Chúng ta

Thi tuân thủ kỷ luật online: 42% người FPT Retail đạt điểm tuyệt đối

Thứ ba, 15/10/2019 | 18:51 GMT+7

Đến 12h ngày 15/10, số CBNV FPT Retail thi online về “Quy định giao nhận nhiệm vụ, Báo cáo và Tuân thủ kỷ luật” trả lời đúng 20/20 câu hỏi là 1.361 người, tương đương 42% số người hoàn thành đào tạo. 

Trong 2 ngày 14-15/10, FPT Retail triển khai toàn quốc chương trình đào tạo và thi online về “Quy định giao nhận nhiệm vụ, Báo cáo và Tuân thủ kỷ luật” đối với CBNV từ level 3 trở xuống.

Tính đến 12h ngày 15/10, 3.243 CBNV nhà Bán lẻ đã hoàn thành chương trình đào tạo, với tỷ lệ hoàn thành đạt 69%. Tỷ lệ chưa hoàn thành là 24% (1.329 người) và còn 312 người đang hoàn thành (7% người đang thi).

Trong đó, số CBNV đạt điểm tuyệt đối (trả lời đúng 20/20 câu hỏi) là 1.361 người, tương đương 42% tổng số người hoàn thành. Số lượng đạt điểm tối thiểu (14/20 câu hỏi) là 146 người, tương đương 5%. Còn lại là nằm trong khoảng trả lời đúng từ 15-19/20 câu hỏi, tương đương 54%.

Thi-tuan-thu-ky-luat-online-29-8084-2798

Không khí thi online về “Quy định giao nhận nhiệm vụ, Báo cáo và Tuân thủ kỷ luật” tại FPT Shop số 03 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội ngày 15/10.

Do đặc thù của khối shop là ưu tiên về kinh doanh, đảm bảo doanh số nên CBNV tranh thủ thời gian vắng khách, tan ca để học và thi online. Trong hai ngày diễn ra kỳ thi, nhân viên khối shop gặp khó khăn trong các câu hỏi có nội dung liên quan đến quy trình giao/nhận nhiệm vụ, quy định thưởng phạt... “Đề thi khá khó với tôi. Phải tới lần 2 tôi mới trả lời được 14/20 câu hỏi và đạt điểm tối thiểu để vượt qua kỳ thi”, anh Nguyễn Đức Triều, nhân viên bán hàng FPT Shop 46 Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.

Đồng quan điểm với anh Triều, nhiều CBNV FPT Shop 03 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội dù trả lời được 18-19/20 câu hỏi nhưng cũng nhận định đề thi tương đối khó, phải “vắt óc suy nghĩ” để hoàn thành (thời gian hoàn thành trung bình từ 10 - 14 phút).

Trong khi đó, đội ngũ quản lý tại các cửa hàng và bộ phận CBNV khối văn phòng lại đánh giá đề thi là vừa tầm, phù hợp, trên tinh thần học gì thi nấy, sát với thực tế.

Chị Bùi Thị Duyên, quản lý FPT Shop số 422 Cầu Giấy, Hà Nội, trả lời được 19/20 câu hỏi trong khoảng 10 phút. “Đề thi vừa tầm. Chú ý clip và đọc tài liệu là có thể trả lời đến 70% số lượng câu hỏi. Còn lại cần chút tư duy”, chị Duyên chia sẻ. 

“Tôi thấy đề thi phù hợp và sát với thực tế. Do nhà Bán lẻ đã sẵn có nền tảng về tuân thủ, kỷ luật nên một số câu hỏi không cần xem video ‘Bàn về kỷ luật’ vẫn có thể trả lời được”, Vũ Thị Thu Huyền, cán bộ tổng hội FPT Retail, cho hay. Chị Huyền cũng khá dễ dàng đạt được điểm tuyệt đối (trả lời đúng 20/20 câu) và chỉ mất khoảng 2 phút để hoàn thành.

