Chúng ta

Tăng năng suất gấp 197 lần, dự án FPT Software 'ngược dòng' ngoạn mục

Thứ ba, 8/6/2021 | 14:13 GMT+7

Từ việc mất 3 tháng để hoàn thiện 10 minigame, đội dự án ICANKid của GST.DN (thuộc FPT Software) đã nghiên cứu, sáng tạo ra công cụ tự động hoá, giúp hoàn thành 590 minigame chỉ trong 1 tháng, đưa dự án cán đích trong sự “ngỡ ngàng” của khách hàng.

Cách làm mới cũng giúp cả nhóm xoay chuyển tình thế ngoạn mục, từ việc bị khách hàng “dí” tiến độ, GST.DN đã khiến đội kiểm thử (testers) của khách hàng “quá tải” khi trung bình mỗi ngày có vài chục game "ra lò".

ICANKid là sản phẩm hợp tác giữa FPT Software và Galaxy M&E - tập đoàn giải trí hàng đầu ở Việt Nam. Sản phẩm xây dựng một nền tảng game chơi mà học, giúp trẻ phát triển trí tuệ và kiến thức toàn diện với cả hai ngôn ngữ Việt và Anh.

‘Táo bạo’ với dự án làm game

Cuối năm 2020, đơn vị GST.DN (thuộc FPT Software) có nước đi đầy táo bạo khi lấn sân vào việc phát triển sản phẩm game. Cái bắt tay với ICANKid lúc bấy giờ như một “thử nghiệm” để định hình hướng đi của GST trong lĩnh vực này. Mặc dù rất háo hức, tuy nhiên những khó khăn dần lộ rõ khi cả nhóm thực sự bắt tay vào làm.

Quản trị dự án Lê Hồng Vinh nhớ lại, thời điểm bắt đầu, GST.DN như một con tàu giữa đại dương với vô vàn khó khăn trong việc định hình xây dựng sản phẩm. Bản vẽ đầu tiên của 5 nhân vật vừa gửi đi, chưa kịp ăn mừng đã bị khách hàng trả về với yêu cầu tăng tính sáng tạo, bắt mắt và phù hợp với trẻ nhỏ hơn. Bị dội gáo nước lạnh, không còn lựa chọn khác, cả nhóm phải vẽ lại từ đầu.

“Chúng tôi tự tin có đủ năng lực để làm tốt các khâu lập trình, thiết kế, xây dựng nền tảng… nhưng cái khó chính là tính sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi biết mục tiêu của khách hàng, nhưng con đường xây giao diện, hình tượng nhân vật… để đi đến mục tiêu quả là không dễ ”, anh nhớ lại.

gm1.jpg

Nhóm dự án GST, FPT Software lần đầu tham gia vào lĩnh vực lập trình nền tảng game. Ảnh: ĐVCC

Đi tìm lời giải sau thất bại, ngay tối hôm đó, Lê Hồng Vinh mang sản phẩm demo về nhà cho đứa con 3 tuổi của mình chơi thử. Quả thật, chỉ chưa đầy 5 phút cậu bé đã lắc đầu, không chơi nữa mà bỏ đi xem Youtube. Anh thất vọng tràn trề. Vớ tay lấy điện thoại nhắn tin vào nhóm chung với mấy từ gói gọn: “Đúng là không ổn rồi!”.

Câu chuyện của chính con trai mình được anh kể lại với cả nhóm. Miêu tả hài hước nhưng rất tường tận từng nét cau mày, luống cuống và cả thái độ thờ ơ… khi cậu bé quyết định không quan tâm đến sản phẩm của bố nữa dù ban đầu rất háo hức.

“Chúng tôi nhận ra mình đang dùng suy nghĩ của người lớn để viết một cái app dàng cho trẻ con”. Khi cả đội chấp nhận thay đổi góc nhìn, những nhân vật như: Hà mã, khỉ, cáo, nhím, cú mèo… dần dần lộ diện, nhận được cái gật đầu từ phía khách hàng.

