Chúng ta

Linh động cách làm, quản lý FPT Shop 'vượt số' mùa dịch

Thứ sáu, 1/5/2020 | 21:33 GMT+7

Giai đoạn dịch bùng phát, trong khi các cửa hàng khác trên đường Lê Thanh Nghị (Hải Dương) buộc phải đóng cửa hoàn toàn, quầy FPT Shop tại số nhà 259 vẫn được mở bán ở cấp độ 2 với cửa cuốn kéo lên nửa chừng.

Những ngày tháng 4, Covid-19 bùng phát tại Việt Nam với hơn 200 ca nhiễm. Cả nước chuyển sang phương án giãn cách xã hội. Toàn bộ các cửa hàng không kinh doanh ngành thiết yếu phải đóng cửa hoàn toàn. Chính quyền thành phố Hải Dương cũng “siết quân lệnh”. Lê Thanh Nghị, một trong những tuyến đường chính của thành phố vốn đông người qua lại, nay chỉ còn các nhân viên chức năng đi lại kiểm soát, nhắc nhở.

Gần như toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu trên đường phải đóng cửa ở mức độ 3: “kín cổng cao tường”. Trong khi đó, ngay gần ngã tư Cầu Cất, cánh cửa cuốn quầy FPT Shop (259 Lê Thanh Nghị) được kéo lên một nửa. Cửa hàng được chính quyền thành phố cho phép kinh doanh ở mức độ 2.

congdq-1-1363-1588230167.jpg

Anh Đinh Quốc Công, Quản lý Khu vực Kinh Vùng kinh doanh miền Bắc 2, là một trong những cán bộ sớm nhìn ra cơ hội kinh doanh laptop mùa dịch

Để có được điều này, anh Đinh Quốc Công, Quản lý khu vực kinh doanh miền Bắc 2, đã mất 5, 6 ngày “ăn trực nằm chờ” cùng anh em nhân viên tại shop Lê Thanh Nghị để chớp cơ hội trao đổi trực tiếp với chính quyền địa phương.

259 Lê Thanh Nghị là 1 trong 11 cửa hàng thuộc quản lý của anh Đinh Quốc Công. Giai đoạn dịch bệnh bùng phát, chỉ 2 cửa hàng trong số đó phải dừng hoạt động do nằm gần khu công nghiệp, nhóm khách hàng chủ yếu là các công nhân không thể đi làm do giãn cách. 9 cửa hàng còn lại hoạt động liên tục với năng suất gấp 2 xuyên suốt mùa dịch.

“Không đứng yên mùa dịch” là mục tiêu của nam quản lý nhà Bán lẻ. Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam cũng là lúc Công bắt đầu nhìn thấy những ảnh hưởng của nó tới thị trường và sức mua từ khách hàng. Đặc biệt là ở mảng điện thoại di động. Tuy nhiên, anh cũng nhìn thấy cánh cửa khác mở ra khi học sinh, sinh viên và sau là cả người lao động dần chuyển về học và làm việc tại nhà.

“Nhu cầu mua sắm latop để phục vụ học tập và công việc sẽ là cơ hội lớn”, Công thầm nghĩ. Đây là cơ hội để FPT Retail đi trước đón đầu xu hướng. Ngay từ khoảng tháng 3, anh triển khai đẩy mạnh cho các đội làm thị trường qua livestream và các trang mạng xã hội. Thậm chí, đội làm thị trường, marketing cho một số sản phẩm smartphone như iPhone cũng được cắt cử sang làm cho mảng laptop.

Với các cửa hàng, Công yêu cầu anh em chuyển toàn bộ các hoạt động tư vấn, kinh doanh, chăm sóc khách hàng lên mạng trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục mở cửa buôn bán ở cấp độ 2 tại những vùng, khu vực chính quyền không quá gay gắt trong thực hiện giãn cách xã hội.

“Kế hoạch, chiến lược kinh doanh hay cách ‘luồn lách’ mùa dịch… đều không quan trọng bằng yếu tố con người”. Xác định rõ điều đó, Công luôn chú trọng động viên tinh thần anh em. Hai tháng dịch cũng là ngần ấy thời gian anh cùng anh em chinh chiến tại 3 tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên. Trực tiếp cùng làm việc, cùng ăn ngủ, đối phó tình hình… Công đảm bảo luôn ở bên và hỗ trợ anh em nhanh nhất có thể.

Gần hết tháng 4, anh ước tính doanh số bán hàng laptop tăng khoảng 350%. Doanh số trung bình cao nhất của 1 cửa hàng đạt hơn 2 tỷ đồng-con số lớn trong bối cảnh dịch kéo dài, kinh doanh đình trệ.

Cũng là một trong số những cán bộ sớm nhìn ra cơ hội trong mùa dịch, chị Lê Thị Kiều Oanh, Quản lý Khu vực Vùng kinh doanh miền Bắc 1, khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ khi đưa doanh thu 11 cửa hàng trong vùng dịch tăng liên tục.

oanhltk4-1-5978-1588230167.jpg

Chuyển hướng hoạt động online, chắt chiu chất lượng dịch vụ là hướng kinh doanh chủ đạo của chị Lê Thị Kiều Oanh

Quản lý khu vực kinh doanh của FPT Retail tại Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, khó khăn lớn nhất của chị là phải đảm bảo doanh thu và sức khoẻ nhân viên ngay trong tâm dịch. Do đó, Oanh sớm triển khai toàn bộ nhân viên tư vấn, bán hàng, chốt đơn ngay trong các buổi livestream hoặc trên fanpage của cửa hàng. Thậm chí, chị còn thực hiện buổi livestream mẫu để anh em quan sát, học hỏi.

Nữ quản lý nhà Bán lẻ cũng chia nhân viên thành 2 nhóm, nhóm online trực tư vấn, chốt đơn và nhóm “shipper” vận chuyển hàng tới tận nhà cho khách. Nhóm vận chuyển này được phân công túc trực bên ngoài cửa hàng, ngay khi có đơn sẽ lập tức lấy hàng hoá từ quầy và chở đến nhà khách. Anh em cũng sẵn sàng triển khai các dịch vụ chăm sóc khách hàng như lắp đặt thiết bị, cài ứng dụng (Zoom), đảm bảo chất lượng phục vụ.

Không chỉ vậy, toàn bộ nhân viên của khu vực vùng kinh doanh miền Bắc 1 cũng được triển khai tư vấn, bán hàng đến từng nhà. Hết ca trực online, anh chị em sẽ được phân đến các địa chỉ khách hàng có nhu cầu được tư vấn, tìm hiểu kỹ lưỡng về sản phẩm quan tâm. Nhờ vậy, tỷ lệ chốt đơn hàng của khu vực miền Bắc 1 tăng lên 27%, cao hơn 5% so với tháng 3 vừa qua.

“Cách kinh doanh hiệu quả nhất, với tôi, chính là nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc khách hàng”, Oanh chia sẻ. Tổng kết tháng 4, chị dự kiến sẽ đạt 100% mức doanh thu đề ra, tương đương hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, doanh số laptop đạt 259 máy, đạt 132% so với tháng 3.

Hoàng Hương

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()