‘Thế hệ trẻ FPT bằng trí tuệ Việt Nam sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc’
Cùng Chungta.vn gặp gỡ anh Hoàng Nam Tiến - Thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, anh cũng là con trai út của Tướng Hoàng Đan - vị tướng tham gia chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để nghe những câu chuyện hào hùng và đầy cảm hứng trong cuộc hành quân thần tốc của cả dân tộc cách đây 50 năm.

Kỷ niệm 50 năm ngày đất nước hoà bình, non sông thu về một dải, mỗi người con Việt Nam lại mang trong tim niềm tự hào và biết ơn thế hệ đi trước. Chuyên đề “Hoà bình của chúng mình” - thông qua góc nhìn của người FPT - gợi nhớ những ký ức hào hùng của cha ông trong những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt, nhưng đã dệt nên trang sử rất đỗi tự hào.
Trưởng thành qua những câu chuyện lịch sử sống động từ ba mình - Tướng Hoàng Đan, xin anh chia sẻ với người FPT về bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ qua lời kể của một vị tướng từng tham gia trực tiếp chiến dịch?
Thời khắc lịch sử năm 1975, ba tôi là Phó tư lệnh Quân đoàn 2. Khi nhắc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, bao giờ ông cũng được nhắc tên. Năm 1977, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của quân đội ta sau khi thống nhất đất nước, ông được phong hàm Thiếu tướng.
25/3/1975, ba tôi chỉ huy đơn vị giải phóng thành phố Huế, cắm cờ trên Phu Văn Lâu. Đến ngày 29/3, tức là chỉ bốn ngày sau đó, ông đã trực tiếp ngồi trên xe tăng, chỉ huy quân trực tiếp đánh chiếm đèo Hải Vân. Khi ấy người ta thường ví đèo Hải Vân là một nơi “một người thủ, trăm người khó qua”, vậy mà chỉ cần một đại đội xe tăng cùng một trung đoàn bộ binh, ông đã tấn công vào một lữ đoàn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ của của địch đóng ở đèo. Quá khiếp sợ với tinh thần chiến đấu, dũng cảm của chiến sĩ ta, địch quăng súng bỏ chạy.
Cũng ngay trong ngày 29/3, ba tôi đã chỉ huy đơn vị giải phóng thành phố Đà Nẵng. Ngày 30/4/1975, ba tôi cũng là người chỉ huy đơn vị tiến vào Sài Gòn, cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chính quyền chế độ cũ.

Thế hệ trẻ FPT giờ đây chỉ được biết về lịch sử thông qua sách vở, hoặc chỉ là những thước phim tư liệu ngắn ngủi. Để người FPT có thể hình dung về cuộc hành quân thần tốc của quân đội ta lúc bấy giờ khi tiến vào Sài Gòn, xin anh chia sẻ một vài câu chuyện mà anh được kể lại từ ba mình?
Có một câu chuyện ít ai biết, vào buổi sáng ngày 30/4/1975, khi tiến vào Sài Gòn trên xa lộ Biên Hòa, tại cầu Sài Gòn, xe tăng đã bị địch bắn cháy, bộ đội bị địch chặn lại ở cầu Sài Gòn. Ba tôi nói với những người lính của mình: “Nếu các đồng chí có hy sinh, phải hy sinh ở bờ Nam của cầu Sài Gòn, không được cho địch đánh sập cầu Sài Gòn”. Bởi nếu bị chặn lại trên cầu Sài Gòn, thì cách duy nhất là phải dùng pháo bắn sang, bắn thẳng vào trong Sài Gòn và sau đó cho xe tăng tổ chức xung phong, như vậy thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Sài Gòn sẽ lại bị tàn phá, người dân Sài Gòn sẽ bị thương vong một cách vô nghĩa.
Một câu chuyện nữa, khi hành quân tiến vào Đà Nẵng, bộ đội ta tiến đến một con sông và cầu đã bị địch chủ động đánh sập, toàn bộ tiểu đoàn xe tăng dừng lại, mặc dù chúng ta có xe tăng lội nước. Đồng chí tiểu đoàn trưởng báo cáo với ba tôi, xe tăng mình cũ, không dám cho lội nước, sợ nước ngập vào trong xe thì sẽ bị chìm ở ngay giữa sông. Bộ đội tấn công mà chỉ có bộ binh, không có xe tăng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức chiến đấu của bộ đội, thế là ba tôi hỏi ngay: “Mỗi phút nước ngập vào trong xe tăng bao nhiêu và mỗi phút máy bơm từ xe tăng bơm ngược nước ra được bao nhiêu?”. Sau khi tính toán, ba tôi ra lệnh “Vượt sông”. Cuối cùng, đơn vị xe tăng lội nước đã vượt sông an toàn.

