Chúng ta

FPT IS lần đầu vào chung kết iKhiến, đối đầu FPT Software

Thứ năm, 2/1/2020 | 20:11 GMT+7

Mùa iKhiến thứ ba chứng kiến màn bứt phá ngoạn mục của nhà Hệ thống FPT khi sản phẩm FPT.Fortuna xuất sắc vượt qua vòng Bán kết để tranh tài cùng akaBot của FPT Software tại Gala Chung kết iKhiến 2019, sẽ diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.

Sáng nay (ngày 2/1), vòng Bán kết iKhiến đã diễn ra với 9 sáng tạo giành giải Vàng trong 8 số, bao gồm: Nền tảng akaDev - FPT Software; Hệ thống CodeLearn - FPT Software; Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng viễn thông (DIP) - FPT Telecom; Nền tảng akaBot - FPT Software; Hệ thống Auto Network Operation - FPT Telecom; Máy POS - Hóa đơn điện tử - FPT Telecom; Giải pháp ký hợp đồng điện tử xác thực bởi chữ ký số FPTe.SignCloud - FPT IS, HiFPT 5.0 - FPT Telecom; và Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT.Fortuna - FPT IS.

Sau hơn 3 tiếng làm việc, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 2 sản phẩm giành được số điểm cao nhất. Đó là Nền tảng akaBot - FPT Software; Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT.Fortuna - FPT IS.

12-6724-1577970212.png

Anh Phạm Minh Tuấn (FPT IS) là tác giả sáng tạo FPT.Fortuna. Ảnh: Hà Trần.

iKhiến 2019 là mùa ấn tượng nhất đối với FPT IS. Mùa đầu tiên đơn vị giành giải Vàng và có cơ hội tranh tài tại Gala Chung kết 2019. Hạnh phúc và bất ngờ là cảm xúc của anh Phạm Minh Tuấn - Khối Chính phủ điện tử (FPT IS), tác giả Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT. Fortuna. Theo anh Tuấn, sản phẩm Fortuna của nhà Hệ thống có hai điểm sáng tạo: Cách tiếp cận vấn đề và cách xử lý. “Các sáng tạo iKhiến hầu hết đều giải quyết các bài toán cũ nhưng cách tiếp cận khác nhau. Fortuna nổi bật cách tiếp cận và giải quyết theo hướng chia nhỏ và tích hợp”, anh Tuấn tự tin nhận định khi so sánh cùng các sản phẩm khác. Sản phẩm là công cụ nhằm xây dựng kho dữ liệu chung, đáp ứng nhu cầu điều hành.

Hiện sáng tạo được ứng dụng trong dự án tích hợp, xử lý cơ sở dữ liệu của TP HCM. Sau 2 năm, sáng tạo đã tích hợp, cập nhật hàng ngày gần 1.000 GB dữ liệu. Cơ quan quản lý chỉ cần một nhân viên giám sát nền tảng và hơn 1 giờ để xuất báo cáo thay vì 2 người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý 1 GB dữ liệu. Hết năm 2019, tổng doanh thu của dự án gần 2 triệu USD.

Trong quý I/2019, đơn vị mở rộng thị trường không chỉ tập trung khối Chính phủ mà còn chuyển sang khối Doanh nghiệp, tham gia giải quyết các bài toán lớn của quốc gia.

Đối với nền tảng akaBot của tác giả Bùi Đình Giáp, sáng tạo được triển khai trong bối cảnh RPA (Robotic Process Automation - Tự động hóa quá trình robot) trên thị trường phát triển nhanh và nhu cầu tự động hóa hàng trăm quy trình nghiệp vụ khối đảm bảo (backoffice), giúp tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất, giảm sai sót.

13-3231-1577970212.png

Anh Bùi Đình Giáp - FPT Software mong muốn sản phẩm akaBot mở rộng thị trường hơn. Ảnh: Hà Trần.

Sản phẩm gồm ba thành phần, trong đó akaBot Studio dành cho người không biết lập trình có thể tự thiết kế hệ thống bằng cách kéo thả. akaBot Center dành cho operator có chức năng tạo lập hệ thống vận hành, điều phối và akabot Agent tự động thực thi các quy trình nghiệp vụ đã được thiết kế, có thể chạy được cả trên máy ảo, máy local PC. Hiện akaBot có khả năng thay thế mọi công việc khối back office.

Sản phẩm hoạt động từ tháng 7/2018 tại các bộ phận hỗ trợ của FPT Software. Ngoài ra, akaBot được sử dụng tại một số công ty của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu. Mới đây, akaBot đã ký được hợp đồng license lớn nhất FPT đến thời điểm này. Trong thời gian tới, nền tảng akaBot sẽ tập trung vào bán hàng mở rộng và đa dạng khách hàng hơn.

Để giành được giải Sáng tạo của năm 2019, hai nhóm tác giả sẽ phải trải qua 2 vòng thi nhằm thuyết phục hội đồng thẩm định lý do sáng tạo của mình xứng đáng đoạt giải. Gala chung kết iKhiến sẽ diễn ra ngày 8/1 tới.

Trước đó, năm 2018, Hệ thống dịch thuật trí tuệ nhân tạo AMT - Akaminds Machine Translation của nhóm tác giả Trần Việt Hùng - Đặng Khải Hoàn (FPT Software) và Chương trình cảnh báo khách hàng rời mạng của nhóm tác giả Võ Thị Hồng Phương (FPT Telecom) lọt vào chung kết iKhiến. Chung cuộc, đại diện nhà 'Cáo' ẵm trọn giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng và 50 triệu đồng tiền thưởng của đơn vị. Năm 2017, Vô địch iKhiến cùng gọi tên Mở két của nhóm tác giả Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Long, Đặng Anh Vũ (FPT Telecom) và SSC Portal, tác giả Tô Trọng Hiếu (FPT Software). Cả hai nhóm tác giả đều được thưởng 70 triệu đồng.

iKhiến là giải thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo.

Tại iKhiến mùa 3, BTC trao giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến Khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số sẽ nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng và Không khiến nhận 1 triệu đồng.

Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng.

Hà Trần

Ý kiến

()