Thi-tuan-thu-ky-luat-online-29-5515-3600

Giao diện thông báo kết quả sau khi hoàn thành học và thi online về “Quy định giao nhận nhiệm vụ, Báo cáo và Tuân thủ kỷ luật” của chị Vũ Thị Thu Huyền, cán bộ tổng hội FPT Retail. Ảnh: NVCC

Phát huy lợi thế của mình, 100% CBNV phòng đảm bảo chất lượng, FPT Retail đều trả lời được 20/20 câu hỏi, trong khoảng thời gian trung bình từ 8 - 10 phút. Chị Trần Thị Bạch Vân, nhân viên phòng QA, FPT Retail, bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng về phần chia sẻ ngắn gọn, xúc tích của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trong video ‘Bàn về kỷ luật’. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo và đề thi dễ hiểu, dễ nhớ. Tài liệu đính kèm chi tiết, đầy đủ”. 

Tuy nhiên, nhiều CBNV nhà Bán lẻ phản ánh không thể xem lại nội dung các câu hỏi sau khi trả lời xong, nhất là các câu trả lời sai. Vì vậy, họ không thể nhớ chính xác nội dung các câu hỏi. Về vấn đề này, chị Trần Thị Minh Hải, cán bộ eLearning nghiên cứu và phát triển, phụ trách kỹ thuật chương trình đào tạo và thi online, Trường đào tạo cán bộ FPT (FCU), cho biết: “Sau khi kết thúc chương trình đào tạo và thi online về “Quy định giao nhận nhiệm vụ, Báo cáo và Tuân thủ kỷ luật” toàn tập đoàn, FCU sẽ công bố câu hỏi và đáp án trên Workplace để CBNV nhà F được biết và theo dõi”.

Đối với phần đào tạo trực tiếp (offline) của CBNV nhà Bán lẻ, anh Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng đào tạo, Trung tâm đào tạo FPT Retail, nhấn mạnh: "Các Giám đốc vùng (RSM) sẽ tiến hành đào tạo trực tiếp cho các Quản lý khu vực (ASM) sau khi kết thúc chương trình đào tạo và thi online của hơn 4.600 CBNV từ level 3 trở xuống. Trước đó, các RSM đã tham gia lớp đào tạo về tuân thủ kỷ luật do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giảng dạy".

Tuân thủ kỷ luật đang trở thành chủ đề quan trọng tại FPT. Quyết định “giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ” được đưa ra dựa trên nhiều ý kiến đóng góp của các cán bộ quản lý, lãnh đạo trong tập đoàn tại các buổi seminar TGB về kỷ luật của anh Trương Gia Bình. Với sự tham gia của hơn 200 cán bộ quản lý (diễn ra tại Hà Nội và TP HCM trong tháng 9), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra nhiều lý do để “đã đến lúc FPT phải nâng cao tính kỷ luật”.

"30 năm qua, chúng ta thành công với tinh thần đoàn kết, tính tự giác, nhiệt huyết, chung niềm tin và chất ‘điên’ của người FPT nhưng nếu là tự kỷ luật (tự giác - kỷ luật), thành công của FPT sẽ không dừng ở xuất khẩu phần mềm như 20 năm trước”, anh nói. Vì thế, FPT muốn chinh phục những đỉnh cao mới thì phải cần đến tính tuân thủ tự giác. Tuân thủ là công cụ để FPT sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới về chuyển đổi số.

Từ nay đến hết tháng 10, người FPT truy cập link daotao.fpt.com.vn, đăng nhập tài khoản cá nhân và tiến hành học và thi online. Người tham gia đào tạo sẽ xem video “Bàn về kỷ luật” của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình; đọc và nghiên cứu Giáo trình giảng dạy về kỷ luật do Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) xây dựng, gồm 3 bản tài liệu powerpoint, tài liệu về quyết định “Quy định giao/nhận nhiệm vụ, chế độ báo cáo và kỷ luật tuân thủ” ban hành ngày 1/10.

Sau đó, người học sẽ có tối đa 15 phút để trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm. Các câu hỏi trắc nghiệm theo hai dạng chính là chọn đáp án A,B,C,D và trả lời đúng - sai. Đồng thời, người dự thi sẽ có nhiều nhất là 2 lần để trả lời câu hỏi, nếu lần 1 chưa đạt.

Điểm đạt yêu cầu hoàn thành chương trình là trả lời đúng từ 14/20 câu hỏi trở lên (tương đương 70%).

>>Muôn màu đào tạo kỷ luật nhà F

Tiến Rinh

Ý kiến

()