Chúng ta
Thứ hai, 26/4/2021 | 14:18 GMT+7

Top 100 FPT 2020: Hải trình vượt sóng, vươn xa

Tuổi 32 rực rỡ và đầy phiêu lưu của nhà F ghi đậm dấu ấn 100 cá nhân xuất sắc. Cùng nhau, họ đã giong buồm ra khơi, đối đầu sóng dữ, vượt bão biển, chinh phục nhiều miền đất mới với hành trang là những giá trị bất biến trong tinh thần FPT: Kiên cường - Kỷ luật - Sáng tạo.

Top 100 FPT 2020: Hải trình vượt sóng, vươn xa

Tuổi 32 rực rỡ và đầy phiêu lưu của nhà F ghi đậm dấu ấn 100 cá nhân xuất sắc. Cùng nhau, họ đã giong buồm ra khơi, đối đầu sóng dữ, vượt bão biển, chinh phục nhiều miền đất mới với hành trang là những giá trị bất biến trong tinh thần FPT: Kiên cường - Kỷ luật - Sáng tạo.

Giấc mơ ấp ủ trong 3 năm, thực hiện cho cả người đã khuất, kiên cường vượt qua bao khó khăn - đó là câu chuyện của anh Bùi Thanh Bình hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Phân phối Dịch vụ thuộc Công ty Viễn thông Quốc tế (FTI- công ty thành viên của FPT Telecom). 

Trong năm 2020, Bình đã chạm đến một giấc mơ, khi cùng các chiến hữu hoàn tất nâng cấp dự án trọng điểm OTN, phục vụ kinh doanh quốc tế. 

“Chúng tôi có ý tưởng từ năm 2018 và lên kế hoạch đầu năm 2019, với mong muốn triển khai mạng lưới truyền dẫn xuyên suốt, đồng nhất từ Việt Nam ra thế giới”, anh bồi hồi nhớ lại. Tuy nhiên, khi dự án còn đang tiến hành dang dở, đồng đội của anh không may gặp nạn trong chuyến công tác Singapore. 

Kể từ ngày nghe tin dữ, Bùi Thanh Bình luôn tâm niệm phải gắng hết sức, đi hết hành trình đã vẽ nên cùng người cộng sự, người em mà anh gắn bó. Trải qua nhiều giai đoạn, từ bảo vệ kế hoạch kinh doanh, vượt qua khó khăn dịch bệnh tại Hong Kong và Singapore, dự án đã tới điểm cuối thành công.

Không chỉ vậy, 2020 còn là mốc cán đích của gần 250 dự án khác trên toàn quốc do anh Bình cùng đội ngũ thực hiện, trong đó có việc hoàn tất các dịch vụ hạ tầng cho đối tác lớn như SeABank, ViewQuest, Mobifone. Con số này tăng 20% so với năm trước. Để hoàn thành mục tiêu “leng keng” của năm, các nhân sự FTI phải xử lý cùng lúc công việc của 2-3 dự án khác nhau trong giai đoạn cao điểm từ tháng 6 tới tháng 12. 

Nguồn lực hạn chế, trong khi yêu cầu từ bộ phận Kinh doanh lại rất lớn, đầy áp lực. Nhưng "điều tuyệt vời nhất" là anh luôn có bên mình các đồng nghiệp trẻ, không ngại xông pha và cả hình ảnh người em thân thiết ngày nào, chính họ đã tiếp thêm động lực cho Bùi Thanh Bình vững vàng từng bước.

Nghề nghiệp khiến Phạm Ngọc Thành trở thành người chứng kiến nhiều phận đời mất mát. Biết rằng sẽ không nguôi ám ảnh nhưng đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, phóng viên ảnh chủ lực của VnExpress luôn xông pha vào những điểm nóng nhất của năm 2020 - nơi không chỉ cần kỹ năng tác nghiệp mà còn đòi hỏi sự kiên cường, bản lĩnh của người cầm máy. 

Đó là vụ sạt lở kinh hoàng ở núi Trà Leng, Quảng Nam. 

