Chúng ta

Người F tại Mỹ: 'Tiêm vaccine Covid-19 là có trách nhiệm với cộng đồng'

Thứ sáu, 9/4/2021 | 08:26 GMT+7

Nhiều người FPT onsite tại Mỹ đã hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 và cảm thấy an tâm, tự tin hơn khi đến nơi công cộng.

Nước Mỹ đang dần triển khai việc tiêm đại trà vaccine Covid-19 tại tất cả bệnh viện cũng như cơ sở chăm sóc sức khỏe lớn nhỏ. Tuy nhiên mỗi thành phố, mỗi bang lại có tốc độ tiêm khác nhau nên lịch mở rộng cho mỗi độ tuổi cũng khác nhau. Thời gian đầu, nhóm được ưu tiên tiêm vaccine gồm bác sĩ, nhân viên y tế, người trên 65 tuổi, người trên 18 tuổi có nhiều bệnh nền và người làm công việc đặc thù yêu cầu tiếp xúc, di chuyển nhiều.

Tiếp cận dễ dàng, thủ tục đơn giản

Vốn “không sợ con virus”, anh Huỳnh Vũ Đông Nguyên, Quản lý sản xuất dự án tại Texas, chưa có ý định tìm đến vaccine nếu không có việc gấp phải về Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng 3 tuần trước, thành phố Austin (bang Texas) nơi anh sinh sống chưa mở rộng việc tiêm chủng cho toàn dân. Trăn trở, anh trò chuyện với khách hàng và họ cho biết cũng muốn tiêm mà chưa thuộc đối tượng ưu tiên.

“Rồi mấy hôm sau, khách hàng gọi lại cho tôi và báo mới được tiêm xong tại Houston, vẫn cùng bang Texas nhưng chỗ đó mới triển khai đại trà”, Quản lý sản xuất kể. Được khách hàng gửi link đăng ký, anh Nguyên vào điền họ tên, ngày tháng năm sinh, tiền sử bệnh tật… “Cũng nhanh lắm, mẫu khai chỉ gần một chục mục là xong”. Sau khi xác nhận, anh Nguyên được gửi lịch tiêm gồm ngày, giờ, địa điểm. Đến ngày tiêm, anh lái xe 4 giờ đồng hồ, làm các thủ tục và tiêm mất tổng cộng khoảng 20 phút. Loại vaccine anh được tiêm là Pfizer.

Tại Mỹ, 3 loại vaccine chính được sử dụng là Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. “Có người nhà làm trong ngành y tế nên mình đã đăng ký tiêm sớm, tuy nhiên đến tuần này bang Colorado nơi mình ở cũng đã bắt đầu mở tiêm đại trà và cung cấp link đăng ký online”, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng cho biết.

rsz-pp-1666-1617927722.jpg

Phía ngoài và trong trạm tiêm vaccine của vợ chồng chị Đỗ Diệu Hà. Ảnh: NVCC

Thủ tục đăng ký khá đơn giản, người muốn tiêm vaccine chỉ cần vào trang web của cơ sở y tế để đặt lịch tiêm, ai không đăng ký online có thể đến trực tiếp và xếp hàng chờ. Tại đây, họ xuất trình căn cước cá nhân và thẻ bảo hiểm. Sau khi được tiêm, người dân lưu lại nơi tiêm khoảng 15 phút để phát hiện tác dụng phụ nếu có. Mỗi người tiêm xong sẽ được cấp chứng nhận của CDC, xác nhận tên, ngày tháng năm sinh, ngày tiêm và hẹn tiêm nếu mới xong mũi 1.

Tại Mỹ, nhiều địa điểm được tận dụng để làm các trạm tiêm vaccine. Đôi khi điểm y tế được đặt ngay tại các cửa hàng tạp hóa, “nên ai đi chợ cũng có thể đăng ký tiêm, chứ không cần đến bệnh viện”.

Vợ chồng chị Đỗ Diệu Hà và anh Đặng Trần Phương thường xuyên kiểm tra thông tin trên phương tiện truyền thông về các đợt tiêm chủng. Một ngày đi cao tốc thấy có biển báo “Tiêm vaccine đại trà từ 25/3”, anh chị về tìm lại và thấy ngay link đăng ký. 

Khu anh chị tiêm chủng cách nhà 1 giờ lái xe, được lập ngoài trời. “Từ việc check-in, lên lịch hẹn cho mũi tiêm tiếp theo, tiêm, ngồi đợi 15' sau tiêm để xem phản ứng thuốc - tất cả đều diễn ra trên xe và nhân viên đến xe mình thực hiện. Mọi thứ diễn ra rất nhanh, nhân viên thân thiện nên bọn mình thấy rất thoải mái”, chị Hà kể.