Ba vẫn dạy tôi, là một người chỉ huy thì không chỉ cần dũng cảm, mưu trí, am tường nghệ thuật quân sự, mà còn phải am tường khoa học kỹ thuật, công nghệ. Lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chỉ đạo: “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Câu chuyện này cũng thể hiện rằng, nếu không am tường về kỹ thuật, khoa học công nghệ, thì người chỉ huy sẽ phải dừng lại ở con sông ấy, chờ công binh đến lắp cầu, làm phà thì mới dám vượt. Và rất có thể lỡ mất thời cơ tiến quân.
Trong quá trình hành quân, quân ta gặp một cây cầu trọng tải 8 tấn, xe tăng của chúng ta 14-18 tấn, tưởng như không thể vượt qua cầu được. Ngay sau khi xem xét và tính toán, ba tôi lại ra lệnh “Vượt cầu”. Cả tiểu đoàn xe tăng vượt cầu từng chiếc một cách an toàn. Khi ấy, ba nói với đồng chí tiểu đoàn trưởng xe tăng: “Các đồng chí biết một mà không biết hai, cầu thực tế chịu tải được là 24 tấn. Xe tăng của chúng ta hoàn toàn có thể vượt cầu an toàn”.

Đấy là những câu chuyện khiến tôi có lòng tin, rằng một nhà khoa học, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp ngày hôm nay bất kể làm trong lĩnh vực gì, không phải chỉ ở FPT, cũng phải hiểu biết về khoa học công nghệ.
Trong suốt 37 năm phát triển, FPT luôn giữ được tinh thần uống nước nhớ nguồn, mang sứ mệnh đưa đất nước phát triển lớn mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Điều đó có phải được tiếp nối từ thế hệ đi trước?
Đó là tinh thần quân đội. Có thể phần lớn người FPT không biết, thế hệ sáng lập viên FPT hầu hết đều trưởng thành từ quân đội. Từ anh Trương Gia Bình, anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Thành Nam, anh Lê Quang Tiến, đến anh Lê Trường Tùng, anh Hoàng Minh Châu… đều được rèn luyện từ môi trường quân đội. Dù chỉ trong một thời gian rất ngắn, các anh đã học được rất nhiều, mang tinh thần kỷ luật, sự gan dạ của quân nhân, những bài học để phát triển FPT. Vì vậy, mỗi người đều mang trong mình tinh thần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cùng chung mục tiêu duy nhất là xây dựng đất nước giàu mạnh.
Từ chiến lược của anh Bình về nghệ thuật chiến tranh nhân dân, FPT đã vận dụng trong quản trị và kinh doanh để có được thành công như hiện tại. Có thể nói, FPT là một tập đoàn công nghệ mang trong mình khát vọng làm rạng danh đất nước, luôn lấy mục tiêu mang trí tuệ Việt Nam đi ra thế giới, sánh vai với thế giới.