Nguy cơ “vỡ trận”

Tuy nhiên, khó khăn thực sự chỉ mới bắt đầu. Cuối tháng 2/2021, tức sau 3 tháng chạy dự án, Lê Hồng Vinh chỉ biết làm bạn với cà phê, cuộc họp và những tiếng thở dài. Theo cam kết trong hợp đồng, FPT phải hoàn tất dự án trong khoảng 6 tháng, chậm nhất vào ngày 31/5. Trong khi, 3 tháng trôi qua chỉ làm được 1,6% tiến độ, chính xác là 10 minigame trên tổng số 600 minigame phải hoàn thành.

Nguyên nhân một lần nữa nằm ở việc ý tưởng, yêu cầu bài toán và thậm chí là tính tỉ mỉ trong từng chi tiết của khách hàng. Những thay đổi liên tục buộc kịch bản game cũng luân phiên thay đổi. Có game phải lập trình lại từ đầu mặc dù đã hoàn thành đến 90%. Hơn hết, dự án này có 600 minigame, một con số đòi hỏi khá nhiều thời gian.  

gm3.jpg

Chỉ trong 1 tháng, 590/600 minigame được cả team thần tốc hoàn thiện, cải thiện năng suất lên 197 lần.

Nhìn nhận lại vấn đề, team dự án hiểu rằng cả đội đã đi sai hướng. Dự án cần tương tác nhiều hơn với khách hàng. Chỉ khi xây dựng một bộ khung hoàn thiện, 600 minigame mới có thể áp dụng và vận hành trơn tru. Chính điều này buộc toàn đội phải OT (làm thêm giờ) để đẩy nhanh tiến độ. Trong 1 tháng liền, team GTS.DN và GST.STU hầu như phải chia nhau OT  đến tận khuya. Những chàng trai 9x, chưa lập gia đình là đối tượng xung phong ở lại công ty nhiều nhất.

Anh Nguyễn Thành Hưng, thành viên dự án, thậm chí còn gác lại tuần trăng mật để lên công ty code cùng anh em. “Chúng tôi làm lễ cưới vào ngày chủ nhật nhưng ngay hôm sau là xách máy tính lên công ty luôn. Tôi biết như thế rất thiệt thòi cho vợ nhưng phải ở thời điểm đó mới thấy được mọi thứ gấp rút đến nhường nào”, anh nói.

Gấp gáp là thế, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. “Nếu chúng tôi cứ tiếp tục như vậy, dự án chắc chắn chậm tiến độ. Cùng lắm, sẽ chỉ làm được 20 đến 30 game trong tổng số 600 game như thoả thuận”, anh Nguyễn Thanh Vĩnh, trưởng nhóm kỹ thuật dự án, đưa ra dự liệu.

Cũng từ đây, bài toán tăng năng suất quen thuộc ở nhà Phần mềm được đem ra “mổ xẻ”. Lê Hồng Vinh nêu quan điểm, chỉ có tăng năng suất mới có thể rút ngắn thời gian và “công nghệ chính là chìa khoá”.

Là người phụ trách kỹ thuật cũng như theo sát các hoạt động lập trình, Nguyễn Thanh Vĩnh táo bạo bằng nước đi thực sự không giống ai. Anh đề xuất cho dừng việc code dự án. Cả đội tập trung vào nghiên cứu cấu trúc của từng game. Sở dĩ, anh đi đến quyết định này vì nhiều thành viên phát hiện ra sự tương đồng nhất định ở mỗi game. 

Sau khoảng 1 tuần với những phát hiện mới, nhóm đi đến quyết định sẽ tự xây dựng một tool quy trình, tự động hoá công việc. Khi có được định hướng và dữ liệu, việc tìm lời giải không còn là việc quá khó đối với những chuyên gia lập trình tại FPT Software.

