Chúng ta

FPT Education chọn sáng kiến xuất sắc dự thi iKhiến Tập đoàn

Thứ tư, 28/4/2021 | 17:10 GMT+7

Sáng ngày 23/4, Tổ chức Giáo dục FPT đã tổ chức vòng sơ loại đơn vị lần thứ nhất nhằm lựa chọn những sáng kiến nổi bật để dự thi iKhiến cấp Tập đoàn.

Vòng sơ khảo lần 1 có sự góp mặt của 8 giám khảo: anh Trần Tuấn Cường - Giám đốc Chiến lược & Kế hoạch (Ban Kế hoạch – Tài chính) với vai trò Trưởng Ban Giám khảo, chị Lê Thị Hồng Hạnh - Giám đốc khối FAI, anh Ngô Thanh Tùng - Giám đốc FGW HN, anh Phan Trường Lâm – Quản lý Đào tạo khối Giáo dục, chị Nguyễn Thị Kiều Ngân – Ban Giám hiệu FSchool ĐN, chị Nguyễn Thị Uyên Thúy Hiệu trưởng Fschool Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền - FPT Education Global, chị Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành Fschool Cầu Giấy và chị Nguyễn Thị Thu Nga - Trưởng phòng PR FPT Education.

Các sản phẩm dự thi vòng sơ khảo lần này được đánh giá là phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và giải quyết những vấn đề cấp bách và thiết thực. Năm sản phẩm tranh tài tại Vòng sơ loại 1 này bao gồm: Quản lý hiệu quả các CLB tin học, Trang tài nguyên thương hiệu Tổ chức Giáo dục FPT, Ứng dụng mạng xã hội Facebook vào các lớp học Tiếng Anh, Phần mềm quản lý khoa, Hệ thống ngắt điện tự động khi phòng học không có người.

5-2-2785-1619604210.jpg

Demo hệ thống tự tắt điện phòng học do anh Nguyễn Tiến Vương đứng tên trên đề tài.

Sản phẩm "Hệ thống ngắt điện tự động khi phòng học không có người" do anh Nguyễn Tiến Vương đại diện được đặt nhiều kỳ vọng về tính hiệu quả.

Anh Nguyễn Tiến Vương và các thành viên của nhóm trăn trở trước thực trạng các thiết bị tiêu thụ điện vẫn hoạt động ngay cả khi đã hết tiết học. Điều này không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn gia tăng chi phí vận hành trường học.

Với các thiết bị có sẵn trên thị trường, sau khi nghiên cứu, tính toán, xác lập các thông số cụ thể của phụ tải và xem xét yêu cầu, nguyên lý hoạt động, anh Tiến Vương và đồng đội đã chế tạo thành công hệ thống tự tắt điện phòng học. Sản phẩm tự động tắt điện phòng học sau 10-15 phút không có người, giúp giảm chỉ số tiêu thụ điện, giảm thời gian hoạt động. Đồng thời giúp tăng tuổi thọ các thiết bị sử dụng điện. Hệ thống đã được đưa vào sử dụng từ 20/7/2020 và có hiệu quả khả quan.

1-2-2771-1619604210.png

Sáng kiến "Quản lý hiệu quả các CLB Tin học" tận dụng nguồn tài nguyên có sẵn để hướng dẫn học sinh xây dựng đề tài.

Sản phẩm "Quản lý hiệu quả các CLB tin học" của anh Trịnh Phước Thuận (Giáo viên Tin học – Fschool Đà Nẵng) được sáng tạo từ thực trạng một giáo viên cùng lúc phụ trách nhiều CLB Tin học, việc tuyển thêm nhận lực lại khá tốn kém. Từ đó, anh Thuận đã đề xuất sáng kiến mua các khóa học với chi phí ưu đãi từ các website học trực tuyến.

Bên cạnh đó, nhờ sử dụng các khóa học online, học sinh được tiếp cận với nhiều phương pháp giảng dạy từ nhiều thầy cô khác nhau. Đây cũng là cơ hội để giáo viên cập nhật công nghệ, phương pháp giảng dạy mới từ các giáo viên nổi tiếng trên thế giới.

Sau một năm áp dụng phương pháp quản lý mới, anh Thuận đã hướng dẫn thành công cho 4 nhóm học sinh có sản phẩm đi thi và đạt giải tại các cuộc thi Tin học trẻ Quốc gia, FPT Edu RESFES 2020, Hackathon 2020, cuộc thi KHKT thành phố. 