Vượt đường đi hiểm trở, khoác trên mình đống hành lý chủ yếu là máy móc tác nghiệp nặng tới 16 kg, anh tới điểm tập kết của người bị thương và thoát chết sau vụ lở núi. “Một đứa trẻ đang kêu khóc quằn quại vì bị gãy chân phải nẹp tạm bằng cành cây được người dân khiêng ra ngoài. Cạnh đó là ánh mắt hãi hùng của em bé nhỏ tuổi hơn với khuôn mặt bê bết máu rỉ ra từ các vết rách do đá bắn vào. Đó là những hình ảnh vẫn luôn ám ảnh tâm trí tôi”.

Đi bộ tiến sâu vào hiện trường đang chôn vùi hàng chục người và nhiều nhà cửa trong buổi chiều gió lạnh miền sơn cước, anh thấy “chỉ toàn đất bùn nhão nhoẹt” và “cảnh tượng tan hoang như vừa có chiếc máy ủi cỡ lớn san bằng”. Người tìm người, người khóc người, những thi thể chỉ được phủ tạm tấm chăn “mà không có hương thắp để giữ hồn”. Cuộc tìm kiếm những xác người tưởng như không thể có hồi kết… 

Những chuyến tác nghiệp đòi hỏi không chỉ kỹ năng mà cả bản lĩnh của người cầm máy. 

Đó là khoảnh khắc bên trong phòng điều trị Covid-19.

Được vào bên trong khu cách ly đặc biệt của Bệnh viện Nhiệt đới TW chỉ có bác sĩ, điều dưỡng và những "người đặc biệt". “Thật may mắn”, anh Thành được Giám đốc Bệnh viện và Thứ trưởng Bộ Y tế cho phép tiếp cận trong khoảng hơn 10 phút. Để vào được không gian của virus đó, không chỉ cần có “cái duyên”, mà còn cần cả sự liều lĩnh, hết mình vì công việc.

“Những cái ho thắt ruột bắn liên tiếp về phía ống kính và thiết bị của tôi ở khoảng cách 40 cm”, phóng viên thời sự kể lại. Sau 10 phút “lịch sử” đó, anh Thành luôn trong trạng thái lo âu, bước ra cửa viện phải cố phơi nắng thật lâu, đi loanh quanh một mình cho hết 3 giờ đồng hồ rồi về nhà rửa xe, lên phòng đóng kín cửa. “Cái cảm giác khỏe mà luôn sợ rằng mình đã bị lây bệnh thật dễ kéo người ta xuống. Thời điểm đó đang là đợt giãn cách xã hội, chỉ cô lập trong 4 bức tường nên tôi càng bức bối và căng thẳng, tóc bạc thêm nhiều”. 

Phạm Ngọc Thành đã trải nghiệm nhiều hơn những gì một người bình thường có thể cảm nhận. Hoàn cảnh khó khăn đã giúp anh làm dày hơn chất liệu cho những phóng sự của mình, để mỗi ngày một thêm vững trong lòng, chắc tay máy.

Nguyễn Trí Trung là người đồng hành lâu và đầy đủ nhất với từng mốc dự án Triển khai Hệ thống ứng dụng quản lý thuế cho Bangladesh - một trong những dự án lịch sử của FPT IS tại thị trường nước ngoài. 

Khi dịch Covid-19 bùng nổ, Bangladesh nằm trong số những "chiến trường" khốc liệt nhất. Thế nhưng Trí Trung chưa từng rời bỏ “trận địa”, kể cả khi anh là cán bộ Việt Nam duy nhất ở lại đất nước Nam Á này.

5 năm thực hiện dự án với 1.544 ngày tại Bangladesh, trải qua 22 mốc dự án, 2 lần lùi kế hoạch triển khai luật thuế và nhiều thay đổi về nhân sự, từ tháng 7/2020, chỉ còn một mình Trung onsite. Thời kỳ đỉnh điểm của Covid-19 năm ngoái, Bangladesh có tới trên 3.000 ca nhiễm và gần 50 người tử vong mỗi ngày. Chính trong giai đoạn đó, Trí Trung bị ốm.

“Sợ hãi, lo lắng là có, xung quanh cũng không có ai, mình chỉ biết gắng gượng thật nhiều để tự vượt qua, vì nếu không thế thì đâu còn cách nào khác?”, anh kể. Sau 18 ngày tự chăm sóc bản thân, Trí Trung hồi phục. “Mình không hề thấy nản, vì dự án có nhiều thăng trầm rồi, những lúc cả đội làm hì hục mà dự án lại phải hoãn thêm thời gian thì tâm trạng đi xuống nhiều còn hơn cả khi một mình mà bị ốm”.

