Ngày 20/9, Ban lãnh đạo FPT IS chính thức thông qua quy định về việc hỗ trợ đi lại và ăn trưa, áp dụng cho CBNV làm việc tại tòa nhà Tân Thuận 3, quận 7, TP HCM.
Theo đó, mỗi CBNV sẽ được hưởng hỗ trợ 300.000 đồng/tháng tiền đi lại. Mức hỗ trợ này không áp dụng cho những người hiện sinh sống tại quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè. Hình thức áp dụng sẽ chuyển trực tiếp vào lương hằng tháng của từng CBNV.
Cạnh đó, công ty cũng sẽ hỗ trợ ăn trưa cho những CBNV nhà Hệ thống mua suất ăn trưa tại canteen của tòa nhà với mức hỗ trợ khoảng 10.000 đồng/suất, giúp chi phí cho bữa trưa của anh chị em nhà Hệ thống thấp hơn so với mức giá tương đương trên thị trường tại khu vực quận 7.
Khu canteen của tòa nhà FPT Tân Thuận 3 đã thành hình. |
Đặc biệt, các CBNV mới được tuyển dụng cũng sẽ được hưởng chính sách ngay khi vào làm. Trường hợp nhân viên nghỉ thai sản, nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng, nghỉ ốm hoặc đi công tác từ một tháng trở lên sẽ không được hưởng các hỗ trợ trên. Các chính sách hỗ trợ trên sẽ được áp dụng kể từ ngày 16/10, thời điểm người Hệ thống bắt đầu chuyển về làm việc tại tòa nhà FPT Tân Thuận 3.
Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin về chính sách mới này, người nhà Hệ thống đã có nhiều ý kiến khác nhau, hầu hết vẫn còn nhiều băn khoăn về cách thức thực hiện và đối tượng được hưởng quyền lợi. Anh Lương Xuân Linh, FPT IS GMC, cho rằng đối với các CBNV thường xuyên phải di chuyển và không làm việc cố định như đơn vị GMC, công ty nên đưa mức hỗ trợ ăn trưa vào tiền lương hằng tháng. Cũng liên quan đến vấn đề hỗ trợ tiền ăn, anh Lê Văn Hoàng Trung, FPT IS ENT, cho rằng nên có mức giá trần suất ăn và đề xuất thời gian hoạt đồng trong hồ sơ mời thầu đối với nhà thầu canteen.
Nhiều CBNV thuộc FPT IS Service hay FPT IS PQA đề xuất nên linh hoạt hơn nữa trong chính sách hỗ trợ đi lại. Chị Nguyễn Thị Bạch Mai, FPT IS PQA, nhận định quãng đường từ quận 7 đến các địa điểm khác trong thành phố khá xa so với "nhà cũ" 96 Cao Thắng nên Ban lãnh đạo cần có chính sách hỗ trợ tiền đi lại cho nhân viên phải thường xuyên gặp gỡ khách hàng. Anh Tạ Văn Minh, FPT IS Service, cũng có ý kiến nếu xác định được địa chỉ của các CBNV thì nên có những mức hỗ trợ khác nhau thay vì một mức 300.000 đồng/người/tháng.
Việc không hỗ trợ đối với CBNV khu vực huyện Nhà Bè cũng khiến nhiều thành viên nhà Hệ thống cho là chưa hợp lý. Anh Huỳnh Lê Tuấn Đạt, FPT IS GMC, cho rằng đề xuất nên hỗ trợ chung tiền đi lại cho toàn bộ nhân viên vì huyện Nhà Bè cũng có khoảng cách khá xa.
Một trong những phương án đi lại được nhiều người nhà Hệ thống quan tâm là việc di chuyển bằng xe bus. Tuy nhiên, khoảng cách gần 3 km từ cổng KCX Tân Thuận vào đến tòa nhà mới khiến nhiều anh chị đề xuất phương án sử dụng xe trung chuyển. Anh Nguyễn Quốc Tuấn, FPT IS ENT, cho ý kiến nên có bãi giữ xe trước cổng KCX, các CBNV sẽ gửi xe tạm ở đây để chủ động ra vào. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tuấn Hùng - Phó TGĐ FPT IS, phương án này chưa khả thi do việc tổ chức bãi giữ xe ở cổng KCX là rất khó khăn.
Tất cả ý kiến trên đã được Ban lãnh đạo FPT IS tiếp nhận sau buổi Open talk. Những đề xuất này sẽ được xem xét và hồi đáp để người Hệ thống nhanh chóng ổn định trong thời gian dời về nhà mới ở tòa nhà FPT Tân Thuận
Tọa lạc tại lô B3, đường Sáng Tạo, khu E-office, KCX Tân Thuận (phường Tân Thuận Đông, quận 7), tòa nhà có diện tích xây dựng 1.634 m2 với tổng diện tích sàn dự kiến là 13.072 m2, đủ cung cấp chỗ làm việc cho khoảng 1.500-1.800 người. Theo kế hoạch, tất cả 7 đơn vị thành viên của FPT IS sẽ lần lượt chuyển về FPT Tân Thuận 3. Hiện tại, nhà mới đã hoàn thiện phần xây dựng cơ bản và đang lắp đặt nội thất với 7 tầng lầu và một tầng hầm làm nhà gửi xe. Trong đó, lầu 6 sẽ được sử dụng làm canteen phục vụ ăn trưa cho khoảng 1.200 người với thiết kế tương tự khu nhà ăn lớn của tòa nhà FPT Tân Thuận 2. |
Trần Vũ
Ý kiến
()