Chúng ta

‘Ý tưởng khởi đầu tương lai’

Thứ bảy, 31/8/2013 | 18:57 GMT+7

“Những ý tưởng lọt vào vòng chung kết Mobile Robot Challenge đã thể hiện được công nghệ trọng tâm của FPT là Mobility, Cloud Computing và Big Data”, Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương đánh giá.
> Vòng loại Mobile Robot Challenge diễn ra cuối tháng 8

Sáng nay (31/8), vòng loại cuộc thi “Thi viết ứng dụng di động trên hệ điều hành Android (Java) điều khiển robot”, Mobile Robot Challenge do Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT tổ chức lần đầu tiên đã diễn ra tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội).

Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương cho rằng, cứ 10 năm thế giới lại có sự dịch chuyển về công nghệ. Hiện tại Mobile, Cloud Computing và Big Data đang là công nghệ trọng tâm, sau đó sẽ là robot.

h

Ý tưởng "dịch" ngôn ngữ cử chỉ cho người khiếm thị của đội BKCTVHDG được Ban giám khảo đánh giá cao.

Cuộc thi mang đến cho sinh viên ngành CNTT-VT cơ hội tìm hiểu và thực hành công nghệ di động mới nhất; đồng thời thôi thúc các em đưa ra những ý tưởng, ứng dụng phục vụ cho cuộc sống. “Việc các em làm hôm nay chỉ là những bài tập để khởi đầu cho tương lai”, anh Phương nói.

Trước khi vòng loại diễn ra, 8 đội thi đến từ các trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Công nghệ, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH FPT và Học viện Bưu chính Viễn thông đã có hai tháng để lên ý tưởng và thử nghiệm.

Đội BKCTVHDG, ĐH Bách khoa Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với Ban Giám khảo cuộc thi với ý tưởng “OurTranslator” - ứng dụng cho người khiếm thính và khiếm thị.

6 thành viên là sinh viên năm cuối này đã lên ý tưởng về một từ điển ngôn ngữ cử chỉ. Người dùng nhập từ (hoặc một phần của từ), ứng dụng đưa ra hình ảnh ngôn ngữ của cử chỉ đó, với khoảng 10 kết quả.

c

Ứng dụng robot trong lĩnh vực giáo dục của đội SRC PTIT được lọt vào vòng chung kết.

Trong ý tưởng của BKCTVHDG, robot sẽ đóng vai trò là thông dịch viên để tương tác với người khiếm thính và khiếm thị. Theo đó khi người bình thường nói, ứng dụng chuyển câu nói đó thành chuỗi các ảnh theo quy tắc trong bảng chữ cái tiếng Việt bằng ngón tay, hiển thị lên điện thoại hoặc màn hình TV để người bị câm hoặc điếc có thể hiểu được.

Người khiếm thính và khiếm thị có thể giao thiếp theo bảng chữ cái tiếng Việt bằng ngón tay. Ứng dụng đang làm đến mức nhận được từng ký tự riêng biệt trong bảng chữ cái.

Phần demo của đội này đã thu hút được sự quan tâm của các chuyên gia công nghệ có mặt tại chương trình. Thành viên của đội đeo găng tay, thể hiện các cử chỉ của người khiếm thính trước mắt robot, chỉ trong nháy mắt robot đã “dịch” được ý nghĩa của hành động đó tương ứng với chữ cái nào trong tiếng Việt.

Giám khảo Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT Software đánh giá cao tính ứng dụng thực tế của ý tưởng này. Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung cũng đồng ý với quan điểm của anh Việt, tuy nhiên, anh muốn đội đưa ra phương án giải quyết về vấn đề kỹ thuật.

b

Robot của đội Cloudy có thể tắt, bật và điều khiển TV.

Ý tưởng “Nao Smart friend” của đội SRC PTIT - Học viện Bưu chính viễn thông, cũng được Ban giám khảo đánh giá cao. SRC PTIT mong muốn robot của đội sẽ trở thành một Doremon, là người bạn của trẻ nhỏ, giúp các em học tiếng Việt, tiếng Anh, nhận biết đồ vật-trò chuyện với trẻ.