Trung kiên quyết bám "trận địa" để hoàn thành công việc, phục vụ khách hàng. Đặc biệt, trong năm 2020, anh đã hỗ trợ thu hồi công nợ dự án IVAS với số tiền lên tới 42 tỷ đồng.

“Người chiến sĩ thực thụ chỉ cần một phẩm chất duy nhất, ấy là không rời bỏ trận địa. Trung chính là người sở hữu phẩm chất đó” - anh Chu Khánh Hoà, Phó tổng Giám đốc FPT IS FPS, nói về “chiến sĩ toàn cầu hóa" như vậy.

Đã mười mấy tháng chưa về Việt Nam, và ngay cả trong hơn 2 tuần nghi nhiễm virus nCoV đó, “về nước” là điều chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của Trung. “Khi làm một dự án lớn như vậy thì ý chí kỷ luật và sự đồng tâm là quan trọng. Ở đây không có nhiều người, mình chủ động động viên các bạn Bangladesh, xin công ty một số chế độ dành cho các bạn để họ có tinh thần làm việc và cống hiến cao hơn”. 

Trung bảo, ước mơ của anh là theo được con thuyền IVAS đến cùng, nên dù nhớ gia đình, nhớ Việt Nam, anh vẫn lựa chọn ở lại. “Mình cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với quyết định đó”.

Trăn trở với ước mơ đưa thương hiệu FPT Shop tới khách hàng một cách tự nhiên, thu hút nhất, Nguyễn Thị Bích Hạnh đã tìm đến một thể loại mới lạ cho phim quảng cáo: cổ trang. Bộ phim “Gái xấu 'xiên' không” do cô biên kịch, tổ chức sản xuất đã vượt khỏi tầm phim quảng cáo thông thường. Chỉ sau một tuần công chiếu trên Facebook, phim thu hút 4,4 triệu lượt xem, hơn 31.000 lượt thích và 2.500 bình luận. 

Phim điện ảnh thường thực hiện mất 1-2 năm, nhưng phim quảng cáo thì từ lúc order đến khi ra sản phẩm chỉ được gói gọn trong một tháng. “Ý tưởng đã có từ sớm, được công ty tạo điều kiện nhiều nên mình có hẳn 4 tháng để chuẩn bị và hoàn thành, chính vì thế mà bộ phim này phải được thực hiện một cách chỉn chu nhất”, Trưởng phòng Truyền thông FPT Retail cho biết. 

Là người làm việc cẩn trọng, Hạnh yêu cầu trang phục của tất cả diễn viên trong một phân cảnh đều phải phù hợp với nhau sao cho hiệu ứng thị giác được tối ưu. Thậm chí dòng chữ trên cái liễn chỉ lướt qua màn hình hơn một giây, cô cũng phải đề nghị viết chữ Nôm cho bằng được chứ không dùng chữ Quốc ngữ. 

Về nội dung, “mình phải làm sao cho người ta không đoán được câu chuyện tiếp theo, không thể biết ngay kết cục”. Mỗi chi tiết quảng cáo đều không bị “sượng”, mà còn được sắp xếp khéo léo để mở ra câu chuyện một cách hợp lý, khiến khán giả không thể rời mắt. 

Những hình ảnh trong phim "Gái xấu 'xiên' không"

“Nút thắt để tháo gỡ những chi tiết trong phim lại chính là sản phẩm của FPT Shop nên người ta sẽ tự nhiên nhớ sản phẩm của mình mà không cần ép buộc”, Hạnh khẳng định. Quả nhiên, cô nói đúng. Rất nhiều người tấm tắc khen và cho rằng FPT Shop nên chuyển luôn qua làm phim để “nâng tầm phim Việt”, hoặc ít nhất "nên mở thêm một công ty chuyên về phim ảnh".

