Anh Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT - đang tham gia đoàn Happy Tour tại FPT Japan - chia sẻ câu chuyện về chân dung nhân sự đang làm việc trong tập đoàn, theo anh có thể sẽ là “niềm cảm hứng cho các bạn trẻ 9X và GenZ Việt Nam”.
Từ nhân viên văn phòng không học đại học
Ngô Thu Huyền tốt nghiệp khoá lập trình viên quốc tế Aptech Hà Nội vào năm 2010, một chương trình không nằm trong hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng hay trung cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Huyền gia nhập FPT Software từ vị trí lập trình viên, với vốn tiếng Anh vừa phải, tiếng Nhật gần như bằng không, nhưng bạn không chấp nhận vị trí xuất phát điểm ấy. Huyền tham gia một khoá học tiếng Nhật để chuyển sang vị trí kỹ sư cầu nối.
Đây là vị trí cầu nối về ngôn ngữ và chuyên môn giữa các khách hàng Nhật Bản (không biết tiếng Anh) và các kỹ sư phần mềm Việt Nam (không biết tiếng Nhật) tại FPT.
Anh Đỗ Cao Bảo và chị Ngô Thu Huyền tại Fukuoka. |
Để có đủ bằng cấp và chuyên môn cho công việc cũng như để đủ điều kiện cấp visa dài hạn ở Nhật, Ngô Thu Huyền đặt mục tiêu lấy được chứng chỉ kỹ sư công nghệ thông tin cơ bản (FE), một chứng chỉ được công nhận ở Nhật, tương đương với kỹ sư tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin.
Huyền mua sách, mua giáo trình FE tiếng Nhật và tiếng Anh để tự học. Thời gian ấy vì chỉ có visa Nhật ba tháng, Huyền buộc phải onsite (hình thức làm việc trực tiếp với khách hàng) ở Nhật ba tháng, về Việt Nam ba tháng rồi lại quay lại Nhật.
Thời gian ở Việt Nam Huyền tự học bằng tài liệu tiếng Anh, thời gian ở Nhật thì tự học bằng tài liệu tiếng Nhật, cứ như vậy vừa đi làm vựa tự học cuối cùng Huyền thi đỗ và lấy được bằng đại học công nghệ thông tin FE.
Ngô Thu Huyền muốn chuyển sang kinh doanh, nhưng FPT có quy định làm kinh doanh ở Nhật Bản phải có chứng chỉ tiếng Nhật N1. Do đó, Huyền xin làm thư ký văn phòng để có thời gian và điều kiện học tiếng Nhật tốt hơn.
Nửa năm sau, Huyền nộp cho công ty bằng N1 tiếng Nhật và chính thức chuyển sang kinh doanh.
Tới giám đốc chi nhánh tại Nhật Bản
Từ vị trí kỹ sư cầu nối ở FPT Japan, năm 2012 Huyền đi onsite dài hạn ở Fukuoka. Năm 2016, FPT Japan quyết định lập chi nhánh ở Fukuoka, với kinh nghiệm 4 năm onsite ở Fukuoka, Huyền quyết định xung phong đảm nhận vị trí giám đốc và được ban lãnh đạo FPT Japan chấp thuận.
Từ hai người đầu tiên, với văn phòng chỉ rộng có 60m2, đến nay Ngô Thu Huyền đang quản lý 130 nhân viên, trong đó có 30 nhân viên người Nhật Bản, phụ trách kinh doanh của FPT Japan ở 7 tỉnh/thành phố phía nam Nhật Bản.
Cô cũng là người chịu trách nhiệm chính về chỉ tiêu 18 triệu - POP 20 triệu USD doanh số dịch vụ phần mềm mà ban lãnh đạo FPT Japan giao cho FPT Fukuoka trong năm 2023.
FPT Fukuoka đã phát triển rất nhanh, năm 2019 chi nhánh này đã tăng trưởng 200%, ký được hợp đồng kỷ lục trị giá 47 triệu USD.
Anh Đỗ Cao Bảo - Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết ngày nay FPT Fukuoka trở thành một chi nhánh quan trọng của FPT Japan, có năng xuất lao động trung bình năm 60.000 USD/người cho khối làm việc tại Nhật Bản cùng 11,2 triệu USD doanh số chuyển về cho khối làm việc tại Việt Nam.
Từ câu chuyện trên, anh Đỗ Cao Bảo nhận định: “Chính những chàng trai, cô gái thế hệ 9X và GenZ như Ngô Thu Huyền đã khẳng định rằng tiềm năng con người của Việt Nam chúng ta là rất lớn, thế hệ trẻ của chúng ta vừa có trí tuệ vừa có khả năng tự học, khả năng hội nhập và thích nghi với môi trường kinh doanh quốc tế, sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức, không bao giờ bỏ cuộc”.
Vietnambiz
Ý kiến
()