Chúng ta

Người F 'tận hưởng' 14 ngày cách ly khi trở về từ nước ngoài

Thứ sáu, 3/4/2020 | 09:34 GMT+7

Không trốn tránh, không lo sợ… CBNV nhà F trở về từ nước ngoài đều nghiêm túc thực hiện cách ly, theo dõi sức khoẻ. Đây cũng là việc làm thể hiện trách nhiệm cộng đồng, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Hành trình trở về lần này của một số CBNV nhà F rất khác, bởi đích đến đầu tiên của cuộc hành trình là khu cách ly tập trung. Họ là những người trở về từ các nước có dịch Covid-19. Sau chuyến bay dài đặt chân về tổ quốc, họ lại có một “hành trình” 14 ngày nữa, thực hiện cách ly tập trung, thực hiện trách nhiệm của bản thân trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Cũng trở về Việt Nam nhưng có đôi chút "vội vã", anh Dương Minh Tuấn và chị Nguyễn Thanh Nhàn (FPT IS FPS) cảm thấy may mắn, yên tâm thở phào nhẹ nhõm khi đã được cách ly tại Việt Nam. Anh Tuấn, chị Nhàn đang onsite cho dự án hệ thống Quản lý thuế VAT (IVAS) theo đúng lịch sẽ từ Bangladesh trở về nước vào ngày 25/3 vì đó cũng là thời điểm visa sắp hết hạn. Nhưng do tình hình dịch có nhiều diễn biến phức tạp, các hãng sẽ không khai thác chuyến bay tới Việt Nam nữa nên hai đồng nghiệp nhà Hệ thống đã liên hệ với Văn phòng đơn vị để đổi vé gấp, để kịp trở về Việt Nam.

anh2-2415-1585737179.jpg

Những chuyến bay đưa người FPT IS từ nước ngoài trở về. Ảnh: NVCC

Biết bao nhiêu chuyến khứ hồi giữa 2 nước, vậy mà trước tình hình dịch bệnh phức tạp, theo dõi tin tức thấy các hãng hàng không liên tục hủy chuyến, cả hai anh chị đều lo lắng, chỉ lo không còn chuyến bay để trở về. “Hai anh em chả ai bảo ai, đeo khẩu trang, rửa tay liên tục, hạn chế di chuyển, giữ khoảng cách với người khác khi xếp hàng. Chúng tôi thật may mắn khi trên đường từ Bangladesh về Malaysia, rồi từ Malaysia về Việt Nam đều thuận lợi”, chị Nhàn nhớ lại.

Gặp một chút sự cố, chuyến bay của 4 cán bộ khác ở FPT IS ERP rời Bangladesh dự kiến sẽ quá cảnh tại sân bay quốc tế Suvanabhumi (Bangkok, Thái Lan) 30 phút và tiếp tục bay về Việt Nam. Tuy nhiên, chuyến bay sau đó bị hủy khiến 4 nhân sự của FPT IS ERP đều bị kẹt lại ở Bangkok. Các phương án giải quyết lập tức được đưa ra, trong đó nhanh chóng liên hệ với phía Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan để cùng tìm cách. May mắn, phía Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã phối hợp với các cơ quan hữu quan trong nước như Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cục hàng không Việt Nam và hãng hàng không Thai Airways tiến hành làm thủ tục đưa 16 công dân Việt Nam trở về. Trên chuyến bay mang số hiệu TG564 ngày 24/3 ấy, có 4 cán bộ của FPT IS ERP hạ cánh tại Việt Nam.

Cũng trở về Việt Nam trong đợt dịch, anh Bùi Hữu Ái (FQC.HCM1, FPT Software) cùng cả nhóm quyết định rời Mỹ khi dịch bệnh có vẻ phức tạp, visa cũng vào thời điểm sắp hết hạn. Hành trình trở về Việt Nam là những im lặng và một chút lo lắng, nhưng anh và cả nhóm đều rất tự tin vào công tác phòng chống dịch tại nước nhà.

anh1-7500-1585737179.jpg

Những nhu yếu phẩm được cấp phát tại khu cách ly (Ảnh: ĐVCC)

Đặt chân đến sân bay, mọi người được hướng dẫn và thực hiện cách ly tập trung theo đúng quy định. Sau khi hoàn tất các thủ tục, anh Ái được sắp xếp về nơi cách ly. “Khu cách ly là ký túc xá sinh viên đã được xây từ lâu nên điều kiện cơ sở vât chất hơi cũ nhưng không là vấn đề. Tôi nghĩ đến các tình nguyện viên làm việc 24/24h vất vả, các anh bộ đội nhường chỗ ở của mình cho người cách ly nên hiểu và thông cảm vì ai cũng đã cố gắng hết sức rồi. Chỉ cần dọn dẹp một chút là sạch sẽ ngay. Hơn nữa, các vật dụng cá nhân thiết yếu như xà phòng giặt, tắm, khăn… đều được cung cấp đầy đủ”, anh Ái cho hay.

Trở về từ Nhật Bản, chuyến bay của Phan Hoàng Long (ERP.SAP, FPT Software) đa phần là người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ nhỏ. Vì thế, Long cùng các bạn nam khác đã không ngần ngại hỗ trợ mọi người vận chuyển hành lý, đồ đạc về khu cách ly. Chàng trai trẻ cho rằng việc cách ly này là rất cần thiết. “Ngoài việc để cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi cũng như có biện pháp kịp thời thì thông qua việc cách ly sau 14 ngày, tôi cũng an tâm hơn khi tiếp xúc gần với gia đình, người thân, anh chị em đồng nghiệp”, Long nói.

