Chúng ta

Sự cố hạ tầng đêm Noel

Thứ tư, 20/12/2017 | 17:53 GMT+7

Tuyến cáp đi qua cầu Long Biên, Hà Nội, gặp sự cố đúng đêm Noel năm 2015 đồng nghĩa với việc Internet ở các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng bị ảnh hưởng. Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, xung quanh hàng trăm đôi tình nhân tay trong tay, anh Phạm Đình Đáng, đội Bảo trì 1, vẫn miệt mài hàn cáp. 

Ngay khi sự cố xảy ra lúc ấy, anh Phạm Đình Đáng, một kỹ thuật viên nhiều kinh nghiệm, được giao nhiệm vụ khắc phục khẩn cấp tuyến cáp này. Từ 20h, anh hàn nối các điểm đứt. Làm việc khi xung quanh các đôi trẻ đang tình cảm âu yếm nhau, trong một thoáng suy nghĩ, anh nhớ đến giây phút ấm áp bên vợ con ở nhà. 

Tự động viên tập trung cho công việc để nhanh chóng về nhà, tuy nhiên sự cố nặng hơn anh nghĩ. Đến mờ sáng, anh mới khẽ khàng mở cửa vào nhà, cố không đánh thức giấc ngủ của vợ con.

Sự cố về ca trực đêm như thường lệ cách đây hai năm được anh Đáng coi là kỷ niệm đáng nhớ khi Giáng sinh đang cận kề.

Làm việc không kể ngày đêm để duy trì mạng lưới Internet thông suốt, công việc của hàng trăm kỹ thuật viên bảo trì của Trung tâm Phát triển và quản lý hạ tầng (INF) cứ thầm lặng như thế. 

Vừa uống ly trà nóng vừa ăn mấy hạt bỏng ngô, anh Vũ Trường Linh, đồng nghiệp của anh Đáng cũng góp thêm vài câu chuyện của mình.

Mỗi tháng, anh có một tuần trực điều hành đêm. Đó là khoảng thời gian con anh gần như không được thấy mặt bố. Sáng đi làm từ khi con còn chưa thức giấc, hết ca trực về nhà thì con đã đi ngủ. Đấy là chưa kể những hôm gặp sự cố lớn, anh phải ở lại thông đêm với anh em kỹ thuật viên.

“Sáng nay, con dậy sớm đột xuất, thấy bố thì òa khóc, cứ ôm chặt bố mãi không cho đi làm vì sợ bố lại “mất tích” cả tuần. Nước mắt tôi chực rơi”, anh Linh tâm sự. Cũng có ngày, vừa bước chân về nhà, nghe báo có sự cố lại dắt xe máy đến cơ quan. Vợ nhìn ái ngại nhưng cũng thông cảm. “Vì công việc mà”, anh chia sẻ.

4-9894-1513674639.png

Có những bể cáp nằm dưới mặt đường không thể xử lý ban ngày do xe cộ đi lại, kỹ thuật viên đội Bảo trì hạ tầng phải đợi quá nửa đêm không một bóng người để hàn nối.

Gắn bó với hạ tầng gần chục năm, anh Linh, anh Đáng quá quen với những đợt công tác xa nhà bất chợt. Ở đâu có sự cố lớn là lên đường. Có khi kế hoạch đi một ngày, sửa xong điểm này phát sinh điểm khác, các anh lại phải đi thêm 3-4 ngày liền. Nhiều lúc đi vội chẳng kịp về nhà lấy quần áo,  phải mượn anh em mới có đồ thay ra thay vào.

Bù lại, mỗi lần đi xa như vậy là có thêm một chiến tích của các anh. Khi thì khắc phục sự cố do bão cho tỉnh này, khi thì xử lý đứt cáp cho tỉnh kia. Những câu chuyện cứ chồng lên nhau. “Công việc cuốn đi, nhiều khi nhớ lại thấy vui và tự hào nhưng nghĩ lại thấy thương nhất là người chờ đợi mong ngóng ở nhà”, anh Linh tâm sự.

20h, nhiệt độ ngoài trời xuống gần 12 độ C, anh Nguyễn Sĩ Nghệ và anh Phạm Quốc Hưng, kỹ thuật viên đội Bảo trì 1, xách dụng cụ bước vào phòng trực. Một sự cố phức tạp tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, vừa được khắc phục xong.

Bị người dân dọa nạt, cản trở công việc, các anh phải kiêm thêm nhiệm vụ “dân vận”. “Người dân có hàng trăm lý do để ngăn cản mình kéo cáp. Mình phải "nói khó", phân tích rồi xin xỏ rất lâu họ mới đồng ý”, anh Nghệ kể. Gặp trường hợp nào khó khăn quá, các kỹ thuật viên chuyển sang phương án khác với thời gian và công sức gấp mấy lần mà "vẫn phải chấp nhận".

5-1-3186-1513674639.png

Bất kể mưa gió, giá rét, hạ tầng cáp quang luôn được đảm bảo thông suốt.

