Chương trình diễn tập của người nhà ‘Cáo’ tiến hành trong 2 ngày (ngày 25/6, 26/6), tại chi nhánh Nghệ An, nơi được gọi là rốn bão của miền Trung. Trong 2 ngày 1 đêm, 80 con người trở thành những người đồng đội, chiến hữu kề vai sát cánh bên nhau. “Tôi gặp nhiều anh em từng làm việc rất nhiều qua mail nhưng hôm nay mới gặp mặt trực tiếp”, anh Phạm Văn Thịnh HN10 chia sẻ. Anh Ngô Văn Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật HN14 bày tỏ: “Thời gian 2 ngày là ngắn nhưng sự thấu hiểu công việc, vất vả đã rút ngắn khoảng cách địa lý đưa chúng tôi tới gần nhau hơn”.
Không màu mè, không cầu kỳ, sự chân chất ngấm vào máu, vào da thịt của những người ‘lính’ trèo cột điện, họ gặp nhau chẳng chút ngại ngùng hay câu nệ. Dù là ngày đầu tiên hay ngày thứ 2, cái khác duy nhất là “chúng tôi thân hơn”. Lý do thân thì anh Thông hay bất kỳ ai trong đoàn đều chưa trả lời được, vì với tốc độ của công việc ứng cứu, họ còn không có thời gian để chia sẻ, để hỏi thăm nhau. “Có lẽ bắt nguồn từ việc giữ thang cho đồng đội, cùng nhau nâng hộp POP nặng hàng chục kilôgam… vì thế mà thân nhau hơn”, anh Thông nói.
Anh Thông (mũ trắng) hạnh phúc vì được tham gia chương trình diễn tập. Ảnh: Hà Trần. |
Bản tính hay nói, hay làm, mà làm cái gì cũng vui, anh Thông trở thành cây hài, cây pha trò trong đội ứng cứu số 4. Sau 2 ngày diễn tập cùng mọi người, anh nghĩ mình là người giàu: giàu về kiến thức và giàu về tình đồng đội. “Nếu diễn tập kéo dài nửa tháng thì khi về nhà, tôi nghĩ mình sẽ 'dửng dưng' với vợ con mất”, anh Thông hài hước chia sẻ. Gần 20 người trong đội đều cười xoà nhưng mọi người đều hiểu ý anh. 2 ngày 1 đêm, anh Thông cùng đồng đội kề vai sát cánh với nhau. “Chúng tôi chạy nắng, chạy mưa, hô hào nhau, ăn cơm với nhau… nhiều khi có cảm giác như những đứa trẻ đang chơi đánh trận giả vậy. Vui lắm!”, anh Thông nói.
Dưới cái nắng gay gắt, rát mặt của Nghệ An, những làn da ngăm đen, thô ráp nhăn nhó, mùi mồ hôi pha mùi nắng trở thành thứ đặc trưng gắn kết những ‘chiến sĩ’ kỹ thuật với nhau. Anh Dương Văn Kiên, Trưởng phòng INF Thái Nguyên, bày tỏ: “Trước khi đến thấy 2 ngày lâu quá! Mà giờ chỉ muốn diễn tập 1 tháng để cùng gọi nhau dậy sớm, hò hét nhau làm việc”.
Hỗ trợ nhau trong công tác ứng cứu bão lụt. Ảnh: Hà Trần. |
Là người nhiều tuổi nhất trong nhóm, anh Trịnh Ngọc Kỳ, Trưởng phòng Kỹ thuật HN13 cảm thấy tiếc nuối quãng thời gian trôi qua. “Mọi thứ đều đáng nhớ, từ lúc bắt đầu cho tới lúc kết thúc. Đáng nhớ nhất là thời gian tìm đường đến địa điểm POP hỏng. Không biết đường đi nên anh em cứ vòng vèo, may sao vẫn đến đúng chỗ”.
Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống bão, anh Trần Hữu Sơn cảm nhận sâu sắc tinh thần đồng đội được kết nối qua chương trình. Anh cho biết: “Trong năm tới, chương trình sẽ mở rộng phạm vi và quy mô nhân sự để người nhà ‘Cáo’ không chỉ riêng INF mà các đơn vị khác như Chăm sóc khách hàng, nhân viên kinh doanh cũng được tham gia chương trình. Sẽ giống “Hành trình kết nối” thu nhỏ”.
Đội ứng cứu số 4. Ảnh: Hà Trần. |
Chương trình đào tạo phòng chống lụt bão do Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng miền Bắc phối hợp với Trung tâm Đào tạo FPT Telecom tổ chức với mục tiêu trang bị những kỹ năng và ý thức xử lý tình huống bất ngờ trong phòng, chống ảnh hưởng thiên tai tới hạ tầng của FPT Telecom. Đợt tập huấn được tổ chức trước mùa mưa bão, phục vụ cho việc ra soát và hoàn thiện phương án phòng chống thiên tai, hạn chế rủi ro thiệt hại cho hạ tầng và dịch vụ mà FPT Telecom đang cung cấp.
Số lượng học viên được huy động trong đợt tập huấn lần này là 80 người từ Vùng 1, Vùng 2 và Vùng 3, bao gồm các trưởng phòng và CBNV đang trực tiếp quản lý, công tác tại Trung tâm Phát triển và Quản lý hạ tầng (INF); Ban Quản lý và phát triển dự án đường trục (PMB); Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CS).
Trước đó, năm 2018, chương trình phòng chống lụt bão của Trung tâm được tổ chức tại địa phận Thanh Hoá với số lượng khoảng 60 người tham gia.
Hà Trần
Ý kiến
()