Cũng tạm xa những bữa cơm gia đình, tại FPT DPS, một số CBNV đang nghiêm túc thực hiện cách ly 14 ngày khi từ nước ngoài trở về. Cách ly ấy không còn là câu chuyện nặng nề nữa.

Ngoại trừ một vài sinh hoạt thường nhật có chút thay đổi, anh Nguyễn Việt Thắng (trở về từ Houston, Mỹ, thực hiện việc cách ly theo quy định tại Đà Nẵng) cho biết, mọi thứ chu đáo và đầy đủ, một ngày của anh có lẽ gói gọn trong 2 nội dung chính là ăn và ngủ. 'Vừa mở mắt đã được ăn, chưa kịp hấp thụ hết phần ăn sáng đã đến giờ cơm trưa, loanh quanh lại được ngay cơm tối', anh Thắng chia sẻ.

Anh cho biết khu sinh hoạt chung Tivi, thêm hoạt động thể dục thể thao vào sáng và tối. Những vật dụng thiết yếu như bàn chải đánh răng, dầu gội cho đến dụng cụ thể thao, cầu mây, bóng đều được cấp phát đầy đủ. Tạm thời sống xa gia đình, những người xa lạ cũng bỗng 'hóa thân quen', tuy chỉ uống nước ngọt nhưng vẫn thấy rất gắn bó, gần gũi.

Cũng là những câu chuyện ấm áp từ những khu cách ly phòng dịch, anh Phạm Quang Khang (đang cách ly tại Hà Nội) chia sẻ: 'Cơm ở đây không bao giờ làm bạn thất vọng. Có khi còn ngon hơn cơm bạn nấu. Cơm nóng hổi, bay veo trong nốt nhạc. Anh em trong phòng kêu giờ này mỗi người phải ăn được 2 hộp. Bữa sáng có hộp xôi ruốc chả, dẻo và nóng hổi thì tuyệt rồi'.

anh3-2002-1585737179.jpg

Cuộc sống bên trong khu cách ly, 14 ngày "đặc biệt" trong đời. Ảnh: ĐVCC

Thực đơn các bữa ăn được thay đổi linh động, các quy trình đều được thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, trong thời gian cách ly, anh Khang cũng không quên việc đóng góp ủng hộ cho chiến dịch 'Đẩy lùi Cô Vy' do Quỹ Người FPT Vì cộng đồng kêu gọi. Tự ý thức được bản thân và xã hội cần phải chung tay đóng góp phòng chống dịch.

Cùng cách ly tại TP HCM, chị Nguyễn Thị Hiền (công tác từ Nhật về) và anh Hoàng Đình Vinh (trở về từ Sydney, Autralia) cũng nhận được sự quan tâm chu đáo tại các khu cách ly tập trung. Mỗi phòng đều có phòng tắm, nhà vệ sinh riêng khá ổn và sạch sẽ. "Cơm giống phần ăn thời sinh viên nhưng rất ngon", chị Hiền nhún vai.

Không chỉ cách ly tại các khu tập trung, nhiều CBNV từ nước ngoài trở về từ trước thời điểm trước khi có yêu cầu cách ly tập trung cũng đã có ý thức tự cách ly tại nhà. Mọi người đều đánh giá, việc thực hiện cách ly là trách nhiệm trong thời điểm chống dịch như hiện nay. Việc những CBNV đang thực hiện cách ly theo quy định cũng là thể hiện tinh thần với cộng đồng, chung tay cùng đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng hành với CBNV thực hiện cách ly, các đồng nghiệp, lãnh đạo các đơn vị cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ. Văn phòng FPT IS hay SSC (Trung tâm dịch vụ sẻ chia FPT Software) đều thiết lập kênh riêng để duy trì liên lạc và sẵn sàng hỗ trợ. 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về việc toàn dân chống dịch Covid-19 như chống giặc, Tập đoàn FPT và người FPT đóng góp 2.000 chỗ cách ly tại ký túc xá của Tổ chức Giáo dục FPT ở Hòa Lạc và 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, buồng khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế…Khu ký túc xá nằm trong không gian rộng 30 ha, thoáng mát nhiều cây xanh, gồm nhiều khu nhà và các phân khu chức năng với đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng làm nơi cách ly cho hơn 2000 người theo yêu cầu.

“Với FPT, con người là tài sản quý giá nhất và chúng tôi luôn sẵn lòng đóng góp những gì tốt nhất để cùng Chính phủ đẩy lùi Covid-19, bảo vệ người Việt Nam. Trong khả năng của mình, chúng tôi mong muốn được góp phần bảo vệ các bác sĩ trên tuyến đầu và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây lan dịch bệnh, giảm bớt áp lực của Chính phủ, Thành phố. Hy vọng sẽ có thêm nhiều cánh tay chung sức để chúng ta cùng vượt qua những thách thức này”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ.

>> FPT Telecom khen thưởng 7 tập thể làm nhiệm vụ ở khu cách ly

Nguyễn Huy

Ý kiến

()