Tốn công sức như thế nhưng đây chưa phải vấn đề mà các kỹ thuật viên “ngán ngẩm” nhất. Một thành viên đội Bảo trì 1, anh Lê Khắc Thảo cho biết, công việc vất vả nhất là khắc phục sự cố ngày mưa bão.

Đêm mưa bão hơn một năm trước, anh Thảo cùng đồng đội phải hàn nối tuyến cáp trên đường Yên Phụ, Hà Nội, bị hỏng do chập cháy điện. Trời mưa như trút, gió giật liên hồi. Cành cây gãy rơi đầy đường, trên nhiều cột điện vẫn chập điện tóe lửa. Nhìn cảnh tượng đó, anh Thảo thoáng rùng mình.

Để đảm bảo an toàn, anh đã mượn một chiếc bàn nhựa rồi chui xuống gầm hàn nối, vừa tránh mưa, vừa tránh vật thể lạ bay vào. Máy hàn được ưu tiên đặt ở giữa, hai người hai đầu, cố gắng lắm cũng không thể chui vừa gầm bàn chỉ dài khoảng 1,5 m. Làm xong mưa tạnh, phía trước khô ráo mà lưng áo các anh ướt sũng nước.

1-8307-1513674639.png

Công việc xử lý sự cố vất vả và tiềm tàng nhiều nguy hiểm.

Trong một lần hàn nốt tuyến cáp đi ngầm đoạn đường qua kênh nước đen gần tòa nhà FPT Cầu Giấy, Duy Tân, Hà Nội, anh Nghệ cũng gặp phải tình huống thót tim.

Chịu đựng mùi hôi từ kênh nước bốc lên, anh dò từng đoạn cáp tìm điểm bị chuột gặm. Linh tính mách bảo điều gì đó chẳng lành, anh dừng lại cẩn thận quan sát. Chỉ cách đó vài chục cm là hai con rắn hổ mang đang cuộn tròn rướn về phía anh tỏ thái độ cảnh cáo. Anh nhảy lùi lại theo bản năng, tránh một cú tấn công từ loài bò sát nguy hiểm này.

Sau đó, anh và đồng nghiệp phải lấy gậy xua đuổi chúng đi chỗ khác mới dám tiếp tục làm việc. “Những cống ngầm nhiều chuột cũng nhiều rắn. Chuột phá hoại cáp còn rắn nguy hiểm cho nhân viên kỹ thuật”, anh Nghệ kể về việc đối mặt với nguy hiểm trong khi làm việc.

2-5156-1513674639.png

Anh Lê Khắc Thảo trong một lần hàn cáp tại cột điện bị chập cháy.

Là nhân viên kỹ thuật hạ tầng nhưng mọi người vẫn gọi vui với nhau là nhân viên kỹ thuật "móc cống" bởi nhiều người dân không biết đâu là cống thoát nước, đâu là bể cáp. Nhiều nhà mặt đường vẫn đổ cơm canh thừa xuống cống cáp ngầm, có khi là dẫn đường nước thải ra thẳng bể cáp. Để lôi cáp lên không có cách nào khác là thò tay xuống đống rác thải đầy giòi bọ ngoe nguẩy ấy.

Nhiều nhân viên mới, sáng đầu tiên đi làm chứng kiến cảnh đó, chiều đã xin nghỉ. “Thường bạn nào chịu làm việc ở đội Bảo trì này thì sẽ gắn bó rất lâu. Còn không cùng lắm sau một tháng là rời đi vì công việc quá vất vả”, anh Linh chia sẻ.

Câu chuyện nghề nghiệp còn tiếp nối với bao sự cố bi hài như đi hàn cáp tại cột điện cháy mà mặt mũi đen như công nhân mỏ than, rồi chuyện tìm cả ngày không ra điểm đứt cáp vì nhà mạng khác nối nhầm… "Dù khổ nhưng tình cảm anh em, đồng đội cũng được xây nên từ trong cái khó, cái khổ ấy”.

21h30, các anh nói rằng đây là lúc căng thẳng nhất vì nếu có sự cố là xác định làm thông đêm dù mưa gió rét mướt. Còn không thì sẽ được về nhà, ngủ một giấc bình yên bên gia đình vợ con.

22h, không thấy sự cố mới, mọi người thở phào thu dọn đồ đạc ra về.

Trung tâm Quản lý và Phát triển hạ tầng (INF) được thành lập năm 2003. Tại miền Bắc, INF có hơn 500 nhân viên với nhiệm vụ quản lý toàn bộ tài sản và hệ thống hạ tầng thuộc sở hữu của FPT Telecom, điều phối khai thác vận hành, xử lý sự cố xảy ra trong phạm vi hạ tầng do đơn vị quản lý.

Hiện INF miền Bắc có 31 đội Bảo trì hệ thống, trong đó có 28 đội cơ sở và 3 đội thường trực tại trụ sở 48 Vạn Bảo (Hà Nội). Ba đội thường trực chịu trách nhiệm xử lý sự cố các địa bàn trọng điểm tại Hà Nội và hỗ trợ các chi nhánh xử lý những sự cố lớn.

Nguyễn Thắng - Trọng Nghĩa

Ý kiến

()