Phần demo của SRC PTIT đã thể hiện đúng ý tưởng đó khi cho robot tìm nghĩa của từ “Bà”; đánh vần, tìm nghĩa và phát âm… của từ spring (mùa xuân) bằng tiếng Anh. Robot cũng nhận diện được hình ảnh đồ vật trước mặt là điện thoại, xe máy…

“Ý tưởng này rất thú vị”, anh Trung nhận xét. Theo anh, ý tưởng này có thể ứng dụng được trong lĩnh vực giáo dục trong thời gian tới.

Gây được ấn tượng tốt cả về ý tưởng và trình bày là đội Couldy, ĐH Công nghệ về Robot quản gia. Robot của Cloudy là một ứng dụng bao gồm điện thoại Android và robot Nao nhằm giúp đỡ, phục vụ người dùng trong một số vấn đề như bảo mật (nhận diện người lạ, người quen); tìm đường, trò chuyện mua vui hay điều khiển thiết bị điện tử mà không cần điều khiển.

c

Đội QATM mang đến ý tưởng về nhận diện biển số xe, nhắc cho chủ phương tiện về hạn đăng kiểm và bảo dưỡng xe.

Sau khi được lập trình, robot đã đi dạo một vòng ngôi nhà mô hình theo yêu cầu của người điều khiển. Robot cũng trả lời được các câu hỏi liên quan đến lịch sử liên quan đến Hai Bà Trưng… và mở TV, chuyển kênh khi được lệnh.

Ban giám khảo cho rằng ý tưởng của Cloudy có thể sẽ được ứng dụng có tiềm năng phát triển tại các viện bảo tàng, khi biến robot thành hướng dẫn viên.

Đại diện duy nhất đến từ ĐH FPT - QATM - cũng mang đến cuộc thi ý tưởng về “Robot bảo vệ”. Ý tưởng này được xuất phát từ thực tế ở Việt Nam số lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng lên, trong khi đó chỗ giữ xe sử dụng vé giấy, hiệu suất không cao. Do đó, đội đã dùng robot để kiểm soát vé xe ra vào trong các bãi gửi xe tự động; Tự động phát hiện và nhận dạng biển số xe.

Robot cũng có thể thông báo số chỗ trống còn lại trong bãi; đọc bảo hiểm ô tô gắn trên đầu xe, thông báo với chủ phương tiện về thời hạn bảo hiểm và quản lý lập lịch nhắc nhở chủ xe thời hạn bảo dưỡng khi đến kỳ.

c

Ban Giám khảo là TS Phan Xuân Hiếu, Giảng viên trường ĐH Công nghệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT Trần Thế Trung và CTO FPT Software Lê Hồng Việt (từ trái qua).

Đại diện của QATM cho biết trong tương lai đội sẽ phát triển ứng dụng này để có thể nhận diện được biển số xe trong điều kiện ánh sáng không tốt, biển cong và bẩn…

Anh Lê Hồng Việt rất thích “ý tưởng nhận diện bảo hiểm và đăng kiểm” và nhận xét phần demo ứng dụng khá thú vị, khi robot có động tác như người thật là đọc và giơ thẻ.

Giám khảo Phan Xuân Hiếu, giảng viên trường ĐH Công nghệ Hà Nội gợi ý, đội nên phát triển ý tưởng theo hướng là robot có thể chỉ được chỗ trống cho bãi gửi xe, để chủ phương tiện đỡ mất thời gian tìm chỗ đỗ.

Các ý tưởng về robot giải trí "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5" của đội Bọ cạp nước, ĐH Sư phạm Hà Nội; Ứng dụng quản lý mạng cảm biến không dây thông minh cho gia đình của đội SPI ĐH Bách Khoa Hà Nội; NaoInformer của đội BK Legend, ĐH Bách Khoa Hà Nội và Thư ký robot, của đội Dead_Slient - Học viện Bưu chính viễn thông, cũng chiếm được sự quan tâm của Ban giám khảo.

v

Chăm chú theo dõi phần thi của các đội.

