Ngay phần đầu, chung kết i Khiến gây ấn tượng với khán giả về cách chọn giám khảo. Ban đầu, dự kiến Ban giám khảo gồm 7 người. Sau khi những cái tên được xướng, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng có 3 giám khảo ‘bị vướng’. Người đứng đầu kiêm Chánh chủ khảo đã chỉ định 3 nhân vật mới: COO FPT Retail Nguyễn Thị Thu Hà, đại diện FPT Trading Nguyễn Thanh Bình và Trưởng ban Truyền thông Bùi Nguyễn Phương Châu. 4 Giám khảo còn lại là Chủ tịch Trương Gia Bình, CEO Bùi Quang Ngọc, CTO Lê Hồng Việt và COO Hoàng Việt Hà.
Chung kết i Khiến có sự tham dự của Lãnh đạo tập đoàn, các công ty thành viên và đông đảo người nhà F. |
Phần thi play-off này, Ban tổ chức khuyến khích hai đội tập trung vào những giá trị, lợi ích mà sản phẩm mang đến cho cộng đồng, xã hội, người dùng. Nhiệm vụ của hai nhóm tác giả là trình bày những điểm nhấn nổi bật, từ đó có cơ sở thuyết phục hội đồng đánh giá, chấm điểm. Sau vòng bốc thăm, "Mở két" thi đầu tiên.
Chia sẻ trước phần thi, anh Tô Trọng Hiếu, chủ nhân của SSC Portal, tiết lộ dù hôm nay là đối thủ của nhau trên sàn đấu nhưng cách nay khoảng 10 năm, anh Hiếu và anh Dũng cùng chơi nhạc chung trên sân khấu. “Tôi chơi bass, còn Dũng chơi trống”, anh Hiếu cho hay.
Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT Đinh Tiến Dũng, đồng tác giả "Mở két", lý giải việc lần đầu xuất hiện tại iKhiến: “Ngoài công việc, tôi vẫn có chút ảnh hưởng đến truyền thông nên không xuất hiện để tránh ảnh hưởng”, anh Dũng bày tỏ. “Hôm nay, sản phẩm đã vào đến chung kết, là sự thành công thực sự nên tôi mới xuất hiện bởi là một phần của sáng tạo”.
Vòng 1, với thời lượng 10 phút, lần lượt các tác giả sẽ thuyết phục vì sao sáng tạo của mình xứng đáng đoạt giải và trả lời câu hỏi của tác giả còn lại. Ảnh hai tác giả Mở két gồm: Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Long trình bày phần thi. Đồng tác giả Đặng Anh Vũ bận việc nên xin vắng. |
Theo anh Dũng, sản phẩm giúp việc tương tác với Tivi một cách dễ dàng nhất. Với 54 số đã lên sóng thu hút 1.500.000 lượt người chơi và 2.500.000 lượt xem. “Không chỉ trò chơi, đây là sự trải nghiệm công nghệ. Chúng tôi muốn nhấn mạnh về vai trò tiên phong”, Giám đốc sáng tạo Truyền hình FPT khẳng định.
“Ngày xưa chúng ta có nhiều game hay, như Chiếc nón kỳ diệu,... là những trò chơi tiên phong thời điểm đấy. Nhưng cuối cùng cũng nhạt vì cũng chỉ là game. Vậy 'Mở két' có lời nào cho câu trả lời về sau”, anh Hiếu đặt câu hỏi cho đối thủ.
Phản hồi, anh Dũng cho rằng dù là game Truyền hình nhưng khác với nhiều chương trình, người chơi Mở két không cần phải đến điểm thi. “Thay vào đó, người chơi ngồi ở đâu cũng chơi được. Giải thưởng là tiền tươi - thóc thật ngay khi đoạt giải”, anh Dũng nói. “Chúng tơi đang thiết kế 'Mở két' 2-3-4 vào 2018 theo xu hướng mọi người có thể chơi lúc nào cũng được”.
Tool hóa dịch vụ nội bộ từ chính người trong cuộc với quy trình đặc thù Việt Nam là nơi ứng dụng có dịp phô diễn hết những điểm mạnh. Nghĩ ra ý tưởng đã không dễ thì khi bắt tay vào làm lại càng khó hơn. Xuất thân là kỹ sư Điện tử - Viễn thông và lĩnh vực chuyên môn là CNTT nhưng anh Hiếu không biết code - lập trình. Owner - chủ nhân ý tưởng chứng minh tính logic của ứng dụng bằng Excel. |
“Khi xưa các bạn cùng ban nhạc, hay hôm nay chúng ta chia đều 70 triệu giải thưởng cho bass, trống được không?”, Chủ tịch Trương Gia Bình đặt câu hỏi cho hai chủ nhân sáng tạo.
