Chúng ta
Thứ sáu, 10/6/2022 | 09:47 GMT+7

Bóng đá nhà F: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Những sân vận động chật kín khán giả cuồng nhiệt, những chuyến "đi bão" bùng nổ sau mỗi trận thắng, người Việt Nam chưa bao giờ ngừng "say" bóng đá. Nhưng tại FPT - nơi bóng đá cũng được xem là môn thể thao vua, tại chung kết một giải lớn cuối tháng trước, số người cổ động chỉ lác đác.

Bóng đá nhà F: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Những sân vận động chật kín khán giả cuồng nhiệt, những chuyến "đi bão" bùng nổ sau mỗi trận thắng, người Việt Nam chưa bao giờ ngừng "say" bóng đá. Nhưng tại FPT - nơi bóng đá cũng được xem là môn thể thao vua, tại chung kết một giải lớn cuối tháng trước, số người cổ động chỉ lác đác.

Nguyễn Thành Luân (FPT Software) gia nhập nhà F 6 năm trước vì một lý do: FPT là doanh nghiệp duy nhất có đá sân 11 người.

Dương Quốc Cường (FPT IS) quyết định khoác màu áo cam ở độ tuổi 22, khi vừa rời ghế giảng đường, cũng bởi lý do tương tự: phong trào bóng đá FPT quá vui.

"Công việc đôi lúc có thể khó khăn, nhưng lại nghĩ ở FPT được đá banh sướng quá, thôi cố gắng gắn bó để được chơi banh nhiều hơn" - Lê Thanh Thiện (FPT Telecom) tâm sự.

Luân không nghĩ có ngày giải bóng cấp-tập-đoàn lại chỉ có 6 đội, mỗi đội 7 người, đá xong trong chỉ 2 ngày cuối tuần. Khi nhận băng đội trưởng, anh lại thấy áp lực choán lấy tâm trí.

Cường - đội trưởng đội bóng nhà Hệ thống - lại không thể tham gia giải gần nhất vì… sát ngày đấu mới có thông tin.

Thiện cũng hướng ánh mắt nhìn xa xăm khi nhắc đến không khí trên sân: "Buồn chứ!…"

FPT vốn là doanh nghiệp mạnh về phong trào bóng đá. Trước 1998, mỗi khi muốn tổ chức một giải bóng, nhà F phải mời thêm các đội "phủi" ngoài để đủ suất phân bảng. Năm 1998, FPT thành lập đủ số đội bóng để biến Giải Vô địch của mình thành giải "đóng". Giữa năm 1999, Liên đoàn bóng đá FPT - FFF chính thức ra đời.

Những năm sau đó, số đội đăng ký tham gia các giải đấu của FFF cứ tăng dần, thậm chí còn dẫn đến quyết định chia 2 series. Ban tổ chức còn từng "cất công" sáng tạo tên giải theo từng năm như: Giải các loài Hoa; Giải các loài Chim; Giải các loài Ong; Giải các loài Bướm...

Hồi đó, không phải bất cứ nhà tổ chức chuyên nghiệp nào cũng có thể tổ chức được những giải bóng đá có quy mô lớn tới 16 đội tham gia như FFF. Người ta còn nói "có lẽ FPT là nơi duy nhất ở Việt Nam có Liên đoàn bóng đá riêng và lại hoạt động rất chuyên nghiệp, dù những người lãnh đạo đều chỉ là 'amateur' trong lĩnh vực bóng đá".

Nghĩ về thời "hoàng kim" của bóng đá FPT, nhiều người bồi hồi nhớ không khí cực kỳ sôi nổi cả ở trên sân cỏ, trên khán đài và cả trên các diễn đàn, "mail đàn". Nhiều lãnh đạo cấp cao ra sân, nhiều khi "máu quá xỏ giày vào đá" hoặc "xuống ví" thưởng nóng cho anh em khi có màn thi đấu ấn tượng. Có đơn vị thuê hẳn huấn luyện viên chuyên nghiệp về dẫn dắt.

Cổ động viên cứ biết thông tin là ra sân, có khi "đi làm bao nhiêu ra sân bấy nhiêu", phụ kiện cổ vũ đôi lúc chỉ là… mấy chai nước đập vào nhau. Có người reo hò to hơn cả… người cầm mic, "tiện thể" cổ vũ cho cả đội bạn. Sau các trận đấu lại là loạt bài viết bình luận, tường thuật thu hút đông đảo người xem và bàn tán. "Giới chuyên môn" lại phân tích, mổ xẻ, góp ý cho đội chơi. Nhiều phiên họp hay... phiên tòa FFF lắm lúc còn gay cấn hơn phim.

Cuối tháng 5, chung kết và bế mạc FFA Cup chỉ 4 đội có giải dự trong tổng số 8 đội, dù Ban tổ chức đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện giải đấu. Trên khán đài có 20-30 cổ động viên, như vậy đã là đông.

