Chúng ta

FPT có bản đồ chiến lược đầu tiên

Thứ năm, 1/11/2012 | 12:07 GMT+7

Bản đồ chiến lược phiên bản chính thức đầu tiên của tập đoàn và 6 công ty thành viên đã hoàn tất với chất lượng cao.
> /

Quản trị dự án Balanced Score Card, Nguyễn Hoàng Minh, trao đổi với Chúng ta về kết quả này.

- Việc xây dựng bản đồ chiến lược của các công ty thành viên đến nay như thế nào, thưa anh?

- Đến 20h ngày 30/10, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đã thống nhất với Chủ tịch các công ty thành viên về bản đồ chiến lược phiên bản 1.0 của tập đoàn và 6 đơn vị.

Kết quả này là bước đầu tiên nhưng rất quan trọng cho dự án. Bởi để Balanced Score Card (BSC) đi vào tổ chức lớn và phức tạp về ngành nghề như FPT cần phải mất ít nhất 2-3 năm.

- Anh đánh giá ra sao về kết quả này?

- Đây là lần đầu tiên chúng ta bỏ nhiều công như vậy để chuẩn bị cho Hội nghị Chiến lược. Tập đoàn và các công ty thành viên đã hoàn thành bản đồ chiến lược trong 6 tuần. Các lãnh đạo đã bỏ nhiều công sức và chất xám để hoàn thiện khối lượng công việc này.

Quản trị dự án BSC Nguyễn Hoàng Minh đánh giá các lãnh đạo đã bỏ nhiều công sức và chất xám để hoàn thiện khối lượng công việc này. Ảnh: Lâm Thao.

Quản trị dự án BSC Nguyễn Hoàng Minh đánh giá các lãnh đạo đã bỏ nhiều công sức và chất xám để hoàn thiện khối lượng công việc này. Ảnh: Lâm Thao.

Đội dự án của FPT HO đứng đầu là Giám đốc dự án Bùi Quang Ngọc cùng Chủ tịch và các lãnh đạo công ty thành viên họp liên tục từ 1 đến 2 lần mỗi tuần. Có thể nói, chưa bao giờ FPT huy động nhiều cán bộ cấp cao và làm việc nghiêm túc như vậy.

Thực tế, việc đẩy nhanh tiến độ là cần thiết, bởi nếu làm chậm, tập đoàn sẽ phải chờ thêm một năm vì quá trình này gắn chặt với việc làm kế hoạch.

Tôi có niềm tin là FPT sẽ làm được, vì chúng ta đã làm chiến lược trong nhiều năm. Dự án BSC chỉ cải tiến hoạt động chứ không làm mới hoàn toàn. Bên cạnh đó, FPT có hệ thống đo đạc giúp cung cấp các số liệu tài chính, nhân sự, chất lượng… nhằm hỗ trợ cho việc phân tích.

- Những vấn đề các công ty gặp phải trong quá trình xây dựng bản đồ là gì?

- Chúng ta có rất nhiều việc phải làm sau khi hoàn thiện bản đồ chiến lược. Quan trọng nhất là phân công nhân sự cho từng ô trong bản đồ và xác định các hành động cần thiết để đạt được mục tiêu tương ứng. Việc này sẽ hoàn thành trong tháng 11 năm nay.

Ngoài ra, FPT sẽ đối diện với việc chuyển kế hoạch sang hành động trong bối cảnh kinh tế năm 2013 được dự báo là rất khó khăn. BSC sẽ giúp chúng ta tập trung nguồn lực của từng cá nhân thành sức mạnh chung của cả tập đoàn. Nếu FPT thành công trong việc này, chắc chắn công ty sẽ đạt được thành tựu về tăng trưởng.

- Bản đồ trình bày tại Hội nghị Chiến lược thể hiện chiến lược của công ty thành viên như thế nào?