“Đây là câu chuyện của Ban tổ chức và bọn em đồng ý nếu mỗi đội đều được chia 70 triệu đồng”, anh Đinh Tiến Dũng trả lời trong tràng vỗ tay đồng ý của anh Hiếu và khán giả.
Phần thi của anh Tô Trọng Hiếu dẫn dắt khán phòng về tình cảnh nhà Phần mềm 10 năm trước, “Khi ai cũng làm tốt công việc cá nhân nhưng đến khi phải kết nối/tương tác là gặp khó”. Những trải nghiệm về quy trình dịch vụ nội bộ tốn thời gian và nguồn lực đã nảy sinh ý tưởng về một tool giúp đỡ việc xử lý tác vụ trở nên đơn giản hơn
Theo anh Hiếu, ở nước ngoài, bài toán về quy trình tác vụ - Workflow - được giải từ rất lâu rồi. Nhưng khi các hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning - quản trị nguồn lực doanh nghiệp) vào Việt Nam, kể cả FPT, chỉ mới áp dụng một phần về nhân sự, tài chính. Và dịch vụ nội bộ thuộc dạng đặc thù. Thế giới có nhiều tool, nhưng ở FPT áp dụng rất hạn chế. Tất cả đều sẵn sàng nhưng chưa đến “điểm-cần-tới”, đó là cơ duyên khiến anh Hiếu bắt tay vào làm SSC Portal.
Chủ tịch Trương Gia Bình gợi ý hai đội cùng cưa đôi giải thưởng. |
“Đấy chính là khe cửa hẹp mà tôi muốn hóa giải. Từ khóa là nhỏ, gọn, làm được ngay và phải tương thích”, chủ nhân SSC Portal đặt đề bài cho chính mình. Khi đưa vào sử dụng, đồng nghiệp rất cảm kích.
“Khi ra Hà Nội dự iKhiến, tôi lần đầu dùng SSC Portal để request (yêu cầu) các dịch vụ nội bộ nhưng đến FAF (Ban Tài chính) bị tắc, phải in giấy duyệt. Rồi tool cũng không tự động xử lý các yêu cầu về xe, khách sạn…”, anh Nguyễn Văn Long, đồng tác giả Mở két nêu chất vấn.
“Bữa nào tôi mời anh đến văn phòng FPT Software để trải nghiệm các tác vụ tự động được giải quyết mượt mà, trôi chảy”, anh Hiếu trả lời bằng một đề nghị. Anh Hiếu khẳng định, sản phẩm đã hoàn thiện. Với mỗi đơn vị mới, kể cả trong hay ngoài FPT, bộ phận liên quan chỉ cần "vẽ" quy trình là sử dụng được ngay. Và độ mượt của SSC Portal phụ thuộc vào “cách vẽ” của đơn vị.
Hai đội thi đều mang đến lượng cổ động viên đông đảo và nhiệt tình. |
“Tôi có hai bí mật: SSC Portal không là tool đơn thuần, đó là tình cảm, là đam mê. Và từ giải bài toán liên phòng ban, nay sản phẩm đang hướng tới bên ngoài biên giới Việt Nam”, anh Hiếu bổ sung.
Ban đầu, khi tổng điểm của giám khảo và bình chọn online được công bố, iKhiến gọi tên SSC Portal. Tuy nhiên, sau khi tranh luận và mổ xẻ, Ban tổ chức quyết định iKhiến mùa đầu tiên vinh danh hai giải Vàng là Mở két của Truyền hình FPT (thuộc FPT Telecom) và SSC Portal (FPT Software). Mỗi sáng tạo nhận được 70 triệu đồng.
Bass và trống cùng nhận phần thưởng bằng nhau như gợi ý ban đầu của Chủ tịch Trương Gia Bình, nhưng số tiền gấp đôi. Đây cũng là mức thưởng kỷ lục cho các giải sáng tạo nhà F.
Nguyên Văn
Ảnh: Nguyễn Thắng
Ý kiến
()