Trước đó, tại FPT Champion League hồi tháng 3, chỉ 6 đội tham gia, mỗi đội 7 người. Giải đấu diễn ra chỉ đúng 2 ngày cuối tuần. Mỗi đội có 5-10 cổ động viên ra sân cổ vũ.

Bộ môn thể thao vua tại tập đoàn trước đây cũng đã qua những nốt thăng trầm, nhưng những năm gần đây, một số "lão làng" đã lên tiếng thể hiện nỗi thất vọng. Hàng loạt tình trạng minh chứng cho điều này, rõ nhất phải kể đến những giải đấu giảm số đội, giảm số người dự, cầu thủ không mặn mà hay các công ty thành viên - dù mỗi ngày một đông nhân viên - không tìm được đủ người đá.

Cạnh đó, không ít ý kiến chỉ ra, nhiều trận đấu cấp "trung ương" bộc lộ tinh thần công kích, triệt hạ để “rạng danh” đơn vị. Chuyên môn, chất lượng và lối chơi đi xuống. Việc không có môi trường sinh hoạt đều đặn, vắng bóng cổ động viên cũng làm “lửa” ngấm ngầm tắt.

Theo anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn - Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá FPT Telecom, trước kia, việc lãnh đạo thường xuống sân - dù để xỏ giày ra trận hay chỉ để cổ vũ - đã tạo hiệu ứng "hút" đông đảo CBNV. Hiện tại, có thể do đầu việc ngày càng nhiều, số nhân viên quá lớn nên lãnh đạo "lo không xuể". Chưa kể, có nhiều lãnh đạo được chiêu mộ từ bên ngoài, rất giỏi, nhưng không tránh khỏi không hiểu hết nền tảng văn hóa của con người FPT.

"Ngoài ra, sự gắn kết giữa các cán bộ chuyên trách ngành dọc văn hóa - đoàn thể không còn chặt chẽ. Họ tổ chức những giải thường niên để 'an toàn' chứ ít khi ngồi lại trao đổi, lắng nghe ý kiến và cùng cải thiện", anh Tuấn - cũng là một cựu cán bộ văn hóa đoàn thể - nói.

Nguyên nhân còn nằm ở chuyện thuê sân bãi, vị trí, chất lượng chưa "được lòng" anh em. Có những tình huống cần kíp, cán bộ chuyên trách lại không có mặt hỗ trợ, "làm cho xong giải chứ không nâng tầm giải, rút kinh nghiệm cho năm sau" như chia sẻ từ Nguyễn Chánh Tín - cầu thủ kỳ cựu nhà Hệ thống. Thêm vào đó, chất lượng livestream trận đấu còn hạn chế; thông tin không thông suốt kịp thời đến đơn vị khiến người chơi dần mất nhiệt huyết.

"Bóng đá FPT không còn thuần túy vì tình yêu dành cho trái bóng mà là 'ăn thua' vì màu cờ sắc áo. Đội hình những người giỏi nhất của các CTTV cứ giữ đúng qua các mùa khiến người ngồi dự bị dần mất động lực. Điều này làm tăng khoảng cách giữa các cầu thủ dẫn đến rút lui. Ở cấp tập đoàn, nhiều đội bóng gặp tình cảnh thường xuyên bị loại sớm, dễ chán nản” - Nguyễn Quỳnh Anh, phòng Văn hóa - Đoàn thể FPT IS nêu quan điểm.

Các đội tham gia giải tập đoàn đa phần vì trách nhiệm và tự tôn. Vì thế, một số cầu thủ sử dụng ngôn ngữ đả kích quá khích, chơi lối triệt hạ làm mất đi hình ảnh đẹp của làng bóng FPT. Theo cầu thủ FPT Retail Bùi Đức Nhuận, chênh lệch giữa các đội khiến họ mất động lực vì bị loại sớm liên tục qua các năm là lý do khiến họ chỉ còn "đá cho xong ngày thi đấu".

Trong khi các chân bóng mang áp lực "màu cờ sắc áo", những CBNV còn lại hầu như không mặn mà với "sân đấu" này. Mặt khác, cổ động viên chung tình trạng "cha chung không ai khóc". "Tôi muốn cổ vũ ở giải đơn vị hơn vì có đồng nghiệp, gần nơi làm việc, tiện thì ghé qua xem. Còn ở tập đoàn thì không quen ai, di chuyển lại xa, đến cũng chẳng có động lực để cổ vũ", chị Trần Thị Minh Truyền (FPT IS) chia sẻ.

