Chúng ta

OKR ‘dẫn lối’, đưa sản phẩm ‘made by FPT’ vươn tầm thế giới

Thứ sáu, 1/12/2023 | 08:01 GMT+7

TradeFlat – Hệ sinh thái tài chính số trên nền tảng blockchain đầu tiên tại Việt Nam do FPT phát triển đã thành công vươn tầm thế giới, hợp tác cùng TradeWaltz, đặt mục tiêu kết nối và xúc tiến hiệu quả thương mại Việt - Nhật.

Với việc thành công chinh phục mục tiêu OKR, đưa nền tảng TradeFlat ra thị trường toàn cầu, tập thể Phòng Phát triển Sản phẩm (FPT IS) đã vinh dự nhận giải thưởng Tập thể OKR xuất sắc toàn Tập đoàn trong quý III/2023.

TradeFlat là hệ sinh thái tài chính số trên Blockchain đầu tiên tại Việt Nam. Được phát triển bởi FPT cùng các ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam. Nền tảng tạo đột phá khi tháo gỡ nút thắt, tạo kết nối số trong tài trợ vốn bằng công nghệ Blockchain. TradeFlat tập trung số hoá toàn trình nghiệp vụ tài trợ; kết nối cung - cầu tài chính; đánh giá & giám sát sức khỏe tài chính…

OKR dẫn lối

Quý III/2023, nhận thấy thời cơ và những cơ hội bứt phá đang đến, chị Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sản phẩm TradeFlat, cùng toàn đội dự án đã quyết tâm đặt mục tiêu đưa TradeFlat vươn ra toàn cầu.

Phòng Phát triển sản phẩm – FPT IS, khởi đầu mục tiêu này với muôn vàn khó khăn khi chưa có nhiều kinh nghiệm kết nối thị trường nước ngoài, trong khi sản phẩm cũng đang còn khá mới tại thị trường Việt Nam. Dẫu rất quyết tâm, nhưng con đường đi ra thế giới vẫn còn nhiều trở ngại, loay hoay tìm lối đi đúng đắn.

-8696-1701390430.png

Phòng Phát triển Sản phẩm (FPT IS) vinh dự nhận giải thưởng Tập thể OKR xuất sắc.

Sau khi nắm bắt thông tin tin về việc mở cổng chương trình hợp tác tài trợ với Tradewaltz – nền tảng thương mại có cổ đông là các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản, toàn đội đã nhận thấy đây là cơ hội lớn, nhanh chóng triển khai chuẩn bị 12 tài liệu trong 17 ngày và sẵn sàng làm việc với Hội đồng thẩm định.

Anh Nguyễn Hoàng Nam, thành viên ban dự án, vừa mừng vừa lo khi đặt ra mục tiêu đưa TradeFlat vươn tầm, mà theo anh là một bước “nhảy vọt”. Anh kể, bản thân hào hứng vì sản phẩm mà mình và đồng đội dày công xây dựng, tỉ mỉ vun vén đang đứng trước cơ hội lớn, cơ hội để chứng minh năng lực cạnh tranh của “made by FPT”. Tuy nhiên, lo lắng cũng bao trùm toàn đội khi hàng tá câu hỏi phải giải quyết khi bước chân ra nước ngoài. Anh lo lắng về các chứng chỉ quốc tế, về kết nối hạ tầng, về quy định bảo mật thông tin…

Song, đứng trước lằn ranh, Phòng Phát triển Sản phẩm (FPT IS) vẫn chọn bước tiếp. “Chúng tôi nhìn thấy những cơ hội, điều sẽ đưa TradeFlat đi xa hơn”, chị Oanh nói.

Ngay lập tức, toàn đội đã thực hiện mục tiêu này với 200% sức lực. Đi kèm là tinh thần quyết tâm “làm ngày cày đêm”. Theo chị Oanh, chỉ có sự đoàn kết và quyết tâm của toàn đội mới giúp TradeFlat nắm bắt cơ hội hiếm có. OKR ngắn gọn: “Đưa sản phẩm TradeFlat ra thị trường toàn cầu” như kim chỉ nan cho toàn đội.

“OKR đã dẫn lối, định hướng cho chúng tôi đích đến và một tinh thần leng keng sục sôi mặc dù khó khăn, không dễ thực hiện nhưng vẫn kiên trì đến cùng”, chị Oanh cho hay.

Vượt qua thách thức

Ngay từ khi xây dựng sản phẩm, TradeFlat đã được toàn đội phát triển hướng tới việc hỗ trợ thương mại xuyên biên giới, nên khao khát đi ra thế giới là điều toàn đội luôn đau đáu tìm cách. “Chỉ là chúng tôi chưa biết cách đi nên thế nào cho đúng”, đại diện đội dự án cho hay.

Ngay khi thấy cơ hội từ việc trao đổi hợp tác với Tradewaltz, toàn đội đã đặt ra cam kết, phải giành lấy cơ hội này, tận dụng một cách triệt để. Chị Oanh thừa nhận, ban đầu Tradewaltz cũng đặt nhiều hoài nghi và không tin tưởng trong một thời gian ngắn như vậy, liệu có thể hoàn thành hàng loạt yêu cầu rất khó, để 2 nền tảng có thể tương thích, tích hợp.

Tuy nhiên, càng khó lại càng là cơ hội, là động lực để chinh phục. Anh Nguyễn Hoàng Nam cho hay, các hệ thống nước ngoài có kết cấu, kiến trúc, sắp xếp tổ chức dữ liệu, giao diện khác so với nền tảng TradeFlat, từ đó đặt ra thách thức về việc tìm hiểu, làm quen, đưa ra giải pháp kết nối phù hợp. Bài toán đặt ra buộc toàn đội phải tận dụng các chức năng, bộ API sao cho đối tác không cần thay đổi/ít thay đổi về thiết kế, dữ liệu mà vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Chưa kể, những trở ngại về quy định bảo mật, về kết nối hạ tầng… khiến hàng loạt bài toán nằm chờ toàn đội giải đáp.

Thời gian không cho phép chậm trễ, ngay lập tức một kế hoạch chi tiết được vạch ra. Với OKR là mục tiêu chính, mỗi bộ phận, cá nhân đều có kế hoạch tiến độ cho riêng mình. Anh Nam kể, không khí làm việc những ngày “chạy dự án” thực sự gấp gáp. Không chỉ thức khuya mà còn phải dậy sớm, sẵn sàng làm việc bất kể lúc nào. Anh nói vui rằng: “Một khi deadline đã lên tiếng thì người yêu cũng phải đứng sang một bên”. Anh Trương Minh Hùng, thành viên dự án, thậm chí làm việc cả ngày cuối tuần, tạm gác thời gian dành cho gia đình để kịp thời sửa chức năng phục vụ POC cho dự án.

“Chúng tôi gọi đó là những ngày nén nguồn lực. Khi nhìn thấy cơ hội và quyết tâm giành lấy cơ hội, chúng tôi tự khắc tăng tốc, phản xạ tư duy tăng lên, thời gian ngủ nghỉ ít đi, chơi bời cũng không còn, tất cả tập trung để hoàn thành mục tiêu”, anh Nam nói.

Dấu ấn tiên phong

Vừa qua, FPT đã hợp tác TradeWaltz xúc tiến số hoá thương mại quốc tế, đưa TradeFlat và TradeWaltz trở thành bộ đôi giải pháp đầu tiên giúp kết nối và xúc tiến hiệu quả thương mại Việt - Nhật. Dự án nhận tài trợ từ Chính phủ Nhật Bản, được kỳ vọng tạo nên bước tiến mới trong giao thương giữa hai nước trên nền tảng số.

Chương trình tài trợ do Bộ Kinh tế Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản tổ chức, hướng tới mục tiêu phát kiến nền tảng công nghệ hỗ trợ hoạt động thương mại, góp phần tối ưu toàn diện thủ tục thương mại truyền thống. Qua đó giúp giảm thiểu thời gian và chi phí. Chương trình áp dụng cho doanh nghiệp theo hai nhóm tài trợ chính gồm: Doanh nghiệp với nhu cầu sử dụng Trade Platform nhằm số hóa quy trình và Doanh nghiệp tìm kiếm nền tảng Trade Platform phù hợp để kết nối, hợp tác với nhau.

Nền tảng TradeWaltz được đầu tư bởi các tổ chức lớn của Nhật Bản, gồm: NTT Data Corporation, Toyota Tsusho Corporation, Mitsubishi Corporation, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance Co., Ltd, MUFG Bank,… Trong khi đó, TradeFlat do FPT hiện hợp tác cùng các ngân hàng và doanh nghiệp hàng đầu để phát triển và được khai thác tại thị trường Nhật Bản do Công ty FPT Japan Holdings (FPT Japan).

Giải pháp tích hợp đa dạng với hệ sinh thái Made by FPT gồm: Hóa đơn điện tử – FPT.eInvoice, Hợp đồng điện tử – FPT.eContract, Giải pháp chứng thực hợp đồng điện tử kết nối Bộ Công Thương – FPT.CeCA, Chữ ký số gắn dấu thời gian – FPT.eSign… mang tới trải nghiệm quy trình liền mạch cho người dùng.

Cái bắt tay giữa TradeFlat và TradeWaltz đánh dấu lần đầu tiên một giải pháp công nghệ Make in Việt Nam hợp tác với một nền tảng quốc tế trong hoạt động thương mại Việt - Nhật.

Ngọc Huy

Ý kiến

()