Chúng ta

'Phải đặt chân lên bản đồ nước Mỹ'

Thứ sáu, 19/10/2012 | 16:52 GMT+7

Điều quan trọng nhất khi làm việc với khách hàng ở nước Mỹ là “dẫn đầu hoặc làm theo hoặc ra khỏi cuộc chơi. Nếu ‘chập chờn’ họ cho ‘mất điện’ ngay”, Đặng Sỹ Hải, thành viên FUSA, chia sẻ.
> 'Mong FUSA đưa FPT thành thương hiệu có tiếng tại Mỹ'/ ‘Xây dựng FUSA thành công ty Việt Nam có tiếng tại Mỹ’/ FPT Software vươn mình ở xứ sở cờ hoa

Trong tiểu thuyết “Anh có thích nước Mỹ không” của Tân Di Ổ, nước Mỹ hiện lên trong thắc mắc của nhân vật chính Trịnh Vy - cái xứ sở cờ hoa ấy có gì thú vị, khiến hai người đàn ông của Trịnh Vy ra đi, không cho cô một lời hẹn ước và cơ hội chờ đợi.

Khi hỏi các bạn FPT USA (FUSA) rằng, điều gì khiến nước Mỹ thu hút họ và trở thành một điểm đến trong hành trình chinh phục của mình, Đặng Sỹ Hải, một thành viên của FUSA, chỉ bảo: “Tính cách tôi thích hợp nhất khi làm việc với thị trường Mỹ”. Ở đó, điều kiện làm việc thoáng đạt, hiệu quả, bám mồi liên tục và đúng hướng, nên dù khá mệt nhưng Hải vẫn thấy phấn khởi và tự hào.

Hiếm có dịp nào CBNV FUSA lại họp mặt đông đủ như vậy. Ảnh: FUSA.

Hiếm có dịp nào CBNV FUSA lại họp mặt đông đủ như vậy. Ảnh: FUSA.

 Thời gian lăn lộn ở quê hương của Nữ thần tự do đã giúp Hải phát hiện ra rằng, “người Mỹ không đánh giá kết quả công việc qua số lượng tài liệu làm ra. Họ chú trọng vào người thật, việc thật”.

Nhiều Giám đốc CNTT và Giám đốc Công nghệ mà anh ấy có cơ hội làm việc đều nói, ở đây điều quan trọng nhất là “Dẫn đầu hoặc làm theo hoặc ra khỏi cuộc chơi. Nếu ‘chập chờn’ họ cho ‘mất điện’ ngay”, anh cho biết.

Khách hàng Mỹ cũng không ngần ngại cho thành viên FUSA đảm nhận việc điều hành. Hải còn nhớ như in lần làm việc với khách hàng ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Lúc đó, họ than phiền không tìm được một lãnh đạo công nghệ thay thế người vừa nghỉ việc đột xuất. Trong khi Hải chưa tìm được lời an ủi thích hợp, thì sếp của công ty này đã hỏi Hải. Thấy anh trả lời trôi chảy và có kinh nghiệm, người sếp quyết định luôn Hải sẽ lãnh đạo nhóm của họ ở Mỹ trong 3 tháng. Sau 2 tháng, họ tin tưởng giao việc với lượng công việc tăng dần.

Nhiều năm làm việc ở Nhật Bản và Mỹ, Azkar Khan, thành viên gia nhập FUSA năm 2009, cho biết, sự khác biệt trong phong cách làm việc của người Mỹ chính là quyết định chọn lựa nhanh chóng và cũng nhanh chóng chấm dứt hợp đồng khi không hài lòng. Ngược lại với phong cách của người Nhật là vẫn để lại một chỗ cho cải tiến bằng cách xác định nguyên nhân gây ra.
Các thành viên FUSA và đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc trong một sự kiện Marketing. Ảnh: FUSA.

Các thành viên FUSA và đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc trong một sự kiện Marketing. Ảnh: FUSA.

Với Phùng Quang Đạt, nước Mỹ đã cho anh nhiều trải nghiệm, là những khó khăn trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày khi mới sang đây nhận công tác. “Cả những chuyến lái xe, chuyến bay dài - dài đến mức xuyên bang, xuyên lục địa liên tục từ hết nơi này qua nơi khác để đến với khách hàng”, Đạt tâm sự.

“Ngày mới qua Mỹ, tôi là cậu sinh viên vừa tốt nghiệp, lò dò tập lái xe quanh khu Archstone ở San Mateo, giờ đây tôi đã có gia đình riêng của mình. Mỗi lần có dịp đi qua ngôi nhà ngày xưa nơi các anh em ở cùng nhau, tôi đều ngoái lại và lặng đi. Tôi sẽ luôn nhớ thời gian chúng tôi, những thành viên đầu tiên của FUSA, sống chung một mái nhà, ăn chung một nồi cơm, đá bóng với nhau, đi chợ, rồi cứ đến đúng 5-6h chiều là lại quây tròn bên chiếc bàn quen thuộc để gọi về cho đội ngũ ở Việt Nam”, Phan Trọng Quân nhớ lại.