Phản ứng thuốc trong tầm kiểm soát

Hiện tại anh Huỳnh Vũ Đông Nguyên là người duy nhất trong gia đình trải nghiệm vaccine Covid-19, phần bởi chỗ tiêm khá xa, phần muốn đề phòng, thử trước những nguy cơ để tránh cho vợ. Anh chia sẻ, mũi tiêm đầu tiên không gây bất cứ tác dụng phụ nào và anh vẫn lái xe về Austin trong 4 giờ bình thường. Cuối tuần này anh Nguyên sẽ tiêm tiếp mũi nhắc lại để sẵn sàng lên đường về Việt Nam.

rsz-p-5494-1617927722.jpg

CEO FPT America Đặng Trần Phương được tiêm vaccine ngay tại xe. Ảnh: NVCC

Chị Diệu Hằng thì đã hoàn thành cả 2 mũi tiêm vaccine Covid-19 từ tháng 3. Khoảng 5-6 giờ sau khi tiêm mũi nhắc lại, chị cảm thấy nhức nhẹ ở vết tiêm, rồi cơn nhức lan ra cả cánh tay. Tối hôm đó chị hơi ớn lạnh trong người. Hôm sau chị Hằng còn mệt hơn và cực kỳ buồn ngủ. Tuy nhiên những triệu chứng đó qua đi khá nhanh chóng. “Mình có khoảng 4 người bạn cũng tiêm thì gặp tác dụng phụ như nhau và cũng chỉ mất khoảng hơn một ngày bị mệt mỏi, sau đó hết hẳn luôn”.

Chị Đỗ Diệu Hà lại cảm thấy nhức ngay đêm tiêm mũi 1, “đến mức hơi khó ngủ”, những ngày sau thì bình thường. “Theo kinh nghiệm của những người đã tiêm phòng, mũi 2 sẽ nặng hơn và có thể bị ốm 1-2 ngày tùy thể trạng nên bọn mình đã đặt lịch vào ngày cuối tuần để không ảnh hưởng đến công việc”, chị chia sẻ.

“Cẩn thận là không thừa”

Mỹ chưa công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine, nhưng được tiêm khá nhanh, cả nhà chị Hà nhẹ nhõm tinh thần, tự tin hơn khi đi ra ngoài và anh chị đã sẵn sàng để các con học đi học lại tại trường từ năm học tới. “Từ tháng 3/2020 các cháu chỉ học online, tháng 8/2020 nhà mình còn chuyển từ Colorado sang Georgia, các con hầu như không có bạn nên rất mong mỏi được đến trường và gặp bạn bè. Bọn mình chắc sẽ sớm được tái ngộ đồng nghiệp, được tới văn phòng…”, phu nhân CEO FPT America giãi bày. 

Vợ chồng chị dự định sau đợt tiêm vaccine sẽ tập trung anh em FPT onsite vì đã “quá lâu không có hoạt động tập thể”. Cả năm nay anh chị gặp ai cũng rất dè chừng và chỉ dám họp nhóm nhỏ 1-2 gia đình.

Theo chị Hà, người Mỹ có thái độ trái chiều về việc tiêm chủng. Nhiều người không muốn tiêm vì chưa biết rõ tác dụng phụ của vaccine hoặc cho rằng nguy cơ mắc bệnh đến chết với nhóm tuổi của họ là thấp. “Với bọn mình, ngoài suy nghĩ bảo vệ bản thân, gia đình, bạn bè, thì việc tiêm chủng cũng thể hiện trách nhiệm với xã hội, để mình không trở thành nguy cơ với bất kỳ ai khác”.

rsz-vc-3505-1617927722.jpg

Chứng nhận tiêm chủng mà người dân tại Mỹ được phát sau khi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: AP

Chị Diệu Hằng sau khi tiêm vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang N95 tại nơi công cộng, khẩu trang vải và y tế chị dùng khi đi tập thể dục và giữ khoảng cách với mọi người. Mỗi lần đi chợ về, chị Hằng còn xịt nước diệt khuẩn vào đồ đóng gói rồi lau sạch rồi mới cất vào tủ lạnh.

“Cẩn thận không thừa”, chị Hằng kể, một người bạn làm tại ICU (Intensive Care Unit - phòng chăm sóc đặc biệt cho những người tổn thương hô hấp nặng phải dùng máy) từng tâm sự rằng trong 3 tháng đầu tiên của đợt dịch, số lượng người cô phải ký giấy chứng tử còn nhiều hơn con số của cả 10 năm làm bác sĩ. “Một số bạn bè khác của mình làm tại bệnh viện, có người bị lây Covid-19, người không, nhưng đều khẳng định chắc chắn đây không phải bệnh cúm và nhất thiết phải bảo vệ bản thân cũng như xã hội”, chị Diệu Hằng nói.

>> ‘Đại dịch tuy khó nhưng là thời thế của Tập đoàn’

Hoa Hạ

Ý kiến

()