Nếu như thế hệ trước "mê mẩn" bóng đá như món ăn tinh thần, dường như lớp trẻ dần xa cách vì nhiều thú vui khác. "Thiếu lực lượng, khó tìm người trẻ để gây dựng tiếp, trong khi người cũ tuổi tác dần tăng nên chuyển sang bộ môn khác. Ngoài ra, khối lượng công việc nhiều, nhân viên dành thời gian làm việc và nghỉ ngơi chứ không sống bằng bóng đá, giải trí bằng bóng đá như trước", cầu thủ Nguyễn Chánh Tín bày tỏ.

Cũng phải nói rằng đặc thù công việc của từng đơn vị thành viên khiến sự gắn kết, góp mặt đủ đầy trong các giải đấu khá khó khăn. Như khối bán lẻ phải làm việc cả buổi tối và cuối tuần, nhân sự FPT Education mỗi miền số lượng ít… khó sắp xếp đủ thành viên, thời gian tham gia.

Hiện tại, hầu như mỗi CTTV đều có ít nhất một giải nội bộ, không khí tùy thuộc từng giải và công ty, tuy không quá rầm rộ như trước đây, song cũng không hề "ảm đạm" như giải bóng tập đoàn, vẫn có thể có hẳn 16-24 đội tham dự, trong khi giải tập đoàn lại chỉ 6-8 đội bóng. "Anh em vẫn thích giải trong 'nhà' vì số người được đá nhiều hơn, được gần gũi anh em, lãnh đạo, giao lưu sau các trận đấu. Còn giải tập đoàn, gần như đá xong rồi về, không ai biết ai, áp lực kết quả, nên mất động lực", anh Nguyễn Ngọc Luân - FPT Software chỉ rõ.

Giải "nhà" vẫn có sức hút nhất định, nhưng giải "nhà chung" chẳng mấy ai mặn mà.

"Các anh thấy bóng đá ngày xưa vui vì FPT nhỏ. Giờ FPT lớn rồi, bóng đá vui ở nhóm nhỏ của nó, không phải vui tập trung" - Trưởng phòng Văn hóa - Đoàn thể FPT IS bày tỏ.

Phó Chủ tịch FPT Bùi Quang Ngọc là người luôn tâm huyết với thể thao, đặc biệt là bóng đá nhà F. Anh hoài niệm ngày xưa bóng đá FPT phải chia ra Serie A và Serie B vì quá nhiều đội đăng ký tham gia. Thế nhưng, nhiều người cho rằng đó là do thời của anh ảnh hưởng bởi sự thịnh hành của bóng đá Italy, của "7 chị em" hay những "derby della Madonnina"... Còn hiện tại, với cơ cấu "mỗi CTTV chỉ có một đội bóng", việc chia bảng đã trở nên xa vời. "Thật tiếc nuối khi đội bóng mạnh như Phương Nam phải sáp nhập vào đội FPT Telecom. Tôi khá buồn vì khi sáp nhập, chắc chắn nhiều người không lọt vào đội tuyển mới!" - anh Nguyễn Thanh Tân (PNC, FPT Telecom) ngậm ngùi.

Khi viết bài viết này, chúng tôi đã hỏi một số nhân vật, kể cả cầu thủ và cán bộ văn hóa đoàn thể, có biết ai đang là chủ tịch FFF hay không. Câu trả lời đa phần là cái lắc đầu. Quan sát cả mùa giải FFA Cup vừa qua, phải đến trận đấu cuối cùng của giải mới thấy lãnh đạo đơn vị và tập đoàn đến dự khán. Rất hiếm khi dân tình bắt gặp "các anh" xuống sân động viên các đội mỗi trận, chưa nói đến chuyện xỏ giày vào sân.

Nhìn tình yêu cho bóng đá tập đoàn mất dần lửa, những người đứng đầu làng bóng FPT liệu có buông xuôi?

Về tương lai bóng đá FPT, hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một bộ phận xem việc cần thiết đưa bóng đá đi lên là một điều hiển nhiên và tin tưởng vào sức sống của môn "thể thao vua", một bộ phận lại cho rằng "nếu anh em không muốn, nếu thời thế đã thay đổi" thì không nên níu giữ làm gì, và rằng văn hóa FPT đang thay đổi. Vậy liệu bóng đá có (còn) là một văn hóa và cần được gìn giữ, nhen lại lửa tại FPT?

Văn bản thành lập liên đoàn bóng đá FPT ghi rõ một trong 5 mục tiêu là "Gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa FPT: Qua hoạt động bóng đá góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc FPT trên lĩnh vực thể thao, sức khoẻ, đoàn kết, giao lưu trong công ty FPT". Trên trang nội bộ Chúng ta, mục Văn hóa cũng có riêng tiểu mục cho thể thao với các bài về bóng đá vẫn áp đảo. 

Theo Resources Base, văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người, ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của người đó. Xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của mỗi doanh nghiệp.

