Chúng ta

Sáng tạo giúp nhà 'Cáo' quản lý kênh bán FPT Play Box mượt mà

Thứ hai, 5/10/2020 | 15:55 GMT+7

Thị trường mua bán FPT Play Box “trăm hoa đua nở”, nhà 'Cáo' mắc kẹt trong việc quản lý tồn kho, luân chuyển và chống bán phá giá. Đó là lý do mà chị Phùng Hồng Vân quyết tâm phát triển Partner FPT như một “chốt chặn” để bảo vệ quyền lợi và tăng doanh thu cho FPT Telecom.

Với việc tìm kiếm từ khóa “FPT Play Box”, Google đã cho ra khoảng 1.380.000 kết quả trong 0,43 giây cùng hàng trăm nghìn đường link mua sắm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Chỉ với một thao tác đơn giản như vậy là ta có thể thấy độ phổ biến của sản phẩm công nghệ nhà F trên thị trường mua bán.

“Tất bật kẻ mua người bán” như vậy mà FPT Telecom từng rơi vào tình trạng không thể kiểm soát  FPT Play Box trong quá trình vận chuyển, lưu kho ở các đại lý cũng như việc bán phá giá sản phẩm trên thị trường. Nhận thấy không thể kéo dài tình trạng này sau hơn 2 năm ra mắt FPT Play Box, chị Phùng Hồng Vân và một số cộng sự thuộc phòng Quản lý chất lượng và tư vấn pháp lý, Ban Dự án FPT Play Box (BDA), FPT Telecom đã cùng nhau xây dựng ứng dụng “Partner FPT”.

partnerfpt2-2291-1601873410.jpg

Chị Hồng Vân và anh Tiến Khải - 2 nhân sự ngoài miền Bắc của team Partner FPT. Ảnh: Trần Huấn

Gác lại bao bề bộn khi mới chuyển công tác đến Ban Dự án vào tháng 10/2018, chị Vân đã dốc hết tâm huyết để bắt đầu nghiên cứu về ý tưởng thực hiện một “kênh trung gian” kết nối FPT Telecom với tất cả đại lý các cấp. Sau hơn nửa năm vừa làm quen công việc mới, vừa tìm tòi nghiên cứu thì đến tháng 8/2019, chị Vân đã lên kế hoạch đầy đủ để trình bản dự thảo lên Ban điều hành FPT Telecom về việc triển khai “Dự án Partner FPT”.

Cũng từ đây, chị Hồng Vân bắt đầu đi tìm đội ngũ công sự cho mình. Với đặc thù đội ngũ kỹ thuật tại FPT Telecom phần lớn đều ở trong TP HCM nên team Partner FPT cũng vì thế mà chia thành hai miền với 2 nhân sự ngoài miền Bắc là chị Hồng Vân, anh Tiến Khải cùng 5 đến 10 bạn của đội kỹ thuật trong TP HCM tùy từng giai đoạn. “Giai đoạn thành lập dự án, trao đổi phân tích để cả team hiểu định hướng của sản phẩm, cơ cấu ứng dụng là giai đoạn căng thẳng nhất với mình khi tiêu tốn hơn 4 tháng trời ròng rã. Thế nhưng nhờ có khoảng thời gian ấy mà cả team đã có thể hiểu nhau hơn, gắn kết với nhau hơn như những người ‘đồng chí’ thực sự”- chị Vân hồi tưởng lại.

Thế nhưng đó không chỉ là cảm xúc của riêng chị Vân mà là giai đoạn căng thẳng với toàn đội. Chị Thanh Bình - chuyên viên phân tích dữ liệu của team miền Nam cũng bồi hồi kể lại giai đoạn khó khăn này: “Khi mới được biết về kế hoạch thì cũng là lúc mọi người vẫn còn bỡ ngỡ về định hướng của dự án. Khi ấy ý kiến trái chiều có, bàn luận có và mâu thuẫn cũng có. Nhưng sau tất cả thì sự đoàn kết và nhiệt huyết đã dung hòa tất cả”.

