Nguyễn Xuân Long gọi công việc giảng dạy tại nhà Giáo dục là một trải nghiệm cao quý. Anh có cơ hội chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đến các sinh viên, chứng kiến lứa học trò của mình thành công, trở thành đồng nghiệp ngay tại nhà Phần mềm.
Niềm vui với nghề giáo
Càng gần ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), điện thoại của Nguyễn Xuân Long lại có nhiều hơn những tin nhắn hỏi thăm, những lời chúc sức khoẻ của những cô, cậu học trò cũ. Dù đang rất bận với dự án, anh vẫn dành thời gian nghỉ trưa để đọc một cách cẩn thận, trả lời từng tin nhắn.
Cầm chiếc điện thoại trên tay, Long vừa bấm vừa cười nhẩm, khoe ngay với chị Hoàng Anh (vợ anh Long) về dòng tin đặc biệt. Đó là một học trò cũ và giờ cũng là đồng nghiệp của anh tại FPT Software. Trần Đông Phương (FDN.FIN5) - một trong nhiều thế hệ sinh viên do anh đứng lớp bộ môn “Yêu cầu Phần mềm” và trực tiếp hướng dẫn đồ án tốt nghiệp, đến giờ vẫn muốn gọi anh là thầy, dù nhiều lần anh Long đề nghị đổi cách xưng hô “anh - em” cho gần gũi.
Nguyễn Xuân Long - PM tại FPT Software kiêm Giảng viên part-time tại FPT Education. |
Phương cho biết, ngày trước được học giờ của thầy Long là ai nấy đều rất hào hứng, vì thầy kể những câu chuyện "đánh" dự án thực tế tại FPT Software rất hấp dẫn. Cũng từ câu chuyện ấy, Phương và các bạn mới dễ hình dung công việc của một kỹ sư phần mềm, xa hơn nữa là một PM (Quản trị dự án). “Thầy là động lực để bản thân mình phấn đấu, cùng là cầu nối để mình bén duyên với nhà Phần mềm. Giờ thì rất vui và vinh dự khi thầy và trò đã trở thành đồng nghiệp”, Phương nói.
Không chỉ Phương cảm thấy hào hứng, một kỹ sư FPT đảm nhận thêm công việc giảng dạy như Long cũng rất đỗi tự hào về những thành công mà sinh viên mình dẫn dắt. Theo anh, đó là động lực để tiếp tục với công việc này, vì bản thân thấy được những gì đang cố gắng là điều không phải vô nghĩa.
Làm đồ án như… dự án
Nhớ lại khoảng thời gian 2 năm về trước, chàng kỹ sư trẻ bật mí cơ duyên đến với Đại học FPT xuất phát từ việc rất trân quý nghề giáo. Nếu không vì say mê công nghệ, có lẽ giáo viên sẽ là lựa chọn tiếp theo của anh. Cũng chính điều này mà Long dành rất nhiều tâm huyết, miệt mài nghiên cứu và tranh thủ bất kể lúc nào để hỗ trợ sinh viên.
Anh đang đứng lớp môn “Yêu cầu Phần mềm” vào sáng thứ Bảy hàng tuần và hướng dẫn các nhóm sinh viên làm đồ án tốt nghiệp vào buổi tối. Để cân bằng giữa công việc tại FPT Software và giảng viên Đại học FPT, Nguyễn Xuân Long dùng chính kinh nghiệm quản trị dự án của mình giải quyết bài toán khó ấy.
Thời gian làm việc trong ngày được anh tận dụng tối đa, đặt mục tiêu hoàn thành và cập nhật tiến độ liên tục. Vì vậy, nhóm sinh viên do anh hướng dẫn cũng làm đồ án như cách làm dự án của FPT Software. Tất cả đều được quản trị theo quy trình, phân chia công việc cụ thể từng người và luôn có mục tiêu tiến độ cho từng ngày, từng tuần.
Nguyễn Xuân Long nổi bật với phương pháp hướng dẫn làm đồ án như... dự án. Ảnh: NVCC |
Đoàn Đức Tín (FDN.G5) - một sinh viên cũ của Long - thừa nhận khi chính thức tham gia vào công việc dự án tại FPT Software mới thấy sự tương đồng trong cách hướng dẫn đồ án tốt nghiệp của thầy Long trước đây.
Tín cho rằng, có 2 điều làm nên sự khác biệt ở thầy Nguyễn Xuân Long là những bài học thực tế và cách quản trị dự án được áp dụng làm phương pháp hướng dẫn đồ án tốt nghiệp cho sinh viên. “Mình và cả nhóm được giao công việc rất chi tiết, nhờ vậy mà đồ án Nền tảng kết nối việc làm sinh viên trở thành một sản phẩm được đánh giá cao. Tạo bước đà để mình nhanh chóng hoà nhập với môi trường tại FPT”.
