Chúng ta

FPT đào tạo nâng cao năng lực truyền thông thời đại số

Thứ năm, 7/11/2019 | 11:38 GMT+7

Khoá đào tạo kéo dài 4 ngày tập trung giải quyết 4 vấn đề chính về xây dựng chiến lược thương hiệu, quản trị khủng hoảng, truyền thông tích hợp và quản lý bên thứ ba.

Với mong muốn đội ngũ ngày càng chuyên nghiệp hóa, có cách sử dụng nhiều nguồn lực bên ngoài thực hiện các kế hoạch và chiến dịch truyền thông, Ban Truyền thông tập đoàn tổ chức khóa đào tạo nhằm hệ thống hóa lại các kiến thức nền tảng về thương hiệu. Khoá học mang tên “Nâng cao năng lực truyền thông thời đại số”, diễn ra tại toà nhà FPT Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Thời gian đào tạo kéo dài 4 ngày (4-5/10, 11/10 và 6/11).

Khoá học giúp lãnh đạo, quản lý truyền thông trong FPT nắm vững cách xây dựng chiến lược thương hiệu, truyền thông và từ đó chỉ đạo việc xây dựng các kế hoạch truyền thông hàng năm; xây dựng chiến lược truyền thông tích hợp… Nội dung đào tạo xoay quanh 4 vấn đề chính: Xây dựng chiến lược thuơng hiệu và truyền thông; Quản trị khủng hoảng; Chiến lược và kế hoạch truyền thông tích hợp; Phương pháp xây dựng bộ máy truyền thông, quản lý bên thứ ba và đưa ra yêu cầu cho agency (đối tác).

da-o-ta-o-TT-FPT-2-8655-1573054603.jpg

26 học viên là các Giám đốc/ trưởng ban truyền thông tại các đơn vị trong FPT tham gia khoá đào tạo. Ảnh: Quốc Phú.

Hai giảng viên đào tạo khoá học là anh Lại Tiến Mạnh - Nhà sáng lập MiBrand Việt Nam và anh Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch MVV Academy. Anh Lại Tiến Mạnh có trên 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chiến lược marketing và thương hiệu. Các khách hàng của anh thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng như: BIDV, Mobifone, Petrovietnam Gas, Sun Group, HDBank, PVCombank, Trần Anh, Sovico, MB, VPBank, Komatsu, California Fitness, SCG… Anh tham gia xây dựng và thực hiện các hoạt động tiếp thị cho Coca-Cola và Shell Royal Dutch trong những năm đầu tiên thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Sơn, Thạc sĩ Báo chí Quốc tế năm 1994, ĐH Quan hệ Quốc tế Moscow (Liên Bang Nga), là cố vấn về phát triển thương hiệu và chiến lược truyền thông cho các thương hiệu hàng đầu của Việt Nam như Sovico Group, Vietnam Airlines, Vinamilk, VNG... Kinh nghiệm làm việc của anh trải dài trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản (Vin Group, Sun Group, Novaland…), công nghiệp nặng (Boeing, GE) đến công nghệ - viễn thông (Yahoo! Western Digital, Beeline)...

da-o-ta-o-TT-FPt-4935-1573054603.jpg

Các học viên nhận bằng tốt nghiệp khoá đào tạo "Nâng cao năng lực truyền thông thời đại số". Ảnh: Quốc Phú.

Trong khóa học, anh Tiến Mạnh phụ trách giảng dạy chủ đề xây dựng chiến lược thương hiệu và truyền thông. 3 chủ đề còn lại liên quan: Quản trị khủng hoảng; Xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông tích hợp; Phương pháp xây dựng bộ máy truyền thông, quản lý bên thứ ba và đưa ra yêu cầu cho agency (đối tác) do anh Thanh Sơn đào tạo với thời lượng 3 ngày.

Theo anh Sơn, với câu chuyện truyền thông dù nội bộ hay bên ngoài, quan trọng là tập trung giải quyết được vấn đề. Tuỳ thuộc các vấn đề dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn để người xây dựng chiến lược có biện pháp xử lý. Qua thời gian đào tạo, anh nhận thấy, câu chuyện truyền thông ở FPT đều chưa xác định được rõ mục đích, do vậy người xây dựng kế hoạch cần có phương hướng thay đổi, tìm kiếm vấn đề tồn tại và giải quyết. Việc tìm kiếm có thể thông qua nhiều con đường: phỏng vấn sâu, khảo sát, phân khúc các nhóm đối tượng để xác định sự tập trung.

Chị Phùng Thu Trang, Trưởng Ban Truyền thông FPT Telecom, chia sẻ, chị thực sự tâm đắc với chủ đề xác định và xây dựng chiến lược thương hiệu. Bài giảng được thiết kế gắn với thực tiễn của FPT và các CTTV. Tại đây, chị nhìn thấy nhiều điểm yếu/mạnh trong câu chuyện thương hiệu của FPT, từ đó có phương hướng mới cho con đường tạo dựng tên tuổi cho nhà Viễn thông FPT.

Bên cạnh đó, chị Trang mong muốn, ở những khóa học tiếp theo, tập đoàn sẽ tập trung vào từng chủ đề để đào tạo thay vì nhiều module trong một lần. Ví dụ với chủ đề “quản trị khủng hoảng” có thể gộp các CTTV như FPT Retail, FPT Education và FPT Telecom để đào tạo chuyên sâu hơn.

Hà Trần

Ý kiến

()