Tuy nhiên, sau khi đánh giá các yếu tố về ý tưởng sáng tạo, hữu ích, phương pháp thực hiện thông minh và điểm bài tập, đánh giá quá trình làm việc, ban giám khảo đã chọn BKCTVHDG, SRC PTIT, Cloudy và QATM vào vòng chung kết.

“Em khá hài lòng với phần trình bày của đội mình, khi diễn ra đúng như kịch bản”, Hoàng Quang Trung, thành viên đội SRC PTIT, chia sẻ.

Trung đánh giá cuộc thi này mới, rất bổ ích cho sinh viên và mong muốn cuộc thi này sẽ được tổ chức hằng năm để sinh viên các trường CNTT-VT có thể tham gia.

Bất ngờ và sung sướng là cảm xúc của Trần Đức Mười, đội Cloudy, khi được vào vòng chung kết. Bởi theo Mười khi đội cậu thi, Ban giám khảo khá căng thẳng và robot di chuyển cũng không tốt. “Bọn em sẽ cải tiến những cái chưa được ở vòng loại này”, Mười khẳng định.

v

CTO FPT Nguyễn Lâm Phương đánh giá cao ý tưởng của các đội thi. “Việc các em làm hôm nay chỉ là những bài tập để khởi đầu cho tương lai”, anh Phương nói.

Ngoài cảm giác vui sướng khi lọt vào vòng sau, Nguyễn Văn Quyết, đội QATM, ĐH FPT, khá lo lắng khi phải đối đầu các đội mạnh. “Thành viên của các đội đều là sinh viên năm cuối trong khi bọn em mới là sinh viên năm thứ nhất. Tuy nhiên, em sẽ tham khảo ý kiến của các anh chị khóa trên để hoàn thiện ứng dụng của mình”, Quyết nói.

Mặc dù không có cơ hội tham gia vào vòng tiếp theo nhưng các đội còn lại đều không thể hiện sự thất vọng và buồn. Bởi các em đánh giá Mobile Robot Challenge là một sân chơi bổ ích, giúp sinh viên tiếp cận những công nghệ mới, được trực tiếp thực hành trên robot - thứ mà các em chỉ thấy trên TV.

“Tôi đánh giá cao ý tưởng của 4 đội lọt vào chung kết, nhất là ý tưởng về ‘dịch’ ngôn ngữ cử chỉ. Trong một thời gian ngắn các đội cho ra kết quả như vậy là khả quan dù chưa hoàn toàn như kỳ vọng của chúng tôi. Các em vẫn còn một tháng nữa để hoàn thiện sản phẩm của mình”, anh Lâm Phương, nhận xét.

Anh hy vọng, trong vòng chung kết diễn ra vào cuối tháng 9 tới các đội sẽ hoàn thiện và trình diễn tốt nhất ứng dụng của mình.

Dự kiến, vòng chung kết cuộc thi sẽ diễn vào tháng 9, tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). 4 đội sẽ tham gia 3 phần thi là Khởi động, Tăng tốc và Về đích. Ở vòng đầu, các đội sẽ lập trình cho robot nhảy múa trên nền nhạc. Vòng hai, các đội lập trình cho robot thực hiện ứng dụng với chủ đề giúp việc gia đình. Tiêu chí chấm điểm là ý tưởng sáng tạo, hữu ích, phương pháp thực hiện thông minh. Ở vòng cuối, các đội sẽ thi đối kháng trong phần thi tìm đường trong mê cung.

Đội giành giải Nhất sẽ nhận phần thưởng trị giá 15 triệu đồng, giải Nhì: 10 triệu đồng và giải Ba: 5 triệu đồng.

Mục tiêu của cuộc thi Mobile Robot Challenge 2013 là tạo một sân chơi thú vị và bổ ích cho các bạn sinh viên ngành CNTT-VT tham gia. Qua đó khuyến khích tinh thần học hỏi và nghiên cứu các xu hướng công nghệ mới trong giới trẻ. Thông qua cuộc thi, FPT cũng mong muốn đẩy mạnh hơn việc phát triển công nghệ điện toán mây (Cloud computing) và công nghệ di động (Mobility) trên nền hệ thống (platform) của robot Smartoshin.

Bài và ảnh: Triệu Mẫn

Ý kiến

()