Không chỉ “Gái xấu 'xiên' không”, Hạnh còn sáng tạo nhiều sản phẩm khác. Covid-19 khiến việc đi lại hạn chế và quảng cáo online lên ngôi, Bích Hạnh đã dày công làm mới hình ảnh quảng cáo, có những post thu hút hàng nghìn, chục nghìn lượt tương tác, comments. “Người ta còn tưởng FPT Retail đổi đội marketing, chẳng qua bình thường mình không có thời gian đầu tư vào việc này thôi”, cô cười.

Bích Hạnh nhận định nếu ở một môi trường khác, có lẽ cô đã chỉ là một người viết thông cáo báo chí và đi bài PR. Nhưng tại nhà F nói chung và FPT Retail nói riêng, cô được tự do sáng tạo, “phá cách”.

Đó cũng chính là điều giữ chân nhân viên phát triển kinh doanh “world class” Emi Nguyễn Phượng Anh ở lại FPT Japan nhiều năm qua. “Ở đây mình được tạo sân chơi, thể hiện chính mình, không ai chỉ tay năm ngón hay 'tỏ vẻ nguy hiểm', mình rất thích điều đó”.

Nói về nghề của mình, Emi đúc kết đầy cá tính: “Làm sale nói một cách dân dã là con buôn. Đã đi buôn mà không buôn được hàng thì coi như vứt, không có giá trị gì cho tổ chức”. Với suy nghĩ ấy, cô tự nhủ phải nỗ lực gấp đôi người bình thường, thậm chí là cố gắng trên 200% sức lực và trí tuệ để đạt KPI và “không bị đuổi việc”. 

Năm nào cũng đạt tăng trưởng 30-40%, đến mùa Covid-19, Emi lại càng tỏa sáng. Những điều tích lũy suốt những năm tháng học hỏi đã được cô phát huy trong thời điểm khó khăn. Khi Nhật Bản rơi vào tâm dịch, mọi phương thức làm việc cũ bắt buộc phải thay đổi. Emi đốc thúc bản thân phải biến thách thức thành cơ hội, chuyển hướng cách sale và tiếp cận khách hàng. 

“Rất khó khi không được gặp khách hàng, không thể cảm nhận họ nghĩ gì. Họp qua Zoom hay Teams vẫn không thể nắm bắt thần thái, tâm lý của đối phương”, Emi chia sẻ. Không để thời gian bứt rứt kéo dài lâu, Emi khắc phục tình hình bằng cách kiên trì áp dụng nhiều hình thức như gọi điện, email, chia sẻ cùng “các bác”.

“Mình gặp khó khăn thì họ cũng phải chịu hậu quả do dịch bệnh. Khi trao đổi với các bác, mình không chỉ nói chuyện liên quan đến công việc mà còn phải hỏi thăm nhiều việc ‘râu ria’”, cô gái cá tính cho biết.

Với phương pháp sale chủ động và sáng tạo, Emi “săn” được những khách hàng “cá voi” tiếng tăm, đưa doanh thu core account tăng trưởng trên 30%,... Đặc biệt, cô đã “chốt” thành công một phi vụ lớn ngay trong đợt Covid-19 với giá trị hợp đồng tương đương 2 triệu USD.

“Bán hàng công nghệ, mình nhất thiết phải thật hiểu sản phẩm và thường xuyên cập nhật kiến thức vì công nghệ luôn thay đổi. Bên cạnh đó không thể thiếu tinh thần luôn hướng đến cái mới, có vậy mới mở ra thật nhiều cánh cửa cơ hội cho công ty và cho chính bản thân mình”, Emi kết luận.

Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện “vượt sóng, vươn xa” của người F trong năm đặc biệt 2020, với đại dịch Covid-19, thiên tai và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Niềm đam mê, lòng tận tụy, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm để băng qua mọi trở ngại thách thức, cùng niềm tin lớn vào thành công của tập thể đã được kiểm chứng bằng những cột mốc đáng tự hào.

“Con tàu FPT ra khơi xa còn gặp vô vàn khó khăn. Tôi tin các bạn sẽ kiên cường hơn nữa, kỷ luật hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để giúp FPT vững vàng trước mọi bão dông trên biển lớn”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình gửi gắm Top 100 cá nhân xuất sắc nhất, cũng như toàn thể "thủy thủ" trên con tàu FPT trước hành trình mới. 

Hoa Hạ (tổng hợp)

Thiết kế: Chungta

Ý kiến

()
 
Tags: