Chúng ta

Giám đốc Fshare: 'Đừng ngại làm việc ở mức 20 triệu khi doanh nghiệp chỉ trả 10 triệu'

Thứ sáu, 26/10/2018 | 16:23 GMT+7

“Khi còn là lập trình viên, tôi đã chuẩn bị trước các kỹ năng để khi có cơ hội thăng tiến là chộp lấy, luôn suy nghĩ và làm việc với thái độ của người ở vị trí cao hơn”, Giám đốc dự án Fshare - anh Đặng Thái Anh Minh bật mí.

Tại FPT Tour diễn ra ở Tòa nhà FPT Tân Thuận 2 vào ngày 25/10, Giám đốc dự án Fshare Đặng Thái Anh Minh (Ban Dự án FPT Telecom) đã truyền lửa cho 60 sinh viên Cao đẳng Công nghệ thông tin TP HCM bằng những câu chuyện, kinh nghiệm xương máu của chính mình. 

Mở đầu bằng câu hỏi: “Các bạn thấy anh có trẻ không?” gây thích thú và sự chú ý cho sinh viên, bởi ở độ tuổi rất trẻ, anh Nguyễn Thái Anh Minh đã có nhiều trải nghiệm. 

Ngồi trò chuyện cùng sinh viên, anh nhớ lại khoảng thời gian 10 năm trước khi còn ngồi trên ghế nhà trường. “Chúng ta ai cũng có những ước mơ, hoài bão, mong muốn thu nhập tốt, làm điều hay cho xã hội. Tôi hy vọng những câu chuyện sắp kể sẽ tạo động lực, định hướng, giúp các bạn có hành trang, có những chiêm nghiệm và định hướng  rõ ràng hơn về con đường sắp đến”. 

Dang-Thai-Anh-Minh-1-5136-1540539885.jpg

Cách tư duy, thái độ tiếp cận kiến thức cho sinh viên công nghệ từ lời khuyên của Giám đốc Fshare. 

Anh cho hay, FPT Telecom có rất nhiều mảng công việc, trong đó có công nghệ. Anh chúc mừng các bạn đang theo đuổi công nghệ thông bởi đây là ngành mũi nhọn của đất nước và thế giới, đặc biệt khi Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang đang len lỏi trong đời sống, thay đổi cách giao tiếp, quản trị của con người.  

Đầu tiên, với góc độ một người làm trong lĩnh vực công nghệ, anh Đặng Thái Anh Minh phân tích thái độ tư duy, tiếp cận thông tin đúng đắn cho những sinh viên công nghệ. Theo anh, trong CMCN 4.0, là người tìm hiểu về công nghệ, rất cần thiết hiểu được các định nghĩa và tác động của các khái niệm mới đang là xu hướng như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data),...

Giám đốc Fshare đưa ra ví dụ, khi tra cứu về một vấn đề, rất nhiều thông tin tương tự được “bày” ra kèm theo sau đó, có người tự hỏi sao tin tức toàn đen tối, u buồn hay người khác lại thấy toàn những điều tốt đẹp, đây là minh chứng cho việc dữ liệu hành vi người dùng đã được nhà cung cấp dịch vụ thu thập. “Khi bắt gặp một kiến thức, phải hiểu được tại sao như vậy. Nếu không hiểu người dùng không thể làm ra sản phẩm”, anh Minh đưa ra cách tiếp cận kiến thức cho các sinh viên có mặt trong buổi chia sẻ, “Công nghệ giải quyết những vấn đề xã hội, và người học công nghệ phải đứng trên góc độ người làm ra sản phẩm. Ai có tư duy tìm hiểu, học hỏi sẽ có nhiều cơ hội hơn”.

Dang-Thai-Anh-Minh-4-5288-1540539885.jpg

Thái độ đúng đắn sẽ dẫn đến thăng tiến trong công việc. 

Đã từng trải qua thời sinh viên với nhiều hoài bão, anh đánh giá quãng thời gian ngồi trên giảng đường đại học vô cùng quý giá, bởi nơi đây cung cấp những kiến thức nền tảng. “Đi học hiểu hết các kiến thức nền tảng, ra đời mới hiểu các kiến thức phức tạp hơn”, anh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, anh Đặng Thái Anh Minh cũng khuyên sinh viên nên tìm kiếm cơ hội làm việc từ khi đi học. Riêng bản thân anh đã bắt đầu sự nghiệp từ năm 3, năm 4 bằng các việc làm thêm, bởi lúc đó anh “nghe đồn” doanh nghiệp cứ cần người có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường lấy đâu ra?! “Nhiều bạn sinh viên còn thơ ơ và dễ giải, luôn có tư tưởng còn thiếu kinh nghiệm thì có quyền được làm việc một cách thiếu trách nhiệm, muốn làm sao cũng được, ì ạch không chịu học hỏi, tiến bộ”, anh nhìn nhận và khuyên “Đã là người đi làm hãy có trách nhiệm với công việc mình nhận”.

