Chúng ta

Ngọn lửa sáng tạo của 'anh cả' ban đào tạo FPT Polytechnic

Thứ năm, 20/6/2019 | 17:09 GMT+7

Hơn 9 năm gắn bó cùng Giáo dục FPT, Trưởng Ban Đào tạo FPT Polytechnic Nguyễn Thanh Nam cho rằng liên tục đổi mới, sáng tạo là yếu tố quan trọng để đi đến thành công.

Khởi đầu từ một cán bộ tuyển sinh ở ĐH FPT, năm 2015 anh Nguyễn Thanh Nam quyết định thử thách mình với một hướng đi mới. Anh rời khỏi FPT. 4 năm sau, anh trở lại và lập tức triển khai hệ thống đào tạo online CMS cho sinh viên. Hệ thống được tạo ra dựa trên mã nguồn mở Open Edx và FPTCloud, có thể đáp ứng hàng triệu người học.

Hệ thống đào tạo online CMS giúp toàn bộ sinh viên FPT Polyytechnic trên toàn quốc có thể học trực tuyến. Sinh viên không cần đến trường trong cả khóa học. Hoàn thành đủ các bài kiểm tra trên hệ thống, sinh viên sẽ trực tiếp đến trường thi hết môn với hai bài thi trắc nghiệm và vấn đáp. Toàn bộ các quy trình học và đánh giá hoàn toàn tự động. Chương trình học gồm đầy đủ các bài giảng bằng text và video.

nguyen-thanh-nam-fpt-polytechn-7204-4353

Đứng trước những khó khăn khi tuyển sinh tăng vọt trong nhiều năm qua, Trưởng Ban Đào tạo FPT Polytechnic Nguyễn Thanh Nam cùng các cộng sự đã sáng tạo ra hệ thống đào tạo online CMS để giải quyết các vấn đề cơ sở vật chất, giảng dạy. 

Quay về FPT Polytechnic chưa lâu và bắt tay vào thực hiện một phương pháp đào tạo mới là điều không hề dễ với Nguyễn Thanh Nam. “Phần quản trị và điều hành khá phức tạp. Mới đầu tôi cũng loay hoay không biết làm thế nào. Thầy trò đành vừa làm vừa dò. Cũng may, hệ thống tương đối dễ sử dụng”, anh Nam chia sẻ.

Thời gian đầu các sinh viên cũng như giảng viên đều bỡ ngỡ. Kết quả thi không như ý muốn vì sinh viên chưa quen với sự độc lập và ý thức tự giác cao khi học online. Việc quản lý, đốc thúc sinh viên học tập cũng gặp khó khăn. Mặt khác, nhiều thầy cô không có thế mạnh về công nghệ. 

Tuy nhiên, anh Kiều Nam, giảng viên bộ môn Cơ bản cho rằng, hệ thống CMS rất hữu ích với cá nhân anh: “Có hệ thống này, tôi có thể chủ động hơn trong việc giảng dạy. Tôi được làm quen với hình thức giảng dạy mới để kịp thời đi theo xu hướng giáo dục toàn cầu trong thời đại 4.0”.

Trần Thị Yến Loan, sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa, hào hứng khi được tiếp cận cách học mới: “Khi học online, em có thể chủ động sắp xếp thời gian để học tập các môn khác và thời gian thực tập. Trên hệ thống có các bài giảng có thể giúp bọn em đọc hiểu kỹ hơn và làm bài tốt hơn. Khi không hiểu hoặc không nhớ bọn em có thể đọc lại. Tinh thần tự giác cũng được nâng cao hơn”.

Hệ thống đã được áp dụng thử nghiệm tại cơ sở FPT Polytechnic Hà Nội trong block 2, kỳ Spring 2019 với 2 môn học Chính trị và Pháp luật, đáp ứng 180 sinh viên. Từ kỳ Summer 2019 triển khai trên toàn bộ 7 cơ sở tại 5 tỉnh/thành. Để có sự phối hợp “mượt mà” giữa các cơ sở khắp cả nước, anh Nam và các đồng nghiệp phải thường xuyên kết nối, trao đổi và họp hàng tuần để tìm giải pháp tối ưu hệ thống.

Sau 2 tháng, hệ thống giúp giảm 66% chi phí giảng viên, 90% chi phí môn học, 80% nguồn lực nhập và quản lý điểm, tăng khả năng học với số lượng lớn.

nguyen-thanh-nam-fpt-polytechn-4147-3117

Sản phẩm nhận được giải Đồng tại chung khảo iKhiến số đầu tiên của mùa 3. 

Vừa qua, anh Nam đã mang Hệ thống học online CMS đến sân chơi iKhiến - giải thưởng Sáng tạo của tập đoàn FPT và mang về giải Đồng. Trưởng Ban Đào tạo FPT Polytechnic cho biết đây là động lực lớn để anh tiếp tục tìm ra những cái mới. Anh mong muốn bản thân có thể truyền “ngọn lửa” sáng tạo cho các nhân viên bằng cách thường xuyên ngồi lại cùng nhau để tìm ra vấn đề. Bên cạnh đó, anh đặt quyết tâm giúp toàn bộ nhân viên thông suốt về mục tiêu, hoạt động chung của tổ chức để cùng nhau hoàn thành tốt công việc.

Trong quá khứ, anh Nguyễn Thanh Nam từng tự mình xây dựng nhiều tool quản lý bằng excel để giúp đỡ cho công việc của bản thân cũng như các nhân viên. Chẳng hạn như tool tính giờ giảng được anh tạo ra từ lúc còn công tác ở ĐH FPT nhiều năm trước. Hiện tại tool vẫn được sử dụng rộng rãi. 

Anh Nam quan niệm việc sáng tạo cần diễn ra liên tục, hàng ngày hàng giờ: “Tôi nghĩ các sản phẩm được tạo ra phải có tầm ảnh hưởng với nhiều người, giải quyết triệt để vấn đề, dễ sử dụng và liên tục cải tiến. Sản phẩm có thể hữu ích vào thời điểm này nhưng có thể chỉ ngay ngày hôm sau sẽ mất đi giá trị. Đó là lý do chúng ta không thể ngừng sáng tạo”.

Với Nguyễn Thanh Nam, chỉ cần có niềm tin vào hành động của bản thân thì sẽ vượt qua mọi thách thức. “Cứ làm đi rồi sẽ đến đích”, anh cười.

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()