Nhiều năm nay, ngành giáo dục nước nhà không hiếm chuyện phụ huynh “chi mạnh” để tạo được thiện cảm với giáo viên. Và mỗi dịp ngày 20/11, nhiều phụ huynh phải đau đầu chuyện tặng quà. Từ đó dẫn đến hệ lụy “Nặng nghĩa vụ, nhẹ tri ân”, hành động tặng quà bằng phong bì cho giáo viên dần được “phổ thông hóa”.
Trong thư ngỏ mới đây, Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy bày tỏ sự cảm kích trước những tình cảm, sự động viên của các phụ huynh đã dành cho đội ngũ cán bộ - giáo viên toàn trường. Nhưng tri ân cũng có nhiều phương thức. Nhà trường đề cao việc tri ân bằng những món quà tinh thần, xuất phát từ trái tim, sự đồng hành và chia sẻ hơn là quà tặng mang tính vật chất.
Nhà trường nêu quan điểm: “Chúng ta đang hướng đến một môi trường học tập hạnh phúc. Ở nơi đây, năng lượng tốt lành được lan tỏa từ quý vị phụ huynh, từ quý thầy cô tới cho từng con trẻ. Và để niềm hạnh phúc đó được lưu giữ mãi, cần có một sự thống nhất trong quan điểm của sự tri ân. Chúng ta hãy cùng nói không với những quà tặng vật chất, chúng ta hãy cùng nói không với phong bì”.
Nhà trường mong muốn phụ huynh thấu hiểu và ủng hộ với tinh thần này của nhà trường. Ảnh: Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy |
Đối với nhà trường, sự đồng hành, chia sẻ của phụ huynh, lòng biết ơn và tri ân từ học sinh là món quà ý nghĩa nhất đối với các cán bộ, giáo viên Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy. Tinh thần này của nhà trường cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người công tác trong ngành giáo dục và phụ huynh học sinh.
Văn hóa “nói không với quà cáp, phong bì” từ lâu đã được nhà trường phổ biến rộng rãi tới toàn thể giáo viên và phụ huynh học sinh. Và mỗi dịp lễ hàng năm, tinh thần này được nhắc lại một lần nữa. Chị Phạm Ngọc Hằng (Trưởng phòng Tổ chức và Quản lý Đào tạo, Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy) đánh giá đây là một hoạt động cần thiết và ý nghĩa. Điều này giúp cho cả 3 đối tượng: phụ huynh, học sinh và nhà trường giảm bớt nhiều áp lực vô hình, và có thể dành những tình cảm trong sáng, mộc mạc, chân thành nhất cho nhau.
Thông qua đó, nhà trường hướng đến mục tiêu giúp học sinh nhà F hiểu rằng, có những điều quan trọng, đáng quý hơn vật chất rất nhiều. Trong những ngày chuẩn bị cho dịp lễ 20/11, học sinh trường F thường xuyên được tham gia các dự án xoay quanh chủ đề “Ngày nhà giáo Việt Nam”. Cụ thể, trong bộ môn Mỹ thuật, học sinh được cùng nhau khắc họa những bức tranh về thầy cô; trong bộ môn Tin học, học sinh được sáng tạo những thiết kế về người thầy của mình,=… “Còn gì đẹp hơn những món quà tinh thần nhưng nuôi dưỡng tâm hồn, vun đắp kỷ niệm của các con trong quãng đời cắp sách đến trường như vậy”, chị Hằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng từng có những quyết định được nhiều học sinh, phụ huynh ủng hộ nhiệt tình. Đơn cử như lễ tựu trường vào tháng 9 vừa rồi, thầy và trò trường nhà F đã cùng nhau “nói không với bóng bay”. Cụ thể, trường bỏ hoàn toàn nghi lễ thả bóng bay trong lễ khai giảng năm học mới với mục đích bảo vệ môi trường.
Không riêng Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy, tinh thần “nói không với quà biếu” từ lâu đã ngấm sâu trong máu của người FPT. Thực tế, tinh thần này là nét đẹp được duy trì bao lâu nay ở FPT và đã được nâng lên thành văn hóa doanh nghiệp. Mỗi dịp Tết cổ truyền, lãnh đạo cao cấp tập đoàn đều gửi email đến cán bộ, nhân viên để quán triệt tinh thần không biếu quà Tết cho sếp dưới mọi hình thức.
Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT, là trường học hoạt động theo mô hình bán trú. FPT Schools luôn hướng tới sứ mệnh “Cung cấp năng lực cạnh tranh cho người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước” dựa trên hệ giá trị cốt lõi gồm 5 yếu tố: tri thức, nhân cách, kỹ năng, tự lập và bản lĩnh. |
Khánh Linh
Ý kiến
()