Theo Zing.vn, cũng giống như các loại virus gây viêm đường hô hấp khác, Covid-19 có cơ chế nhiễm và gây bệnh như sau: Sau khi đi vào vùng hầu họng, virus sẽ xâm nhập vào các tế bào niêm mạc và nhân lên, từ một con sẽ sản sinh ra hàng trăm con. Khi phát triển đủ lớn cả về số lượng và cấu trúc, chúng sẽ phá vỡ tế bào để tràn lan ra ngoài và mỗi con lại tìm cách chui vào một tế bào mới. Cứ như thế, chu trình phát triển được lặp lại nhiều lần và ngày càng đi sâu hơn vào cơ thể. Đây gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh, người dân cần ngăn chặn virus đi vào vùng hầu họng bằng nhiều cách: không tập trung chỗ đông người, đứng xa người bị nhiễm trên 2m, đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay… như khuyến cáo của Bộ Y tế.
TS.BS Lê Quốc Hùng nhận định, súc họng là chốt chặn cuối cùng ngăn virus. Ảnh: Zing.vn |
Đối với việc sử dụng khẩu trang, mọi người có thể linh động sử dụng loại khẩu trang y tế (dùng 1 lần) hoặc vải (dùng nhiều lần sau khi giặt và sát khuẩn hàng ngày). Đối với loại khâut trang y tế, mọi người đưa mặt xanh ra ngoài, mặt trắng bên trong; Chỉ cầm dây khi tháo/đeo lên mặt; Thường xuyên rửa tay sạch trước khi đeo và sau khi tháo. Bên cạnh đó, tránh sờ tay vào bề mặt khẩu trang trong, sau khi sử dụng.
Đặc biệt, trong trường hợp các “bức tường lửa” nêu trên bị phá vỡ, phương pháp súc họng bằng dung dịch sát khuẩn là cứu cách để ngăn virus xâm nhập vào vùng hầu họng.
Đây là bước quan trọng vì các virus sau khi nhân lên phá vỡ tế bào chui ra ngoài thì dung dịch sát khuẩn cũng đợi sẵn để tiêu diệt nó. “Như vậy, kể cả người chưa nhiễm và người đã nhiễm, dung dịch sát khuẩn hầu họng sẽ là cứu cánh sau cùng để phòng chống nhiễm bệnh cũng như phát tán bệnh”, TS.BS Lê Quốc Hùng nhận định.
Tuy nhiên, việc sử dụng dung dịch sát khuẩn vùng hầu họng cần phải thực hiện đúng cách. TS.BS Lê Quốc Hùng cũng đưa ra một số nguyên tắc cơ bản về việc súc họng.
1. Phải súc họng chứ không súc miệng: cố gắng để dung dịch xuống sâu nhất vùng cổ họng mà có thể chịu được.
2. Chỉ cần khoảng 5 ml/1 lần súc, càng nhiều sẽ càng khó đưa dung dịch xuống sâu vùng hầu họng.
3. Mỗi lần súc khoảng 2 phút, trong đó có ba lần đưa xuống họng, mỗi lần khoảng 15 giây, không súc lại bằng nước lọc.
4. Súc họng trước khi đi ra ngoài và ngay khi từ ngoài về nhà (hay ngay khi tiếp xúc gần với người khác). Nếu trên máy bay, nên súc mỗi 3 giờ (với chlohexidin) hay ngay sau khi ăn.
5. Trong vùng có dịch thì súc định kỳ theo thời gian tác dụng của mỗi loại dung dịch.
6. Đừng chủ quan nghĩ rằng nút chặn sau cùng này thay thế được các biện pháp khác. Hiệu quả của việc phòng bệnh là sự phối hợp đồng bộ tất cả những biện pháp.
Trước khi sử dụng dung dịch sát khuẩn, cần đọc kỹ hướng dẫn và thời gian tác dụng sát khuẩn để có hiệu quả. Trường hợp, người dân bình thường hỗ trợ việc phòng tránh virus nên súc họng 2-3 lần/ngày; người điều trị bệnh súc họng 4 lần/ngày.
Sáng ngày 9/3, TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa đã ra chỉ thị số 05 về việc giám sát và phòng chống dịch bệnh trong phạm vi Tập đoàn và các CTTV.
Trong đó, các CBNV nhà F có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm; đang ở hoặc thường xuyên qua lại các khu vực có dịch, khu vực cách ly; mới di chuyển từ các nước có dịch về; hoặc có biểu hiện ho, sốt, khó thở, cần báo cáo đầy đủ tình trạng sức khỏe cũng như lịch trình di chuyển thông qua app MyFPT hoặc trang thông tin khai báo https://ncov.fpt.com.vn.
Khai báo y tế FPT. Ảnh: Hà Trần. |
Ngoài ra, người F cũng cần nâng cao cảnh giác phòng ngừa dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc các chỉ thị do TGĐ FPT và Ban điều hành CTTV đưa ra cũng như hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Đồng thời, không chia sẻ hoặc cung cấp thông tin chưa được kiểm chứng liên quan tới dịch bệnh trong FPT lên mạng nội bộ, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
Ban điều hành, lãnh đạo chuyên trách phòng dịch tại các CTTV cần tăng cường giám sát tình hình nhân sự trong đơn vị và báo cáo hàng ngày với Tập đoàn. Đề nghị cách ly 14 ngày với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc người nghi nhiễm; đang ở hoặc thường xuyên qua lại các khu vực có dịch và cách ly; mới di chuyển từ các nước có dịch về.
CEO FPT cũng đề nghị các CTTV cần theo sát diễn biến dịch bệnh và đưa ra hoạt động phòng chống dịch kịp thời. Tiến hành tăng cường đẩy mạnh việc kiểm tra thân nhiệt, rửa tay, sát khuẩn tại các đơn vị, đặc biệt là các toà nhà, văn phòng đi thuê. Đặc biệt, yêu cầu thành viên Ban điều hành CTTV không đi công tác nước ngoài để tập trung điều hành việc kinh doanh và ứng phó với dịch. Trong trường hợp bất khả kháng, cần có sự đồng ý của TGĐ FPT.
Theo cập nhất mới nhất vào 20h ngày 8/3, Việt Nam hiện có 30 ca dương tính với Covid-19; 100 ca nghi ngờ mắc Covid-19 (có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) đang được cách ly, tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng. Số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang phải theo dõi y tế là 18.497 ca. Số ca được xét nghiệm âm tính với Covid-19 là 2.138 trường hợp.
Hà Trần (Tổng hợp)
Ý kiến
()