Sản phẩm "Trang tài nguyên thương hiệu Tổ chức Giáo dục FPT" của chị Ngô Ngọc Trâm (FPT Education HO) là một sáng kiến nhằm giảm thiểu tỉ lệ dùng sai, rút ngắn "thời gian chờ" giữa các đơn vị trong quá trình gửi-nhận thông tin liên quan tới các yếu tố nhận diện thương hiệu.

2-2-PNG-3959-1619604210.png

Giao diện trang Tài nguyên thương hiệu Tổ chức giáo dục FPT.

Với tiêu chí chỉ một lần truy cập có thể tiếp cận tất cả các tài nguyên thương hiệu, trang Tài nguyên thương hiệu là địa chỉ tiện dụng cho CBGV, HSSV và các đối tác. Theo đó, chỉ cần truy cập vào đường link https://fpt.edu.vn/brand, người dùng có thể dễ dàng lấy được các tài liệu liên quan tới thương hiệu như: brochure, bản trình chiếu, sổ tay thương hiệu, bộ tài liệu văn phòng, hệ thống logo các đơn vị thành viên và video giới thiệu Tổ chức giáo dục FPT.

Trang web vận hành từ tháng 10/2020, đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người sử dụng và FPT Edu: Tính nhất quán, chuẩn xác và cập nhật của tài liệu thương hiệu; tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả công việc.

"Ứng dụng mạng xã hội Facebook vào các lớp học Tiếng Anh" của chị Phạm Minh Ngọc An (Đại học FPT Cần Thơ) nhằm mục đích nâng cao tinh thần và hứng thú học tập của sinh viên. Đồng thời sáng kiến giải quyết việc thiếu hụt E-Zone để luyện tập, tạo ra sự khác biệt trong giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng như giao tiếp, tư duy phê phán cho sinh viên.

Chị An cho biết, giảng viên có thể tạo lớp trên Facebook và đưa ra các hoạt động đa dạng như: đọc bản tin và viết bài về bản tin vừa đọc, viết status và tương tác hàng ngày với các thành viên lớp qua comment… Giảng viên cũng có thể ứng dụng mạng xã hội Tiktok, các xu hướng liên quan đến việc trao dồi ngôn ngữ để giúp khơi nguồn động lực và sáng tạo cho sinh viên.

3-1-4471-1619604210.png

Chị An là người đi đầu trong việc ứng dựng mạng xã hội Facebook vào giảng dạy tiếng Anh.

Phương pháp này sẽ chuyển đổi những slides bài giảng lý thuyết hay những bài tập truyền thống thành những hoạt động mới lạ ngay tại lớp học. Đặc biệt, áp dụng phương pháp này sẽ tiết kiệm chi phí tối đa vì không cần đầu tư thêm trang thiết bị, tiết kiệm chi phí xây dựng E-Zone, giữ nguyên giáo án nhưng vẫn đảm bảo kết quả theo khung đào tạo.

Sản phẩm "Phần mềm quản lý khoa" của anh Hồ Nguyễn Phú Bảo đưa ra giải pháp hỗ trợ công tác quản lý, sắp xếp, theo dõi lịch dạy và học cho giảng viên. Thông qua phần mềm, cán bộ có thể dễ dàng quản lý hồ sơ giảng viên các môn học lớp học, thống kê dữ liệu theo nhu cầu của chủ nhiệm bộ môn, xem lịch giảng, lịch sử học của các lớp, các môn… Hệ thống cũng cảnh báo xung đột lịch dạy và học của các lớp, hỗ trợ gửi Zalo và Email từ hệ thống.

4-2-PNG-3016-1619604210.png

Một số những tính năng của phần mềm quản lý khoa do anh Hồ Nguyễn Phú Bảo đề xuất.

Trước các sáng kiến, Ban giám khảo đánh giá cao tính sáng tạo của các thí sinh. Anh Trần Tuấn Cường cho biết: "Các sáng kiến trong đợt thẩm định lần này đều giải quyết những vấn đề tương đối cấp bách, thiết thực, thể hiện rõ tính chất "iKhiến" của sản phẩm. Các sáng kiến được trải đều trên nhiều lĩnh vực và có thể nhân rộng trên toàn Tổ chức Giáo dục FPT".

Chung cuộc, sản phẩm "Hệ thống ngắt điện tự động khi phòng học không có người" do anh Nguyễn Tiến Vương đứng tên trên đề tài đã được lựa chọn là sản phẩm sẽ dự thi cuộc thi iKhien cấp Tập đoàn.

Hà My - Hải Ngân

Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()