Khắc phục khó khăn về địa lý, các cuộc họp trực tuyến đã liên tục được mở ra giữa hai miền Bắc - Nam như những cầu nối xoá đi khoảng cách về không gian và cùng cuốn mọi người vào công việc. Với vai trò là chủ dự án, chị Vân không chỉ đơn thuần lên ý tưởng mà còn hỗ trợ các bạn trong team để dự án có thể bám sát tiến độ. Đó là còn chưa kể đến những giai đoạn nước rút trước khi hoàn thành ứng dụng phiên bản đầu tiên, team Partner FPT liên tục bị rút bớt các nhân sự kỹ thuật khiến tiến độ hoàn thành bị ảnh hưởng ít nhiều.

partnerfpt3-JPG-1457-1601873410.jpg

Team miền Bắc tổ chức cuộc họp bàn với team miền Nam. Ảnh: Hà My

Trải qua bao nhiêu nỗ lực không ngừng nghỉ thì đến ngày 26/2 vừa qua, Partner FPT đã bước đầu được đưa vào thử nghiệm với các đại lý trên địa bàn Hà Nội. Lúc này, team dự án đã nhanh chóng triển khai đến tận nơi các đại lý thử nghiệm để hướng dẫn sử dụng phiên bản đầu một cách thuần thục.

“Sau khi đem lại kết quả khả quan trong 1 tháng thử nghiệm thì cuối cùng cũng đến ngày mình không bao giờ quên: ngày 27/3 khi ứng dụng được chính thức xuất hiện trên kho ứng dụng của hai hệ điều hành Android, iOS để các đại lý của FPT trên toàn quốc có thể tải xuống và sử dụng dễ dàng”- anh Tiến Khải tâm sự. Là một trong hai nhân sự ở Hà Nội, anh Khải cùng đã dốc sức cho dự án này từ khi tất cả mới chỉ là những ý tưởng.

Thế nhưng ngay sau ngày đáng nhớ ấy, anh Khải, chị Vân cùng cả đội đã phải đối mặt với một giai đoạn vô cùng khó khăn mang tên: triển khai Partner FPT trên toàn quốc ngay trong mùa dịch Covid. Sau khi triển khai hướng dẫn thông tin và thao tác sử dụng cho các Trưởng phòng kinh doanh, Salesman của từng vùng, từng chi nhánh thì mọi công việc đã bị chững lại vì Covid. Thế nhưng với bản lĩnh và kinh nghiệm của mình trong suốt 6 năm công tác tại FPT Telecom, chị Vân đã bình tĩnh triển khai công tác soạn thảo tài liệu một cách đơn giản và quay các video hướng dẫn sử dụng rồi gửi đến từng đại lý tuyến dưới. Bên cạnh đó, đội Salesman của từng khu vực và đội kỹ thuật của Partner FPT cũng luôn túc trực để hỗ trợ kịp thời.

“Chính trong thời điểm bế tắc nhất này, mọi người trong đội có thể học nhiều hơn về sự điềm tĩnh như cách mà chị Vân đã gỡ từng nút thắt khó khăn và xử lý các vấn đề phát sinh” - chị Bình khẳng định.

Thế rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua, Partner FPT đã hiện hữu trên chiếc di động thông minh của từng cấp đại lý, giúp họ tự quản lý hàng ra, hàng vào của chính mình và giúp cho FPT Telecom luôn cập nhật được số liệu để hình thành nên bức tranh tổng thể về tình hình kinh doanh FPT Play Box.

Sử dụng từ tháng 4/2020, nhờ app này, FPT Telecom đã quản lý đến từng mã hàng, khoanh vùng chính xác đại lý bán phá giá. Các trường hợp bán phá giá giảm đến 50%, từ 274 xuống còn 137 trường hợp. Số tiền thu mua thiết bị phá giá năm 2020 đã giảm 58% so với năm 2019, từ 177 triệu đồng xuống 75 triệu đồng; doanh thu bán hàng tăng từ 10 đến 20%. “Partner FPT” còn có thể xuất code tự động từ hệ thống FPT Play tới người sử dụng cuối cùng mà không phát sinh chi phí in mã code, đồng thời giảm 100% sai sót, thất thoát khi bán hàng.

Partnerfpt-1-8697-1601873410.jpg

Ứng dụng Partner FPT có mặt trên Play Store của hệ điều hành Android từ 27/3.

