Là một trong những du học sinh trở về nước, Nguyễn Lê Minh Khuê cảm thấy may mắn khi được cách ly tại khu ký túc xá của FPT Education (FPT Edu) tại Hòa Lạc, Hà Nội. "Suốt cả chuyến bay 14 tiếng, mình không dám ngủ vì sợ bị kẹt ở đất nước thứ ba. Về đến Việt Nam, chứng kiến đội ngũ y tế ân cần với những người Việt về nước, đặc biệt khu cách ly được chuẩn bị tươm tất, chu đáo khiến mình cảm thấy yên tâm".
Tại phòng, Khuê được chuẩn bị sẵn một số đồ dùng cá nhân như màn mền, chiếu gối ngăn nắp vuông gọn, cùng với bàn chải, kem đánh răng, móc quần áo, dép tổ ong khiến cô bất ngờ. Đặc biệt khi "trên mỗi giường có một cuốn sách bọc ruy-băng đỏ, tặng để tụi mình để đọc trong 14 ngày cách ly này". Những chi tiết nhỏ được nữ du học sinh chụp khoe bạn bè quốc tế và nhận lời khen về sự chu đáo.
Dù điều kiện ở cách ly không bằng ở nhà, nhưng Khuê cảm thấy hạnh phúc vì được ăn cơm vị Việt, được các cô chú quan tâm hỏi han, đo nhiệt độ và xịt khuẩn mỗi ngày 2 lần. "Chưa kể đôi lúc mình bật cười vì sẽ có các chú bộ đội hoặc các anh chị tình nguyện viên đi dạo ngoài cửa sổ, đứng nói chuyện với các phòng vì mọi người biết cách ly ở trong phòng 24/7 không được phép ra khỏi cửa sẽ bí bách lắm. Thế nên mình cảm thấy rất may mắn, may mắn lắm, nên luôn cố gắng vui vẻ tích cực để cùng hợp tác với tất cả mọi người". Hằng ngày, du học sinh về nước vẫn đọc sách, làm việc, dù không tiện nghi nhưng theo Khuê cũng là một cách chung tay với cộng đồng phòng dịch.
Món quà FPT tặng cho mỗi người cách ly tại ký túc xá của FPT Education. Ảnh: NVCC. |
Đồng hồ điểm 12h trưa, như một thói quen, Thảo Nguyên gập chiếc máy tính khi đang xem dở bộ phim và ra cửa lấy đồ ăn mang vào phòng cho mọi người. Cô gái 18 tuổi, người Sài Gòn, trở về từ Mỹ trước khi sân bay ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM có lệnh dừng đón các chuyến bay từ nước ngoài.
Do thời điểm Nguyên quá cảnh ở Đài Loan, sân bay Tân Sơn Nhất đã ngừng tiếp nhận người từ nước ngoài trở về, vì thế chuyến bay của cô đổi lịch trình và hạ cánh tại Nội Bài. Sau vài phút lo lắng vì lịch trình không như dự định, Nguyên quyết định điện thoại về nhà thông báo cho ba mẹ việc mình sẽ cách ly ở Hà Nội.
"Ban đầu cũng khá lo lắng vì mình không có người thân ở đây, cũng không có ai tiếp tế đồ hay thăm hỏi. Nhưng khi ở trong KTX ĐH FPT rồi mới thấy yên tâm, vì mình cần gì cũng đều có cả", Nguyên nói với giọng hào hứng.
Các cán bộ bên trong khu cách ly đưa cơm đến các phòng. Tất cả phải trang bị đồ bảo hộ, hạn chế rủi ro khi tiếp xúc với người cách ly. Ảnh: Zing. |
Vào giữa các buổi sáng và chiều, Nguyên vẫn đeo khẩu trang và ra dãy bàn ngoài phòng để làm bài tập. Chương trình lớp 12 đang học không cho phép cô gái lười biếng. Để không cảm thấy buồn chán, Nguyên cho biết bản thân đã cố gắng duy trì nếp sinh hoạt như bình thường trong những ngày ở khu cách ly.
Không tụ tập bạn bè, không trò chuyện, tán gẫu, phần lớn thời gian được Nguyên dùng để học tập và theo dõi các bộ phim mà cô yêu thích. Một ngày của cô gái 18 tuổi trong khu cách ly trôi nhanh.