Kể về câu chuyện của chính mình, trước khi vào FPT Telecom, start-up một trang thương mại điện tử thất bại là một trải nghiệm quý trong cuộc đời và đây cũng là kiến thức anh muốn chia sẻ lại. Thất bại bởi thời điểm đó, ai cũng nghĩ nhập điều gì trên web là bất hợp lý. Từ đó, anh Minh nhận định làm bất cứ việc gì cũng phải đúng thời điểm. “Nếu các bạn muốn start-up hoặc nhen nhóm ý tưởng  làm ra sản phẩm nào đó thay đổi thế giới, hãy chuẩn bị đầy đủ kiến thức: tài chính, nhân lực, đưa ra thị trường như thế nào”, Giám đốc Fshare rút ra từ thất bại của chính mình. Chẳng hạn, Google ra điện thoại cảm ứng trước năm 2000 thất bại vì ai cũng nghĩ “điện thoại phải có nút bấm”, trong khi iPhone ra điện thoại cảm ứng vào năm 2007 cực kỳ thành công. “Có ý tưởng nhưng trên hết phải định hình khả năng, nhu cầu của người dùng”, anh khuyên từ thất bại của chính mình. 

Dang-Thai-Anh-Minh-2.jpg

Anh Đặng Thái Anh Minh làm lập trình 3 năm được bổ nhiệm vị trí Phó phòng, 2 năm lên Trưởng phòng và 1-2 năm sau đó là Giám đốc Dự án. 

Bên cạnh đó, xu hướng công việc hiện nay, muốn làm được một sản phẩm phải vận dụng nhiều kỹ năng khác nhau, đừng bao giờ chỉ biết mỗi chuyên môn của mình, hãy liên tục bồi dưỡng những kỹ năng bổ trợ. Chẳng hạn, đối với các sinh viên theo ngành thiết kế đồ họa nên học thêm về ux/ui, đặc biệt, học và làm theo tư duy sáng tạo bởi hiện máy móc đã làm được những công việc thiết kế, nhà thiết kế cần không ngừng sáng tạo và tư duy đúng khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ máy bóc.

Ngoài ra, anh Minh đánh giá kiến thức, kỹ năng, thái độ phải đi cùng nhau. Trong đó, thái độ là điều cực kỳ quan trọng. Anh đặt câu hỏi: “Bạn có sẵn sàng làm ở mức 20 triệu nếu doanh nghiệp trả lương 10 triệu?”, cả hội trường im lặng. Anh phân tích, doanh nghiệp trả lương 10 triệu, nhiều người luôn nghĩ làm ở mức 8 - 10 triệu là công bằng, họ nghĩ “công ty trả thấp thì lý do gì phải làm nhiều”. Nhóm người này sẽ luôn tự hỏi: “Sao mãi không thấy công ty tăng lương”. Anh Đặng Thái Anh Minh nhận định lối suy nghĩ và thái độ này giúp tiết kiệm được chút thời gian, công sức, không phải lao tâm lao lực nhưng đồng nghĩa kiềm hãm khả năng phát triển của mình. 

“Chẳng ai đi giao cho bạn một công việc, trách nhiệm, mức lương mà bạn không có khả năng đạt được mức đó”, anh giải thích, “Khi công ty trả lương 10 triệu, bạn làm gấp đôi yêu cầu, tức là bạn đang tích lũy kinh nghiệm, khả năng đáp ứng, kiến thức, trình độ phát triển của người làm ra 20 triệu mỗi tháng”. Anh tóm lại hãy cho doanh nghiệp thấy mình đáp ứng được yêu cầu trước, đến một ngày, công ty sẽ nhận ra và trao cơ hội. “Khi còn là lập trình viên, tôi đã chuẩn bị trước các kỹ năng để khi có cơ hội thăng tiến là chộp lấy, luôn suy nghĩ và làm việc với thái độ của người ở vị trí cao hơn”.

Dang-Thai-Anh-Minh-3-2938-1540539885.jpg

Những kinh nghiệm đúc kết từ chính thất bại của bản thân anh Đặng Thái Anh Minh. 

Đồng thời, hãy cho doanh nghiệp thấy được sự thay đổi của bản thân, luôn thể hiện mong muốn cố gắng và đạt được mục tiêu, hôm nay gặp khác và 6 tháng sau gặp phải khác. “Hoặc nếu công ty có “lừa” bạn thì cũng không được bao lâu, khi ấy, bạn có quyền bước đi ra ngoài và sẽ có vô số cơ hội phù hợp với năng lực đã được tích lũy”, anh giả dụ tình huống xấu nhất khi công ty “giả vờ” không nhìn thấy.   

Anh Đặng Thái Anh Minh làm ở FPT Telecom 2 năm lên vị trí Trưởng nhóm, 2 năm sau lên Phó phòng, sau đó anh chuyển qua Ban dự án vẫn làm Phó phòng thêm 1 năm, vị trí Trưởng phòng đang chuẩn bị được đề bạt là được đề cử lên luôn vị trí Giám Đốc sản phẩm Dự án Fshare. “Thất bại luôn xảy ra 2 lần - 1 lần trong đầu và 1 lần trong thực tế. Hãy tự kích thích và tạo động lực cho mình, suy nghĩ theo hướng sẽ làm được thì các bạn sẽ thành công”, anh Đặng Thái Anh Minh trải lòng trước khi kết thúc phần chia sẻ. 

>> Lời khuyên tại FPT Tour giúp em định hình ước mơ

Xuân Phương

Ý kiến

()