- Đây là bản đồ chính thức version 1.0 của tập đoàn và công ty thành viên. Thực tế, chiến lược không phải là thứ bất biến. Do vậy, các bản đồ này sẽ được xem xét và hiệu chỉnh hằng năm nhưng không thay đổi quá nhiều.

Bản đồ chiến lược bao gồm các mục tiêu tài chính, sau đó đến khách hàng, quá trình nội bộ và học tập, phát triển. Nó định hướng toàn bộ hoạt động cho một doanh nghiệp.

Sau khi phân công nhân sự thực hiện, các chỉ tiêu trong bản đồ sẽ được làm một cách chi tiết xuống đến mức công ty cháu. Từ đó, 14.000 người FPT sẽ nhìn thấy được vị trí, nhiệm vụ của mình trong chiến lược của tập đoàn.

Trước đây, khi nói đến chiến lược OneFPT, nhiều người đã đặt câu hỏi “Vậy thì sao?”. Với BSC, hy vọng chúng ta có thể giải đáp được câu hỏi trên cho mỗi cá nhân.

Anh Bình mong muốn sử dụng BSC để áp dụng Chiến tranh nhân dân vào hoạt động quản trị của FPT. Từ đó, từng nhân viên đều sẽ góp phần thúc đẩy chiến lược của tập đoàn.

a

Với BSC, mỗi cán bộ nhân viên FPT hiểu rõ hơn vị trí và vai trò của mình trong chiến lược của Tập đoàn. Ảnh: Tiến Thành.

- Tình hình kinh tế năm 2013 sẽ làm cản trở việc đưa bản đồ chiến lược vào thực tế. Vậy tập đoàn đã có những kế hoạch nào để giải quyết mối lo ngại trên?

- Trong buổi giao ban đầu tiên của tháng 11, ngay sau khi Hội nghị Chiến lược kết thúc, FPT sẽ công bố các bước đi tiếp theo trong việc xây dựng BSC. Những bước đi này đã tính toán những những rủi ro, khó khăn trong năm tới.

Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ hỗ trợ các đơn vị trong quá trình hiện thực hóa bản đồ chiến lược. Đầu tiên là hỗ trợ về công nghệ. Với sự chỉ đạo của Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương, các đơn vị thành viên sẽ có thể đẩy nhanh quá trình đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường.

Tiếp theo, tập đoàn sẽ hỗ trợ các công ty thành viên về tài chính nhằm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Song song, FPT cũng hỗ trợ nguồn lực cho các đơn vị trong việc bán hàng, xây dựng hệ thống…

Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ có chính sách mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Những “chiến tướng” sẵn sàng sang những mảng kinh doanh mới, nhiều khó khăn, khi triển khai thành công sẽ có tưởng thưởng xứng đáng.

 

Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card - BSC) của tiến sĩ Robert Kaplan và David Norton, ĐH Harvard, là công cụ quản lý chiến lược giúp tổ chức chuyển chiến lược thành các mục tiêu hoạt động cụ thể. Hệ thống quản lý này giúp lãnh đạo xác định rõ chiến lược và lái toàn bộ nguồn lực về một hướng thống nhất.

Nghiên cứu Bain & Co kết luận rằng, có hơn 60% công ty thuộc Fortune 500 sử dụng BSC. Một khảo sát toàn cầu của 2GC vào năm 2011 cho thấy, 73% công ty áp dụng BSC đánh giá công cụ này hiệu quả ở mức “Cực kỳ” và “Rất cao”.

Hội nghị Chiến lược FPT sẽ diễn ra trong hai ngày 2-3/11 tại Emeralda Resort, Gia Viễn, Ninh Bình. Năm nay, ngoài chiến lược tập đoàn và chiến lược của 7 đơn vị thành viên, 3 chủ đề quan trọng khác là Công nghệ và BSC (Thẻ điểm cân bằng), Văn hóa - Tinh thần FPT cũng sẽ được đưa ra bàn thảo tại hội nghị.

 Lâm Thao

Ý kiến

()