiều hình thức từ, từ kể chuyện, làm thơ, đến viết nhạc, dựng video…
"Chúng tôi hiểu rằng để xây dựng một môi trường làm việc tốt nhất thì trước hết cán bộ nhân viên phải được hạnh phúc. Nơi mỗi nhân viên được quan tâm, lắng nghe để có những trải nghiệm làm việc tích cực và hạnh phúc nhất", đại diện FPT Telecom chia sẻ.
Sau hơn 25 năm, FPT Telecom hiện có hơn 10.000 nhân sự khắp 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Đơn vị là doanh nghiệp luôn tiên phong nỗ lực xây dựng môi trường làm việc tốt nhất để mỗi nhân sự đều có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.
Với sứ mệnh "Kiến tạo hạnh phúc", FPT Telecom cùng với Tập đoàn FPT tiếp tục xây dựng hệ thống phúc lợi toàn diện, đáp ứng không chỉ nhu cầu về tài chính mà còn cả nhu cầu về sức khỏe thể chất, tinh thần, học tập và kết nối cộng đồng của nhân viên.
Trường Thịnh
Ý kiến
()