Cú “bẻ lái” giúp dự án băng băng về đích

“Đó là một may mắn. Không phải dự án nào cũng có những điểm tương đồng như vậy để chúng tôi có thể tạo tool tự động”. Theo Nguyễn Thanh Vĩnh, có lẽ việc tìm ra điểm chung và tận dụng nó chính là khởi đầu cho một cuộc “nước rút” hoàn hảo.

Bước ngoặt này đã rút ngắn 95% thời gian phát triển 1 game. Thay vì mất 10 giờ để cho ra một sản phẩm, nay chỉ cần từ 20 đến 30 phút, thậm chí có game chỉ cần 5 phút là hoàn thành. Nhờ áp dụng tool này vào quy trình, 590 game được tạo ra vỏn vẹn vòng 1 tháng tiếp theo.

Anh Quyền nhớ lại, có những game anh gửi cho khách hàng lúc 1 giờ sáng. Mỗi ngày có vài chục minigame ra lò. “Giờ là mình đi dí khách hàng. Đội dùng thử sản phẩm của họ bị quá tải vì game mình làm ra nhanh quá”.

Còn anh Công thì khẳng định, team dự án khi có được tool như con tàu băng băng về đích. “Khổ nỗi, mấy bài hát thiếu nhi trong tựa game khiến mình tối ngủ vẫn còn nằm mơ. Nhưng vui, vì chúng tôi đã có những ngày chiến đấu hết mình vì dự án”, anh nói.

gm2.jpg

Ngày 1/6, ICANKid chính thức ra mắt thị trường với nền tảng web, ứng dụng trên iOS và cả Android.

Theo anh Trần Xuân Lộc, quản lí mảng đồ hoạ, đây cũng là dự án đầu tiên có hàng trăm phiên bản để khách hàng đem đi phỏng vấn người dùng. Điều này giúp sản phẩm được kiểm chứng kỹ lưỡng, phù hợp với trẻ em nhưng thật sự là một áp lực vô cùng khủng khiếp với cả nhóm.

Đúng vào ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, sản phẩm ứng dụng giáo dục ICANKid chính thức ra mắt. Qua những lần thay đổi, cập nhật, ICANKid đã hoàn thiện sản phẩm ở mức hoàn hảo tuyệt đối, đáp ứng yêu cầu cả nội dung lẫn thẩm mỹ của khách hàng và các bậc phụ huynh.

Những hình ảnh khác trong game được nhóm dự án trau chuốt kỹ lưỡng. Từng nhân vật phụ trong nội dung bài học đều trở nên hấp dẫn, sáng tạo dưới bàn tay của GTS. Anh Nguyễn Lê Tú, đại diện khách hàng,  không ít lần bày tỏ sự khen ngợi đối với team thiết kế và việc cán đích "thần kì" của dự án. Nhận xét về kỹ thuật của đội ngũ lập trình, đại diện khách hàng đánh giá cao và công nhận năng lực của team đang là tốt nhất ở Đà Nẵng và miền Trung hiện tại.

Sau khi bàn giao sản phẩm, team còn tận lực trong việc hỗ trợ khách hàng cập nhật, giúp sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Hơn cả việc thiết kế theo yêu cầu của khách hàng, team dự án còn góp phần lớn trong việc xây dựng ý tưởng và đánh giá kịch bản cùng đối tác.

"Thành công này một phần có sự may mắn. Nhưng để có được may mắn, chúng tôi đã chiến đấu bền bỉ từng ngày", Lê Hồng Vinh nhận xét. Anh cũng cho biết, sau thành công của ICANKid, nhóm đang tiếp tục phát triển các tựa game, trong đó có những game dành riêng cho CBNV FPT Software và định hướng sẽ lấn sân nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này.

>>Tập đoàn Kim Tín đầu tư 5 triệu USD cho dự án chuyển đổi số toàn diện

Nguyễn Huy

Ý kiến

()