16h chiều ngày 8/1, gala chung kết iKhiến 2019 diễn ra tại tầng 13, toà nhà FPT (17 Duy Tân, Cầu Giấy). Sự kiện là màn tranh tài của nền tảng akaBot của tác giả Bùi Đình Giáp (FPT Software) và FPT.Fortuna của nhóm tác giả Phạm Minh Tuấn - Mỵ Duy Long (FPT IS).
Sự kiện có sự tham dự của gần 300 cổ động viên cùng ban lãnh đạo FPT. Đặc biệt, chương trình có sự hiện diện của vị khách bí mật, một chuyên gia công nghệ - anh Nguyễn Nhật Quang - Phó chủ tịch Vinasa. Không phải lần đầu tiên đến với một sự kiện về giải thưởng sáng tạo, anh Quang bày tỏ sự bất ngờ trước nội dung tổ chức chương trình. Với hành trình 3 năm, iKhiến FPT đã thu hút 371 sáng tạo, “đó cũng là thành công của một chương trình”, anh Quang nhận định. Các sản phẩm của FPT hầu hết đều liên quan đến câu chuyện công nghệ 4.0 và chuyển đổi số - đây là những vấn đề xu hướng của Việt Nam và thế giới.
Phó chủ tịch Vinasa đánh giá cao các sáng tạo nhà F trong câu chuyện chuyển đổi số và xu hướng công nghệ 4.0. Ảnh: Anh Tuấn. |
Với hình thức thi trình bày và tranh luận đối kháng, các điểm mạnh và điểm cần đầu tư của akaBot và Fortuna đều được thể hiện rõ ràng. AkaBot có tiềm năng mở rộng, đặc biệt ở thị trường Nhật Bản. Tại đây, nền tảng có cơ sở để phát triển khi thương hiệu FPT đã có tên tuổi trên thị trường cùng hợp đồng license lớn. Trong khi đó, sản phẩm FPT.Fortuna của FPT IS giải quyết được ‘bài toán nan y’ của xã hội về tích hợp, cắt cứ dữ liệu ở khối nhà nước và doang nghiệp. “Đây là 2 sản phẩm ngang tài ngang sức”, anh Quang chia sẻ trong vai trò thành viên Ban giám khảo.
Khó khăn khi phải chọn lựa một trong hai, anh Quang bày tỏ mong muốn 2 sản phẩm có thể kết hợp, phát triển, đóng gói ra thị trường. Tuy nhiên Phó chủ tịch Vinasa đánh giá cao sự thông minh, khéo léo lồng ghép ‘yếu tố marketing’ cùng sự ứng biến linh hoạt của tác giả Bùi Đình Giáp.
akaBot trở thành Quán quân iKhiến mùa 3. Ảnh: Anh Tuấn. |
Đặc điểm của các sản phẩm phần mềm như Fortuna và akaBot là đòi hỏi sự sáng tạo liên tục. Theo anh Quang, song hành cùng cách thức tổ chức hiện tại, iKhiến có thể thêm hạng mục giải ‘leo cây’ cho các sản phẩm có sáng tạo lớn, mang tính đột biến. iKhiến là sự khuyến khích sự sáng tạo liên tục, toàn diện và đồng loạt. Với yếu tố đồng loạt, anh Quang cũng hy vọng tinh thần này lan toả đến tất cả CBNV từ cấp thấp nhất đến cao nhất. Như vậy, sáng tạo mới bền vững và lâu dài.
Sau 3 tiếng tranh tài, sản phẩm akaBot - FPT Software trở thành Quán quân iKhiến năm 2019, với giải thưởng 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Trần Đăng Hoà - COO nhà Phần mềm cũng dành tặng 70 triệu đồng cho đội dự án akaBot. akaBot và FPT.Fortuna đã trải qua 2 vòng thi để thuyết phục Ban giám khảo: Chủ tịch FPT Trương Gia Bình; Phó chủ tịch Bùi Quang Ngọc; TGĐ Nguyễn Văn Khoa; Chủ tịch FPT Education Lê Trường Tùng và Phó chủ tịch Vinasa Nguyễn Nhật Quang. Vòng 1, 2 đội có 10 phút để trình bày về sản phẩm, 24 giây tóm tắt và chốt lại 7 từ quan trọng nhất nói về sáng tạo. Tại vòng 2, màn đối kháng diễn ra quyết liệt. akaBot chiếm ưu thế khi đưa ra nhiều câu hỏi dồn dập khiến FPT IS không có nhiều thời gian để chuẩn bị.
Với giải Quán quân mùa 3, FPT Softwafe lần thứ 2 được vinh danh tại iKhiến FPT. Mùa đầu tiên (năm 2017), FPT Software (hệ thống SSC Portal - tác giả Tô Trọng Hiếu) đồng giải Vàng với FPT Telecom (Mở két - nhóm tác giả Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Long, Đặng Anh Vũ). Sau chu kỳ 3 năm, iKhiến 2020 sẽ quay trở lại với giải thưởng và hình thức mới lạ, đầy hấp dẫn.
iKhiến là giải thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo. Tại iKhiến mùa 3, BTC trao giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số sẽ nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng và Không khiến nhận 1 triệu đồng. Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng. |
Hà Trần
Ý kiến
()