Hiện giờ, các thành viên của FUSA mỗi người sống ở một tiểu bang khác nhau để bám khách hàng, bám thị trường. TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm hết sức chia sẻ về việc này. “Các bạn đã rất vất vả làm việc lệch múi giờ và thiệt thòi hơn các thị trường khác khi mỗi người ở một nơi”, anh nói.
FUSA trong chuyến nghỉ mát tại Malibu. Ảnh: FUSA.

FUSA trong chuyến nghỉ mát tại Malibu. Ảnh: FUSA.

“Đúng là việc phân tán lực lượng sales ra các vùng miền, tiểu bang khác nhau khiến cho anh em FUSA ít có cơ hội tụ tập thường xuyên. Có thể dễ dàng nhìn thấy anh em ở các thị trường khác khoác vai bá cổ trên bàn nhậu và karaoke, nhưng hiếm khi tìm thấy hình ảnh nào như vậy của FUSA”, “nữ nhi” duy nhất đang lãnh trọng trách đi sales tại FUSA, Quyên Phạm, bày tỏ.

Những hình ảnh đó đôi khi khiến các nhân viên của FUSA ghen tỵ với những đồng nghiệp khác. Nhưng bù lại, theo Quyên, các thành viên lại được đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều văn hoá kinh doanh của từng bang, thăm thú nhiều cảnh đẹp, hoà nhập với con người và trải nghiệm cuộc sống của nhiều vùng miền khác nhau trên xứ sở cờ hoa.

Mai Thanh Hải thấy anh dường như có duyên với Texas. Nhận lời làm việc cho FUSA đã khiến anh trở lại nơi này. “Sau 10 năm, tôi vẫn cảm thấy quen thuộc với cái nóng 40 độ C vào mùa hè, hương vị món Texmex và đặc biệt là bia Corona với chanh và muối”, anh bộc bạch.

Công việc khá bận rộn vào ban ngày, tối về, anh cùng đồng nghiệp vẫn tiếp tục họp hành, cập nhật thông tin từ offshore. Tuy vậy, họ vẫn dành thời gian cùng anh em onsite và khách hàng tận hưởng hương vị tuyệt vời của các loại bia nơi đây vào cuối tuần.

Giám đốc FUSA Bùi Hoàng Tùng với giấc mơ chinh phục nước Mỹ. Ảnh: FUSA.

Giám đốc FUSA Bùi Hoàng Tùng với giấc mơ chinh phục nước Mỹ. Ảnh: FUSA.

Còn Quyên Phạm, nước Mỹ đã cho cô một kỷ niệm không thể nào quên trong đời, đó là tự mình cầm lái một chiếc máy bay cá nhân và bay lượn trên bầu trời tại biên giới Mỹ - Canada. “May mắn cho tôi, một trong những vị khách hàng của tôi có niềm đam mê chinh phục bầu trời như Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến. Tôi rất thích cái cảm giác làm chủ bản thân và làm chủ được chú chim ưng sắt bất kham ấy”, cô vui vẻ nói.

Kỷ niệm sẽ làm họ yêu nước Mỹ hơn. Nhưng điều khiến họ gắn bó lâu dài với mảnh đất này là đã cho họ cơ hội được nhanh chóng độc lập và trưởng thành, đứng trên đôi chân của chính mình để vượt qua nhiều thử thách và trở ngại.

Quyên bảo, có lần cô cùng Giám đốc FUSA Bùi Hoàng Tùng tới gặp một khách hàng ở miền Tây Bắc nước Mỹ. Trong văn phòng có một tấm bản đồ nước Mỹ với hàng trăm chiếc ghim nhỏ đủ màu sắc gắn trên đó, đánh dấu những khách hàng và văn phòng của họ ở khắp mọi nơi trên đất nước. “Chúng tôi rất ấn tượng với tấm bản đồ này, tôi chỉ có chút tham vọng nhỏ bé là cùng với anh em FUSA ‘phải đặt chân lên bản đồ’, mang cái tên FPT đi càng xa, tới càng rộng trên thị trường Mỹ và quốc tế”, cô kỳ vọng.

FPT USA Corp. (FUSA) thành lập ngày 13/10/2008, đăng ký tại Delaware, trụ sở chính tại San Mateo (California), các văn phòng kinh doanh tại New York, Texas và Washington. Giám đốc FUSA là anh Bùi Hoàng Tùng.

Sau 4 năm hoạt động, thị trường Mỹ đã tăng trường mạnh mẽ. FUSA tự hào vì đang có những khách hàng hàng đầu, hãnh diện vì FPT đang cùng làm việc và cạnh tranh bình đẳng với những công ty outsourcing lớn nhất thế giới. Đồng thời, có đội ngũ ‘liên hợp quốc’ đến từ các quốc gia, đang làm việc tại 4 văn phòng và trụ sở khách hàng trên toàn nước Mỹ.

Lâm Thao

Ý kiến

()