Mặc dù người thân của Nguyên tỏ ra lo lắng, với cô, việc được trở về đã là may mắn trong những ngày dịch bệnh bùng phát ở Mỹ với số ca nhiễm lên trên 122.000 và hơn 2.480 người thiệt mạng tính đến 9h ngày 29/3 (giờ Hà Nội).
Cùng khu cách ly ở Hòa Lạc, Hoàng Dương mới chuyển đến sau khi nhận được thông tin người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai đi cách ly. "Lúc mới nhận tin, tôi cảm thấy lo lắng vì đi cách ly chẳng biết như thế nào, mà còn ở gần những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng đến đây rồi thấy điều kiện sinh hoạt rất tốt. Một phòng 16m2 cho hai người ở, sạch sẽ, thoáng mát, có khu vệ sinh, tắm rửa riêng. Ăn uống được phát tận nơi, đảm bảo dinh dưỡng".
Anh Dương cho hay, 15 ngày tới tại khu cách ly sẽ có nhiều thú vị, cuốn sách mà FPT gửi tặng để đọc trong khuôn viên nhiều cây xanh, thoáng mát như ký túc xá của FPT rất phù hợp. "Tôi đã nghe về khuôn viên Đại học FPT đã lâu, phải đến lúc như thế này mới có dịp đến trực tiếp. Tôi nghĩ với những sự chuẩn bị ở đây, 15 ngày cách ly với tôi sẽ trôi qua nhanh chóng".
Mỗi ngày người cách ly được ăn đủ bữa, phục vụ bởi đội ngũ bộ đội, bác sĩ. Ảnh: NVCC. |
Tỏ ra bức xúc khi một số người chê bai các khu cách ly, anh Vũ Tuấn (Bắc Ninh) đánh giá về điều kiện sinh hoạt tại ký túc xá của FPT Edu: "Phòng ốc sạch sẽ, yên tĩnh, dễ dàng tập trung làm việc, có Wi-fi miễn phí, điều hoà, nóng lạnh, có ban công thoáng mát với tầm nhìn đẹp. Nhu yếu phẩm cơ bản không thiếu gì, không cần tiếp tế vẫn đủ để sống 14 ngày". Anh còn chia sẻ với bạn bè món quà đặc biệt là cuốn sách thắt nơ kèm lời chúc của FPT.
Theo anh Tuấn, mỗi sáng có người đến phòng đo thân nhiệt và phun khử khuẩn 2 lần/ngày toàn bộ không gian sống. Suất cơm luôn có đầy đủ rau, thịt và hoa quả tráng miệng; đủ 3 bữa lại có người bưng lên tận phòng. "Phòng bên cạnh mình ở có hai anh nước ngoài, thấy họ rất vui vẻ về khu ở". Anh nhắn nhủ mọi người hãy yên tâm về khu cách ly với thông điệp "Hãy yên tâm khi đi cách ly, được đi cách ly để được bảo vệ".
Lần đầu tiên về Việt Nam trong tâm trạng lo lắng, Nguyễn Minh Phương (Hà Nội) thở phào khi được trở về nước và cách ly ở ký túc xá FPT. Chia sẻ với bạn bè, người thân điều kiện sinh hoạt tuy không tiện nghi nhưng cũng rất đầy đủ, Phương cũng tỏ ra cảm động trước sự chu đáo, quan tâm của đội ngũ phục vụ ở đây. "Ăn ngon lắm, cơm chú bộ đội làm ngon như mẹ nấu. Thực đơn đa dạng. Ở trường mình còn bỏ bữa, vào đây không bỏ bữa nào".
"Mình thương các chú bộ đội, các bác sĩ, nhân viên y tế và các anh chị tình nguyện viên lắm. Họ đã rất vất vả vì nước vì dân rồi. Dù ở đâu thì tổ quốc vẫn là nhà", du học sinh nhắn nhủ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về việc toàn dân chống dịch Covid-19 như chống giặc, Tập đoàn và người FPT đóng góp 2.000 chỗ cách ly tại ký túc xá của Tổ chức Giáo dục FPT ở Hòa Lạc (Hà Nội) và 20 tỷ đồng mua trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, buồng khử khuẩn, đồ bảo hộ y tế… Hiện, khu ký túc xá Hòa Lạc có hơn 1.300 người đến cách ly. |
>> CEO FPT yêu cầu ba kịch bản để CBNV làm việc tại nhà
An Trang
Ý kiến
()