Ngoài ra, Long cũng thừa nhận, việc OT (làm ngoài giờ) là một điều rất thường thấy đối với các dự án. Vì vậy, anh cũng hướng sinh viên luôn trong trạng thái nỗ lực gấp đôi cho đồ án tốt nghiệp Anh sẵn sàng thức khuya, dành ngày nghỉ… để hướng dẫn các em hoàn thành tiến độ.
“Tôi muốn cùng sinh viên làm quen với việc quản trị dự án, để hướng tới là một kỹ sư công nghệ và một PM tài năng trong tương lai”, anh nói.
“Đi dạy giúp tôi thay đổi”
Từ khi nhận lời giảng dạy tại Đại học FPT, ngày cuối tuần của Long không còn rảnh rỗi như trước. Thay vì đi cà phê với bạn bè, anh dành thời gian nghiên cứu tài liệu và hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Có thêm công việc là thêm phần bận rộn, ít thời gian cho gia đình hơn nhưng bà xã Hoàng Anh lại không mấy phàn nàn, thậm chí rất thích. Chị nói vui rằng, thấy chồng say mê với việc đi dạy mà lại có thêm nguồn thu nhập cho gia đình nên chị “rất hài lòng và ủng hộ”.
Nguyễn Xuân Long thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện và hỗ trợ đối với sinh viên. Ảnh: NVCC |
Cũng từ công việc tại nhà Giáo dục mà Nguyễn Xuân Long tạo dựng nhiều thói quen tích cực. Điều anh cảm thấy vui nhất chính là việc duy trì định hướng học tập suốt đời. Mỗi giờ lên lớp là một lần anh trải nghiệm “cùng học” với sinh viên.
Với anh, mỗi ví dụ thực tế mà anh muốn kể sẽ là sự đúc kết, nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ chính dự án mình đang làm. Điều này giúp Long có thêm nhiều bài học đắt giá trong quá trình chuẩn bị tư liệu giảng bài.
Ngoài ra, khả năng diễn đạt, tự tin nói trước đám đông của anh cũng ngày một nâng cao. Long nhìn nhận, đó cũng là một lợi thế khi anh trao đổi, đàm phán với khách hàng.
Dưới sự ủng hộ của gia đình và chính sách khuyến khích từ Tập đoàn, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Xuân Long dự định sẽ dành nhiều tâm huyết hơn nữa cho lĩnh vực mới tại nhà Giáo dục. “Tôi không xem đây là công việc, tôi xem đây là sự hỗ trợ qua lại đối với vai trò là một PM - Quản trị dự án. Tôi học thêm được nhiều điều và tìm thấy niềm vui khi kết hợp giữa 2 nhiệm vụ này mỗi ngày”.
Trước đó, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa đã kí quyết định ban hành chính sách khuyến khích cán bộ, nhân viên tham gia giảng dạy tại FPT Education và cán bộ, giảng viên nhà Giáo dục tham gia làm việc trong nội bộ các công ty thành viên (CTTV) của FPT. Cụ thể, toàn thể CBNV Tập đoàn được phép tham gia giảng dạy tại FPT Education trong giờ làm việc và hưởng 100% chế độ đãi ngộ nếu đáp ứng các điều kiện như: phù hợp yêu cầu tuyển dụng giảng viên của Tổ chức Giáo dục FPT; được trưởng bộ phận phê duyệt về việc tham gia giảng dạy và lịch giảng dạy; đảm bảo hiệu quả (tiến độ, khối lượng, chất lượng) công việc theo quy định của bộ phận/CTTV chủ quản. Thời gian giảng dạy (tính trong giờ làm việc) tối đa không quá 90 giờ/năm. Đầu mỗi kỳ học, CBNV cần đăng ký thời gian giảng dạy và được sự phê duyệt của trưởng bộ phận hoặc cán bộ quản lý (CBQL) được ủy quyền. Trường hợp thời gian giảng dạy vượt quá 90 giờ làm việc/năm, thu nhập của CBNV tại Tổ chức Giáo dục FPT được xem xét điều chỉnh theo thỏa thuận giữa CBNV và CTTV chủ quản. Trường hợp đặc biệt phải được ban điều hành hoặc CBQL được ủy quyền phê duyệt. Xem đầy đủ nội dung chính sách tại đây. |
Nguyễn Huy
Ý kiến
()