Nhiều người FPT bày tỏ tinh thần yêu nước thông qua những hành động cụ thể. Cảm nhận của anh thế nào khi chứng kiến những người trẻ, không trải qua chiến tranh nhưng đã thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa của hoà bình?
Đã có những thời điểm mà chúng ta học lịch sử bằng cách học ngày, học tháng, học con số như là địch chết bao nhiêu, ta thắng thế nào, ngày nào bắt đầu chiến dịch,... một cách vô cùng khô khan. Giờ đây chúng ta đã hiểu rằng lịch sử không nên được học như vậy. Thế hệ trẻ cần được tiếp xúc với lịch sử để hướng tới tương lai thông qua những câu chuyện gần gũi, truyền cảm hứng, thông qua sự lan tỏa tích cực trên mạng xã hội. Từ đó, thế hệ trẻ đã hiểu rằng, để có những ngày hòa bình và ấm no, đã có hơn một triệu người lính hy sinh và gần hai triệu đồng bào ra đi trong chiến tranh. Và vì vậy, sự biết ơn, lòng kính trọng sẽ xuất phát từ tâm của mỗi người, chứ không phải là do chúng ta tuyên truyền nữa.
Tôi thấy ngay ở FPT, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ những hình ảnh đẹp với lá cờ Tổ quốc, chia sẻ nhau những video người lính hùng dũng duyệt binh, chia sẻ nhau những phút giây đầy tự hào khi cả gia đình cùng mặc áo có thông điệp “độc lập - tự do”, cầm cờ đỏ sao vàng. Đó chính là lúc tình yêu nước, niềm tự hào dân tộc đến với mọi người một cách tự nhiên hơn.
Khi mạng xã hội càng phát triển, người trẻ lại càng ý thức hơn về việc bảo vệ đất nước. Tôi thấy cảm động vì rất nhiều người sẵn sàng dùng những sự kiện thực tế, những con số, để chứng minh và sẵn sàng đoàn kết lại, chủ động đi “đánh nhau” với những luận điệu phản động, những kẻ muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc, muốn xét lại lịch sử dân tộc. Rất vui là trong những người ấy, tôi biết, có những bạn trẻ là người FPT.
Trong chuyến Về nguồn của đoàn FPT năm 2024, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên, anh và chị Trương Thanh Thanh - Thành viên HĐSL, Giám đốc Trách nhiệm Xã hội FPT - đã cùng chia sẻ về tính tiếp nối: “Ngày trước, ông cha ta cầm súng để bảo vệ hoà bình cho đất nước, thì giờ đây, những thế hệ người FPT sẽ bằng sức mình, đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới, dốc sức để phát triển đất nước mạnh giàu”. Anh có niềm tin rằng thế hệ trẻ FPT sẽ tiếp nối được tinh thần ấy?
Lúc sinh thời, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đến thăm FPT, đã truyền cho người FPT một nhiệt huyết rất đặc biệt. Ông đã có một câu nói rất hay, đại ý là, những bàn tay có thể bóp được súng AK thì ngày nay cũng có thể dùng được bàn phím, những bàn tay đã cầm được lựu đạn, thì ngày nay cũng cầm được con chuột máy tính, bây giờ đã đến lúc chúng ta chinh phục thế giới, chúng ta sẽ sánh vai các cường quốc năm châu bằng tuổi trẻ và bằng trí tuệ.
Giờ đây, FPT đã có quy mô hơn 85.000 nhân sự, chúng ta đang chứng kiến hàng vạn bạn trẻ FPT, chinh phục thế giới bằng chất xám, bằng trí tuệ Việt Nam, và chúng ta tự hào về điều đó. Chúng ta tự hào là FPT đang là doanh nghiệp tiên phong, đi đầu trong việc toàn cầu hoá. Các bạn trẻ FPT bây giờ còn hơn cả thế hệ chúng tôi. Các bạn không chỉ đi làm thuê, mà các bạn còn tạo ra sản phẩm, tạo ra dịch vụ để cho cả thế giới phải sử dụng.

Sự yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay không còn nằm ở những khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể. Đó cũng là một cách để người trẻ trả ơn lại lịch sử, sống xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ đi trước
Xin trân trọng cảm ơn anh!
CaDe thực hiện
Thiết kế: Khôi Phm
Ý kiến
()Hãy là người đầu tiên
bình luận