Bên cạnh mâm trái cây ngũ quả trong ngày Tết, mỗi vùng miền trên mảnh đất hình chữ S lại có những đặc sản, những món truyền thống mang phong vị rất riêng của mình. Nhưng nhìn chung, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn của người Việt Nam.
Ẩm thực miền Bắc luôn thể hiện sự chỉnh chu và cầu kỳ. |
Miền Bắc
Xuân miền Bắc rực rỡ sắc hồng thắm của hoa đào trong tiết trời lạnh, người dân dường như hiểu được ý niệm của đất trời nên bánh chưng, giò lụa, dưa hành, nem rán, canh măng chân giò, thịt đông thật béo được chuẩn bị sẵn để đảm bảo năng lượng ngày Tết.
Bên cạnh mâm cơm của người miền Bắc luôn đi kèm một cành đào đỏ rực, chậu quất sai trĩu quả và mâm ngũ quả tròn đầy. Vì trọng lễ nghĩa nên ở đây, người ta không bao giò quên tục chúc tết. Ra đường năm mới gặp nhau mà không chúc nhau những lời tốt đẹp được coi là xui cả năm. Đặc biệt, mâm cỗ ngày Tết thường tuân theo một nguyên tắc truyền thống: 4 bát, 4 đĩa (không kể đĩa xôi, nước chấm, dưa hành) tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Ngày nay, người miền Bắc vẫn giữ các món ăn truyền thống. 4 bát cơ bản bao gồm: Canh bóng thả, chân giò hầm măng khô, mọc nấm thả và miến. 4 đĩa bao gồm: Thịt gà, nem rán, bánh chưng, giò lụa.
Món ăn thường đậm đà, dùng ngay khi còn nóng, có thêm gia vị như tiêu, ớt, gừng... vì thời tiết ngày Tết miền Bắc se lạnh. Bánh chưng xanh là linh hồn, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn.
Miền Trung
Bữa cơm đậm những món ăn dân dã mà ấm cúng. Mọi người sẽ được thưởng thức các món như nem chua, chả, tré, hay gỏi… và chiếc bánh tét gói bằng lá chuối thơm lừng mùi đậu xanh và gạo nếp.
Mâm cơm ngày Tết của người miền Trung thường đơn giản nhưng đầy đủ. |
Nhà nhà không thể thiếu món tôm chua thịt phay, nem bò lụi, chả tôm, gỏi vả. Tết ở miền Trung còn có món bò nấu thưng, thịt nạc rim và đặc biệt là món giò heo hon, giò heo ướp nghệ tươi giã nát, nấu liu riu đến khi mềm, cho thêm đậu phộng đã bóc vỏ, vừa béo vừa thơm, ăn với xôi trắng rất hợp.
Người Quảng Nam hay Đà Nẵng thì chuộng gà luộc, thịt heo luộc, bánh tét, món xào trong cỗ Tết. Bên cạnh đó, những món cuốn cũng được con người nơi đây ưu ái với cơ man biến thể như ram cuốn, gỏi cuốn, bánh ướt cuốn thịt nướng, bánh tráng cuốn thịt heo...
Miền Nam
Miền Nam có nhiều sản vật phong phú, thiên nhiên ưu đãi, lại thường xuyên có sự giao thương, giao thoa với nhiều luồng văn hóa Đông – Tây nên món ăn cũng đa dạng. Từ món ăn chínhđến các món ăn chơi. Ví dự món bánh tét ngoài nhân đậu xanh, thịt heo thông thường, người ta còn biến tấu ra các laoị như bánh tét lá dứa, bánh tét lá cẩm, bánh nhân chuối, nhân dừa, thập cẩm…. Đặc biệt, người ta còn thiết kế nhân bánh sao cho khi cắt miếng bánh ra có hình các chữ cái.
Tết miền Nam là sự giao thoa đa dạng. |
Mâm cơm với món thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt bên cành mai vàng rực, quả dưa hấu đỏ… là những món ăn ngày thường nhưng cũng không thể thiếu trong những ngày tết của người miền Nam. Món ăn phổ biến nhất trong ba ngày Tết của miền nam là thịt kho tàu, còn được gọi là thịt kho hột vịt hay thịt kho nước dừa. Một món ăn dân dã khác không thể không nhắc đến là khổ qua dồn thịt. Bên cạnh là một món ăn ngon miệng, có tác dụng thanh mát cơ thể, người miền Nam ăn món này đầu năm còn có ý nghĩa cầu mong mọi chuyện không vui sẽ qua đi, một năm tươi sáng sẽ đến với mọi gia đình. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến món tôm khô ăn với củ kiệu ngâm chua.
>> Muôn nẻo ngày Tết của người F tại Nhật Bản
Việt Nguyễn
Ảnh:VnExpress
Ý kiến
()