Chúng ta

Giáo viên THPT FPT: 'Môn Lịch sử không còn là ác mộng'

Thứ tư, 28/11/2018 | 16:03 GMT+7

"Những bài giảng Lịch sử bằng ứng dụng powerpoint hay proshow với chi chít hình ảnh đen trắng không còn xuất hiện trong các tiết dạy của tôi 2 năm nay. Học sinh bắt đầu cảm thấy thú vị với môn lịch sử", anh Nguyễn Đăng Tuyên, giáo viên THPT FPT chia sẻ trong buổi triển lãm poster tại FPT Educamp 2018.

Trong buổi triển lãm poster FPT Educamp 2018, một chiếc poster với tông màu xanh nhạt, chi chít chữ, không nổi bật nhưng đã thu hút đông người tham dự. Với mô hình triển lãm poster lần đầu tiên áp dụng, đây không phải là con số nhỏ. Thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Tuyên, Trường THPT FPT, miệt mài trình bày sáng kiến áp dụng công cụ mới vào môn Lịch sử cho từng nhóm người đến tham quan.

Educamp27-6428-1543327659.jpg

Thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Tuyên - Giáo viên Lịch sử trường THPT FPT. Ảnh: Trâm Nguyễn. 

Đối với thầy giáo trẻ, việc tạo được sự hứng khởi cho học sinh khi học Lịch sử đã là một thành công. Học sinh không buồn ngủ, ngáp ngắn hay dài trong giờ học là điều thầy cảm thấy hạnh phúc. “Lúc mới về trường, tôi áp dụng các phương pháp mới để thu hút sự tập trung của học sinh nhưng đều thất bại”, anh Tuyên kể. Mong muốn học sinh có được niềm vui khi học Lịch sử, anh Tuyên cố gắng chắt lọc, tìm kiếm những video trên Internet nhưng không phù hợp với mục đích giảng dạy của mình. Nam giáo viên trẻ quyết định tự làm video nhưng các phần mềm như proshow quá nặng và hạn chế hình ảnh phù hợp, chủ yếu là đen trắng nên sự hứng thú không được duy trì lâu.

Dành nhiều thời gian tìm hiểu và học hỏi, thầy giáo trẻ đã biết đến công cụ hỗ trợ bài giảng sinh động hơn phần mềm làm video. Sản phẩm có tên Powtoon. “Bài toán về những cái "ngáp ngủ" của học sinh đã được giải quyết gần như triệt để”, thầy Tuyên bật mí cùng nụ cười hiền hậu.

Educamp24-8342-1543327659.jpg

Video dạy môn Lịch sử của thầy Tuyên được nhiều người chú ý. Ảnh: Trâm Nguyễn.

Powtoon cho phép người dùng thỏa mái tạo dựng video online hoàn toàn miễn phí. Học qua video sẽ giúp học sinh có nhiều cảm hứng và dễ nhớ hơn. Powtoon là sự kết hợp giữa powerpoint và proshow, nhưng được trang bị nhiều hình ảnh, phông nền hấp dẫn, dễ thu hút sự chú ý.

Cạnh đó, người dùng có thể chèn ghép ảnh, nhạc, video hay thu âm trực tiếp lời bình trên hệ thống của ứng dụng. Theo anh Tuyên, điểm hấp dẫn của ứng dụng này là thao tác tạo video nhanh, hình ảnh hấp dẫn, làm online mọi lúc mọi nơi. “Phần mềm proshow phải tải về máy rất nặng và không thể tự động lưu trữ khi đang làm việc. Trong khi đó, Powtoon hoạt động online. Trường hợp mất điện, hệ thống sẽ lưu trữ trên 90% dữ liệu vừa tạo”, anh giáo trẻ chia sẻ.

Để hoàn thành một video dài 3 phút thường sẽ mất 4-5 giờ, bao gồm việc tìm kiếm hình ảnh, video chèn thêm. Phần mềm Powtoon cho phép video dài dưới 5 phút, nếu muốn dùng thêm, bắt buộc phải mua. Tuy nhiên, việc xuất video khá linh động. Sau khi tạo dựng xong, người dùng có thể xuất trực tiếp lên Youtube/Facebook, tải về máy với định dạng Mp4.... Thậm chí có thể chuyển video thành powerpoint.

Educamp30-9097-1543327659.jpg

Không gian triển lãm trở nên náo động nhờ bài thuyết trình hữu ích của thầy Tuyên. Ảnh: Trâm Nguyễn. 

Giọng thầy giáo trẻ trầm ấm cứ vang mãi trong không gian rộng của tòa nhà Beta (ĐH FPT): “Sau mỗi bài giảng trên lớp, việc tổng kết lại lượng kiến thức cho học sinh là điều quan trọng. 12 môn học nếu như người nào cũng tổng kết theo phong cách truyền thống, các em sẽ thấy nhàm chán và thậm chí không thể nhớ hết”. Do vậy, với những video này, anh Tuyên tin rằng học sinh sẽ thấy hứng thú mỗi khi có tiết học Lịch sử.

Trước đó, anh Tuyên chỉ có thể sử dụng những hình ảnh với hai tone màu đen - trắng trong các video bắt đầu và kết thúc bài học nên không tránh khỏi sự nhàm chán và thiếu tập trung của học sinh.

Lê Giang, lớp 11 trường THPT FPT, là học sinh hiếm hoi xuất hiện tại FPT Educamp 2018. Từng là học sinh của thầy Tuyên năm lớp 10, Giang chia sẻ: “Môn Lịch sử học khó nhớ nhưng nếu được kết hợp với các hình ảnh màu sắc, gần gũi thì rất dễ. Chúng em thường được xem các video ngắn về Lịch sử, điều này giúp em nhiều trong việc nhớ và ôn bài cuối kỳ”. Bên cạnh đó, Giang cũng tiết lộ, ngoài những video của thầy Tuyên, học sinh trong lớp còn được trải nghiệm tạo những video tương tự như thế vừa tăng khả năng tìm hiểu vừa sáng tạo.

Để tạo được một video tóm tắt, bắt buộc học sinh phải đọc toàn bộ bài học và tự tìm tòi tất cả hình ảnh/video liên quan để hiểu, sau đó diễn đạt bằng video. “Kỹ năng làm video, linh hoạt trong suy nghĩ tạo kịch bản của giáo viên và học sinh cũng được rèn luyện. Tôi thực sự tâm đắc với công cụ này”, anh Tuyên chia sẻ. 

Sảnh tòa nhà Beta vì thế mà náo động hơn, cô Lê Thị Mừng, giáo viên Địa lý THPT FPT, cho biết: “Công cụ này nếu áp dụng trong môn Địa lý sẽ hữu ích vì nhiều hình ảnh. Các thao tác làm đơn giản, quan trọng là vẫn xuất ra được Powerpoint hay file PDF, Youtube… vượt trội hơn các công cụ khác”.

Qua sự kiện, anh Tuyên cũng hy vọng công cụ này được áp dụng phổ biến hơn trong các môn học tại các trường, đặc biệt là THPT FPT - ngôi trường xuất phát từ tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Với vai trò là giáo viên trong thời đại 4.0, anh Tuyên "mong muốn trở thành người đón đầu xu hướng 4.0 để truyền lửa cho học sinh của mình".

Không dưới 5 nhóm đề nghị anh Tuyên chia sẻ lại nhiều lần về công cụ Powtoon, vì không chỉ hữu ích cho môn Lịch sử, Địa lý… mà các môn khoa học tự nhiên cũng hoàn toàn áp dụng được. Ví dụ môn Hóa học, giáo viên có thể quay video làm thí nghiệm hướng dẫn học sinh rồi chỉnh sửa bằng Powtoon…

FPT Educamp diễn ra từ 8h30-17h30 ngày 25/11, với sự tham gia của hơn 300 khán giả làm việc trong ngành giáo dục. Sự kiện kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục để chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Education nói riêng. Sự kiện lần đầu tiên triển khai hình thức Hội thảo không gian mở và Triển lãm poster tăng sự tương tác giữa diễn giả và người tham dự. 

FPT Educamp 2018 là mùa thứ 5, kể từ 2014. Mỗi năm, FPT Education đều mang đến những chủ đề theo đúng xu hướng và thiết thực với nền giáo dục hiện tại. Năm 2014 - “Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Năm 2015 - “Vận hành tổ chức giáo dục”. Năm 2016 - “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục”. Năm 2017 - “Tự học và trải nghiệm”. Mùa thứ 5 tổ chức, chương trình đạt con số kỷ lục về lượng bài tham luận - 52 bài.


Hà Trần

Ý kiến

()