Chúng ta

Sử ký FPT: Tình người - giá trị lớn của đại gia đình VnExpress

Chủ nhật, 29/7/2018 | 07:29 GMT+7

Sau tai nạn, tôi nhận ra, tình người ở “đại gia đình Báo VnExpress” thật quá lớn lao. Chúng tôi không phải là những đồng nghiệp đơn thuần mà thật sự là những anh em trong một nhà.

Vốn gầy tong teo từ nhỏ, đến khi tốt nghiệp đại học, dáng người của tôi vẫn không khá hơn là mấy. Nhiều người - nhìn một con bé ốm yếu, gầy gò cao 1,65m nhưng nặng có 42 kg như tôi học ngành báo - đều tỏ vẻ e ngại. Không ít người hỏi thẳng: ‘Nghề báo đi nhiều lại khá vất vả và nguy hiểm, sao không chọn nghề văn phòng nào đó mà học. Con gái làm báo đã khó, đằng này người còn mỏng manh, ốm yếu như thế thì lấy sức đâu mà theo nghề”. Những câu nói đó đôi lúc làm tôi hoang mang không biết mình chọn nghề báo liệu có đúng?

Nhưng rồi, những nét gợn về nghề ấy cũng nhanh chóng trôi qua, nhường chỗ lại cho sự đam mê, niềm ao ước được trở thành nhà báo của tôi chiếm ngự. Khi ra trường, tôi không ngừng tìm kiếm những thông tin tuyển dụng từ các báo, nhưng thật sự là cơ hội rất ít. Trong lúc chờ đợi, tôi có làm biên tập cho một trang tin với mức lương rất khá nếu so với một đứa sinh viên mới ra trường như tôi.

Khi làm được tầm 6 tháng thì biết được tin báo VnExpress tuyển phóng viên. Không bỏ qua cơ hội, tôi nghỉ ngay chỗ cũ chẳng một chút đắn đo để tức tốc nộp hồ sơ vào báo. Sau nhiều vòng thi thố, phỏng vấn, tôi cũng đã trúng tuyển. Ngày nhận được thông báo làm việc, tôi vui không tả xiết vì nghĩ rằng ước mơ làm báo đã thành hiện thực, lại được làm cho một tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam.

Ngày đầu tiên, tôi lên toà soạn (ngày 1/7/2009) gặp Trưởng ban Kinh doanh, Đời sống ở Sài Gòn - chị Nguỵ Nữ Xuân Tuyền để trao đổi về công việc cụ thể cũng như vấn đề lương thưởng. Lúc này, niềm vui, sự hưng phấn trong tôi tạm lắng, nó nhường chỗ cho những lo sợ khi biết công việc khá áp lực mà thu nhập thì “cực thấp”. Tôi phải trải qua 3 tháng thử việc không lương, chỉ được hưởng nhuận bút viết bài - mà mỗi bài chỉ được tầm 150.000 - 200.000 đồng, còn tin thì vài chục nghìn đồng. Hết thử việc sẽ đến 6 tháng thử thách, được hưởng mức lương 500.000 đồng mỗi tháng cộng nhuận bút.

194420601545702995440338844085-2321-8761

Tổng biên tập Thanh Đức Thắng phát biểu tại ngày báo chí Việt Nam 2018. 

Thú thật, lúc ấy tôi rất muốn “bỏ của chạy lấy người”. Nhưng vì đam mê, tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Ngay khi mới vào, tôi được giao viết mảng tài chính ngân hàng - được xem là mảng rất khó. Vốn là dân học xã hội thì biết gì về kinh tế, tài chính đâu mà đi viết cơ chứ. Tôi lại tự trấn an mình là sẽ làm được. Tôi cố gắng học hỏi thêm những đồng nghiệp đi trước, mày mò qua mạng những thông tin liên quan đến đề tài mình muốn viết…

Nhưng rồi, sự cố hy hữu đã đến với tôi khi viết về đề tài liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ để kích cầu kinh tế cuối năm 2008. Lúc đó, tôi đã trích dẫn sai về con số giải ngân khiến Ngân hàng Nhà nước gửi công văn qua toà soạn. Thế là tôi phải chật vật mấy ngày liền để giải trình.

Sự cố này, cộng với việc thu nhập quá thấp, có tháng chỉ khoảng 2 triệu đồng (không đủ tiền xăng xe, ăn uống…) đã làm tôi nhụt chí, không ít lần loé lên suy nghĩ bỏ nghề.

Đến ngày 27/8/2009 - bước sang tháng thứ hai thử việc, tôi được cử đi thay chị Trưởng ban Kinh doanh (ở Hà Nội) lúc ấy - chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, để lên Thành phố Đà Lạt dự hội thảo “Vai trò chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế Việt Nam sau thời kỳ suy giảm” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.