Nghiên cứu của Deloitte chỉ ra, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa mang tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp. Văn hoá chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp, giúp thu hút ứng viên cho tuyển dụng, tạo ra các nhân viên trung thành; là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp; hạn chế các xung đột nội bộ; đẩy mạnh hiệu suất làm việc của nhân viên.

Bóng đá có tất cả những "sức mạnh" trên: thu hút nhân sự, như câu chuyện của Nguyễn Thành Luân - FPT Software, Dương Quốc Cường - FPT IS; giữ chân nhân sự như câu chuyện của Lê Thanh Thiện - FPT Telecom; nâng cao sức khỏe và là nơi xả stress, giúp nâng cao năng suất; xây dựng và củng cố những những mối quan hệ có lợi cho công việc…

Tại sao bóng đá có sức mạnh như thế và luôn là môn "thể thao vua" trên khắp thế giới? Theo nghiên cứu của Khoa Sức khỏe tâm thần, Đại học Nottingham - Anh và Đại học Indiana - Mỹ, bóng đá giúp con người xua tan cảm giác cô đơn, thúc đẩy sự tự tin đồng thời tăng hormone hưng phấn. "Tình yêu bóng đá trở thành ngôn ngữ chung, bất kể già hay trẻ, bất kể nghề nghiệp đều nhìn về một hướng. Đó cũng là nơi chúng ta tự do thể hiện cảm xúc. Con người có thể ôm nhau hò hét hay khóc để giải tỏa ức chế. Tất cả điều này đều đóng góp tích cực tới tinh thần".

FPT vốn nêu cao tinh thần "chung mục tiêu, chơi chung, làm chung", "One FPT", "muốn làm việc được cùng nhau thì phải chơi được cùng nhau" cũng chính vì những lợi ích to lớn từ sự gắn kết, cộng hưởng sức mạnh của mọi đơn vị thành viên. Thật đáng tiếc nếu phong trào bóng đá không phát huy được tinh thần ấy.

Nhiều cầu thủ và cựu cầu thủ cho rằng, nếu muốn khôi phục và phát triển văn hóa bóng đá thì trước hết, nhân tố quan trọng là lãnh đạo. Họ cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho nền bóng đá. Không nên “bắt ép” nhưng cần lan tỏa để thu hút đông đảo hơn nữa CBNV quan tâm, cả tham gia sân đấu lẫn cổ vũ trên khán đài.

Cạnh đó, để duy trì và phát triển văn hóa bóng đá tại nhà F, việc tổ chức các giải đấu toàn tập đoàn là không đủ mà cần tạo môi trường, các câu lạc bộ để sinh hoạt đều đặn. Đá giải giống như việc "thi xong xuôi tất cả lại về" - điều này là không đủ để duy trì cái gọi là "văn hóa bóng đá".

Về phần các giải đấu, đa số cho rằng Ban Văn hoá - Đoàn thể FPT (FUN) cần tổ chức giải tốt hơn, hay hơn, "thức thời" hơn, xác định mục đích nâng tầm các giải đấu, khơi lại tình yêu bóng đá của các cầu thủ, để ra sân là thật sự để chơi, để vui. Còn bản thân những người đang sinh hoạt bóng đá phải là "nam châm thu hút" đồng nghiệp mình để lan tỏa tinh thần, phong trào.

Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng khi cuộc sống ngày càng phát triển, phong trào tập luyện thể thao cũng gia tăng. Ngày xưa, bóng đá là lựa chọn hàng đầu, bây giờ câu chuyện đã khác. Muốn đá bóng phải tập hợp một đội, còn những môn như: chạy bộ, võ, gym... lại không cần điều đó. 

Nhiều người tự hỏi tại sao người Việt Nam vẫn cuồng nhiệt với bóng đá, vẫn sẵn sàng “đi bão” sau mỗi chiến thắng của các đội tuyển Việt Nam nhưng người F lại thờ ơ với món ăn tinh thần này ở tập đoàn? Không phải người F mất nhiệt với bóng đá. Nhưng đổ ra đường ăn mừng 1-2 giờ và bỏ công sức ra sân mỗi tuần là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Chúng ta chỉ có thể vui sướng trong chốc lát, rồi lại phải vùi đầu vào những mối lo toan hằng ngày. Bởi nếu chọn giữa bóng đá với deadline - tiền bạc - gia đình…, có lẽ nhiều người sẽ thiên về phương án B.

Vậy làng túc cầu FPT có nên, nhân sự phát triển của bóng đá nước nhà, thổi bùng lại ngọn lửa nhiệt huyết hay không? Thiết nghĩ lãnh đạo FPT và bộ phận văn hóa đoàn thể là những người phù hợp nhất để trả lời câu hỏi này.

Vũ Dung An

Ảnh: Quyên Vũ Hân, Tư liệu

Ý kiến

()
 
Tags: