Chúng ta

Những lập trình viên ngồi trên ghế giảng đường

Thứ bảy, 5/10/2019 | 10:50 GMT+7

Tại nhà Phần mềm, sinh viên được lựa chọn vào các dự án được hưởng lương, đào tạo bài bản, cấp tài khoản email/Workplace... như những đồng nghiệp lâu năm khác.

Hoàng Yến Anh, sinh viên năm 3 khoa Công nghệ thông tin, ĐH FPT, bắt đầu đi thực tập như bạn bè khác cùng trường. Sau vài ngày thực tập ở Fresher Academy - FPT Software, Yến Anh được FHM CMS (Đơn vị phần mềm chiến lược của FPT Software HCM) gọi phỏng vấn. Vượt qua khâu tuyển chọn này, cô được ký hợp đồng “on-the-job-training” (đào tạo thực nghiệm) ở vị trí lập trình viên, được trả lương như nhân viên chính thức của công ty.

Nguyễn Trung Hiếu cũng bắt đầu bước chân vào môi trường làm việc sớm như bạn mình. Sinh viên năm 3 ĐH FPT chuyên ngành lập trình web, cậu gia nhập gia đình FSG (Đơn vị phần mềm chuyên về tài chính) với một vị trí phù hợp chuyên ngành. 

Đợt vừa rồi, FPT Software nhận hơn 25 sinh viên năm 3 ký hợp đồng lao động hưởng lương như Yến Anh và Trung Hiếu.

Việc đào tạo không đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp đang là vấn đề nóng của Việt Nam. Phương thức đào tạo mang tính hàn lâm, trong khi đáng lẽ phải đi vào ứng dụng nhiều hơn, khiến các doanh nghiệp khi nhận người phải đào tạo lại. Nguyên nhân là do các trường đại học vẫn mang nặng suy nghĩ đào tạo “cái chúng ta có” chứ không phải “cái xã hội cần”. ĐH FPT phối hợp FPT Software đã khắc phục được điều đó và có một mô hình mang tính đột phá.

Theo chị Nguyễn Thị Vọng - Trưởng ban Đào tạo FPT Software HCM, sinh viên năm 3 - thậm chí năm 2, từ ĐH FPT và các trường đại học khác, đã có thể vào các dự án tại nhà Phần mềm làm việc. Có 2 dạng hợp đồng là “on-the-job-training” (đào tạo thực nghiệm - thường là cho sinh viên năm 3) hoặc “fresher” (người mới, có thể không chỉ dành cho sinh viên mà tất cả những người chưa có kinh nghiệm, trải qua tuyển chọn để đào tạo lại). Đây là các dạng hợp đồng lao động cho phép các bạn trẻ được xem như những nhân viên bình thường khác, có lương và chế độ, được đào tạo bài bản, được cấp tài khoản email/Workplace FPT.

Thời hạn hợp đồng có thể kéo dài từ 3-11 tháng. Sinh viên được lựa chọn sẽ có thể ký hợp đồng lao động dài hạn hơn sau khi hoàn thành chương trình học. Để làm việc trong các dự án, sinh viên cần được phỏng vấn bởi các chuyên gia từ FPT Software.

E118C865-2775-46C7-8C96-728285-3027-9257

Tân binh lắng nghe Chủ tịch FPT Software Hoang Nam Tiến giới thiệu về công ty. 

Chị Đinh Thị Phương Dung, Phòng Khởi nghiệp - ĐH FPT cho biết, trường có thoả thuận với FPT Software từ 2005, nhận sinh viên thực tập ở học kỳ 6. Mỗi năm có 3 đợt sinh viên đi thực tập, số lượng dao động từ 70-100.

Thông thường, kỳ thực tập bắt buộc kéo dài 14 tuần, sinh viên không học ở trường thời gian này, nhưng cũng có những trường hợp ký thêm thời gian làm việc với công ty và tự sắp xếp chương trình học. “Chương trình học năm 4 ở ĐH FPT khá nặng nên sinh viên về cơ bản không thể làm việc toàn thời gian, một số em làm bán thời gian và sắp xếp lịch học đan xen ngày hoặc sáng học, chiều làm (trường không mở lớp buổi tối và cuối tuần)”, chị Dung nói bổ sung.

ĐH FPT khác biệt với những trường đại học khác ở việc cho sinh viên đi thực tập từ năm 3 thay cho năm cuối. Theo chị Dung, sinh viên thực tập sớm có một số bất lợi như kiến thức chuyên ngành chưa vững. Tuy nhiên, việc tham gia môi trường làm việc sớm khiến sinh viên khi quay về trường có định hướng rõ ràng và đúng đắn hơn cho bản thân về việc học.

TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT nhấn mạnh, kỳ thực tập này được coi như là giai đoạn đào tạo tại doanh nghiệp cho các sinh viên. Sinh viên không chỉ có thêm kinh nghiệm làm việc mà còn tự tin hơn khi bắt đầu ra trường đi làm chính thức. Anh kỳ vọng, qua một năm làm việc thực thụ, các em không chỉ có kinh nghiệm làm việc thực tế, có thêm thu nhập, mà có nền tảng vững vàng hơn để học các môn liên quan đến quản trị dự án, đến lý thuyết lập nghiệp… ở học kỳ cuối.

Sau khi kết thúc học kỳ 6, Yến Anh cho biết, em có thể xin trường cho ở lại làm đủ 6 tháng. Bước chân vào môi trường doanh nghiệp khi tuổi vừa tròn 20, khó khăn của Yến Anh là chưa có kinh nghiệm làm việc theo quy trình, không biết cách đọc tài liệu để lập trình theo, rồi những công nghệ mới chưa biết tới… “Nhưng em may mắn là được vào nhóm có các anh chị rất nhiệt tình và tốt bụng. Lúc em có vấn đề thắc mắc, cả nhóm đều sẵn sàng giúp đỡ. Mọi người hay đi chơi cùng nhau nên dù làm việc nhiều, em cũng không thấy áp lực mà rất vui vẻ”, Yến Anh hài lòng về môi trường làm việc tại nhà Phần mềm FPT. Sau khi hết hạn hợp đồng, cô gái dự định sẽ về trường học tiếp và sau khi tốt nghiệp sẽ trở lại FPT Software.

Còn với Trung Hiếu, cậu coi đây là may mắn vì có cơ hội biết được nhiều hơn về công việc và khả năng của bản thân, bên cạnh một số khó khăn như kiến thức và kinh nghiệm còn hạn chế. Chàng trai trẻ hy vọng sẽ có thật nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ trong công ty và sẽ quay lại làm việc ổn định sau khi tốt nghiệp đại học.

>> ĐH FPT lọt top 250 trường ĐH được biết đến nhiều nhất trên Facebook

Hà An
 

Ý kiến

()