Ngày định mệnh ấy, đoàn xe chở các phóng viên chúng tôi đã gặp tai nạn tại đèo Di Linh (Lâm Đồng). Trong đó, tôi là người bị nặng nhất khi các bác sĩ chẩn đoán chấn thương cổ, khả năng đứt tuỷ và sống đời sống thực vật suốt đời.

Khi tỉnh dậy trong lúc cấp cứu tại Trung tâm y tế Huyện Di Linh (sau đó chuyển qua Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng), nghe được thông tin các bác sĩ trao đổi với ban tổ chức đoàn như trên, tôi như chết lặng.

Và rồi, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Báo VnExpress cũng như ban tổ chức Hội thảo, tôi đã được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu ngay trong đêm.

Vẫn nhớ như in trong đầu, lúc đến bệnh viện Chợ Rẫy là khoảng 1-2h khuya, ngoài trời mưa râm râm, lạnh lẽo, nhưng khi tôi vừa được đưa từ xe cứu thương xuống thì bên cạnh người nhà là sự có mặt của chị - người sếp lớn nhất tại văn phòng Báo VnExpress TP HCM - chị Thang Thị Bích Liên.

Chị đã nắm chặt tay tôi và nói: “Ổn rồi, đã có chị ở đây, cố lên em nhé”. Nước mắt tôi bỗng trào ra, không phải vì đau mà là xúc động. Hình ảnh người sếp lạnh lùng, xa lạ như tôi từng nghĩ không còn tồn tại, nhường chỗ lại cho một người chị gần gũi, thân thương ở cạnh tôi.

Lúc đó, dù đau đơn về thể xác nhưng tôi vẫn rất xúc động và biết ơn chị vì hành động rất tình người. Bởi tôi nghĩ rằng, mình chỉ là một phóng viên mới vào báo thử việc có hai tháng, còn khá lạ lẫm và có thân quen gì đâu, nhưng giữa đêm khuya lạnh lẽo, mưa phùn, chị vẫn đến tận cổng bệnh viện để đón và động viên tôi. Điều này như là liều thuốc tinh thần vô giá giúp tôi thêm nghị lực để vượt qua cơn đau về thể xác.

Và những ngày sau đó, tôi được biết trong các cuộc họp giao ban buổi sáng, không chỉ có chị mà ngay cả Tổng biên tập cũng rất quan tâm đến tình hình sức khoẻ của tôi và yêu cầu báo cáo hàng ngày. Điều này làm tôi rất ấm lòng. Những mũi thuốc chích vào để trợ xương, cứ chảy đến đâu là người tôi đau nhức đến đó, nhưng nghĩ đến sự yêu thương, động viên của các anh chị ở báo cả vật chất lẫn tinh thần khiến cơn đau trong tôi như dịu lại. Và cũng may, không chỉ các anh chị đồng nghiệp thương, mà trời cũng phù hộ, kết quả cuối cùng là tôi chỉ bị chấn thương cổ chứ không đứt tuỷ.

Đặc biệt, một người đồng nghiệp phụ trách mảng y tế lúc ấy là anh Ngô Thiên Chương cũng khiến tôi đến bây giờ luôn nhắc mình phải ghi ơn. Thời điểm đó, anh không chỉ túc trực ở bệnh viện ban ngày, mà ngay cả ban đêm của hai ngày đầu tiên. Anh không về nhà và thuê khách sạn đối diện bệnh viện để có sự cố gì thì chạy qua lo cho tôi kịp thời. Mãi sau này, anh mới kể cho tôi biết, bà xã anh “rất ghen”, nên trước giờ không bao giờ anh qua đêm ở ngoài. Do đó, việc anh ở lại khách sạn hai đêm đó khiến vợ anh hiểu lầm và xém đòi ly hôn.

Sau tai nạn đó, tôi nhận ra rằng, tình người ở “đại gia đình Báo VnExpress” thật quá lớn lao. Chúng tôi không phải là những đồng nghiệp đơn thuần mà thật sự là những anh em trong một nhà.

Từ đó, những khó khăn trong nghề liên quan tới tác nghiệp hay việc thu nhập thấp, cao… không còn chi phối mạnh đến tôi. Các suy nghĩ bỏ việc cũng tan biến. Những lúc chán hay mệt mỏi, tôi lại nghĩ đến tình yêu thương mà các anh chị trong báo đã dành cho mình khi hoạn nạn để làm động lực mà bước tới. Nhờ đó, tôi đã giữ vững đam mê viết báo và gắn bó với ngôi nhà chung VnExpress tròn 9 năm. Tôi cũng tin rằng, ngọn lửa nghề và tình yêu tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam này sẽ mãi duy trì trong tôi.

>>> Đọc toàn bộ bài viết

Tác phẩm “Tình người - Giá trị lớn của đại gia đình VnExpress” là bài viết gửi cuộc thi Sử ký FPT 30 năm – Mở lối tiên phong.

Xem thêm các bài viết trên trang Wiki FPT.

Nguyễn Thị Lệ Chi

Ý kiến

()