“Partner FPT đã tiết kiệm cho ngân sách trợ giá từ 1,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 200 triệu đồng. Đây là công sức tận tụy của cả đội trong suốt gần 2 năm qua mà đặc biệt là Hồng Vân. Chính sự tỉ mỉ, làm việc khoa học và có tính chủ động cao đã giúp Vân xuyên suốt dự án từ việc lập kế hoạch, triển khai bám sát với mục tiêu và đáp ứng đúng timeline cam kết. Do vậy, sự vinh danh Vân là hoàn toàn chính xác và không đủ để mô tả hết công sức của Vân trong dự án Partner FPT này”, anh Lê Trọng Đức - Giám đốc dự án FPT Play Box - khẳng định.

Đón nhận một hiệu quả ngoài sức mong chờ nhưng ngay từ khi triển khai dự án, chị Vân luôn xác định rằng đây là việc mình “phải làm” để hỗ trợ cho công tác quản lý, vận hành các sản phẩm của FPT Telecom chứ chưa từng nghĩ đây sẽ là sản phẩm để tham gia một cuộc thi sáng tạo. Ngay từ khi tốt nghiệp đại học, chị Vân đã bắt đầu với vị trí là chuyên viên QA cải tiến chất lượng nên dường như công việc sáng tạo đã “ăn sâu” vào con người chị. 5 năm làm việc tại Samsung Electronic Việt Nam và 6 năm tại Ftel thì mọi thứ có thể gói gọn với cụm từ: “Sáng tạo hay là chết”. Bởi chị Vân luôn yêu cầu mình phải sáng tạo hàng ngày, hàng giờ, phải đổi mới, cải tiến liên tục từ những điều nhỏ nhất.

Sau những thành công bức đầu, chị Vân và các công sự vẫn chưa “thỏa lòng” với kết quả hiện tại. Cả team đang phát triển Partner FPT phiên bản thứ 2 nâng cấp hơn khi không chỉ quản lý mỗi sản phẩm FPT Play Box mà còn tích hợp cả FPT Camera và gói giải trí đa nền tảng. Từ đó, xây dựng Partner FPT như một công cụ đắc lực để gia tăng doanh thu cho FPT Telecom.

“Mục đích sau cùng của tất cả sáng tạo phải là sự vận hành trơn tru, ưu việt và hỗ trợ được tối đa cho con người. Mình nhớ mãi một câu nói rằng: ‘Tất cả đều có thể thay đổi, trừ vợ và con của bạn’ nên nếu một con người mà không thể sáng tạo, một công việc mà không thể cải tiến thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đào thải” - chị Vân khẳng định.

Tại Chung khảo iKhiến tháng 9, Ứng dụng Partner FPT đã vinh dự được trao giải Bạc. Đến nay, Sáng kiến FPT 2020 đã trải qua 2 vòng Chung khảo với 14 sản phẩm được xét giải Vàng, Bạc, Đồng. Về cơ cấu giải thưởng tại vòng Chung khảo tháng, các sáng tạo Vàng, Bạc, Đồng, Khuyến khích lần lượt nhận được giải thưởng: 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1 triệu đồng.

Chương trình đã nhận được hơn 100 hồ sơ đăng ký Sáng kiến FPT. Các hồ sơ gửi về chương trình sẽ được hội đồng xét duyệt thẩm định về nhiều yếu tố và sẽ có email phản hồi tới tác giả. Để hồ sơ được xét duyệt nhanh, các sáng kiến cần đảm bảo nhiều tiêu chí. Cụ thể, sáng kiến là sản phẩm đã được áp dụng thực tế; Thời gian áp dụng là 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký; Có một trong 2 hiệu quả về kinh tế, hoạt động kèm số liệu rõ ràng; Không trung với sáng kiến được công nhận hoặc chuẩn bị áp dụng trong FPT; Chứng minh được tính sáng tạo qua nỗ lực tìm tòi và nghiên cứu. Tham gia Sáng kiến FPT 2020, CBNV sẽ được tưởng thưởng xứng đáng về vật chất, tinh thần và có cơ hội đầu tư, thương mại hoá sản phẩm, dịch vụ.

Hà My

Ý kiến

()